Ngày 6-5-1963, Văn phòng Phủ Tổng thống của chính quyền Ngô Đình Diệm gửi đến các tỉnh, thành trên toàn miền Nam bức công điện số 9195 phổ biến “chỉ thị của tổng thống” buộc “các cơ sở phụng tự (nhà thờ, chùa chiền v.v…) chỉ treo cờ quốc gia mà thôi… sự treo cờ, ảnh phía trong thì tùy nghi… các nhà tư cũng vậy”.
Rõ ràng công điện nói trên nhắm vào đại lễ Phật đản 2507 (sẽ diễn ra hai ngày sau đó) nên gặp phải sự phản kháng quyết liệt của phật tử. Tại Huế, theo thông lệ hằng năm, phật tử tụ tập trước Đài phát thanh trong tối Phật đản để nghe chương trình đặc biệt. Khi đài tuyên bố hủy bỏ chương trình, mọi người không chịu ra về. Ngô Đình Thục, Tổng giám mục Giáo phận Huế từ 24-11-1960, chỉ đạo giải tán. Thiếu tá Đặng Sỹ, Phó tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên phụ trách nội an, ra lệnh bắn. Binh sĩ của ông ta chĩa súng trực tiếp vào đám đông và ném ít nhất 15 quả lựu đạn. Hậu quả là một cuộc tắm máu: 9 người bị giết và 14 người bị thương. Hai trong số những người chết là em bé. “Họ bị bánh xích xe thiết giáp nghiến” – nhà nghiên cứu Seth Jacobs mô tả như vậy.
Tại lễ cầu siêu tổ chức tại chùa Từ Đàm (Huế) sáng ngày 10-5, năm nguyện vọng của phật tử được công bố:
1. Thu hồi vĩnh viễn Công điện số 9195.
2. Phật giáo được hưởng chế độ như Thiên Chúa giáo.
3. Chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố phật tử.
4. Để tăng ni, phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo.
5. Bồi thường xứng đáng cho những người vô tội bị giết oan và kẻ chủ mưu phải đền bồi đúng mức.
Nhân kỷ niệm lần thứ 50 sự kiện lịch sử ấy (1963-2013), chúng tôi xin giới thiệu một số tài liệu của các nhà nghiên cứu nước ngoài để chúng ta hiểu thêm vì sao một phong trào đấu tranh bằng phương pháp ôn hòa, bất bạo động nhưng, chỉ sáu tháng sau, đã quật nhào một chế độ độc tài phản động vô cùng tàn bạo.
“Cuộc nổi dậy có nguồn gốc xã hội”
Từ khi trở về nước sau bốn năm lưu vong (chủ yếu ở Mỹ), Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương, ngăn cản tổng tuyển cử tái thống nhất đất nước, tìm cách tiêu diệt những người yêu nước, thi hành chế độ độc tài gia đình trị. Hàng vạn người bị giết, bị tù đày. David Halberstam viết: “Nhiều nhà quan sát cảm thấy rằng bên trong [xã hội miền Nam] có nỗi bất an to lớn và sự bất mãn ngày càng tăng. Một vài nhà quan sát thấy rằng trong những năm gần đây, Chính phủ (…) ngày càng cô lập với dân chúng và ngày càng có tính chất đàn áp”.
Bất chấp các biện pháp phát xít của Diệm, ở nông thôn, nhân dân yêu nước đã nổi dậy, giải phóng nhiều vùng, giành một số chiến thắng vang dội như Tua Hai (Tây Ninh, 26-1-1960), Phước Vĩnh (Phước Thành, 18-9-1961), Ấp Bắc (Mỹ Tho, 2-1-1963). Ở đô thị, sự kìm kẹp của Diệm chặt chẽ hơn, nên – như một trí thức đã nói với Halberstam – người dân “không dám công khai phản đối về chính trị. Do đó họ bày tỏ ý kiến thông qua tôn giáo”. Vì vậy, như Halberstam nhận xét, “vụ Phật giáo bắt đầu như là một phản kháng mang tính tôn giáo với những mục tiêu ban đầu là tôn giáo”.
Thế nhưng, theo Joseph Buttinger, chẳng bao lâu sau, “phong trào không chỉ lớn mạnh mà ngày càng trở thành chính trị… Phong trào tiếp tục giành được sự ủng hộ của những người dân được thúc đẩy không phải bởi những động cơ tôn giáo mà bởi những động cơ chính trị”.
Bernard B. Fall lý giải: “Phật đản 2506 [đúng ra là 2507] ngày 8-5-1963 chỉ là tia lửa làm bùng cháy đống bùi nhùi gồm những thất vọng về chính trị và xã hội chồng chất mà [nhân dân] miền Nam Việt Nam phải chịu đựng trong gần mười năm qua”. Cách lý giải của nhà sử học Mỹ này được nhiều người khác đồng ý: “Đây không phải là cái gì xảy ra một cách thình lình trong mùa xuân năm 1963. Ngược lại, đây là điều đã được tích tụ dần dần hầu như từ ngày Diệm nắm quyền” (George A. Carver); “Cuộc khủng hoảng đã kết tinh thành nỗi bất mãn to lớn hơn, nỗi bất mãn tiềm tàng từ bấy lâu nay” (John Richardson)… Arthur M.Schlesinger kết luận: “Cuộc nổi dậy lấy cớ tôn giáo, nhưng có nguồn gốc xã hội và nhanh chóng có mục tiêu chính trị”.
Sau khi vụ thảm sát xảy ra, Diệm “đổ tội cho Việt Cộng, cho rằng một Việt Cộng đã ném lựu đạn vào đám đông. Không may cho Diệm, người đứng ngoài xem đã quay phim, cho thấy binh sĩ của Chính phủ đã bắn vào dân chúng” (S. Jacobs). Tuy vậy Diệm vẫn khăng khăng không nhận tội.
Ngô Đình Nhu và vợ là Trần Lệ Xuân còn đi xa hơn khi cáo buộc những người tham gia cuộc tranh đấu là “Việt Cộng nằm vùng” hay bị Việt Cộng giật dây.
Ngô Đình Cẩn muốn giải quyết mọi hậu quả, đề nghị Diệm trả cho gia đình những người bị giết một ít tiền. Diệm bác bỏ đề nghị đó, vì cho làm như vậy chẳng khác gì tự nhận tội. Diệm mỉa mai: “Chú em của tôi đã mất can đảm rồi” (S. Jacobs).
Ngô Đình Thục, người có uy quyền cao nhất trong nhà họ Ngô, bình luận: “Phong trào quần chúng bất quá như ngọn lửa rơm, bùng lên một chốc rồi tắt ngay, có chi mà sợ” (Cao Văn Luận).
Frederick E. Nolting, Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, được Jerrold Schecter mô tả là người “chưa hề đặt chân tới chùa bao giờ”, nên phản ứng của ông ta trước vụ Phật giáo bộc lộ cái mà Bộ trưởng Quốc phòng McNamara gọi là “sự ngu dốt một cách sâu xa về lịch sử, văn hóa và chính trị của người bản địa”. Sau lần gặp Diệm ngày 18-5 tại Dinh Độc Lập, Nolting cho rằng lập luận của Diệm là “khách quan, chính xác và công bằng”, rằng “cuộc khủng hoảng là một âm mưu của Việt Cộng”. Sau đó, ông còn tuyên bố với phóng viên báo New York Times: “Sau gần hai năm rưỡi [ở miền Nam], tôi không hề thấy bất cứ chứng cớ ngược đãi tôn giáo nào!” (New York Times, 1-8-1963).
Mặc dù Diệm không có một nhượng bộ nào đáng kể trước năm nguyện vọng của phật tử, nhưng “đối với Nolting, những nhượng bộ của Diệm như thế là đủ rồi” (S. Jacobs). Ông ta kết luận một cách lạc quan tếu: “Cuộc khủng hoảng trước mắt đã trôi qua”, sau đó cùng gia đình rời Sài Gòn ngày 23-5 để đi nghỉ mát trong vùng biển Aegean (Hy Lạp).
Nolting không phải là viên chức Mỹ duy nhất bênh vực Diệm trong vụ Phật giáo. Còn nhiều người khác, chẳng hạn như William Colby, người từng ở miền Nam sáu năm, trong đó có thời gian làm Giám đốc chi nhánh CIA ở Sài Gòn. Colby nhận định: “Cũng như bản thân Diệm và Nhu, tôi cho rằng các phật tử buộc tội họ kỳ thị tôn giáo là không đúng. Chính quyền của Diệm không hoàn toàn là của Thiên Chúa giáo. Và những người Phật giáo chỉ nhằm hạ uy thế của Diệm bằng cách leo thang trong việc liên tục nêu những yêu sách lẽ ra phải bác bỏ một cách cứng rắn”.
Ở bên kia Thái Bình Dương, Chính phủ Mỹ nghĩ như thế nào? Bradley S. O’Leary và Edward Lee viết: “Sự áp bức và bạo lực của Diệm chống người theo đạo Phật trong quá khứ – dưới cái nhìn của Washington – chỉ là một cuộc xung đột về văn hóa, chứ không phải là khủng hoảng theo những thước đo quốc tế. Vâng, Bộ Ngoại giao của Kennedy lệnh cho Diệm ngừng quấy nhiễu những người theo đạo Phật, nhưng ngay cả khi lệnh này không được thi hành (…), Kennedy vẫn không quá lo lắng về cái được xem là một cuộc cãi cọ phản văn hóa đơn lẻ”.
Trong khi đó, Diệm tiếp tục đàn áp những người tranh đấu. Seth Jacobs tường thuật một vụ điển hình: Ngày 3-6, khi 1.500 phật tử ở Huế “tập hợp tại cầu Bến Ngự để đi tới chùa Từ Đàm (ngôi chùa chính của Huế), thì quân đội Việt Nam Cộng hòa sáu lần dùng hơi cay và chó tấn công để giải tán, nhưng đám đông lại tập trung trở lại… Cuối cùng quân đội tưới một chất lỏng màu nâu đỏ lên đầu các phật tử đang cầu nguyện, khiến 67 người phải vào bệnh viện vì khó thở và phỏng. Vào nửa đêm hôm đó, Diệm đặt thành phố Huế trong tình trạng thiết quân luật, đồng thời ra lệnh giới nghiêm từ chiều tối đến sáng hôm sau”.
Bước ngoặt 11-6-1963
Trưa ngày 11-6, tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám), Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi xếp bằng trong tư thế kiết già, chắp tay trước ngực, miệng niệm Phật, rồi châm lửa tự thiêu trước sự chứng kiến của đông đảo tăng ni, phật tử.
Halberstam, ký giả báo New York Times, có mặt tại chỗ, kể lại: “Trong khi lửa cháy, ngài không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào. Sự điềm tĩnh thể hiện ra bên ngoài của ngài hoàn toàn tương phản với cảnh mọi người xung quanh ngài đang than khóc”. Malcolm Browne, phóng viên hãng thông tấn Associated Press, chụp được nhiều bức ảnh. Ngay sáng hôm sau, cả thế giới đều bàng hoàng trước tấm ảnh tự thiêu đăng trên trang nhất các báo lớn (nhờ những bức ảnh này, Browne được trao Giải thưởng ảnh báo chí thế giới năm 1963).
Dư luận quốc tế, nhất là dư luận các nước châu Á thấm nhuần văn hóa Phật giáo, mạnh mẽ lên án chính sách đàn áp tôn giáo của Diệm, đồng thời chỉ trích Washington ủng hộ một chính quyền phản dân chủ.
Nhiều người Mỹ tự hỏi: tại sao Chính phủ của họ gửi sang Nam Việt Nam hơn 1,5 vạn thanh niên, mỗi ngày tiêu tốn 1,5 triệu đôla từ tiền thuế do họ đóng góp, để bảo vệ một chế độ độc tài, bức hại tôn giáo như vậy? Hàng trăm người Mỹ đã xuống đường ở New York, giương cao khẩu hiệu “Chúng tôi đòi chấm dứt việc Mỹ yểm trợ quân sự cho chính quyền Diệm”. Cuộc biểu tình này được Đài truyền hình ABC chiếu trong bản tin buổi tối (N. Zalouris và G. Sullivan).
Khi nhìn tấm ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức an nhiên tự tại trong ngọn lửa hồng, Tổng thống John F. Kennedy đã thảng thốt kêu lên: “Chúa ơi!”. Ông nhận xét: “Không bức ảnh thời sự nào trong lịch sử lại tạo ra nhiều cảm xúc trên khắp thế giới như bức ảnh này” (R. D. Schulzinger). Chỉ những nhà sư mặc áo cà sa vàng, ông hỏi Micheal Forrestal (một chuyên gia về Việt Nam của Nhà Trắng): “Làm thế nào mà chuyện này đã có thể xảy ra? Những người này là ai? Tại sao trước đây chúng ta không biết gì về họ?” (William J. Rust).
Không hài lòng về việc đại sứ Nolting không cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về tình hình nước sôi lửa bỏng ở Nam Việt Nam, lại bỏ đi ngao du sơn thủy, Kennedy quyết định sẽ thay thế Nolting bằng Henry Cabot Lodge (27-6). Không rõ vô tình hay cố ý, quyết định thay đổi nhân sự này không được chính thức thông báo đến Nolting. Đương sự chỉ tình cờ biết được khi nghe bản tin của một đài phát thanh thương mại!
Theo các tác giả nước ngoài, hành động vị pháp vong thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức tác động mạnh mẽ đến tình hình miền Nam, đưa “cuộc tranh đấu tiến tới một giai đoạn mới” (M. B. Young): đó là “giai đoạn cuối cùng của chế độ Diệm” (S. Jacobs). Về chính trị, sau ngày 11-6, phong trào tranh đấu phát triển cả về lượng lẫn về chất. Theo Marylin B. Young, “sự phản kháng vượt ra ngoài cộng đồng phật tử, lan đến sinh viên và học sinh trung học trên toàn miền Nam, tạo ra một tiềm lực cho phong trào rộng lớn chống chính phủ ở các đô thị”. Trong bản đánh giá tình hình miền Nam ngày 28-6, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA nhận xét: “Đã diễn ra một sự thay đổi có ý nghĩa trong dân chúng (miền Nam) từ chỗ thờ ơ bề ngoài sang chống đối một cách tích cực”.
Về quân sự, “cộng đồng tình báo bắt đầu ghi nhận những tác động đáng buồn của cuộc khủng hoảng (Phật giáo) đối với tinh thần của quân nhân và công chức” (The Pentagon Papers). Các viên chức cao cấp dành nhiều thì giờ để tìm cách đối phó với cuộc tranh đấu, do đó bỏ bê nhiều chương trình, kế hoạch (kể cả việc xây ấp chiến lược). Một bộ phận quân đội bị điều từ chiến trường về thành phố để canh gác các công sở quan trọng, bao vây chùa chiền hay đàn áp những người xuống đường (Chester L. Cooper).
Bộ trưởng Quốc phòng McNamara thừa nhận: “Từ tháng 7, trong thực tế, tình hình ở nông thôn đã xấu đi tới một chừng mực to lớn hơn chúng ta hiểu”. Khi được hỏi “liệu vấn đề Phật giáo có cản trở việc Mỹ giúp đỡ cuộc chiến chống Việt Cộng hay không”, Kennedy đáp: “Vâng, tôi nghĩ rằng có” (C. L. Cooper).
Seth Jacobs kết luận: “Khi Hòa thượng Thích Quảng Đức ký thác thân thể của ngài cho ngọn lửa trong ngày tháng 6 quyết định ấy, ngài cũng biến trải nghiệm Ngô Đình Diệm của Mỹ thành tro bụi”.
Chính phủ Mỹ rã rời từng mảng
Không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình miền Nam, theo Robert D. Schulzinger, vụ tự thiêu “đã biến cuộc nổi dậy của phật tử trong một nước thành cuộc khủng hoảng liên quốc gia”.
“Ở Mỹ, hình ảnh vụ tự thiêu có một tác động vô cùng to lớn” (Marilyn B. Young) khiến chính phủ Mỹ không thể không phản ứng. Ngay ngày hôm sau (11-6, theo giờ Mỹ), Bộ Ngoại giao gửi điện cho William C. Trueheart, quyền đại sứ ở Sài Gòn: “Theo đánh giá của chúng tôi, tình hình Phật giáo đang tiến tới gần điểm đổ vỡ một cách nguy hiểm… Nếu Diệm không có những bước đi nhanh chóng và hữu hiệu để lấy lại niềm tin của phật tử đối với ông ta thì chúng ta sẽ phải xem xét lại toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với chế độ của ông ta”.
Ngày 14-6, Bộ Ngoại giao gửi tiếp một bức điện khác gợi ý cho Trueheart “xem xét những bước đi để dần dần gia tăng các cuộc tiếp xúc bí mật và công khai với những người không ủng hộ Chính phủ Việt Nam (Cộng hòa)”, đồng thời “bí mật chuyển đến Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ thông điệp như sau: nếu Diệm bị loại, chính quyền Kennedy sẽ hậu thuẫn Thơ làm người kế vị hợp hiến và cung cấp yểm trợ quân sự cho Thơ”. Với bức điện này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nghĩ đến chuyện lật đổ Diệm.
Ý định đảo chính càng lúc càng rõ, trở thành đề tài tranh luận vô cùng sôi nổi trong nội bộ giới cầm quyền dân sự và quân sự ở Washington. Một số viên chức cao cấp ở Bộ Ngoại giao như George Ball (Phó bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Averell Harriman (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị), Roger Hilsman (trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách Viễn Đông) và Micheal Forrestal (chuyên gia của Nhà Trắng) lập luận rằng: Diệm không được nhân dân miền Nam ủng hộ nên với Diệm, Mỹ không thể giành được thắng lợi trong chiến tranh ở Việt Nam, do đó phải loại bỏ Diệm.
Trong khi đó, Johnson (Phó tổng thống), McNamara (Bộ trưởng Quốc phòng), tướng Maxwell Taylor (Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân), John McCone (Giám đốc CIA), đô đốc Harry Felt (Tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương), tướng Paul Harkins (Tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam), Đại sứ Nolting… chống lại chủ trương đảo chính. Những người này đưa ra hai lý lẽ:
1. Tuy có một số khuyết nhược điểm, Diệm vẫn là nhân vật duy nhất ở miền Nam có thể giúp Mỹ chống Cộng một cách hữu hiệu. Hiện nay không tìm ra ai có thể thay Diệm để giữ được vai trò này.
2. Đảo chính tạo ra tình trạng bất ổn về chính trị, xáo trộn về tổ chức, sẽ ảnh hưởng bất lợi tới nỗ lực quân sự của Mỹ ở miền Nam.
Do đó, theo những người ấy, Mỹ không có lựa chọn nào khác là vẫn phải ủng hộ Diệm để tiếp tục tiến hành chiến tranh.
Cuộc tranh luận giữa hai phe “đảo chính” và “chống đảo chính” kéo dài không dứt, đến nỗi McNamara phải viết: “Cái chết của Diệm cũng không chấm dứt được sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ chính quyền Mỹ về vấn đề Việt Nam”.
Tổng thống Kennedy là người đưa ra quyết định cuối cùng nên phải lắng nghe cả hai phía. Thấy họ cãi nhau hăng quá, không ai chịu ai, có lúc Kennedy phải kêu lên: “Chúa ơi, Chính phủ của tôi rã rời từng mảng rồi!” (Stanley Karnow).
Kennedy nghe theo ý kiến của phe nào? Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong một bài khác, khi nhìn lại sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm 50 năm trước (1-11-1963).
_____
Tài liệu tham khảo:
- Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, NXB Preager, New York, 1967.
- William Colby, 30 năm CIA, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 1997.
- Chester L. Cooper, The Lost Crusade, NXB Dodd, Mead & Co., New York, 1970.
- Bernard B. Fall, The Two Vietnams, NXB Preager, New York, 1963.
- David Halberstam, The Buddhist Crisis in Vietnam, New York Times, 11-9-1963.
- Seth Jacobs, Cold War Mandarin, NXB Rowman & Littlefield, New York, 2006.
- Stanley Karnow, Vietnam, A History, NXB Penguin Books, New York, 1987.
- Cao Văn Luận, Bên dòng lịch sử, NXB Trí Dũng, Sài Gòn, 1972.
- Robert S. McNamara, In Retrospect, NXB Times Books, New York, 1995.
- Frederick E. Nolting, From Trust to Tragedy, NXB Preager, New York, 1988.
- Bradley S. O’Leary & Edward Lee, Vụ ám sát NĐD và JFK, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 2003.
- William J. Rust, Kennedy in Vietnam, NXB Da Capo Press, New York, 1985.
- Jerrold Schecter, The New Face of Buddha, NXB John Weatherhill, Tokyo, 1967.
- Arthur M. Schlesinger Jr., A Thousand Days, NXB Fawcett, New York, 1967.
- Robert D. Schulzinger, A Time for War, NXB Oxford University Press, New York, 1997.
- Marilyn B. Young, The Vietnam Wars 1945-1990, NXB Harper Collins, New York
- Nancy Zaroulis & Gerald Sullivan, Who Spoke Up?, NXB Doubleday, New York, 1984.
- The Pentagon Papers, Ấn bản của TNS Gravel, NXB Beacon Press, Boston, 1971.