Con đường ấy chạy dọc theo chiều dài vùng Quảng Trị quê tôi. Nó vốn không có tên. Giống như mọi con đường lớn nhỏ khác nó chỉ được phân loại và đánh số thứ tự: quốc lộ 1, 2…, tỉnh lộ 30, 40 v.v… Những người lính da trắng và da đen trong đạo quân xâm lược nước ta sau năm 1945 đã đặt tên cho nó là “Con Đường Không Vui” (La Rue sans Joie), không vui cho quân đội Pháp đã đành, không vui cả cho quân đội Mỹ mấy năm sau (Street without Joy). Cái tên ấy sở dĩ lan truyền rộng rãi trên thế giới, trước hết trong giới học thuật và những ai quan tâm đến các cuộc chiến tranh Đông Dương, là công của một nhà báo-nhà sử học nổi tiếng tên là Bernard B. Fall qua công trình biên khảo rất có giá trị công bố lần đầu ở Mỹ năm 1961, khi tác giả vào tuổi 35. Ông muốn minh chứng, qua khảo sát thực địa, thực tế lịch sử cùng kiến giải khoa học, La Rue sans Joie đã dẫn nước Pháp đến Điện Biên Phủ, và Street without Joy chắc chắn sẽ đưa nước Mỹ đến thảm bại, do đó phải ngừng ngay tức khắc cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.
Vào năm 1953, trước những thất bại liên tiếp trên chiến trường Việt Nam và phong trào phản chiến ngay trên đất Pháp, chính phủ Paris thoái chí, tìm cách rút khỏi vũng lầy Đông Dương. Mỹ sợ điều đó xảy ra sẽ khiến so sánh lực lượng ở Đông Nam Á thay đổi không có lợi cho phe đế quốc. Washington cam kết sẽ tăng viện trợ lên hơn 1 tỉ đôla, trang trải đến 78% chiến phí ở Đông Dương, với điều kiện Pháp phải tiếp tục các nỗ lực chiến tranh. Được “tiền” như cởi tấm lòng, tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, liên tiếp tung ra một loạt các cuộc hành quân. Diễn ra trong bối cảnh ấy, Camargue là cuộc hành quân phối hợp hải – lục – không quân, có quy mô tương đối lớn và với chi phí không nhỏ, nhằm một mục tiêu cụ thể: tiêu diệt Trung đoàn bộ binh 95 của Việt Minh để đảm bảo an ninh cho việc đi lại trên “Con Đường Không Vui”. So sánh lực lượng hai bên là 1 (Việt Minh) chọi 10 (Pháp). Thế nhưng kết quả không tương xứng với tiền bạc và công sức bỏ ra: Trung đoàn 95 thoát khỏi vòng vây một cách thần kỳ sau khi diệt và làm bị thương hơn 110 lính Âu – Phi. Chỉ một thời gian ngắn sau khi quân Pháp rút, Trung đoàn 95 trở lại hoạt động như cũ, tiếp tục làm chủ con đường giữa Huế và Quảng Trị, thường xuyên phục kích các đoàn xe quân sự của Pháp. Đại tá Beauffre từng nhận xét bộ đội Việt Nam là một quân đội “vô hình” (invisible) nhưng “có mặt khắp nơi” (partout présent), còn Bernard B. Fall thì ví cuộc hành quân càn quét của Pháp như “nhát gươm chém xuống nước” (un coup d’ épée dans l’eau). Vì vậy, chỉ mấy tháng sau thất bại Camargue, tướng Navarre mở cuộc hành quân Castor với ý định nhử các đại đoàn chủ lực Việt Minh đến Điện Biên Phủ để nghiền nát. Ông ta ví quyết định đó với việc các bác sĩ tạo ra trên cơ thể bệnh nhân một cái nhọt tụ độc (abcès de fixation) nhằm dồn vi trùng lại một chỗ để dễ tiêu diệt! Lần này, Quân đội nhân dân Việt Nam không “vô hình” nữa. Bộ đội ta quyết định giáng cho xâm lược Pháp một đòn quyết chiến chiến lược, bao vây và tiến công Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành “một góc địa ngục” (un coin d’enfer) như B. Fall đã gọi. Sau 55 ngày đêm chiến đấu, quân ta chiếm lĩnh hoàn toàn tập đoàn cứ điểm, tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống toàn bộ hơn 15 vạn quân Liên hiệp Pháp (trong đó có thiếu tướng Tư lệnh tập đoàn cứ điểm và các sĩ quan của ông ta). Lúc đó, tướng Navarre mới ngộ ra một điều: “Về phía Việt Nam, đó là một cuộc chiến tranh hợp lòng dân (une guerre populaire). Còn về phía chúng ta [tức phía Pháp], đó là một cuộc chiến tranh làm mất lòng dân một cách sâu sắc (une guerre profondément impopulaire). Ai hợp lòng dân, người ấy sẽ thắng: chân lý đó không chỉ đúng trong chiến tranh trước đây mà còn đúng cả trong thời bình hiện nay! TS PHAN VĂN HOÀNG |
Tác giả Bernard B. Fall đã dành trọn một chương trong cuốn Street without Joy tường thuật và luận bình về cuộc hành quân lớn tháng 7 năm 1953 trên doi đất hẹp gồm các ruộng lúa và đụn cát chạy dọc bờ biển, song hành với quãng đường vừa nói, được người Pháp đặt tên là “Cuộc hành quân Camargue” (Opération Camargue). Đây là một cuộc hành quân lớn, phối hợp lục, hải, không quân, do đích thân tướng Leblanc, Tư lệnh Quân đội Pháp tại Trung Việt Nam chỉ huy, nhằm bao vây, tiêu diệt Trung đoàn 95 Bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), đơn vị chủ lực của Phân khu Bình Trị Thiên hồi bấy giờ. B. Fall phân tích: Chiến trường chính trong chiến tranh Việt Nam 1945-1954 là Bắc Bộ. Nam Bộ đóng vai trò quan trọng với bán đảo Cà Mau, rừng U Minh, Đồng Tháp Mười, chiến khu miền Đông sát ngõ thành phố Sài Gòn. Tại miền Trung hình thành hai vùng căn cứ lớn của Việt Minh: đó là vùng tự do Liên khu V gồm phía nam Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên về phía Nam, từ đây các trung đoàn quân chủ lực 108 và 803 là mối đe dọa sát sườn của quân Pháp ở Cao nguyên; và vùng tự do Liên khu IV với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh về phía Bắc. Ở giữa miền Trung có một rẻo đất hẹp với chiều dài chừng 250km và chiều sâu (từ biển đến núi) nhiều nơi không quá 10km, từ thị xã Đồng Hới vào tới đèo Hải Vân. Tuy nhiên, chặng hiểm hóc và quyết định nhất tại rẻo đất hẹp này – tác giả viết – là một quãng đường tồi tệ trước vừa đủ rộng cho hai chiếc xe tải tránh nhau, nay qua nhiều lần bị băm vằm phá hoại và chưa bao giờ được bảo trì, đã trở thành một con đường mòn vừa đủ cho xe bò, xe ngựa đi lại. “Quãng đường tồi tệ” ấy nối liền thị xã Quảng Trị với thị trấn Mỹ Chánh, địa đầu hai tỉnh Trị - Thiên: “Tên thông dụng của nó là Đường cái quan (la Route mandarine). Tên chính thức của nó là quốc lộ 1. Nhưng tên đích thực của nó khác. Tất cả các đoàn xe quân sự của Pháp chạy trên quãng đường này đều chịu tổn thất nặng nề, sa vào các ổ phục kích do các chiến binh mặc áo quần đen của Trung đoàn 95 Bộ binh, một đơn vị ưu tú của QĐNDVN đã thâm nhập vào hậu tuyến của quân đội Pháp từ hơn hai năm nay, gây nên. Với cái tính hài hước cười ra nước mắt, binh lính Pháp đặt tên cho quãng đường ấy là Con Đường Không Vui”.

|
Bernard B. Fall ăn trưa cùng lính thủy đánh bộ Mỹ tại mặt trận Quảng Trị |
Làng Hải Thượng nơi tôi chào đời nằm ven “quãng đường tồi tệ” ấy.
Tháng 7-1953, vẫn theo tường thuật của B. Fall, Bộ Tổng Chỉ huy quân đội Pháp quyết định quét sạch vùng đất “tồi tệ” này bằng một cuộc hành quân lớn phối hợp bộ binh, pháo binh, thiết giáp, hải quân, tàu đổ bộ từ biển vào, xe lội nước, lính nhảy dù, có không quân yểm trợ... Bốn cánh bộ binh do bốn viên đại tá chỉ huy tấn công từ bốn hướng và thít chặt dần vòng vây. Hải quân áp sát ngoài khơi, từ Cửa Việt (Quảng Trị), đến Cửa Thuận (Thừa Thiên). Lính nhảy dù tập kết tại thành phố Đà Nẵng, sẵn sàng xung trận ngay tức khắc nếu bộ chỉ huy Pháp phát hiện bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào cho thấy đối phương tìm cách thoát ra ngoài vòng vây. Lực lượng tung vào cuộc hành quân càn quét này gồm 10 trung đoàn bộ binh, 3 binh đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn lính nhảy dù, 1 đoàn xe bọc thép, 4 liên đội pháo binh. Không quân cung cấp 32 máy bay vận tải, 22 máy bay ném bom, 6 máy bay trinh sát. Hải quân góp một hải đoàn tuần tra biển với 12 chiến hạm trong đó có 3 tàu đổ bộ, kiểu L.S.T(1) chở nhiều xe lội nước bọc thép chở lính thủy đánh bộ, tất cả đều do Mỹ sản xuất và viện trợ. Và tác giả, giáo sư môn quan hệ quốc tế Đại học Howard (Washington DC, Mỹ), vốn là chiến sĩ Pháp chống phát xít từ tuổi 16, cựu chiến binh Sư đoàn Bắc Phi số 2 Quân đội kháng chiến của tướng De Gaulle trong thế chiến thứ hai, Huân chương Giải phóng, nhận xét: “Lực lượng được quân đội Pháp tung vào cuộc hành quân càn quét này hoàn toàn không thua kém các cuộc hành quân đổ bộ của các nước Đồng minh tại Thái Bình Dương hay Địa Trung Hải trong chiến tranh thế giới thứ hai”. Với lực lượng hùng hậu như thế(2), các sĩ quan tham mưu Pháp cầm chắc “Trung đoàn 95 QĐNDVN và các đơn vị du kích phụ trợ chuyến này rất ít có khả năng thoát khỏi tấm lưới bủa vây”.
Giờ G ngày N cuộc Hành quân Camargue được Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp ấn định vào 5 giờ sáng ngày 28-7-1953. Vừa tảng sáng, các đơn vị Hải quân đã lặng lẽ có mặt ngoài khơi huyện Hải Lăng từ đêm hôm trước ra lệnh cho các tàu đổ bộ khởi binh. Ngòi bút nhà báo-nhà sử học như cũng không nén được ấn tượng: “Trên mặt nước biển vẫn còn đen sẫm màu chì (bởi bình minh chỉ vừa mới rạng), những chiếc tàu đổ quân đã vạch nên những làn sóng bạc, từ đỉnh các ăng ten cao ngất nghểu, nổi bật lên nền trời đang rạng dần phù hiệu các đơn vị tham chiến...”. Bốn cánh quân trên bộ khởi động muộn hơn, để khỏi làm kinh động đối phương. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, các cánh quân Pháp chưa tập kết xong vào vị trí theo phương án tác chiến, bất thần súng đã nổ. Cuộc đọ sức đã bắt đầu tại làng Đơn Quế, hồi ấy thuộc xã Hải Châu, nay là Hải Quế, ven tỉnh lộ 68. Tên lính đầu tiên bị bắn hạ trong cuộc hành quân Camargue là Abd-El-Kader, người Algérie. Cho dù các thông báo quân đội Pháp phát cho báo chí cái nào cũng hết sức lạc quan, tướng chỉ huy Leblanc dày dạn chiến trường là người tỉnh táo. Ông biết, Trung đoàn 95 của đối phương chỉ cho một vài đơn vị nhỏ phục kích, chặn đánh, làm chậm cuộc hành quân của quân Pháp, còn đại bộ phận trung đoàn vẫn án binh bất động đâu đó, chờ đến tối sẽ thoát ra ngoài vòng vây. Vì vậy, không chờ đợi nữa, mới 2 giờ chiều ngày N, ngày đầu tiên, ông đã ra lệnh tung lính nhảy dù từ Đà Nẵng vào cuộc chiến ngay tức khắc...
Vì khuôn khổ bài báo, chúng tôi không thể điểm lại, dù hết sức sơ lược, bài viết ngồn ngộn chi tiết đắt giá kèm những luận bình sâu sắc của nhà báo-nhà sử học nắm chắc vấn đề, cũng như không thể, với tư cách một chứng nhân, bổ sung, điều chỉnh vài chi tiết trong bài của tác giả B. Fall. Xin đi luôn vào đoạn kết. Tác giả viết: Đến chập tối ngày N, khi bốn cánh quân trên bộ và các đơn vị từ biển ập vào, lính dù từ trên trời đổ xuống liên lạc được với nhau, theo đánh giá của sĩ quan tham mưu Pháp, “toàn bộ Trung đoàn 95 QĐNDVN đã nằm gọn trong một tấm lưới có chiều dài 14km, rộng 3km…”.
Tuy nhiên, thực tế vậy mà không phải vậy. Tác giả bình luận: “Những đôi hàm thép của một đạo quân hiện đại, được yểm trợ bởi các lực lượng hải quân, xe tăng lội nước, máy bay chiến đấu... đang thít chặt, hùng hổ sục tìm những người lính nông dân vừa được vũ trang vội vã và huấn luyện cấp tốc bởi những cán bộ không có người nào mang quân hàm cao hơn bậc cai trong Đội lính Khố Xanh thời trước, nói gọn lại, đạo quân Pháp được triển khai hôm nay mạnh hơn đối phương ít nhất cả chục lần. Tuy nhiên, trong cái bẫy vừa sập xuống ấy, tuyệt nhiên không tóm được một con mồi nào”.
Đúng là quân Pháp cũng có bắt được vài chú thiếu niên vừa đủ lớn để nhấc nổi khẩu súng trường, các chú trả lời ấp a ấp úng, không khai được mình là người làng nào ở đây. Vậy đích thị là quân đội chính quy của Việt Minh rồi, coi như quân Pháp vừa bắt được tù bình đi. Ngoài ra, cánh quân càn quét cũng tóm được mấy khẩu súng trường và vài ba nông dân người làng Đơn Quế, nơi đối phương kháng cự mạnh mẽ. Dù sao thì 36 tiếng đồng hồ sau giờ G ngày N, tác giả nhấn mạnh, “đã hoàn toàn sáng tỏ là cuộc Hành quân Camargue đã thất bại”.
Tuy nhiên, Bộ Tổng chỉ huy Pháp còn chờ thêm mấy ngày nữa, cho quân dàn hàng ngang lùng sục, xăm xoi các xóm làng, các đồng lúa, mọi ngóc ngách tìm các hầm trú ẩn của lính Việt Minh, đến ngày 4-8-1953, không thể không ra thông báo báo chí, tuyên bố cuộc Hành quân Camargue đã hoàn tất. Báo chí Sài Gòn ca ngợi hết lời. Rằng “cuộc hành quân là một thành công lớn”, “cuộc hành quân chứng tỏ sức chiến đấu và tính cơ động ngày càng tăng của quân Pháp”, rằng “nó cho thấy sự cần thiết và tính hiệu quả đưa các đơn vị xe lội nước và lực lượng cơ giới hùng hậu vào bình định các vùng ruộng lúa và cát lầy” v.v… và v.v… Trong khi đó, đạo quân viễn chinh Pháp, người trong cuộc, đau xót và khôn ngoan hơn, cho nên dè dặt hơn trong việc khoa trương ngôn từ. Họ lặng lẽ tổng kết bài học thất bại.
Về cuộc hành quân mang tên Camargue, Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập I (NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội) dành chưa tới mươi dòng: “...Sau một ngày, địch không khép kín được vòng vây và bị thiệt hại nặng. Tên tướng Leblanc điên cuồng, hạ lệnh thúc cánh quân thủy cứ tiến theo sông Vân Trình, (lại) huy động quân dù đổ bộ hợp vây nhưng vẫn không đạt kết quả mong muốn... Đến tối, địch buộc phải ngừng tiến quân. Trung đoàn 95 và các cơ quan của tỉnh, huyện đóng tại vùng Đơn Quế, Đồng Dương, sau khi bố trí bom mìn, cạm bẫy cẩn thận, đã bí mật rút ra ngoài vòng vây” (tr.385).
Kẻ viết bài này có lần cùng nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm, một người con xứ Huế, gợi lại những kỷ niệm buổi thiếu thời. Nhà thơ cho biết năm 1953, đang học trường Quốc học, anh có đi xem cuộc triển lãm về chiến thắng của Pháp tại cuộc Hành quân Camargue tổ chức ở cố đô. Hoành tráng lắm. Dân Huế cười tủm: “Một trung đoàn Việt Minh chống lại mười trung đoàn Pháp cùng bao nhiêu là máy bay, tàu chiến, xe bọc thép, đúng là châu chấu đá voi”. Ngoại trừ Tây trắng Tây đen, người Việt ta có ai còn lạ Nực cười châu chấu đá voi/ Tưởng rằng chấu ngã ai đời voi nghiêng.
Tại tấm sơ đồ in kèm trong sách, tác giả Bernard B. Fall vẽ địa hình vùng đất và một mũi tên thật đậm với ghi chú: Con Đường Không Vui. Vậy là quãng đường mang cái tên đã đi vào lịch sử chiến tranh ấy, từ mùa hè 1953, sau cuộc Hành quân Camargue, không đơn thuần là “quãng đường tồi tệ” chạy qua làng tôi ven quốc lộ 1 mà còn có thêm tỉnh lộ 68 nơi tôi được đùm bọc mấy năm sau ngày vỡ mặt trận Huế 1947. Đây là một con đường khiêm tốn, chưa được rải đá, khởi đầu từ đông nam Thành cổ Quảng Trị dọc theo bờ biển vào Nam, vòng lên nối với quốc lộ 1 tại thị trấn Diên Sanh (tức Kẻ Diên), lỵ sở huyện Hải Lăng. Khách bộ hành đến chỗ quặt, có thể đi thẳng theo đường liên xã chạy giữa ruộng lúa và các xóm dân cư, thẳng vào đến địa phận tỉnh Thừa Thiên, qua các làng Thanh Hương, Thế Chí Đông, Tây... ven phá Tam Giang vào cửa Thuận An. Cán bộ, bộ đội chúng tôi hồi ấy rất thông thạo con đường này, bởi phải qua cửa Thuận vào phía Nam thành phố Huế mới có lối đi thuận tiện vượt qua quốc lộ 1 lên vùng chiến khu tỉnh Thừa Thiên. Vùng đồng bằng các huyện Triệu, Hải, Phong, Quảng, “hậu tuyến của Pháp” nói theo lời B. Fall, cũng chính là hậu cứ của Trung đoàn 95. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao thực dân Pháp quan tâm “càn quét”, rồi đế quốc Mỹ sau đó sục lùng tìm diệt ác liệt đến thế vùng quê này.
Điều trớ trêu và tàn bạo của chiến tranh là, chính tại Con Đường Không Vui ven tỉnh lộ 68 này, hơn một chục năm sau cuộc hành quân Camargue của Pháp, ngày 21-2-1967, Bernard B. Fall – người dành phần lớn đời mình để nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tác giả những cuốn sách như Việt Minh, Con Đường Không Vui, Điện Biên Phủ - một góc địa ngục... – đã bỏ mình trong khi có mặt ở chiến dịch tìm diệt mang tên Chinook do quân Mỹ tiến hành. Chiều hôm ấy, ông đi theo một tiểu đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ, với mục đích sưu tầm thêm tư liệu sống, viết tiếp một cuốn sách nữa về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời kết hợp làm tường thuật phát thanh trực tiếp cho Hãng phát thanh truyền hình CBS, để có tiền trang trải các chuyến đi.
Sau ngày giải phóng miền Nam, về thăm quê, tôi đứng bần thần trên “quãng đường tồi tệ”, rồi thả bộ đi lần vào tới chợ Kẻ Diên tìm cây đa bến cũ, bùi ngùi nhìn về Đường 68, nơi đã cưu mang tôi mấy năm công tác tại vùng địch hậu. Hồi ấy đi lại còn khó khăn, tôi chưa có điều kiện đến ngay thực địa. Tuy nhiên, qua cuốn băng thu âm dang dở B. Fall để lại (in trong tập di cảo Last Reflexions on a War xuất bản tại New York sau khi tác giả từ trần), tôi vẫn có thể hình dung những phút cuối cùng của một “nhà bình luận chính trị quốc tế nổi tiếng nhất thế giới về chiến tranh Việt Nam” (như Tạp chí Time, Mỹ, ngày 3-3-1967 đã nhận xét).
“Chúng tôi đã tới trận tuyến sau loạt đạn bắn nhau… Hình như có mùi khét… Rất có thể là một trận phục kích”. Cuộc tường thuật bị cắt ngang khi B. Fall dẫm phải một quả mìn cá nhân. Ông ngã xuống khi vừa tròn 40 tuổi.
____
(1) L.S.T, L.C.T, L.C.M... là tên các kiểu tàu đổ bộ khác nhau (chú thích của tác giả).
(2) Nhiều sĩ quan Pháp tham gia Cuộc hành quân Camargue tại Quảng Trị như Langlais, Piroth… sang năm sau (1954) lại tham gia trận đánh ở Điện Biên Phủ.