190 Công Lý - một địa chỉ văn nghệ thân quen

Đó là một tòa nhà cao sáu tầng, trên nóc có cả chỗ đậu cho máy bay trực thăng, nằm ở quận 3, khu trung tâm thành phố. Nơi ấy, sau 30/4/1975 trở thành Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam. Là nơi làm việc đầu tiên của tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng, và là nơi ở của các nhà văn phía Nam.

Ở đó, trong không khí vui vẻ, đoàn tụ sau giải phóng đã từng tiếp đón các nhà văn: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Chu Văn…, các nhà thơ: Xuân Diệu, Huy Cận, Phạm Hổ, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Tiến Duật… Còn nhà thơ Chế Lan Viên, các nhà văn Kim Lân, Võ Huy Tâm, Nguyễn Kiên, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Trọng Hứa, vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh từng ở chung các phòng với anh em nhà văn phía Nam trong tòa nhà này. Sau giải phóng, 190 Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đúng là “Tụ Nghĩa Đường” của giới văn nghệ.

Ngày giải phóng Sài Gòn, tôi đang được cử đi công tác phối hợp bên Cục Chính trị Quân giải phóng, nên theo các anh bên đó về tiếp quản Cục Tâm lý chiến quân đội Sài Gòn ở 2 ter Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Sau đó, nghe bên Văn Nghệ Giải Phóng đã về hết bên 190 Công Lý, các anh cho xe chở tôi về bên đó.

Chiều 2/5/1975 xe chở tôi đi giữa thành phố nhộn nhịp mới giải phóng, tôi cảm thấy người cứ lâng lâng, thật sung sướng và thú vị. Có lẽ chỉ những người mới ở trong rừng ra mới có được cảm xúc như tôi. Đến ngã tư Công Lý - Phan Đình Phùng (nay là ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu) còn thấy một chiếc tăng M4, nằm chình ình, nòng pháo cụp hẳn xuống.

Xe vừa tới cổng 190 Công Lý, tôi gặp một cảnh đẹp đến nao lòng: Nhà thơ Diệp Minh Tuyền cùng vợ là chị Huỳnh Bửu Lan đang đẩy xe nôi cháu gái đầu lòng ra cổng.

Thấy tôi, Diệp Minh Tuyền mừng quá, la thật lớn:

- A, tưởng ông đi luôn bển rồi. Thôi, lên nhận phòng đi rồi nói chuyện sau.

- Phòng nào? - Tôi ngần ngừ hỏi.

Diệp Minh Tuyền đưa xe nôi cho vợ, dắt tôi đi chỉ giáp một vòng: “Tầng dưới là bộ phận quản trị ở. Các anh em mình ở hết tầng một, tầng hai. Tầng ba chỉ mới có gia đình ông Lý Văn Sâm ở. Ba tầng trên còn bỏ trống. Ông lên tầng ba ở, làm láng giềng với ông Hai Lý đi”.


Đường Công Lý nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa , Q.3.
Ảnh: Minh Đức.

Thấy tôi còn ngần ngừ, cứ ngước mãi lên nhìn tòa nhà sáu tầng lầu, Tuyền lại vỗ vai tôi cười: “Ngon quá phải không. Giờ là của mình rồi đó”. Tôi gật gù tán thưởng: “Đúng, sang quá. Sao mình có được vậy?”. Tuyền lại cười khô khố, thoải mái: “Ông đi được vài bữa thì có lệnh xuống đường. Sáng 1/5/1975, ông Lưu Hữu Phước cho người ra bến xe Tây Ninh đưa cả đoàn xe đò về đón tất cả về Sài Gòn.

Trưa về tới ngã tư này - Tuyền giơ tay chỉ ra ngã tư có chiếc tăng còn nằm chình ình - bên Bộ Thông tin Văn hóa về tiếp quản Bộ Thông tin Chiêu hồi. Còn cánh văn nghệ tụi mình đang phân vân chưa biết về đâu. Ngước lên nhìn thấy có tòa nhà cao quá, đếm được tới sáu tầng ở sát bên cạnh. Mình hỏi mấy em nhỏ đang tò mò đứng ngó xem đoàn người từ rừng về, các em bảo đó là tòa nhà của Mỹ ở.

Mình quay lại nói luôn với mấy cậu bảo vệ: Mỹ ở thì giờ ta vô tiếp thu. Bọn mình bước tới, xô cửa vô chỉ thấy có ba cậu lính đang chụm lửa nấu bi đông nước ở giữa nhà. Mình bước lại hỏi: “Các đồng chí ở đơn vị nào?”. Có lẽ thấy mình đeo súng ngắn, một cậu đứng lên dõng dạc: “Báo cáo thủ trưởng, chúng em ở Sư 7”. Mình quay lại nói với mấy chú bảo vệ cơ quan đang vác súng đi theo: “Vậy là ta có thể tiếp quản được rồi” và quay sang mấy cậu lính Sư 7: “Thôi, cho các cậu về đơn vị, để chúng tôi tiếp quản tòa nhà này”. Ba cậu lính nghe nói được về đơn vị, thú quá vội dập ngay lửa đứng dậy, nghiêm trang: “Báo cáo thủ trưởng, chúng em hoàn thành nhiệm vụ”. Mình vội bắt tay từng cậu một “Rồi, cảm ơn, cho tôi gởi lời cảm ơn thủ trưởng đơn vị nhé”.

Tuyền kể xong, nháy mắt rất thú vị: “Đấy, ông coi, chỉ cần có lòng tin, khỏi cần thủ tục gì cho nhiêu khê, Hội Văn nghệ Giải phóng có tòa nhà vào loại “xịn” ở giữa đất Sài Gòn này đấy”.

THẠCH CƯƠNG