Ý nghĩ đầu xuân

Nhân Tết Quý Tỵ 2013, ngày 5/2/2013, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã gặp mặt mừng Xuân một số văn nghệ sĩ. Sau đây xin lược ghi lại một vài ý kiến của một số văn nghệ sĩ phát biểu trong cuộc gặp mặt.

* Vũ Tú Nam (Nhà văn, nguyên Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam):

pic

Đảng không phải là của riêng ai, nên chúng tôi luôn tự hào với những thành tích của Đảng trong một thế kỷ qua và đau với mỗi khuyết điểm của Đảng. Năm nay là năm Tỵ, năm Rắn, chuột tham nhũng rất sợ Rắn, nên năm nay chúng ta hy vọng vào công cuộc chống tham nhũng. Mong muốn với quyết tâm của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân (hãy tiếp xúc với người bán nước, người lái xe ôm, người lái taxi sẽ thấy họ đang sôi sục vì tham nhũng). Xin kính chúc Bộ Chính trị, Ban Bí thư sức khỏe, tỉnh táo, minh mẫn, quyết tâm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.





* Doãn Nho (Nhạc sĩ):

pic

Cái hồn thiêng là rất cần thiết cho văn nghệ. Có hồn thiêng mới ra được bài hát đi vào lòng người. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên (của dân tộc), tiếng trống đồng đã vang lên, rồi cả tiếng trống Xô Viết Nghệ Tĩnh, tiếng súng chống Pháp, chống Mỹ. Cộng các ca khúc lại, là một bộ sử thi bằng những âm thanh của kháng chiến.

Hồn thiêng bắt nghề chúng tôi phải có Đảng trong lòng chúng tôi. Nhắc đến Đảng là nhắc đến sự sáng trong và thiêng liêng. Từ bàn tay trắng chúng ta có các ca khúc cách mạng sừng sững. Và có một quả đồi: khí nhạc. Khí nhạc là 100% âm nhạc, và thế giới nhìn vào đấy. Nhìn về phía trước, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Thời này hòa bình, anh hùng không dễ…





* Cao Duy Sơn (Đạo diễn):

pic

Ra được tác phẩm trong tình hình hiện nay đối với anh em văn nghệ sĩ là khó, đối với anh em văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số còn khó gấp nhiều lần. Mong Đảng, Nhà nước quan tâm anh em văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số.








* Vũ Hạnh (Nhà văn):

pic

Ở Nga có Ủy ban chống sự xuyên tạc lịch sử, vu khống nhân vật lịch sử, xuyên tạc Cách mạng và chiến tranh vệ quốc… Ta nên nghiên cứu, Tổng thống Nga Metvêđép có nói: hiện nay nhóm xuyên tạc lịch sử trở nên suy đồi, hung hăng hơn; giải thích lại lịch sử một cách sai lầm, nguy hiểm. Ở những mức độ khác nhau, ta có thể lơ là, nhưng kẻ địch thì không.

Ngày xưa ở miền Nam tôi thấy đội ngũ những người do Mỹ đào tạo rất bài bản nhưng họ lại không dùng tiếng Mỹ như ngày nay. Ngày nay dùng loạn tiếng Mỹ trên đường phố, trên TV, trên đài phát thanh… Phải học Bác Hồ về dùng tiếng Việt thuần túy, trong sáng, Bác nói phòng cháy chữa cháy chứ không nói phòng hỏa cứu hỏa. Ta không nên để mặc nhiên cho sự xâm nhập văn hóa ngoại lai mất gốc và lấy đó làm điều hãnh diện.

700 tờ báo ngày nay phục vụ cho thị dân, chìu theo thị hiếu thị dân, chứ không về được nông thôn, nông dân. Sau năm 1975, ta phục hồi cái xấu về văn hóa nhiều hơn sau 1945 ta đã xóa.




* NSND Lê Khanh (Diễn viên):

pic

Lần đầu tiên tôi tham dự cuộc gặp mặt, tôi rất xúc động. Đảng và Nhà nước đang từng ngày từng giờ đối diện với những vấn đề của kinh tế, chính trị, lại dùng thời gian ít ỏi của mình gặp văn nghệ sĩ. Bạn bè tôi bảo đây là cơ hội để chia sẻ.

Từ xưa đến nay, giới Văn học Nghệ thuật đã góp phần vào chiến thắng và làm nên chiến công vang dội, để cho đất nước đến được ngày hôm nay.

Chúng tôi mong có được sự đầu tư thích đáng. Trước kia tiếng hát át tiếng bom, bài hát làm nên niềm kiêu hãnh. 20 năm nay, Văn học Nghệ thuật không phát huy được sức mạnh của tính chiến đấu – sức mạnh chiến đấu, kêu gọi, dự báo, phát huy hào kiệt của đất nước, không còn tính chuyên nghiệp mà nghiệp dư rất nhiều.

Đầu tư không phải là tiền mà trí, lực; đầu tư cho Giáo dục và Đào tạo. Bây giờ 5 tiết giảng dạy mỗi tiết được 35.000đ. Chế độ đãi ngộ văn nghệ sĩ: gia đình tôi 5 người, 2 Nghệ sĩ nhân dân, 2 Nghệ sĩ ưu tú, nhưng không có (đãi ngộ) gì đáng kể. (Tôi ăn lương) diễn viên hạng 3 (4.06). Nó không làm nên tư thế, mà làm tôi không tự tin. Tại sao không còn chuyên nghiệp, đấy như vậy đấy. Văn nghệ sĩ phải bươn chải, không còn sáng tạo. Khó vận động các văn nghệ sĩ vào trường giảng dạy, không đủ tiền đi lại, không thể có đội ngũ kế cận. Giáo dục – Đào tạo vô cùng khó khăn… Không có gì để sinh viên thực tập, sáng tạo. Gần đây, Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch đi thực thực tế ở các nhà hát ở Hà Nội. Báo hiệu sẽ có sự quan tâm trong tương lai chăng?

Cuối cùng, xin mượn ý của hai nhân vật trong tác phẩm lớn, kinh điển của sân khấu. Trong Vũ Như Tô (của Nguyễn Huy Tưởng), Đan Thiềm khuyến khích Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài, lấy tài năng cống hiến cho non sông: “Ông có tài, tài ấy phải đem công hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây (…). Ông cứ xây lấy một tòa lâu đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông thì còn để lại muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nhất nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông và nhớ ơn ông mãi mãi…”.

Trong Rừng trúc (của Nguyễn Đình Thi), Lý Chiêu Hoàng nói với Trần Thủ Độ: “Việc nước là lớn nhất nhưng việc giữa người với người không thể nhỏ hơn”.


* GS Nguyễn Văn Hạnh:

pic

Văn nghệ sĩ cần Đảng nhưng Đảng còn cần văn nghệ sĩ hơn.

Chống tham nhũng là phần nổi, phầm chìm còn quan trọng hơn. Dân ủng hộ để đem lại sự yên bình – Đảng và Dân là 2, làm sao Đảng gắn với Dân. Đảng với Đất nước là 1 mà 2. Có những vấn đề cực kỳ phức tạp. Các đồng chí lãnh đạo gặp nhiều khó khăn hơn trước nhiều. Bây giờ rất khó khăn, khó khăn toàn diện.

Tin rằng dân tộc rất thông minh, cực kỳ nhạy cảm, trọng tính dân tộc, nghệ sĩ yêu nước…, làm sao giải quyết tốt các vấn đề hiện nay.



* NSND Huy Thành (Đạo diễn):

pic

Anh em bảo tôi phải nói, không thì “chém”! Tôi mong rồi đây Ban Bí thư phải làm việc với từng Hội chuyên ngành thì mới giải quyết được.

Vũ Lệ Quyên (ghi)