Là một giáo viên về toán - lý, tôi về hưu đã mấy chục năm và hiện sống ở Phú Thọ. Không phải là nhà nghiên cứu, không là cán bộ chính trị, tôi muốn nói lên ý kiến của một trí thức trung bình thuộc thế hệ chúng tôi về hai nhân vật này.
Đầu những năm 30, tôi học trường Bưởi, nhà riêng ông Vĩnh xế cửa trường. Thường thường thấy: ông đi xe mô-tô (hồi đó người An Nam ít người có xe sang này) chạy phành phạch lướt qua: người to lớn, trông hiên ngang. Bọn học sinh chúng tôi phục lắm “yêng hùng”, làm báo tiếng Tây, không sợ Tây, công khai bênh vực cụ Phan Châu Trinh.
Về sau lớn lên, ra đời, có dịp tìm hiểu ông Vĩnh hơn, chúng tôi thấy ấn tượng thời niên thiếu về ông quả không sai. Ông là người có nhân cách: ngoài 20 tuổi, bỏ nghề công chức cho Tây, đi làm báo rồi làm nhà in và xuất bản, suốt đời sống độc lập không dựa vào bổng lộc thực dân, đến mức bị tịch thu tài sản, phải sang Lào tìm vàng, chết trên một chiếc thuyền độc mộc, tay còn cầm bút viết dở một thiên phóng sự. Ông đã công khai viết thư và viết báo yêu cầu thả cụ Phan Châu Trinh - ta còn nhớ đám tang cụ là dịp thực dân khủng bố thế nào.
Hai lần, ông từ chối Bắc đẩu bội tinh, danh hiệu cao quý nhất của Pháp. Ông là người có lý tưởng và thực hiện lý tưởng bằng mọi cách: Đế quốc Pháp mạnh quá, vũ trang đấu tranh không thể được (do đó, hồi trẻ, ông có bài phê phán chủ trương bạo động của cụ Phan Bội Châu), ta phải đấu tranh theo đường lối dân chủ tư sản kiểu cụ Phan Châu Trinh, nâng cao dân trí và tự lực kinh tế, nằm trong hệ thống thuộc địa nhưng đòi quyền công dân như mẫu quốc, bỏ hẳn chế độ Nam triều thối nát, đưa “Âu Tây tư tưởng” vào bằng con đường dịch thuật, lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện (điều mà cụ Cao Xuân Dục cũng chưa nhận ra).
Nhân nói đến Nguyễn Văn Vĩnh, không khỏi nhắc đến Phạm Quỳnh. Có lần, tôi nêu vấn đề này với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, thế hệ trên tôi, khi gặp ông ở Hà Nội. Ông nói: “Không thể xếp ông Quỳnh ngang ông Vĩnh được!”. Gần hai chục năm đã qua, tôi không còn nhớ lập luận này của ông Viện, nhưng theo tôi hiểu thì thế hệ ông Viện và trên nữa, nói chung không tán thành con người ông Quỳnh. Phải chăng trước hết về nhân cách?
Hai ông đều do trùm mật thám Louis Marty cử ra làm hai tờ tạp chí, nằm trong ý đồ của Pháp, nhưng ông Vĩnh sớm dứt ra làm riêng, còn ông Quỳnh tiếp tục làm Nam Phong với Louis Marty và cuối thời đó, viết bài ca tụng Louis Marty. Sau Nam Phong, ông làm quan hơn 10 năm ở Huế, suốt đời ăn bổng lộc thực dân, khác ông Vĩnh.
Các báo đương thời phê phán ông đi Pháp xin thực hiện Hiệp ước 1884, trả Bắc kỳ cho Nam triều để Bắc kỳ như Trung kỳ (là miền đói kém và thiếu dân chủ nhất). Hồi nhỏ đi học, chúng tôi nghe xưng hô “Bẩm quan lớn” đã trối tai, không hiểu sao ông Quỳnh muốn giữ lại chế độ quan lại lỗi thời, dù có quét được lớp sơn “lập hiến”.
Chủ trương của ông Quỳnh là đã không độc lập được thì giữ lấy “hồn nước”, giữ truyền thống cũ và học tập văn minh Pháp, để rồi các trí thức thượng lưu hai bên hiểu nhau và hai dân tộc cùng nhau ngang hàng tiến lên. Chủ trương quốc hồn, quốc túy gặp đúng chủ trương của Sarraut và Marty.
Vậy thì ông Quỳnh ngây thơ bị lừa hay ông lừa bọn chúng? Ông Vĩnh “đấu tranh” cho bình đẳng, dân chủ. Ông Quỳnh đề nghị (xin) bình đẳng cho thượng lưu trí thức, hai bên phải chăng là không tưởng? Còn tác dụng tích cực khách quan của Nam Phong, và một phần trước tác của ông Quỳnh và tài năng của ông thì vẫn cần phán xét cho công bằng.