LTS: Sau khi Hồn Việt số 45 (tháng 4/2011) đăng bài Bậc thầy thư pháp Vương Hy Chi và bài Lan Đình tập tự, có một số độc giả yêu thư pháp viết thư, gọi điện đến Ban biên tập, tỏ ý thích thú. Song có một vị độc giả là Nguyễn Duy Hiển (ở địa chỉ 38 phố Tân Minh, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ) đã không tán thành ý kiến của tác giả - nhà nghiên cứu Phạm Thị Hảo trong đoạn mở đầu, rằng tác giả nêu chi tiết Hoạn Thư cùng Thúc Sinh xem Kiều chép Kinh là không đúng, rằng lời khen Kiều viết chữ đẹp là của Thúc Sinh chứ không phải của Hoạn Thư. Ban biên tập và tác giả chân thành cảm ơn sự quan tâm và nhiệt tình trao đổi ý kiến đó. Dưới đây là ý kiến của tác giả Phạm Thị Hảo, xin có lời thưa lại như sau:
Đúng là trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, không có câu chữ nào nói cụ thể rằng Hoạn Thư cùng Thúc Sinh xem Kiều chép Kinh.
Nhưng tôi, vốn rất thích đặc điểm bút pháp “ý tại ngôn ngoại ”của thơ văn cổ nên hiểu đoạn thơ như thế này: Thúc Sinh nhân lúc Hoạn Thư đi thăm bên ngoại, lén đến với Kiều đang chép Kinh ở gác Quan Âm, hai người đang thở than chia sẻ với nhau bao đau buồn thương nhớ thì Hoạn Thư (vốn đến đã lâu, đã nghe thấy hết mọi điều) đột nhiên bước vào.
Thúc Sinh giật mình sợ hãi, song cố làm vẻ tự nhiên và khi bị hỏi thì nói dối là nhân đi ngắm hoa, ghé vào xem Kiều viết Kinh. Lúc ấy, trước mặt có bản Kinh đang viết thật nên chàng ta mới dám nói dối như vậy.
Rồi một người như Hoạn Thư, con nhà danh gia, có đọc sách, có biết thư pháp (thú chơi tao nhã phổ biến đương thời) ắt hẳn sẽ cầm bản chép lên xem, vì hứng thú cũng có, vì tò mò và tức khí cũng có, đã bật lời khen ngợi thật sự.
Vậy là Thúc Sinh, Hoạn Thư lần lượt có xem chữ viết của Kiều và lời khen chứng tỏ họ đều có sự cảm thụ nghệ thuật thư pháp, cùng có kiến thức về thư pháp:
Khen rằng bút pháp đã tinh So vào với Thiếp Lan Đình nào thua. |
Hai chữ đã và nào cũng nói rõ thêm điều đó.
Ý kiến thứ hai của ông Nguyễn Duy Hiển là lời khen này không phải của Hoạn Thư mà là của Thúc Sinh. Câu thơ không có chủ ngữ, song xét ngữ cảnh và tâm lý của nhân vật, chủ ngữ phải là Hoạn Thư mới đúng, mới hay, tính cách nhân vật này mới thật là đa dạng.
Tôi lại nghĩ đến thủ pháp “Đoạt thai hoán cốt” của Nguyễn Du nên mở lại cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ra xem, thì thấy ở trang 256 cuốn Kim Vân Kiều truyện do NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội xuất bản năm 1999 có viết rõ ràng là: “Hoạn Thư thi lễ với Thúc Sinh xong, giở những tờ kinh viết ra xem, rồi cười và nói: ‘Quả nhiên là viết tốt thật! Rõ ràng là Liễu cốt Nhan cân!’” (Liễu Công Quyền và Nhan Châu Khanh là hai người viết chữ đẹp nổi tiếng của Trung Quốc).
Thế là đã đủ rõ rồi nhé, thưa ông bạn yêu Truyện Kiều.
Một lần nữa, xin cảm ơn ông Nguyễn Duy Hiển đã có ý kiến trao đổi thú vị.

Vương Hy Chi do họa sĩ Tiền Tuyển (钱选) thời Nguyên vẽ.
Tin liên quan: Không có chuyện Hoạn Thư cùng Thúc Sinh xem Kiều chép kinh.