Thơ Bằng Việt những năm 60-70 của thế kỷ trước, hồi anh ngoài 20 mươi, quả có đưa vào thơ Việt một giọng mới: tươi trẻ mà thông tuệ, yêu đời mà nghĩ ngợi… Thế hệ anh là hoa trái của một tầng văn hóa mới: Văn hóa Nga vào hồn Việt. Sau này, Bằng Việt còn đi xa hơn: anh đến với cả văn hóa Pháp, anh làm thơ tình bằng tiếng Pháp…
Được như thế đã là quá quý rồi, và nếu nhìn lại cả một đời thơ anh, ta sẽ thấy tầm vóc thơ anh, phong cốt thơ anh, và một chỗ đứng rất riêng trong thơ. Gần đây, trong những biến động liên hồi của thời cuộc, của thế sự… thơ Bằng Việt càng “đời” hơn, nghĩ suy hơn… Không còn chất tươi trẻ, những suy tư non tơ, những tình cảm dạt dào. “Hồn anh đã chín” không phải qua “mấy mùa thương đau”, mà cuộc đời nó vậy. Sự từng trải đi kèm tuổi tác nó làm thơ đổi khác. Quan niệm về thơ của anh, cũng rất xác đáng.
Tôi đọc lại thơ Bằng Việt, cả thơ anh dịch rất hay; như sống lại một thời với bao ước vọng. Ước vọng ấy không có lỗi. Nó vẫn quyến rũ, thân thương trong những câu thơ tài hoa, tinh tế, mong manh hồn một chàng trai Hà Nội… Bây giờ, người làm thơ và người đọc thơ, qua bao tháng năm, biến đổi, nhận ra Pautốpxki đã chết rồi, những mơ mộng khác xưa rồi và thơ cũng phải khác…
Nhưng dù có giễu cợt những mộng mơ thơ mộng ấy; ngày xưa ấy vẫn còn và làm sao dứt nó ra khỏi những kỷ niệm “rất trong – như niềm vui tháng Sáu”?
MAI QUỐC LIÊN