Tác giả là một người gắn bó sâu sắc với Nam Bộ kháng chiến, đã từng sống, chiến đấu qua các chiến khu: Rừng Sác Cần Giờ (1946-1947), Đồng Tháp Mười (1947-1951), Dương Minh Châu (1950), U Minh (1951-1954). Anh từng đi làm nghiên cứu sinh triết học ở Liên Xô, nhưng lâu nhất vẫn là cái “nghiệp” làm bí thư - thư ký cho các vị Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Võ Văn Kiệt… Cái “nghiệp” “đóng đinh anh lên cây thập giá bí thư”, không dứt ra được. Chứ trong tác phẩm này, anh chứng tỏ nhãn lực của một người hiểu sâu công tác tư tưởng - văn hóa và có những ý kiến tổng kết, đề xuất rất sâu sắc… Tôi cảm động đọc lại bức thư của GS Trần Văn Giàu gửi cho anh năm 1962 lúc anh làm nghiên cứu sinh ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô:
“Về sự lựa chọn đề tài làm luận án thì nói trước e khó, bởi vì sự lựa chọn ấy còn tùy thuộc một phần ở sở trường người học. Học triết học phương Đông không thể không biết chữ Hán (cổ), chữ sanscrit, nếu bây giờ mới bắt đầu cũng không phải không được, song phải trì chí lắm. Học triết học phương Tây thì phải giỏi ít nhất một trong bốn thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Giữa hai cái này, nếu phải chọn thì tôi chọn cái Đông phương vì nó gắn liền với xứ mình và còn giúp cho lâu dài về sau cho việc nghiên cứu của xứ mình. Nhưng cái khó nhất là ở chỗ phải đọc trực tiếp vào sách, phải học thứ chữ khó học.
Triết học Mác-xít thì lẽ dĩ nhiên làm cái gì cũng phải học nó; nhưng học nó là cốt để làm một cái gì khác, nếu tôi thì tôi học triết học Mác nhưng không lấy nó làm đề tài luận án”.
Bùi ngùi nhớ bác Sáu Giàu, đúng là một giáo sư triết - sử vô cùng sáng suốt. Và dưới sự chỉ dẫn ấy, anh Trần Hữu Phước đã đi đến nơi, về đến chốn.
------------
* NXB Phương Đông, 2013, 418 trang.