Bao giờ hết “hố đen”, “đinh tặc”… trên đường?

“Tính từ ngày 13/9 đến ngày 12/10 tại TP.HCM có tám “hố đen” được người dân phát hiện hoặc do xe cộ lưu thông sa vào. Liên tục trong các ngày 1, 7, 8, 9/10/2010, hàng loạt “hố đen” xuất hiện trên các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Phan Văn Trị, Hai Bà Trưng (chân cầu Kiệu, Q.1), Trần Nhật Duật (Q.1).

Tối 11/10, một “hố tử thần” khác xuất hiện trên đường Ngô Quyền (gần ngã tư giao với đường Bà Hạt). Những “hố đen” sâu 1-2m này rất nguy hiểm cho người đi đường” (*).

Đây chỉ là một trong những nguyên nhân làm người dân thành phố e ngại khi đi đường, vì những tai nạn rình rập trên đường ngày càng tăng. Vì thế mà trong cơn mưa gió nước ngập ngày 10/10/2010, một người dân ở Q. Thủ Đức - TPHCM đã chết vì rơi xuống cống. Trước đó là tai nạn thương tâm của một phụ nữ chở con đi học va phải nắp hố ga nhô ra trên đường, chị ngã xuống đường và tử nạn vì bị xe tải cán qua, để lại đứa con với nỗi hoảng sợ và nỗi đau mất mát không gì bù đắp được. Điều đáng nói là những nắp hố ga được làm tắc trách như vậy không chỉ có một. Chuyện “hố đen” không chỉ ở TP. HCM mà còn xuất hiện rất nhiều ở các tỉnh thành khác trên cả nước.


Một đoạn đường ngắn mà có tới bốn "hố đen" giăng bẫy người đi đường.
Nguồn: Internet.

Bây giờ ra đường, người ta có hàng chục thứ để trông: trông phía trước có “đinh tặc” không, có “hố đen” không (do đào đường còn dang dở hay đường đã làm xong nhưng có thể bị sập bất cứ lúc nào vì sau vài lần thi công mà “thiếu nguyên vật liệu”); trông trên đầu, các loại dây có rơi rụng lung tung, hoặc giăng màng nhện, có thể quấn lấy người đi đường bất cứ lúc nào nếu sơ suất, chưa kể, mưa gió bất ngờ thì cây gãy cành rơi - thật không biết đường nào mà tránh. Còn chị em nào mà mang theo túi xách, ngồi xe tay ga sang trọng thì hãy trông chừng kẻ gian có thể giật bất cứ lúc nào và những cái laptop luôn là “mồi ngon” của bọn chúng… Tài sản mất đã đành nhưng còn nguy hiểm đến tính mạng.

Chỉ kể sơ sơ vài hiểm nguy trên đường để thấy rằng người đi đường bây giờ khổ thật. Thế nên, người ta trông: trông sao các nhà thầu thi công nhanh để không còn lô cốt chắn đường gây ùn tắt và gây nguy hiểm cho bao người, trông đường sá có chất lượng để người dân không phải chết oan hay chứng kiến những chiếc xe sập xuống “hố đen” giữa phố thị đông người. Du khách nước ngoài mà nhìn thấy cảnh này, chắc nghĩ rằng anh tài xế đang “làm xiếc”.

Trông sao, các nhà điện, nhà viễn thông… làm gọn các tuyến đường dây cáp, hạn chế rò rỉ điện và những thòng lọng nguy hiểm trên đường. Trông sao không còn nạn “đinh tặc”. Và mong sao, xã hội thịnh vượng hơn, gia đình giàu có hơn, con người văn minh hơn để bớt trộm cướp, để nạn cướp giật không còn hoành hành trên đường.


Tuyến đường xa lộ Hà Nội là một điểm nóng về nạn "đinh tặc".
Nguồn: Internet.

Đường đời còn dài, tương lai còn rộng, mong rằng những người từng lỗi lầm còn lương tâm nên tìm cho mình một nghề mưu sinh chân chính, dù vất vả cũng là đồng tiền do mình làm ra. Hà cớ chi mà cướp giật giữa đường gây hiểm nguy bao tính mạng; hà cớ chi mà các nhà thầu bớt xén công trình, để đường càng sửa càng hư, ngày càng nhiều “hố đen” xuất hiện, gây nguy hại tính mạng và nỗi lo sợ cho bao người; hà cớ chi công trình không đạt chất lượng mà người ta vẫn nghiệm thu, hà cớ chi mà dây cáp cứ sà xuống đường treo thòng lọng, điện rò rỉ để gây bao cái chết thương tâm… 

Phải chăng vì đồng tiền, vì lợi nhuận mà người ta đã quên đi lương tâm, trách nhiệm, tình người, để những “hố đen” - hố “tử thần”, “đinh tặc”, “thòng lọng”… vẫn xuất hiện trên nhiều tuyến đường. Chính con người hại con người trước chứ chưa nói chi trời hại. Thiên tai đã đành nay ta còn gánh chịu bao nhân tai.


(*)

Theo Tuổi Trẻ.

NGUYỆT ANH