Để biết thêm về tác giả bài thơ chữ “nhẫn”

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, đại gia đình Tử An tiên sinh có tản cư về vùng Mỹ Đức - Hà Đông quê tôi và ở ngay trong nhà cha tôi. Hàng ngày, từ khoảng năm 1947-1949, con cháu đại gia đình hai bên đều được cụ cử Trần Lê Nhân dạy học chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Tôi may mắn được làm học trò Thầy từ đó.

Cụ cử Tử An Trần Lê Nhân (1888-1975) người làng gốm sứ Bát Tràng, từng làm quan đốc học tỉnh Hưng Yên; đồng soạn giả Cổ học tinh hoa; tác giả của nhiều bài thơ Nôm rất hay. Vốn là bạn học thân thiết với cha tôi, cùng làm quan, và sau đó trở thành thông gia… nên tôi có dịp tiếp xúc với ông khi còn rất nhỏ.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, đại gia đình Tử An tiên sinh có tản cư về vùng Mỹ Đức - Hà Đông quê tôi và ở ngay trong nhà cha tôi. Hàng ngày, từ khoảng năm 1947-1949, con cháu đại gia đình hai bên đều được cụ cử Trần Lê Nhân dạy học chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Tôi may mắn được làm học trò Thầy từ đó.


Chữ Nhẫn.

Suốt cuộc đời, tôi cố gắng học và làm theo những điều thầy dạy và luôn thấy những lời thơ đó là “khuôn vàng thước ngọc” để tu dưỡng hàng ngày cũng như truyền bảo cho con cháu mai sau. Tôi xin ghi lại ba bài thơ Nôm của thầy tôi.

NHẪN

Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để chớ tàn hại nhau.

NHƯỜNG

Đường đời dễ cũng nên nhường
Nhường người một bước rộng đường ta đi
Xem ra cũng chẳng thiệt gì
Lại còn hơn được kẻ vì người yêu.

ĐẠO VỢ CHỒNG

Giữ cho nhau mạnh, nhau lành
Ở cho nhau được tâm tình yên vui
Gây cho nhau phẩm cách người
Làm cho nhau được để đời tiếng thơm.

Thầy tôi thường dùng những câu trong Danh ngôn - Danh lý của các bậc hiền minh để dạy học trò hiểu rõ thêm các tầng nghĩa, câu chữ trong bài thơ của thầy. Khi giảng về chữ “nhẫn”, thầy đã lấy lời của Hoàng Thạch Công để dẫn dắt:

Không gì giỏi bằng hay bàn
Không gì yên bằng hay nhẫn (thản nhiên)
Không gì hơn bằng người có đức
Không gì sướng thân bằng làm lành.

Thầy tôi còn dạy: Phải gồng mình lên để nhẫn, vẫn ẩn ức trong lòng mà nhẫn… thì làm sao nhẫn cho được. Cho nên, theo thiển ý của tôi, “nhẫn” ngoài nghĩa nhẫn nhịn, chịu đựng; còn có nghĩa thản nhiên.

NGUYỄN MINH TUẤN