Để hiểu thêm về An cung Ngưu hoàng hoàn

Gần đây, nhân phát hiện An cung Ngưu hoàng hoàn có độc, các nhà chuyên môn đã lên tiếng khá nhiều, mặc dù loại thuốc này đã được dùng từ lâu với nhu cầu phòng và chữa đột quỵ. Sự thật ra sao?

Ở đây chúng tôi xin cung cấp thêm một số điểm như sau:

Nguồn gốc: phương thuốc này thuộc Thượng tiêu thiên trong tác phẩm Ôn bệnh điều biện của Ngô Cúc Thông biên soạn vào khoảng năm 1798, sau khi đã tham hợp học thuật và kinh nghiệm của các y gia phái Ôn bệnh học đời Minh Thanh. Cũng phải mở ngoặc nói rõ: ôn bệnh là tên gọi chung về bệnh ngoại cảm cấp tính thiên về nhiệt, nghĩa là có sốt cao và diễn biến nhanh.

Thành phần: Ngưu hoàng, Uất kim, Tê giác, Hoàng liên, Chu sa, Chi tử, Hùng hoàng, Hoàng cầm: mỗi vị 1 lượng; Trân châu 5 chỉ; Băng phiến, Xạ hương: mỗi vị 2,5 chỉ. Lấy mật làm hoàn, mỗi hoàn 1 chỉ, dùng vàng áo bên ngoài (nay không còn dùng nữa).

Liều dùng: Mỗi lần dùng 1 hoàn. Người khỏe có thể dùng 2 lần/ngày. Trẻ con 0,5 hoàn/ngày, nếu chưa chuyển biến tăng thêm 0,5 hoàn. Người có mạch hư uống với nước sắc Nhân sâm, người khỏe uống với nước sắc Kim ngân hoa, Bạc hà.

Công năng: thanh nhiệt giải độc, tiêu đàm khai khiếu.

Chủ trị: bệnh ôn nhiệt, nhiệt tà hãm vào tâm bào, biểu hiện: sốt cao, bực dọc, lơ mơ, nói nhảm, lưỡi đỏ, mạch nhanh, trẻ con co giật do đàm bế bên trong.

Những vị có độc:

- Ngưu hoàng: sỏi ở túi mật bò. Vị đắng tính mát, vào tâm, can kinh. Tác dụng: thanh tâm khai khiếu, tiêu đàm định kinh, thanh nhiệt giải độc. Trị nhiệt bệnh sốt cao, lơ mơ, nói nhảm, co giật, phát cuồng, trẻ con kinh phong co rút. Người tì vị hư hàn và phụ nữ có thai không được dùng.

- Chu sa: là một loại đá màu đỏ. Vị ngọt, hơi hàn, có độc, vào Tâm kinh. Có tác dụng an thần, định kinh, sáng mắt, giải độc. Trị co giật, điên cuồng, hồi hộp, mất ngủ, ghẻ lở, yết hầu sưng đau. Dùng dưới dạng thủy phi, không được đốt trên lửa vì có thể chiết xuất ra thủy ngân rất độc. Không được uống liều cao và lâu ngày nhằm phòng trúng độc. Không có thực nhiệt thì không được dùng. Cẩn thận đối với người suy chức năng thận.

- Hùng hoàng: là một loại khoáng thạch có chứa thạch tín. Vị cay, tính ấm, có độc. Vào Tâm, Can kinh. Có tác dụng: ráo thấp, giải độc, sát trùng, nên thường dùng bôi ngoài, chữa ghẻ lở, mụn nhọt, rắn cắn; còn trị co giật, sốt rét, ho suyễn. Có thai cấm dùng. Không được dùng kéo dài vì sợ trúng độc. Dùng dưới dạng thủy phi, không được bào chế qua lửa.

Ngoài các vị có độc tính trên đây, các vị còn lại hầu hết đều có tính hàn như: Tê giác (bây giờ thay bằng Sừng trâu), Hoàng liên, Chi tử, Trân châu, Hoàng cầm, cũng bất lợi cho sự sinh hóa trong cơ thể. Như vậy, với một phương thuốc mà được kết hợp bởi những vị có tính hàn và có độc thì việc sử dụng tất nhiên phải do các thầy thuốc lành nghề và có kinh nghiệm, chứ không thể dễ dãi dùng một cách đại trà.

Sở dĩ phải trình bày rõ như vậy là do hiện nay người ta dùng thuốc này để chữa đột quỵ, thậm chí còn ở dạng thực phẩm chức năng và dùng cho cả trẻ con. Phải nhấn mạnh một điều là: dù có các triệu chứng đã nêu nhưng phải có nguyên nhân đàm nhiệt bế bên trong mới được dùng. Và qua đây cho thấy: chỉ phù hợp với thực chứng, nghĩa là bệnh cấp tính và ở người khỏe mạnh, đối với trẻ con cũng vậy. Đồng thời là liều dùng rất thấp và không dùng lâu. Như vậy, thuốc này không dễ dùng, chỉ thích hợp với một ít trường hợp nào đó thôi. Thế mà bây giờ lại mua để dành nhằm trị và phòng cơn nguy biến! Nếu tác giả bài thuốc ngồi dậy và nhìn thấy cảnh này chắc sẽ kêu trời không thấu!

Có lẽ có một ít trường hợp đã có hiệu quả sau khi dùng thuốc này, rồi tán tụng và mách cho nhau. Thật ra, bệnh chuyển biến tốt cũng do nhiều yếu tố: do cùng dùng nhiều loại thuốc, do cơ chế tự phục hồi, chăm sóc tốt v.v… Từ sự trùng hợp ấy rồi cho là thuốc này đã phát huy tác dụng có khi không hoàn toàn đúng.

Sau đây hãy nghe nhận xét của hai danh y Dụ Gia Ngôn (1585-1664) và Uông Ngang (1615-?) về Ngưu hoàng hoàn nhằm làm sáng tỏ việc phải cẩn trọng khi dùng loại thuốc này:

Dụ Gia Ngôn: Ngưu hoàng hoàn và Tô hợp hoàn chủ trị khác nhau: nhiệt gây nghẽn trở quan khiếu thì nên dùng Ngưu hoàng hoàn, còn hàn thì dùng Tô hợp hoàn. Nếu tay xòe miệng há, đái vãi là chứng chết, hãy gấp rút dùng Sâm - Phụ để tuấn bổ thì còn cơ may sống, chứ cho dùng Ngưu hoàng - Tô hợp sẽ chết ngay. (Ngưu hoàng hoàn là phương thuốc đã có từ lâu, Ngô Cúc Thông đã kết cấu lại thành phần khác và có tên An cung Ngưu hoàng hoàn).

Uông Ngang: Cơ bản các phương Ngưu hoàng hoàn đều đuổi phong hóa đàm, ninh tâm thông khiếu. Nếu tà trúng tạng phủ thì còn thỏa đáng chứ nếu trúng phủ trúng huyết mạch thì trái lại sẽ dẫn phong nhập cốt.

Qua trình bày trên, chúng ta nhận thấy rằng phải hết sức thận trọng khi sử dụng bất cứ một loại thuốc nào đó, cho dù loại thuốc ấy được ca ngợi hết lời nếu chưa tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn có kinh nghiệm và kiến thức sâu lẫn lương tâm.

 

_____

Tài liệu tham khảo:

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Đỗ Tất Lợi, NXB Khoa Học Kỹ Thuật 1986.

- Giản minh Trung từ điển, Nhân dân vệ sinh xuất bản xã 1995.

- Trung dược đại từ điển, Thượng Hải KHKT xuất bản xã 2003.

- Ôn bệnh điều biện, Ngô Cúc Thông, Trường Hưng thư cục xuất bản.

- Lôi Công bào chế dược tính phú, Trường Hưng xuất bản.

- Y phương tập giải, Uông Ngang, Hồ Nam KHKT xuất bản xã 1997.

Lương y VĂN ĐỨC THƯỜNG