Nghe nói ở Khuốc, ngoài 12 điệu chèo cổ gốc, còn có hai điệu múa độc đáo, đó là "Múa trái" và "Tắm tiên". Riêng cảnh tắm tiên lạ lắm. Hình ảnh cô gái tắm trên sân khấu, thì chỉ chèo Khuốc mới có. Ai về Khuốc cũng tò mò muốn biết và thèm nghe cái điệu "Tuyết dạt sông Thương" một thuở làm nức lòng người...
Bao giờ Thái Bình hết lúa - làng Khuốc mới thôi hát chèo
Quả là người làng Khuốc đã nói thế và coi đó như một lời truyền cho con cháu. Nghệ sĩ, nhạc công Hà Quang Tiết, năm nay đã ngoài 70 tuổi, cho tôi biết: Trẻ con trong làng từ khi lọt lòng đã nghe lời ru của mẹ qua những làn điệu chèo. Trước đây, làng Khuốc có tới hàng chục gánh hát, nhiều nghệ sĩ tài hoa nức tiếng khắp bàn dân thiên hạ. Kế tiếp tổ nghề xưa, các cụ nghệ nhân giỏi trong giới chèo đa phần đều ở làng Khuốc như Bùi Kim Trạch, Phạm Văn Điền, Đào Thị Na, Hà Quang Bổng, danh hề Vũ Văn Phụ. Nhiều khóa học của các trường học nghệ thuật truyền thống đều mời các nghệ nhân làng Khuốc đến truyền nghề.
Ông Hà Quang Tiết còn "khoe": Cho đến nay, trên toàn quốc có 15 nhà hát và đoàn chèo chuyên nghiệp, thì trong 13 đơn vị có tới 60 nghệ sĩ người làng khuốc. Trong làng không ít gia đình có tới 3 thế hệ diễn chèo, như gia đình ông Tiết. Hiện 4 thôn của làng đều có đội chèo riêng. Mạnh nhất là đội ở Khuốc Bắc thường đi biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh và nhiều địa phương khác.
Sau cuộc trò chuyện, ông Tiết đã giới thiệu tôi đến gặp nghệ sĩ Quách Văn Khởi, một nhạc công tài hoa của thôn Khuốc Bắc.

Gia đình nghệ nhân chèo Quách Văn Khởi.
Gần đến nơi, tôi chợt nghe thấy tiếng nhị ngọt lịm vang lên từ ngôi nhà của anh Khởi. Thật may mắn tôi đã gặp cả hai vợ chồng anh Khởi cùng các cháu đang tập làn điệu chèo cổ "Duyên phận đôi ta". Giai điệu nỉ non da diết qua tiếng nhị của anh Khởi làm tôi thấy bất ngờ, bởi lẽ anh là một nông dân thứ thiệt, làm ruộng từ bé, vậy mà sao nghe tiếng nhị nức nở lòng người đến thế. Vừa gặp, anh bật điện thoại cho tôi nghe giọng hát của con gái anh - nghệ sĩ Quách Thu Hương - qua làn điệu "Quân tử vu dịch". Đây là bài hát "Khúc tâm tình trên đảo" anh thu lại trong một lần nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng. Giọng hát con gái anh trong veo, ngọt ngào, cho dù tôi nghe qua chiếc điện thoại… cũ của anh. Khi tôi hỏi về chương trình biểu diễn của đội chèo Khuốc, anh Khởi tỏ ra rất đỗi hào hứng: "Chúng tôi có thể diễn trọn vở và các trích đoạn hay từ bi cho đến hài như một đoàn chuyên nghiệp vậy".
Thấy tôi còn có vẻ chưa… thực tin, anh kể một mạch tên những diễn viên trong đoàn, như vợ anh là nghệ sĩ Nguyễn Thị Yến, nguyên là diễn viên Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần; hay Quách Mạnh Hoàn, từ Đoàn Chèo Hà Nam nghỉ hưu, rồi nghệ sĩ Phạm Thị Cậy, Đoàn Chèo Lai Châu cùng chồng là Quách Văn Cương, nguyên diễn viên Đoàn Chèo Hải Dương trở về…Thì ra, nòng cốt của chèo Khuốc Bắc đều là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nên hoạt động mạnh và họ thường hay được mời đi biểu diễn tại nhiều nơi.
Như để "chứng minh", anh Khởi đã kéo nhị cho người cháu là Nguyễn Thị Hương, một học sinh của Trường Nghệ thuật chèo Thái Bình hát cho tôi nghe một làn điệu quen thuộc. Giọng cô bay bổng thánh thót:
Chim bay i.. ì…bay ríu rít. Kìa là kìa …ríu rít, khắp nơi nơi… |
Lại thêm một bất ngờ! Tôi hỏi vì sao làng Khuốc có nhiều giọng chèo hay đến thế? Thay vì trả lời, anh Khởi đọc luôn câu ca dao xưa đã ngấm vào máu của người làng Khuốc:
Chẳng thèm ăn chả, ăn nem Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo |
Anh còn kể năm nào làng Khuốc cũng có tới 10 em thi đỗ vào khoa Chèo, Trường Nghệ thuật Thái Bình. Ai đó nói người làng Khuốc được nghe chèo từ trong bụng mẹ, thật có lý.
Khi tôi hỏi về những miếng chèo "độc" của làng, anh Khởi thở dài:
- Về múa "Tắm tiên", trước đây có vợ ông Cao Kim Điền diễn thì… hết ý và chỉ có bà mới thuộc kỹ bài của cụ Trạch truyền lại. Nhưng nay người nghệ sĩ đó đã mất, đem theo cả điệu múa cổ độc đáo ấy vào cõi thiên thu rồi. Nói tới đó, anh Khởi khuyên tôi nên đến gặp nghệ nhân Hà Quang Ngạn, bởi lẽ chỉ còn ông là người duy nhất còn lại có thể thuộc cả hai điệu "Múa trái" và "Tắm tiên" mà thôi. Hơn nữa, ông cũng là thày dạy chèo bàn dân thiên hạ ở cái huyện Đông Hưng, Thái Bình này, nên may ra còn nhớ.

Đội chèo "nhí" làng Khuốc.
Ai nghĩ ra "Miếng tắm" cho chèo Khuốc?
Nói đến chèo Khuốc là nói đến hai tích "Từ Thức gặp Tiên" và "Phan Trần", từ thời các cụ Cao Kim Trạch, Phạm Văn Điền, Vũ Văn Phụ, Đào Thị Na. Riêng chuyện cổ "Từ Thức gặp Tiên" khi chuyển sang chèo đã được các tác giả nghĩ ra nhiều miếng chèo độc để phát huy đất diễn của một số nghệ sĩ tài hoa trong làng.
Vậy là cảnh "Tắm tiên" đã được các nghệ sĩ làng Khuốc sáng tạo ra trong quá trình biên soạn tích chèo cùng tên chuyện cổ. Đó là cảnh có sức thu hút không ngờ, mặc dù diễn viên vẫn mặc váy áo như bình thường, chỉ có chút áo hở yếm một cách tượng trưng. Ấy là nghệ thuật biểu diễn bằng các động tác được chọn lọc và biên đạo có tính biểu tượng tinh tế, sao cho người xem có thể tưởng tượng hình ảnh nàng tiên tắm táp một cách tự nhiên, thỏa thuê với những dòng nước chảy qua cơ thể mình. Đó là một bức tranh khỏa thân tượng trưng kỳ thú và không hề gợi dục. Một ngôn ngữ sáng tạo đặc sắc trong nghệ thuật chèo.
Cụ trùm Cao Kim Trạch là người tiếp nối con đường sáng tạo, một thời dàn dựng cho nhiều nữ diễn viên biểu diễn, và còn truyền "miếng tắm" này cho một số học trò của giới chèo. Nhưng nghe nói chẳng còn mấy ai thuộc kỹ trình thức biểu diễn một cách trọn vẹn. Hiện có kép Ngạn ở làng, mặc dù đã ngoài 70 tuổi vẫn đau đáu một bề tìm người để học thêm. Ông là người đã từng theo học và lưu diễn cùng cụ Trạch đây đó, từ khi mới 11 tuổi, còn sót lại.
Nghe nói, có lần nghệ sĩ Xuân Hinh và Tự Long đã từng về gặp ông Ngạn để học mấy miếng trò độc này mà không được. Sau này có người hỏi lại chuyện đó, ông Ngạn cho hay: "Muốn học "Múa trái" hay "Tắm tiên", trước hết phải biết múa, biết trống, biết phách và hát chuẩn 12 làn điệu chèo cổ làng Khuốc trước đã".
Ông Ngạn giải thích thêm rằng, khi nhuần nhuyễn chèo Khuốc, hiểu được cách ra tay, nâng gót như thế nào cho đúng vốn cổ thì việc "ăn nhập" nó mới nhanh, mới chắc. Quả là học cho được một miếng trò mới công phu làm sao. Nhưng lại có người nói ông Ngạn giữ nghề cho chèo Khuốc, không để lộ những điều bí mật nhất của ngón chèo, mà chỉ có người làng Khuốc mới biết được thôi, nên không dạy cho người ngoài. Thật thế không?
Để không mai một…
Hiện nay, các Câu lạc bộ chèo của làng Khuốc như thời cụ Trạch tổ chức từ năm 1954 không còn nữa, mà đội chèo của các thôn được hình thành một cách tự phát. Mạnh nhất có lẽ là thôn Bắc. Còn lại, đội chèo ở các thôn như Khuốc Đông, Khuốc Tây và Cổ Xá nếu đi diễn thường chỉ đi diễn ở các vùng lân cận, hoặc chỉ tham gia mỗi lần xã tổ chức nội bộ. Tuy ở đây không có sự cạnh tranh trong chuyện làm ăn, nhưng mô hình đơn lẻ như hiện nay đã làm giảm tính cộng đồng trong việc đào tạo lực lượng diễn viên trẻ và hợp tác tạo nên thế mạnh tổng hợp cho phong trào của cả làng Khuốc, cũng như cho xã Phong Châu nói chung.
Mới đây làng cho xây một Nhà thờ Tổ chèo, nhưng lại nằm sâu trong một xóm, chưa tạo nên một sân chơi thực sự cho các nghệ sĩ, chưa được khai thác triệt để cho hoạt động nghề nghiệp, như biểu diễn, tập luyện và đào tạo những nghệ sĩ trẻ một cách thường xuyên.
Thiết nghĩ, nếu các cấp chính quyền ở địa phương không quan tâm sớm thì nay mai lớp các nghệ nhân lớn tuổi ra đi, không còn dịp truyền lại cho con cháu những làn điệu chèo cổ và những miếng trò độc của làng. Khi ấy, hẳn sẽ nhiều khán giả lấy làm tiếc về sự mai một của một địa chỉ chèo nổi tiếng từ xưa đến nay.
Theo CAND