“Ai ơi về ăn cơm” là câu nổi tiếng trong một câu chuyện dân gian, khi người vợ trẻ, mới cưới gọi chồng về nhà ăn cơm nhưng còn ngượng không dám gọi chồng bằng “anh” hoặc “mình” mà chỉ gọi… khơi khơi bằng “ai” vậy thôi.
Về ăn cơm” là câu nói hàng ngày, thân thiết với mỗi người Việt chúng ta. Đó không chỉ là câu của người vợ gọi chồng, mẹ gọi con khi đến bữa ăn gia đình, mà còn là câu mệnh lệnh của mỗi người tự “ra” cho mình khi sắp đến giờ ăn của nhà mình. Có nghĩa là họ phải trở về với gia đình, có “ai” người thân đang đợi chờ, đó là một cuộc sum họp nho nhỏ mỗi ngày mà họ không thể vắng, như một bổn phận thiêng liêng…
Cũng ít ai dám ngăn cản một người khi có người nhà gọi hay họ bảo “Mình về ăn cơm đây”. Khi mời ai đó, như bạn bè, đồng nghiệp, đối tác… về nhà mình ăn cơm, có thể xem là cử chỉ thân thiết, quý mến, tin cậy cao độ… Vì về ăn cơm với một gia đình, người ta sẽ biết rất nhiều về gia đình ấy.

Bữa cơm gia đình
Thế nhưng hiện nay, đặc biệt là ở những thành phố lớn, chuyện về nhà ăn cơm với một số gia đình, nhất là ở những gia đình trẻ đã dần dần thưa thớt, nếu không nói nó đã bị xem nhẹ và liệu có nguy cơ… biến mất chăng? Như gia đình Vân Anh và Tuấn. Họ có cậu con trai học lớp sáu, người chồng có việc làm trong ngành công nghệ thông tin, còn vợ là giáo viên Anh văn với thu nhập khá cao. Căn hộ cao cấp của họ có gian bếp được trang bị hiện đại từ tủ lạnh 2 cánh, bếp gas xịn với máy hút mùi, lò vi ba, máy xay sinh tố đa năng, nồi hầm, nồi cơm thông minh, nồi lẩu điện… Tất cả được sắp xếp như một gian bếp mẫu nhưng lại rất ít được dùng đến, hiếm hoi một tuần chỉ vài lần.
Như nhiều gia đình sống ở thành phố, buổi sáng họ ăn bên ngoài cho tiện do cha mẹ vội đi làm và để con cái đến trường kịp giờ. Người chồng ăn cơm trưa văn phòng, buổi chiều thường ở lại làm thêm ở công ty hay đi chơi tennis với bạn bè và lai rai vài chai bia hoặc dự tiệc khao, tiệc cưới, thôi nôi… Ở một công ty có đến trên 300 nhân viên, lại là Trưởng phòng nên Tuấn được mời liên tục. Cậu bé con ăn trưa ở trường, chiều mẹ vừa đón về đến nhà, cậu bé liền lục tủ lạnh bê ra nào kem, bánh ngọt, chocolate và món cậu rất mê là… mì gói, vừa ăn vừa chơi game hay xem tivi, đọc truyện tranh. Cứ thế cho đến tối, cậu bé chẳng màng đến ngồi vào bàn ăn cơm.
Những hôm đi dạy buổi tối hay đi chơi, dự tiệc cô chở con qua gởi cho bà ngoại và nó ăn ở đấy. Cũng vì thế mà Vân Anh rất lười nấu nướng, vì có nấu cũng chẳng mấy ai ăn. Cái chính là một phụ nữ bận rộn, kiếm được nhiều tiền nên cô thấy rằng việc nấu ăn quá tốn kém thời gian mà không… hiệu quả kinh tế. Lo một bữa ăn, từ lúc bắt đầu chế biến, nấu nướng đến ăn xong, dọn dẹp đâu vào đấy mất ít nhất vài giờ và rất mệt. Trong khi với ngần ấy thời gian cô có thể kiếm vài trăm ngàn một cách nhẹ nhàng. Không ít phụ nữ hiện đại nghĩ như cô, nấu ăn rất mệt, mất thời gian mà chưa chắc được chồng… khen.
Nhiều người chiều tan sở là ghé mua mấy hộp cơm mang về ăn, không chỉ đỡ tốn công nấu mà còn không phải rửa chén. Để họ còn có thì giờ nghỉ ngơi, thư giãn, làm đẹp như tập thể dục thẩm mỹ, đi massage, đi spa, tập Yoga hoặc vui chơi với bạn bè… Không chỉ những bà vợ cảm thấy nhẹ nhõm khi được “giải thoát” khỏi chuyện bếp núc mà những ông chồng cũng thoải mái khi được “giải phóng” khỏi bữa cơm nhà, được sống cảnh “cơm hàng cháo chợ” như thời độc thân. Và không hiếm những đứa trẻ thành phố mơ hồ về khái niệm “bữa cơm gia đình”.
Nhiều đứa trẻ trong những gia đình khá giả thì đó là bữa cơm với… người giúp việc, trong khi cha bay sang Đông ký hợp đồng còn mẹ bay sang Tây để học hành hoặc du lịch. Theo những nghiên cứu khoa học mới đây của Mỹ cho thấy rằng, những đứa trẻ được ăn cùng với cha mẹ hàng ngày có tâm lý cân bằng hơn, phát triển ngôn ngữ tốt hơn và tất nhiên cũng thông minh, khéo léo hơn, nhất là khi chúng được tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn cùng cha mẹ.

Gia đình sum họp. Ảnh: T.T
Bà H. là một nhà báo về hưu, từng là một phóng viên năng nổ rồi làm phó tổng biên tập một tờ báo lớn, bà luôn luôn bận rộn, ngay cả bây giờ về hưu bà vẫn làm cộng tác viên, giữ vài chuyên mục trên báo. Bà kể rằng, dù bận rộn đến đâu bà vẫn duy trì được bữa cơm gia đình, trừ những lúc đi công tác xa. Cả ngày mọi thành viên không thể cùng ăn được ba bữa thì bà cố giữ vào buổi tối, dù bữa cơm diễn ra hơi trễ.
Bà cho rằng, chính trong bữa ăn mọi người sẽ phát hiện ra những vấn đề của người nào đó trong gia đình, chẳng hạn họ có khỏe không, buồn, vui hay gặp rắc rối… Vì cách ăn uống biểu lộ trạng thái tinh thần hay sức khỏe của người ta rất rõ. Như chồng bà thường ăn uống ngon miệng và rất khỏe, nếu khác đi tức là ông bị mệt, ăn ít ngay hoặc không ăn được gì. Bà sẽ bù cho ông một ly sữa vào cuối bữa hay ăn cháo cho nhẹ bụng.
Nếu gặp chuyện buồn bực ở cơ quan ông cũng ăn ít, chậm. Bà sẽ tìm một chuyện gì vui để nói khiến ông quên buồn và ăn được bình thường. Hay cô con gái của bà có lần cuối học kỳ bị xếp loại trung bình, chưa bao giờ bị như thế nên cô rất buồn, chiều ấy ngồi vào bàn ăn cô thừ người ra chẳng muốn ăn uống gì, thấy vậy bà tìm cách dò hỏi được lý do, không ngờ chẳng bị la mắng mà còn được động viên an ủi… thế nên cô lại ăn được ngay.
Hiện nay, có một người con của bà đang sống và làm việc ở nước ngoài. Các con bà thường bảo rằng được thưởng thức những món ngon vật lạ ở xứ người, dự tiệc trong những nhà hàng sang trọng nhưng vẫn nhớ quay quắt cái không khí đầm ấm, quây quần của gia đình mình ngày nào, với những món ăn Việt bình thường nhưng rất ngon nhờ tài nấu nướng khéo léo của mẹ…
Có một điều bí ẩn ở đây, rất nhiều những đứa con đều thấy mẹ mình là người nấu ăn ngon nhất! Chẳng lẽ những bà mẹ đều khéo đến thế hay sao? Hoặc những đứa con biết cách… nịnh mẹ? Hay vì quen với cách nấu ăn của mẹ nên đã hình thành cho họ một khẩu vị riêng, khi đi đâu ăn họ cũng thấy không đâu ngon bằng mẹ nấu.
Một chàng trai làm việc trong một khu công nghệ cao với thu nhập cao, buổi trưa ở lại công ty, đi ăn cơm văn phòng cậu luôn chê dở, rốt cuộc bà mẹ, là một nhà văn bận rộn phải nấu cơm cho vào ca-men để cậu mang theo. Buổi trưa ăn cơm ca-men xong cậu thường nhắn tin về cho mẹ “Cơm mẹ làm ngon quá”. Hoặc “Mẹ ơi, cơm canh sạch sẽ!”. Bà mẹ đọc tin nhắn trong điện thoại mà mát cả ruột. Và không ít cô vợ trẻ được chồng khen là “Em nấu món này ngon giống như mẹ anh”…
Trong thời buổi thế giới thiếu hụt lương thực, giá thực phẩm leo thang đến chóng mặt, vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động thì bữa cơm gia đình không chỉ có ý nghĩa về tinh thần, là năng lượng thương yêu được bổ sung hàng ngày cho từng thành viên, mà còn là sự tiết kiệm thiết thực và bảo vệ sức khỏe cho người thân của mình. Nhưng để bữa cơm ấy thực sự có ý nghĩa, được hiện đại hóa, có chất lượng và nhanh gọn, đỡ vất vả cho người phụ nữ thì mọi thành viên cùng tham gia chuẩn bị… Mỗi người góp vào một tay thì chắc chắn bữa cơm ấy không chỉ là buổi sum họp mà còn là “ngày hội” của gia đình và đấy cũng là cách giáo dục con trẻ biết chia sẻ, giúp đỡ nhau.
Người đàn ông hiện đại cũng phải biết làm bếp. Và bữa ăn gia đình cũng có thể diễn ra ngoài gia đình, khi cùng nhau ăn uống ngoài trời trong những buổi cắm trại, đi dã ngọai hay cùng kéo đến một nhà hàng đặc sản mà cả nhà ưa thích… Nhiều phụ nữ hiện nay dùng điện thoại di động nhắn chồng con về nhà ăn cơm hay hẹn nhau ăn ở một nơi nào đó cho tiện. Vì thế, có quán ăn nắm bắt được nhu cầu này đã đề bảng “Quán ăn gia đình”.
Văn hào Dostôievski được công chúng ngưỡng mộ không chỉ vì văn tài mà còn vì sự gắn bó, yêu thương của ông với gia đình mình qua những bữa ăn. Dù rất bận rộn để viết những kiệt tác văn chương nhưng “Ông luôn có mặt ăn trưa với cả nhà, thường là rất muộn. Bên bàn ăn ông khéo léo dẫn dắt câu chuyện để cả nhà cùng có thể tham gia trò chuyện vui vẻ với nhau. Cái khéo của “người dẫn chương trình” này là ở chỗ, nội dung câu chuyện, cách diễn đạt không vượt quá trình độ hiểu biết, tiếp thu của các thành viên nhỏ nhất trong nhà”. Ông được xem là người đem cả tâm hồn ra để xây đắp cho một gia đình đầy sức sống.