Không ít người trong chúng ta mắc chứng khó ngủ. Lý do thì nhiều: Vì không hài lòng với kết quả học tập, công tác; vì vấp váp trong tình yêu; vì thất bại liên tiếp trong cuộc đời… Với họ, hy vọng chinh phục “hội chứng” trên chính là những bí mật về giấc ngủ, mà nhóm các nhà khoa học Mỹ vừa công bố sau 30 năm nghiên cứu.
Thời cơ cần ngủ
Bí quyết của những người ban đêm ngủ ít, ban ngày làm việc có năng suất cực cao ẩn giấu ở chỗ: họ chọn đúng thời cơ cần ngủ – những lúc năng lực của cơ thể rơi vào điểm giảm sút. Họ thường chợp mắt, có khi chỉ vài ba phút, bất cứ ở đâu: tại phòng họp lớn, trong xe buýt, trên bàn làm việc… Khai thác bí quyết này, trong các chính trị gia, có Tổng thống Mỹ Clinton, Thủ tướng Đức Kohl và Tổng thống Ba Lan Walesa.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Thực tế cho thấy: số đông người, ngoài giấc ngủ chính, có nhu cầu vài ba giấc ngủ ngắn. Vì vậy, cho dù giấc ngủ đêm là quan trọng nhất song không có nghĩa phải kéo dài 8 tiếng. Yếu tố “cần và đủ” là chọn thời điểm hợp lý và chỉ cần 5 – 6 tiếng, thậm chí 4 tiếng. Sau đó, phụ thuộc vào nhu cầu từng người, có thể chợp mắt 2 – 3 lần trong ngày. Tiến sĩ John Sculley, cựu giám đốc điều hành hãng sản xuất máy tính nổi tiếng Mỹ Apple, là một thí dụ điển hình áp dụng công thức trên. Ông nổi tiếng bởi thói quen “ngày ngủ vài ba giấc”. Chính nhờ nếp sống như thế, Sculley có thể làm việc cật lực suốt cả ngày.
Nhịp điệu đồng hồ sinh học
Khả năng tích cực của cơ thể thay đổi trong thời gian một ngày, thế nên tốt nhất là sử dụng khoảnh khắc yếu nhất cho giấc ngủ. Cũng biết rằng, biểu hiện của quá trình đó là sự thay đổi thân nhiệt, áp huyết và mức độ hoócmôn. Song hành với nhật trình ấy, khả năng tập trung, cảm xúc và năng suất làm việc của cơ thể cũng biến đổi. Yếu tố quyết định tất cả là “đồng hồ sinh học” và giấc ngủ.
Nhu cầu cao nhất cho ngủ là khoảng giữa 1 giờ đêm và 3 giờ sáng. Thân nhiệt hạ nhiều nhất (xuống 36 – 36,5 độ C) vào lúc này. Áp huyết cũng hạ tối đa. Cơ thể nằm trong trạng thái nghỉ ngơi chứ không phải để làm việc. Chính bởi thế thời gian này là đỉnh cao các tai nạn giao thông. Thân nhiệt và áp huyết chỉ bắt đầu tăng dần vào lúc 6 giờ sáng. Mức hoócmôn sinh dục cũng tăng suốt 2 giờ tiếp theo, thế nên yêu đương buổi sáng bao giờ cũng nhiều hưng phấn nhất.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Đến 12 giờ trưa khả năng tích cực của cơ thể nói chung tiếp tục tăng. Với người ốm, đây là thời gian cơ thể hấp thụ tốt nhất. Cơ thể lại rơi vào điểm yếu quãng 1 giờ trưa. Giấc ngủ này cũng đóng vai trò tương tự giấc ngủ đêm. Trái lại, 3 giờ chiều là lúc cơ thể có khả năng chịu đau tốt nhất. Đây là thời điểm lý tưởng để thực hiện những việc như đến bác sĩ nhổ răng. Quãng giữa 2 giờ chiều và 6 giờ chiều là thời điểm làm việc năng suất cao nhất, cơ thể có phong độ tốt nhất. Đây là thời gian mà các nhà thể thao thường phá kỷ lục của chính mình. Trái lại, 7 giờ tối là lúc lá gan chống rượu tốt nhất. Rồi thân nhiệt lại bắt đầu chu trình hạ dần đến giấc ngủ đêm.
Ngủ gật thay vì hút thuốc hoặc uống cà phê
Đó là lời khuyên của các nhà khoa học những lúc chúng ta buồn ngủ “trái bữa”. Trong thời điểm thích hợp chỉ cần chợp mắt vài ba phút. Để chứng minh tính đúng đắn của lời khuyên trên, tiến sĩ sinh lý học Claudio Stampi ở Viện sinh lý học Massachusetts (Mỹ) đã dẫn phương pháp mà nhà bác học kiêm danh họa lỗi lạc Leonardo da Vinci từng áp dụng. Cứ 4 giờ ông lại làm một giấc ngủ ngắn (không quá 15 phút), thậm chí cả ban đêm. Bằng cách này, nhà bác học đã dành thêm ngót 20 năm thời gian cho công việc sáng tạo của mình. Nhưng không phải ai cũng đủ sức làm việc với tốc độ như vậy và không bắt buộc hành động như thế. Đó chỉ là thí dụ khẳng định thực tế: con người không bắt buộc phải duy trì một giấc ngủ dài 8 – 9 tiếng mỗi ngày (Leonardo da Vinci thọ 67 tuổi).
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Các bác sĩ lo ngại nhiều về “dịch thiếu ngủ” đang có xu hướng gia tăng trên thế giới. Tại các quốc gia công nghiệp phát triển, trung bình cứ 4 người có 1 là nạn nhân của chứng mất ngủ. Vì vậy, thông tin rộng rãi những kiến thức chưa biết về giấc ngủ là việc làm tối quan trọng.
(Theo Nauka)