Anh là vậy - Một con người giản dị, thật thà

- Em về nước… thỉnh thoảng cho anh tới thăm nhé! Được không?

- Vâng, được chứ ạ! Em là người “tự do”mà!

Nói theo cách của người Nga - có nghĩa là “không ai cản trở”. Tôi đã trả lời và anh mỉm cười.

Mỗi chiều từ Quảng Bá về, anh thường ghé nhà tôi, tặng tôi một bông hồng tươi ngát, gói cẩn thận trong tờ giấy trắng muốt, những tờ “Bản tin” gói bảo vệ bên ngoài.

- Em cảm ơn anh Thi!

… Anh ngồi duỗi hai chân trên sàn gỗ… uống trà, ăn chuối với lạc rang… hoặc ăn bánh gio chấm mật… có khi là một chiếc bánh giò…

- Ừ! Ăn bây giờ là đúng lúc lắm! - Anh nói tiếp

- Hồi còn nhỏ, anh cũng được ăn những thứ quà này rồi!

Mắt anh nhìn xa xôi…

Tôi ngã đầu trên đôi giò gầy của anh. Anh liền gỡ cặp kính đang đeo, vỗ vào đùi mình, nói:

- Em gối đầu lên đây, đỡ đau hơn này! 

Hai chúng tôi, đọc lại những trang sách anh đã viết bên bờ Sông Cầu - Thái Nguyên…

Bọn tôi, những cô gái đang tuổi trăng tròn, khi ấy không biết rằng, tác giả đang đọc cho nghe những trang đầu cuốn tiểu thuyết Vỡ bờ dài hai tập.

Tai vẫn chăm chú nghe anh Thi đọc, mà những viên sỏi trong tay tự nhiên cứ lao vụt xuống nước, nghe “tõm! tõm!”

Những gương mặt non choẹt trở nên tư lự…

Anh chạy sát mép nước, ném xuống một mảnh sảnh nhỏ… trên mặt sông loang loáng những vòng tròn to… rồi nhỏ dần… mất hút…

- Lần này, anh sắp được in một tập thơ, em ạ!

Đặt vào tay tôi cây bút bi mực đỏ, anh nhờ tôi đọc bản thảo:

- Em cứ sửa thẳng vào đây cho anh nhé!

Nhưng tôi không dám! Tôi nào dám sửa thơ của anh!

Đi diễn về, tôi lại thắp đèn sáng đọc, và đánh dấu bằng bút chì mờ mờ trên bản thảo, vậy mà cũng chi chít dấu bút chì rồi!

Tôi ngượng nghịu cười…

Còn anh, anh kinh ngạc, nói:

- Em đọc cho anh, kĩ đến thế này ư!

- Vâng… Em là một độc giả bình thường, nhưng anh đã bảo… thì em phải đọc kĩ.

Tôi mạnh dạn hơn – Theo em, anh đừng dùng lại mấy từ này ạ!

Anh Thi háo hức chờ tôi lật từng trang - À, còn đoạn này, anh ạ…

Anh Thi rất lắng nghe, anh sửa lại mấy câu thơ nghe rất hay, còn hơn cả mấy câu cũ. Và càng làm tôi bất ngờ hơn - Anh chấp nhận cái tên sách (gợi ý của tôi). Thói quen anh hay nói một mình - Được rồi! Hay đấy!

- Anh mới cắt tóc phải không ạ?

- Ừ ! Em thấy sao?

- Không giống anh Thi lắm… hơi giống thằng Cuội ạ!

- Thế à!

Buồn thiu… rồi anh vội vàng thu dọn những tờ bản thảo bày la liệt trên sàn nhà, bỏ đại vào chiếc túi cói xách theo.

- Anh đi, em nhé!

- Sao thế, anh? – Tôi hết sức ngạc nhiên.

- Để anh đi đã… em khỏi phải nhìn cái bộ dạng tóc tai khó coi này!

“Trời! Sao anh tôi lại cầu kì đến thế! Khó hiểu thật!”

Sau này, khi đã sống gần anh, hiểu rõ được bản chất của anh, tôi càng thấy mình đã nhận xét về anh quá vội vàng, cảm tính.

Trong sáng tác, anh luôn tìm sự giản dị, mộc mạc để người đọc không khó hiểu. Nhưng không bao giờ anh dễ dãi với chính mình.

Trong đời sống, anh luôn vị tha, thật thà và giản dị, không muốn gây phiền hà cho ai.

Anh Thi là như vậy!

Từ buổi đó, anh không chịu ra hiệu cắt tóc nữa. Khi tóc đã quá dài, anh vẫn cố chờ tôi đi công tác về.

- Em cắt tóc cho anh nhé! Được không?

- Không, em không biết cắt tóc nam mà!

- Cứ cắt cho anh đi! Dù có hỏng cũng không sao, em ạ!

- Em không muốn anh phải mang mái tóc xấu xí đâu!

- Thì em phải chịu khó mà nhìn xấu vậy!

Hai mươi năm ấy, tôi thành “thợ cắt tóc” của riêng anh, và không một lần cắt hỏng.

Tôi thích để dài dài bộ tóc mai dày và hơi quăn của anh, bởi trông rất hợp với khuôn mặt phúc hậu, hiền lành và sang trọng của anh Thi.

Sài Gòn
Ngày 1 tháng 6 năm 2009

TUỆ MINH