50 năm ấy, dấu chân Người còn đây

Đầu năm 1961 của thế kỷ trước, Nguyễn Đức Ngũ vào độ tuổi trung niên, do vất vả sinh bệnh, phải điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Vừa nhận được tin sẽ có cán bộ trung ương về thăm hợp tác xã, anh vội vã xin ra viện để trở về lo liệu, vì lúc đó anh đang là chủ nhiệm hợp tác xã cao cấp toàn xã Tân An, huyện Yên Dũng. Đã vậy, đơn vị do anh đứng đầu còn kết nghĩa với hợp tác xã Giơ-man của Cộng hòa Dân chủ Đức nữa. Cho nên, được đón cán bộ trung ương về thăm, là vinh dự lớn.

Vì thế, việc đầu tiên khi trở về, Nguyễn Đức Ngũ bàn ngay với các cộng sự của mình trong Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân và hợp tác xã đã huy động xã viên gánh đất đổ lên những chỗ khấp khểnh của con đường trục vào xã, đồng thời chuẩn bị mọi số liệu để báo cáo với lãnh đạo trung ương khi cần thiết...

Rồi tới ngày hẹn, là ngày 6/4/1961, ngay từ sáng sớm, bà con xã viên ở tất cả các đội sản xuất từ các làng, thôn đã nô nức tiến về tập trung tại hội trường của xã. Một số cán bộ chủ chốt của xã như bí thư, chủ tịch và chủ nhiệm Nguyễn Đức Ngũ... ra tận đầu xã để đón khách. Hiềm một nỗi, buổi sáng sớm trời đẹp là thế, giờ tự nhiên đổ trận mưa rào, một lúc sau mới ngớt và trời hửng nắng nhẹ.

Từ xa, mọi người đã thấy lòng rộn rã khi nhìn hai chiếc ô tô con tiến về phía mình. Họ lại càng rạo rực hơn khi thấy Bác Hồ từ xe bước ra. Dưới mái đầu bạc và gương mặt hồng hào, phúc hậu là tấm áo bông màu xanh, quần gụ rộng ống và đi dép cao su.

Bác và anh Nguyễn Khai, Ủy viên Trung ương Đảng, cũng như mọi người cùng đi thân mật bắt tay, nghe giới thiệu tên và chức danh của khách và chủ, rồi đi về phía làng Long Trì để thăm một gia đình nơi đây. Nguyễn Đức Ngũ áy náy trong lòng vì trời mới mưa, đường trơn, Bác phải vén cao quần, tay xách dép như mọi người mà đi. Giá mình không tôn đất lên mạ đường này, thì đâu có sự cố này kia chứ. Ngũ rảo bước tới gần Bác, anh mạnh dạn nói:

- Thưa, Bác cho cháu cầm dép hộ để Bác đỡ mỏi tay ạ.

- Thôi, chú không phải lo, Bác tự mang được mà.

Bác nói vậy, rồi vừa đi vừa hỏi chuyện làm ăn của hợp tác xã cứ như người thân trong làng mới đi xa về. Ngũ chỉ dám đi sau Bác. Hai bác cháu vừa đi vừa nói chuyện một lúc, khi đến đầu làng Long Trì, gặp ven ao có chiếc cầu tre, Bác nhặt một đoạn que, bước xuống, đặt một chiếc dép bên cạnh, còn chiếc kia tự tay mình cạy rửa. Thấy vậy, Ngũ cũng bước xuống theo, xin rửa giúp Bác chiếc còn lại, Bác cảm ơn và vui vẻ đồng ý.


Bia kỷ niệm làng Long Trì thời kháng chiến.

Tiếp đó, Nguyễn Đức Ngũ đưa Bác và những người cùng đi vào làng. Bác chủ động vào thăm nhà dân không theo “kế hoạch” đã định trước mà xã đã vạch ra. Tất cả mọi nhà vắng tanh, vì họ đang có mặt tại cuộc mít tinh ở hội trường, nhưng Bác vẫn cứ vào, chủ yếu là thăm bếp, giếng nước, nơi vệ sinh. Ngũ hồi hộp khi thấy Bác tự bước sang cổng nhà mình, nhưng mới vào tới sân, thì một cán bộ xã tới thưa rằng ở cuộc mít tinh, bà con đang mong ngóng Bác, nên Bác bảo tất cả ra ngay kẻo mất thời giờ của mọi người.

Thế nhưng, Bác vừa ra khỏi làng Long Trì được một đoạn, thì từ địa điểm của cuộc mít tinh, mọi người đã kéo nhau về đây reo mừng ồn ã vây quanh Bác, ai cũng muốn được gần, được nói với Bác dù chỉ một lời. Nguyễn Đức Ngũ tái mặt vì lo lắng Bác đang đi đường trơn, lại nữa là bà con chen lấn nhau thì khó cho Bác. Nhưng may quá, vừa lúc ấy, Bác gọi :

- Chú Ngũ đâu rồi nhỉ?

Anh cố lách qua những dòng người tới gần Bác, thưa: “Dạ, cháu đây ạ”.

Bác nhìn người chủ nhiệm trẻ tuổi nói một câu hóm hỉnh:

- Bác nghe báo cáo, thì trong cuộc kháng chiến trước đây, nhân dân Tân An có nếp sông quân sự cao, có truyền thống đánh giặc giữ làng, phải vậy không, chú ?

Nguyễn Đức Ngũ đứng nghiêm theo kiểu nhà binh:

- Thưa Bác, đúng như vậy ạ!

- Tốt lắm - Bác cười đôn hậu và nói tiếp - Thế thì, chú tập hợp mọi người đứng thành hai hàng, cùng Bác tiến về địa điểm cuộc mít tinh.

Nguyễn Đức Ngũ nhanh chóng tách mình ra khỏi đám đông, anh giơ hai ngón tay lên cao làm hiệu và hô:

- Mọi người chú ý, theo lệnh của Bác Hồ, tất cả bà con có mặt tại đây, khẩn trương tập hợp hai hàng dọc.

Mệnh lệnh ban ra, chẳng ai bảo ai, đã nhanh chóng hình thành hai hàng người để rồi Nguyễn Đức Ngũ hô tiếp: “Nghiêm, bước đều, bước!”.

Ngày ấy đến nay đã 50 năm, nhưng mọi thế hệ ở Tân An vẫn như thấy dấu chân Bác còn in trên mảnh đất quê mình, từ lầy lội năm xưa, giờ đã trở nên trù phú, phồn vinh, nhà nhà có của ăn của để. Lời căn dặn của Bác nhắc nhở Tân An đã có thành tích trong kháng chiến, nay phải cố gắng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn còn vang vọng nơi đây.

TRẦN QUYỂN