Từ chiến tranh sang hòa bình
Bác Hồ rất coi trọng việc phê bình và tự phê bình. Sinh thời, đến thăm và nói chuyện với bất kỳ hội nghị nào có cán bộ dự, Người đều dặn phải đoàn kết, và muốn thật sự đoàn kết cần thường xuyên coi trọng phê bình. Tại Di chúc để lại cho đời trước lúc đi xa, “Trước hết nói về Đảng”, Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. (...) Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh phê bình và tự phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Bác quan tâm chỉ đạo báo chí phê bình công khai những việc làm không đúng của cán bộ, những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, và nếu có thể, đề xuất biện pháp khắc phục.
Có phê bình phải có tự phê bình
Báo Nhân Dân thường đăng những bài của bạn đọc hoặc của phóng viên nhà báo phê bình khuyết điểm trong công tác của một số ngành và địa phương. Nói chung nhiều ý kiến phê bình đều là những vấn đề có quan hệ đến đời sống nhân dân và công tác của nhà nước.
Song phê bình không phải để có phê bình mà cần phải đi đến sửa chữa những khuyết điểm đã nêu ra nếu những khuyết điểm đó đúng. Sau khi báo nêu ý kiến phê bình đã có một số địa phương và cơ quan tự phê bình công khai trên báo và đề ra phương pháp sửa chữa khuyết điểm, như gần đây Tỉnh ủy Cao Bằng đã gửi bài tự kiểm thảo đăng báo. Đó là một điều rất tốt. Nhưng cũng còn nhiều việc phê bình nêu lên báo rồi không thấy những cơ quan hay địa phương có vấn đề lên tiếng, như đối với bài phê bình Tỉnh ủy Thanh Hóa coi nhẹ lãnh đạo sản xuất, nhà ga Hà Nội có những hiện tượng lãng phí v.v...
Mong rằng các cơ quan hay địa phương có những vấn đề báo đã nêu lên nên phát biểu ý kiến, nói rõ chỗ nào báo phê bình đúng, chỗ nào sai, và có khuyết điểm thì phải sửa chữa như thế nào. Có như thế thì phê bình mới có ích.
H.B.
(Báo Nhân Dân ngày 4-7-1955) |
Báo Nhân Dân số ra đầu tháng 5 năm 1954 in bài của Bác, ký bút danh C.B., có đầu đề Mấy khuyết điểm của báo chí ta. Người nêu thí dụ: “Đối với các ngành hoạt động, nêu các thành tích - Thế là đúng, nhưng rất ít phê bình khuyết điểm - Thế là không đúng. (...) Về thi đua tăng gia sản xuất..., [báo chí] chưa phê bình nghiêm khắc những cách làm việc thủ cựu và những cái gì đó ngăn trở bước tiến trong công tác”.
Thật lạ. Càng suy ngẫm càng ngưỡng mộ phong cách một bậc hiền triết “tố sự ung dung nhật nguyệt trường” (việc làm tháng rộng ngày dài ung dung - Xuân Thủy dịch)(1). Đầu tháng 5-1954 là lúc Chiến dịch Điện Biên Phủ đang những ngày quyết liệt nhất, quân đội Pháp bị bao vây dốc sức cầm cự trong vô vọng nhưng chỉ mấy ngày nữa thôi là toàn bộ kéo cờ trắng đầu hàng. Tại Hội nghị Genève bàn việc lập lại hòa bình tại Việt Nam, người Pháp ai cũng nhận thấy Pháp đã thua, trong khi các thế lực cầm quyền vẫn muốn làm sao thua mà không mất mặt, thua mà vẫn giữ được phần trội trong hòa bình, chạy vạy xin các cường quốc hỗ trợ. Trong bối cảnh ấy, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc ta vẫn ung dung đọc báo, nghe đài và cho nhận xét, dạy bảo những người làm báo học trò nhỏ của mình.
Tháng 7 năm 1954, hòa bình lập lại. Ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Genève, chân thành mong muốn cùng chính quyền miền Nam thực hiện điều khoản, sau hai năm tiến hành tổng tuyển cử tự do, thông qua phổ thông đầu phiếu, hòa bình thống nhất nước nhà. Trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành “chuyển tư duy từ chiến tranh sang hòa bình”, tập trung vào việc lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, trọng tâm là giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực. Do thời tiết không thuận, vụ lúa mùa 1954 và vụ xuân 1955 các tỉnh miền Bắc đều thất bát so với bình thường. Một số vùng thiếu ăn. Có tin ở tỉnh Thanh có người chết đói. Đặc biệt khó khăn là hai huyện ven biển Quảng Xương, Tĩnh Gia tiếp giáp tỉnh Nghệ An, dân gian quen gọi “trong Gia ngoài Xương” - tính theo hướng từ Nam ra Bắc. Ruộng đất vùng này vốn không tốt, một phần nhiễm mặn, nhiều người sống bằng nghề biển, chẳng mấy ai có lương thực dự trữ trong nhà. Chẳng biết từ đâu râm ran: “Tỉnh Thanh nay trong Xương ngoài Da”.
Tôi làm báo Nhân Dân, được cử vào Thanh viết thiên phóng sự điều tra Tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo sản xuất nông nghiệp như thế nào?. Tinh thần quán triệt là không phê phán mà phát hiện một số bất cập trong lãnh đạo, góp phần cùng các cấp, các ngành cải tiến cách làm việc, tập trung hơn vào nhiệm vụ trọng tâm tăng gia sản xuất.
Phát biểu của đồng chí Trường Chinh tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8, 9-9-1962)
... Chúng ta chủ trương bất cứ một người dân hay là một tập thể quần chúng nào thấy cán bộ và cơ quan công tác của Đảng và Nhà nước làm điều gì sai trái, gây tổn hại cho Đảng, cho Nhà nước và cho nhân dân, đều có thể công khai phê bình lên báo chí. Người bị phê bình phải nghiên cứu bài phê bình và trả lời công khai lên báo. Nếu bài phê bình là hoàn toàn chính xác thì người bị phê bình phải tuyên bố tiếp thu ý kiến phê bình và nói rõ nguyên nhân những khuyết điểm, sai lầm mà mình mắc phải, đồng thời công bố kết quả sửa chữa khuyết điểm, sai lầm trên cùng tờ báo. Nếu trong bài phê bình có phần đúng, cũng có phần không đúng, thì người bị phê bình sẽ công khai tiếp thu phần đúng và cải chính phần không đúng, nói rõ không đúng ở chỗ nào. Nếu người phê bình đã hoàn toàn nói sai sự thật thì người ấy phải chịu trách nhiệm một cách độc lập về lời phê bình của mình và tờ báo phải đăng rõ lời cải chính của người bị phê bình.
Không một cán bộ hoặc cơ quan nào được báo thù người đã phê bình hoặc tờ báo đã đăng bài phê bình. Nếu người bị phê bình không chịu tỏ thái độ đối với lời phê bình, hoặc tệ hơn nữa, đả kích lại người phê bình và tờ báo đã đăng bài phê bình, thì sẽ bị xử lý theo kỷ luật của Đảng hoặc của Nhà nước tùy theo mỗi trường hợp.
Ở Đại hội này, có một số đại biểu phàn nàn về thái độ truy trù và hằn học của một số cơ quan nhà nước đối với phóng viên tờ báo đã viết bài phê bình mình. Đó là một hiện tượng không lành mạnh còn rớt lại trong chế độ ta, cần phải được gấp rút khắc phục.
Chúng ta phân biệt hai loại phê bình: phê bình có tính chất xây dựng và phê bình phá hoại. Phê bình có tính chất xây dựng là phê bình có điều tra nghiên cứu, xuất phát từ ý muốn tăng cường đoàn kết, vì lợi ích chung của Đảng, của nhà nước và của nhân dân mà phê bình, và muốn cho người bị phê bình mau sửa chữa để tiến bộ, vì mục đích đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và thống nhất nước nhà mà phê bình. Còn phê bình phá hoại là phê bình nhằm mục đích bôi đen chế độ, phá hoại đoàn kết, đả kích lãnh đạo, dội nước lạnh vào nhiệt tình cách mạng và lòng tin tưởng của quần chúng, gây bi quan, thất vọng, hoài nghi. Chúng ta hết lòng ủng hộ loại phê bình trên, nhưng kiên quyết phản đối loại phê bình dưới. Anh chị em làm báo chúng ta nhận được một bài phê bình gửi đăng báo, cần phải tỉnh táo xem xét để phân biệt tốt xấu, phân biệt chân giả. Nếu thấy trong bài phê bình có gì ngờ ngợ thì phải tiến hành điều tra, không nên bộp chộp đăng lên báo ngay.
(Nguồn: Kỷ yếu Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, 1962)
|
Những cống hiến của đất Lam Sơn
Thanh Hóa là tỉnh rộng nhất nước về lãnh thổ và đông nhất về dân cư, hồi ấy đã tới 1,2 triệu người. Tài nguyên phong phú. Bờ biển dài. Nông, lâm, súc sản sáu huyện miền núi hầu như vô tận. Ruộng lúa ở đồng bằng phần lớn phì nhiêu. “Được mùa Nông Cống sống mọi nơi” là niềm tự hào dân gian Châu Ái, Châu Hoan tự thuở nào.
Thanh Hóa mang truyền thống Khởi nghĩa Lam Sơn hào hùng, kiên nghị, hết lòng vì nghĩa. Thời kháng chiến, tỉnh Thanh cung ứng một phần lương thực cho quân dân Liên khu Việt Bắc đã lại thành chiến khu, cho dân Liên khu 3 tạm thời bị chiếm. Thóc gạo Thanh Hóa phục vụ chiến dịch Thượng Lào (1952), chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). “Thồ lên Điện Biên” là mấy từ phản ánh khí thế hào hứng của nhân dân tỉnh Thanh chuyển gạo bằng xe đạp đẩy bởi sức người, vượt qua hàng trăm cây số tiếp sức cho chiến trường.
Tiếng súng Điện Biên chưa dứt, nhân dân Thanh Hóa đã không tiếc công của, giúp trao trả tù binh, hàng binh Pháp, và nhân hậu đón những người con tứ xứ: quân đội, du kích, dân thường bị địch bắt bớ tù đày, nay được trả lại tự do, “sà vào lòng mẹ”. Thanh Hóa là điểm chính đón nhận, chăm sóc cán bộ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết trước khi được phân về các nơi. Nguồn lực cạn kiệt. Đập Bái Thượng, công trình thủy nông bằng bê tông ở thượng nguồn sông Chu, cùng hệ thống kênh mương dài 110km bề thế nhất Trung Bộ đã bị máy bay Pháp ném bom phá nát, chưa kịp khôi phục. Gặp năm hai vụ liền thời tiết không thuận, lúa gạo, ngô khoai thiếu hụt là điều khó tránh.
Một bài báo như mọi bài báo
Với nhận thức như trên, phóng viên làm nhiệm vụ đi sâu tìm hiểu, nêu thực trạng là chính. Lúa vụ chiêm năm ấy tỉnh Thanh không cấy hết diện tích vì thiếu mạ. Hơn hai vạn mẫu ruộng (mẫu Trung Bộ, mỗi mẫu rộng nửa hécta) cày bừa xong, có đủ nước mà bỏ lỡ thời vụ. Huyện Vĩnh Lộc đồng ý chi viện huyện Quảng Xương một số mạ nhưng cán bộ lãnh đạo huyện này “bận công tác”, không đưa người sang nhận.
Nhiều yêu cầu cấp thiết của nông dân không được chính quyền cơ sở đáp ứng. “Trong bộ văn thư lưu trữ tại Nông hội tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được đọc một số thông tư nhắc các huyện chuẩn bị đổi thóc giống cho dân (ký ngày 10-9-1954), bảo vệ đàn gia súc (12-11-1954), bắt sâu keo cắn hại lúa (12-12-1954), mỗi văn bản dài không quá mươi dòng. Chỉ thị giấy tờ cấp trên cứ gửi nhưng không cần biết cấp dưới thực hiện như thế nào” - bài báo viết.
Còn về tổ chức và lề lối làm việc?
Mấy năm liền, Nông hội tỉnh Thanh không có người dứng đầu. Giữa năm 1953, Tỉnh ủy phân công một tỉnh ủy viên phụ trách, tiếp đó thay bằng một ủy viên thường vụ. “Việc thay đổi này nhằm thỏa mãn đòi hỏi của cấp trên sắp xếp lại cán bộ hơn là nhằm lãnh đạo sản xuất” - bài báo nhận xét. Do không nắm sát tình hình, họp Ban chấp hành Hội Nông dân, đồng chí tỉnh ủy viên phụ trách bí thư chưa hề góp một ý kiến thiết thực nào, trong nửa năm chủ trì, ông chưa từng ký một văn bản, “ngoài việc đôi ba lần đọc diễn văn khai mạc hội nghị”.
Trước tình hình khó khăn, đầu tháng 2-1955, Trung ương cử một đoàn cán bộ về giúp Thanh Hóa chỉ đạo sản xuất vụ xuân, có đề nghị tỉnh cử người tham gia. Cán bộ từ Hà Nội vào làm việc ở xã 20 hôm, mới thấy một người của Ty Canh nông lò dò đến.
Nguyên nhân tại tỉnh thiếu cán bộ? Không. Tại cán bộ bận họp. Hết cuộc họp này sang cuộc họp khác, cuộc nào cũng quan trọng. Phóng viên đưa lên báo những điều mắt thấy tai nghe: “Từ 6-2 đến 17-2-1954, trong vòng 12 ngày, cán bộ xã Quảng Thành phải dự 15 cuộc họp do huyện triệu tập. Bốn giờ chiều ngày 28-2-1955, xã đang chuẩn bị sơ kết tuần thi đua sản xuất theo đúng lịch của cấp trên hướng dẫn thì nhận luôn một lúc hai thông tri, một của Huyện ủy, một của Nông hội huyện (Quảng Xương) triệu tập đi dự hai hội nghị khác nhau, tiến hành cùng một lúc tại huyện lỵ. Công văn của Huyện ủy chỉ định các đồng chí bí thư chi bộ Đảng, bí thư Nông hội, bí thư Hội Phụ nữ, cùng hai cán bộ xuất sắc về công tác thuế và về thi đua sản xuất chọn từ cơ sở, đúng 6 giờ chiều hôm đó phải có mặt ở huyện để khai hội ba ngày ba đêm. Thông tri của Nông hội huyện chỉ định các đồng chí bí thư Nông hội, bí thư Hội Phụ nữ xã, một tổ trưởng nông hội cùng một tổ trưởng tổ đổi công xuất sắc, đúng 5 giờ chiều hôm đó phải có mặt tại huyện để khai hội hai ngày hai đêm. Hai thông tri đều nêu tính chất quan trọng của hội nghị và đều nhấn mạnh “không được viện lý do gì mà vắng mặt”. Cán bộ xã chỉ kịp đọc qua rồi vội vã chạy cái ăn để còn đi dự hội... Đấy là chưa kể khai trương “tuần văn hóa”, “tuần chủng đậu” (tiêm phòng bệnh đậu mùa), kết thúc “tuần bình nghị dân công gương mẫu” v.v... việc nào cũng quan trọng, phải tổ chức “học tập” quán triệt mục đích, ý nghĩa từ cán bộ đến nhân dân. Chủ tịch xã Quảng Thành vò đầu bứt tai: “Thật tôi không biết nên làm việc nào trước, việc nào sau”.
Tâm trạng bồn chồn và niềm vui nghề nghiệp
Bài viết đăng hai số báo Nhân Dân ra ngày 25 và 26-3-1955. Anh em đọc cho là được. Bài được chọn in vào Nhân Dân nguyệt san(2) số tháng 3 năm ấy.
Hồi đó Trung ương có chủ trương: các cơ quan, tổ chức, địa phương được báo chí phê bình phải có văn bản trả lời, báo viết đúng thì tự phê bình và nêu giải pháp khắc phục, báo đưa sai thì có quyền nói lại, trong trường hợp này báo phải đính chính, xin lỗi công khai. Bài Tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo sản xuất nông nghiệp như thế nào? in ra, chờ mãi không thấy hồi âm. Một tháng, hai tháng rồi ba tháng. Người viết bài như ngồi trên lửa. Lãnh đạo báo cũng lo âu. Tìm hiểu, được biết là dư luận nhân dân tỉnh Thanh nói chung đồng tình, nhưng một số cán bộ phản ứng gay gắt. “Quái! Một cậu phóng viên mặt còn non choẹt, lại dám viết bài chê bai cả một tỉnh lớn dường này!”. Mà phê bình tỉnh lãnh đạo kinh tế kém có nghĩa là phê bình lãnh đạo chóp bu của tỉnh. Bởi tỉnh Thanh do một đồng chí ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, và vì cán bộ chủ chốt được điều đi công tác khác, Bí thư Tỉnh ủy kiêm luôn Trưởng ban Kinh tế tỉnh. Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy là một cán bộ cách mạng lão thành, từng nhiều lần vào tù ra tội, lưu đày biệt xứ - đồng chí này mấy tháng sau được Trung ương điều ra Hà Nội làm Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng thường trực một bộ, bộ trưởng là nhà trí thức ngoài Đảng.
Đầu tháng 7-1955, báo Nhân Dân nhận được bài báo của Bác Hồ, đầu đề Có phê bình phải có tự phê bình, ký H.B. Anh em chúng tôi thời ấy quen các bài báo của Bác, tất cả đánh máy trên giấy đã dùng một mặt, có nét bút Bác tự tay chỉnh sửa khi bằng mực đỏ, khi bằng mực xanh.
Bài được đăng luôn số báo ra ngày hôm sau, 4-7-1955.
Bài viết khẳng định, nhiều ý kiến phê bình của bạn đọc hoặc của phóng viên nhà báo đăng trên báo Nhân Dân đều là những vấn đề có quan hệ đến đời sống nhân dân và công tác của nhà nước. Tác giả khen một số địa phương và cơ quan đã tự phê bình công khai trên báo và đề ra phương pháp sửa chữa khuyết điểm, “như gần đây Tỉnh ủy Cao Bằng đã gửi bài tự kiểm thảo đăng báo. Đó là một điều rất tốt”. Và viết tiếp: “Nhưng cũng còn nhiều việc phê bình nêu lên báo rồi không thấy những cơ quan hay địa phương có vấn đề lên tiếng, như đối với bài phê bình Tỉnh ủy Thanh Hóa coi nhẹ lãnh đạo sản xuất, nhà ga Hà Nội có những hiện tượng lãng phí v.v...”(3).
Anh bạn làm ở Ban Thư ký tòa soạn báo mang bài viết đi đánh máy lại để chuyển sang nhà in xếp chữ, tạt vào phòng cho tôi xem bản gốc. Tôi sung sướng đến bàng hoàng. Người nhẹ hẳn mối lo. Và tự nhiên nước mắt trào ra. Bài báo mọn của mình vậy là đã được Bác Hồ đọc, theo dõi, và Bác chỉ đạo địa phương phải có hồi âm! Trong đời, còn có niềm vui nghề nghiệp nào lớn hơn thế!
Đã có tự phê bình
Chừng một tuần sau, báo Nhân Dân nhận được công văn tự phê bình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Văn bàn trình bày quá trình sắp xếp lại tổ chức, cải tiến cách làm việc mấy tháng vừa qua, đi đôi với việc chỉ đạo các xã vận động nhân dân chăm sóc lúa, trồng rau màu ngắn ngày, giải quyết tại chỗ tình trạng thiếu ăn ngày giáp hạt. Nay lúa vụ chiêm đã gặt xong, hoa màu đã thu hoạch, vấn đề lương thực cơ bản được giải quyết v.v...
Theo chỉ đạo của Bác Hồ, ngày 8-12-1958, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về công tác báo chí. Về vấn đề phê bình và tự phê bình trên báo chí, nghị quyết nhấn mạnh: “Đảng ta đã trở thành một Đảng lãnh đạo chính quyền nhà nước. Những khuyết điểm của các cấp bộ Đảng, chính quyền, của các cơ quan kinh tế và đoàn thể quần chúng nếu không được phát hiện và sửa chữa kịp thời thì rất dễ xảy ra hậu quả làm tổn hại đến lợi ích của đông đảo quần chúng. Phê bình, tự phê bình trên báo chí là một biện pháp rất tốt để kịp thời phát hiện và sửa chữa những khuyết điểm ấy, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, để sửa chữa bệnh quan liêu”.
_____
(1) Một câu trong bài thơ vui bằng chữ Hán Thất cửu Bác Hồ làm tặng các đồng chí đến chúc mừng nhân kỷ niệm lần thứ 63 ngày sinh của Người.
(2) Nhân Dân nguyệt san là ấn phẩm in lại những bài báo chọn lọc vừa ra trong tháng, phát hành chủ yếu đến các cơ quan, tổ chức, thư viện nhằm dễ lưu trữ và tra cứu khi cần. Ấn phẩm này chỉ tồn tại một thời gian do có khó khăn về tài chính.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập III. Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh, hiện mới sưu tầm được một bài viết ký bút danh H.B., đó là bài Có phê bình phải có tự phê bình đăng báo Nhân Dân số 488 ra ngày 4-7-1955. (Sách: Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật in lần thứ tư, 2015).