Ai là tác giả của bài thơ"Khóc Bằng phi"?

Hỏi: Bài thơ Khóc Bằng phi thực ra là của ai? Có phải là vua Tự Đức làm để khóc một bà quý phi nào đó không?

(Nguyễn Tiến Cảnh, P. Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM)

Mai Tiểu Sinh trả lời: Xin chép bài thơ đó, như sau:

Ới Thị Bằng ơi đã mất rồi
Ới tình ới nghĩa ới duyên ơi.
Mưa hè nắng chái oanh ăn nói
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.

(Văn học Việt Nam, tr.142, Sài Gòn – Trung tâm học liệu, không đề năm).

Theo nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp) thì bài Khóc Bằng phi không phải của Tự Đức mà là của Nguyễn Gia Thiều: “Ngô Tất Tố đã chứng minh điều này từ năm 1941, trong cuốn Thi văn Bình chú, Lê Mạc – Tây Sơn...” (Nxb Đỗ Xuân Mai in lần đầu 1991, Hà Nội). Ngoài ra, dường như Trần Danh Án (1754-1794) có dịch bài thơ này ra chữ Hán”.

“Sỡ dĩ có sự gán ghép là vì (dường như) Tự Đức khi nhuận sắc có sửa lại hai chữ mảnh gương thành tàn y, nên Dương Quảng Hàm mới nhầm ra thơ Tự Đức và trong giáo trình văn học đã ghi là của Dực Tông rồi người sau cứ truyền tụng như thế. Ngoài Ngô Tất Tố, các chuyên gia thơ cung đình triều Nguyễn, như Phan Văn Dật, Bửu Cầm đều nói không phải của vua, vì trong thư khố, không tìm thấy vết tích gì của bài thơ này và tên họ một bà phi nào tương tự; hơn nữa giọng thơ trữ tình bay bướm này khó có thể là giọng Tự Đức. Sinh thời, học giả Hoàng Xuân Hãn cũng nói như vậy”. Trên đây là ý kiến của Đặng Tiến (Diễn đàn, số 151 tháng 5/2005, tr.24, Paris).

Xin nói thêm: Tôi đã đọc Ngự chế thi tập của Tự Đức, và thấy thơ ông khá bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường. Ông không thể làm nên một kiệt tác như vậy. Còn Nguyễn Gia Thiều là một tài năng lớn, một nhà thơ Nôm lớn với Cung oán ngâm khúc; với lép nhép vài hàng tỏi... Thế mà cũng tang thương… mới có giọng thơ tài hoa, trang nhã mà chân tình ấy. Nhất là hai câu: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi” thì thật là thiên cổ danh cú vậy.

Cũng nên nói thêm là, Dương Quảng Hàm, trong sách đã dẫn, phần chú giải bài thơ trên, có đoạn: “Cứ theo sách Nam phong giải trào thì hai câu thơ này đã thấy trong một bài thơ của Ôn Như Hầu (tức Nguyễn Gia Thiều): “Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng / Xếp manh áo lại để dành hơi”. Trong hai câu của vua Dực Tông, chỉ khác mấy chữ “mảnh gương” đổi làm “cổ kính” và “manh áo” đổi làm “tàn y” (nt, tr.143).

Nam phong giải trào là những bài giải nghĩa ca dao Việt Nam bằng chữ Hán của Trần Danh Án (1754-1794) và Ngô Đình Thái (giải nguyên năm 1819).