Số một và zero
Nhà toán học Ả Rập vĩ đại Al Khawarizmi khi được hỏi về giá trị của con người, ông đã trả lời:
“Nền tảng con người là đạo đức. Nếu có đạo đức, thì giá trị của bạn là 1.
Nếu cũng thông minh, thêm một số 0 và giá trị của bạn sẽ là 10.
Nếu cũng giàu có, thêm một số 0 nữa và giá trị của bạn sẽ là 100.
Nếu trên tất cả bạn lại còn xinh đẹp, lại thêm một số 0 và giá trị tổng sẽ là 1000.
Nhưng nếu bạn bị mất số 1, tương ứng với mất đạo đức, bạn sẽ mất tất cả giá trị và giá trị của bạn chỉ còn là số 0”.♦
Chân lý: Nhỏ và lớn

1. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng biết níu giữ là khôn ngoan. Nhưng khi lớn lên, ta mới nhận ra rằng biết buông bỏ mới là trí tuệ.
2. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng người giàu có là người lấy về rất nhiều. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng người giàu có là người cho đi rất lớn.
3. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng mạnh mẽ là vượt qua người khác. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng mạnh mẽ là vượt qua chính mình.
4. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng kẻ nói nhiều là kẻ thông minh. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng người biết lắng nghe mới là người thông thái.
5. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng nếu ta thắng phải có người thua. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng đến nơi là mọi người cùng thắng.
6. Khi còn nhỏ, ta thường muốn sống thật lâu. Nhưng khi lớn lên, ta muốn sống sao cho có ý nghĩa với cuộc đời.
7. Khi còn nhỏ, ta thường muốn người khác chấp nhận mình. Nhưng khi lớn lên, ta nhận ra rằng chỉ cần mình chấp nhận mình là đủ.
8. Khi còn nhỏ, ta mong muốn thay đổi cả thế giới. Nhưng khi lớn lên, ta mong muốn thay đổi chỉ bản thân mình mà thôi.
9. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng khi trưởng thành, ta sẽ không còn bị tổn thương. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng, trưởng thành là biết điều chỉnh tiếng khóc về chế độ im lặng.
10. Và khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng có tiền sẽ có tình yêu, có vật chất người ta sẽ quý… Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng khi lương thiện bạn sẽ có mọi trái tim.♦
XIN ĐỌC LẠI
Tạp chí Hồn Việt số 151 (tháng 9-2020), trang 45, cột 1, xin đọc lại đầy đủ câu thơ của Verlaine:
Il pleure dans mon cœur
Comme il pleut sur la ville
(Mưa rơi trên thành phố
Như khóc trong lòng tôi).
.png)
Trên quê hương
quan họ...
♦ HOÀNG THIẾU PHỦ
“Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín”
(GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch
thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương,
lưu ý về chất lượng cán bộ đảng viên)
Trên quê hương quan họ
Những chiếc ghế cũng mang họ ông quan
Cha truyền nối con
Con làm vua, cha làm Thượng hoàng
Tình tang tính tính tang tình tinh...
Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc
Qua lới nọ như bờ ao
Cậu Hai xinh tang tình là cậu Hai chiếm
Chiếm cái ghế nào... qua lới ngon cũng ngon.
Tùng cắc cắc... cắc cắc tùng tùng cắc...
Việc “quan - họ” đêm hôm khuya khoắt
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ vua
Bao nhiêu đại sự quốc gia
Nào là quốc kế, nào là dân sinh
Đang chờ cậu Hai cử nhân(1)
Ngồi xạc cờ vua giải quyết
Chỉ cần mở túi khôn Kasparov(2)
Chuyện khó mấy cũng thành dễ ợt
Mần việc nước dễ như ăn ớt!
Chess! Chess! Chess! Chess!(3)
Gọi tướng sĩ dàn ra cho hết
Nào Ngựa, Xe, Pháo,Tốt xông lên
Hậu cung, Tấm, Cám, Ôsin
Đôi con mắt phú mấy lim dim...
Lim dim ố mấy đi tìm
Mỗi người một ghế chi nhường cho ai
Xem ra: “Chẳng có gì sai”
Đều “đúng quy định” cờ người cờ vua
Ví dầu có bị thanh tra
Trên bưng dưới bịt, ắt là qua truông
Tình bằng có cái trống cơm...
(1) Tức ông Nguyễn Nhân Chinh - nguyên Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, có bằng cử nhân tại chức chuyên ngành Cờ Vua của Đại học Thể dục Thể thao. Ông Chinh là con trai ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.
(2) Garry Kasparov - siêu đại kiện tướng cờ Vua từ thời Liên Xô.
(3) Chiếu tướng! (ngôn ngữ cờ Vua).
|
Tham nhũng
và lãng phí
♦ NGUYỄN ĐÌNH QUẢNG
Tham nhũng và lãng phí
Như dạng bình thông nhau
Như song sinh một cặp
Như mặt ngựa, đầu trâu
Như hình đi với bóng
Như loài rắn hai đầu
Dựa vào nhau tồn tại
Như tăng thêm phép màu
Khiến kinh tế bại hoại
Khiến quỷ khốc, thần sầu!
Giờ trên quyết tróc nã
Hỏi các người chạy đâu?!
|