Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng với Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1947

Sau một thời gian bất lực trước phong trào kháng chiến mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam, tháng 3-1947, Chính phủ Pháp triệu hồi Cao ủy Đông Dương Georges Thierry d’Argenlieu về nước vì đã thấy rõ chính sách của d’Argenlieu nhằm tách Nam Bộ ra khỏi phần còn lại của Việt Nam để thành lập nước Nam Kỳ tự trị đã hoàn toàn thất bại. Thực dân Pháp đưa Bollaert lên thay. Vào thượng tuần tháng 4-1947, Cao ủy Pháp đọc một bài diễn văn được quảng cáo rùm beng tại thị xã Hà Đông, tuyên bố Pháp không công nhận Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngày 19-4-1947, Chính phủ ta tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn để thương thuyết với Chính phủ Pháp, nhưng chúng không trả lời. Trước bối cảnh mới, giới trí thức Nam Bộ không thể ngồi im mà phải cần phát động phong trào ủng hộ kháng chiến. Sau khi được sự cho phép của Thành ủy Sài Gòn, giới trí thức đã tổ chức cuộc họp và nhất trí thảo ra một tuyên ngôn lấy tên là “Mannifeste des intellectuels de Sai Gon - Cho Lon” (Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn). Bản Tuyên ngôn được luật sư Vương Quang Nhường viết bằng tiếng Pháp và luật sư Hoàng Quốc Tân dịch ra tiếng Việt với nội dung: “Các nhà trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn có tên dưới đây, không phân biệt tôn giáo và màu sắc chính trị, sau khi nhận định rằng: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc lâu đời, có quyền đòi và hưởng tự do độc lập. Cuộc chiến tranh hiện nay đang tàn phá đất nước, càng kéo dài càng phương hại đến tình hữu nghị giữa hai dân tộc Pháp và Việt. Do đó: Kêu gọi Chính phủ Pháp phải thương thuyết với Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo để chấm dứt chiến tranh…”(1).

Sau khi bản tuyên ngôn được thảo xong, hai nhà trí thức có uy tín trong giới nhân sĩ, trí thức Nam Bộ được mọi người kính trọng là kỹ sư Lưu Văn Lang và bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng(2) được mời ký tên đầu tiên. Khi thấy hai nhà trí thức “đàn anh” đã ký tên trước vào tuyên ngôn thì không ai còn thấy mình có lý do chính đáng nào để không ký. Với nội dung tiến bộ, nhiều người đã tình nguyện ký tên sau đó như luật sư Vương Quang Nhường, luật sư Trịnh Đình Thảo, luật sư Phan Kiến Khương, bác sĩ Nguyễn Xuân Bái, bác sĩ Hồ Văn Nhựt, bác sĩ Nguyễn Văn Tân, dược sư Phạm Hữu Hạnh, dược sư Trần Kim Quang, giáo sư Lê Văn Huấn, giáo sư Đặng Minh Trứ, giáo sư Nguyễn Đắc Lộ… Cuối cùng thu được hơn 400 chữ ký. Do sự kiện có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn nên bản tuyên ngôn đã bị lọt vào mắt tờ báo Climats của thực dân Pháp, chúng đưa tên luật sư Hoàng Quốc Tân lên mặt báo và cho rằng chính luật sư là người chủ mưu trong vụ này. Bản tuyên ngôn được in thành nhiều bản để gửi cho Chính phủ Pháp, Quốc hội Pháp, giới báo chí, nhân sĩ trong và ngoài nước, đồng thời gửi ra vùng chiến khu cách mạng(3). Sau đó, kỹ sư Lưu Văn Lang, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và giáo sư Đặng Minh Trứ(4) đại diện cho những nhà trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn đến gặp Cao ủy Pháp Bollaert trình bày nội dung bản Tuyên ngôn nhằm yêu cầu Cao ủy Pháp thực hiện, nhưng Bollaert từ chối và khẳng định “Nam Kỳ là đất Pháp”. Trước sự khước từ của thực dân Pháp, kỹ sư Lưu Văn Lang tuyên bố với mọi người: “Không nên nuôi ảo tưởng về một nước Pháp mới”.


Sài Gòn xưa - Đường Hàm Nghi chạy thẳng ra Bến Bạch Đằng

Cũng trong thời gian này, văn hào Pháp G. Duhamel sang thăm Sài Gòn. Trong buổi tiếp có kỹ sư Lưu Văn Lang làm chủ tọa và kỹ sư Michel Văn Vỹ đứng lên trình bày nội dung bản tuyên ngôn và cực lực lên án cuộc chiến tranh thuộc địa thứ hai vô cùng tàn bạo của thực dân Pháp. Nghe xong, G. Duhamel xúc động, nghẹn ngào, hồi lâu mới nói được rằng ông rất đau khổ vì đã nhận thấy là người trí thức Việt Nam, xuất thân từ các trường đại học Pháp, đã tiếp thu văn hóa Pháp, nhưng lại tố cáo tội ác xâm lược của nước Pháp một cách mạnh mẽ đến thế. Câu kết luận đầy buồn phiền của ông là: “Tôi không biết nói gì để bào chữa cho nước Pháp khác hơn là xin các bạn hãy kiên nhẫn”(5). Sau đó, nhiều quan chức Pháp và nhiều ký giả nước ngoài sang thăm Việt Nam và Đông Dương, họ đã tìm đến các nhân sĩ, trí thức đã ký vào bản tuyên ngôn năm 1947 để hiểu thêm về tinh thần yêu nước giới trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn.

Qua sự kiện lịch sử trên, chúng ta rút ra được một trong những đặc điểm nổi bật của phong trào trí thức năm 1947: những người tiên phong trong phong trào là những nhà trí thức lớn có uy tín, tràn đầy tinh thần yêu nước, là tấm gương sáng ngời về đạo đức và tài năng cho mọi người noi theo, tiêu biểu trong đó có bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Để có được một phong trào mang tầm ảnh hưởng rộng lớn, ông cùng một số nhân sĩ, trí thức khác làm công tác vận động, tuyên truyền hết sức tích cực và hiệu quả. Bằng uy tín, đức độ và hành động của mình, ông đã cho mọi người thấy và tin rằng “chỉ có Chính phủ kháng chiến mới thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam”(6). Điều đó đã tác động rất lớn đến nội hàm bên trong của phong trào trí thức Nam Bộ lúc bấy giờ.

Một chuyện đáng nhắc lại ở đây là vào năm 1945, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đã cùng bạn bè rời bỏ Sài Gòn để tham gia kháng chiến và từng được bầu là đại biểu Quốc hội. Nhờ Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, ông trở về Sài Gòn và mở phòng mạch trở lại, tiếp tục ủng hộ kháng chiến bằng thuốc men và dụng cụ y tế gửi ra chiến trường. Lúc bấy giờ, Chính phủ Nguyễn Văn Thinh được dựng lên. Nguyễn Văn Thinh lấy cớ là bạn bè thân quen mời ông tham gia vào chính phủ của y, nhưng đã bị ông từ chối và nhận được một câu trả lời rằng: “Anh đi ngược dòng lịch sử rồi, xin anh nghĩ lại”(7). Tất cả những hành động đó cho thấy bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng luôn luôn một lòng với kháng chiến, phục vụ Tổ quốc, dũng cảm từ chối lời gọi mời đầy cám dỗ, thể hiện lập trường hết sức vững vàng của mình. Đồng thời, càng khẳng định được uy tín, đức độ và khí phách của một nhà trí thức Nam Bộ giàu lòng yêu nước và sự kính trọng, quý mến ông trong lòng giới nhân sĩ, trí thức lúc bấy giờ ngày một tăng. Cũng vì lẽ trên, trong cuộc họp soạn thảo tuyên ngôn mọi người đã nhất trí đưa cho những người có danh tiếng ký trước để tạo tiếng vang lớn cho bản tuyên ngôn. Một quyết định có chủ đích hết sức sáng suốt của các nhà trí thức. Và ông là một trong hai người được giới nhân sĩ, trí thức chọn để ký tên đầu tiên như chúng ta đã biết. Rõ ràng, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng là một trong những nhà trí thức yêu nước tiêu biểu, là cánh chim đầu đàn của phong trào trí thức Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tuy bản tuyên ngôn không đạt kết quả như mong muốn, nhưng đã thể hiện được tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng ủng hộ Chính phủ kháng chiến của giới trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn trong năm 1947. Mặt khác, cho thấy rằng đại đa số giới trí thức Nam Bộ là một lực lượng tiến bộ, lúc nào cũng đứng về phía chính nghĩa, đứng lên đấu tranh mạnh mẽ vì nền độc lập tự do của nước nhà. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo nước ngoài ngày 22-6-1947 như một sự tôn vinh cao đẹp nhất: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc… trong cuộc kháng chiến cứu nước này, những người trí thức Việt Nam đã góp một phần quan trọng… Nếu các bạn ngoại quốc muốn biết không khí của người trí thức Việt Nam thì vừa đây có một sự thật rất rõ rệt: Sài Gòn, Chợ Lớn là nơi quân Pháp đang chiếm đóng. Tỏ lòng ái quốc là một sự nguy hiểm cho người Việt Nam. Thế mà hơn 700 người trí thức và tư sản Việt Nam ở vùng đó vừa bạo dạn ký giấy đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Việt Nam…”(8).

Với kết luận trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có quyền tự hào rằng, mảnh đất Nam Bộ thành đồng đã sản sinh ra bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng – một thầy thuốc cách mạng kiên trung, “người tiêu biểu cho giới trí thức Việt Nam ở thành phố, ở Nam Bộ”(9) góp phần tạo dựng một phong trào trí thức mạnh mẽ ở miền Nam của Tổ quốc trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, mà tiêu biểu là bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1947.

 

_____

* Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp

(1) Nhiều tác giả. Mùa thu rồi ngày hăm ba, tập 3. NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1996, tr.326.

(2) Lưu Văn Lang (1880-1969) quê ở Sa Đéc (Đồng Tháp), một nhà trí thức Tây học đầu tiên, một kỹ sư cầu cống. Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998) quê ở Chợ Mới (An Giang), từng du học Pháp, là bác sĩ vi trùng học và Đông y. Tuy cả hai người tuổi tác, quê quán và ngành nghề có khác nhau, nhưng có một điểm chung là được đào tạo và tiếp thu nền văn minh tiên tiến của Tây học, trong họ luôn dạt dào tình yêu quê hương đất nước, luôn căm ghét trước những hành động cướp nước dã man của thực dân Pháp. Khi Tổ quốc cần tới, hai người sẵn sàng rời bỏ cuộc sống sung túc, giàu sang để đi theo tiếng gọi của non sông, góp sức vào công cuộc giải phóng đất nước, giành lấy độc lập tự do cho nước nhà.

(3) Bản Tuyên ngôn năm 1947 được Bác Hồ đọc và đánh giá rất cao tinh thần yêu nước, ủng hộ kháng chiến của giới nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn. Xem thêm: Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 4, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr.384.

(4) Đặng Minh Trứ (1900-1981), quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang), từng sang Pháp du học. Về nước, giáo sư Đặng Minh Trứ tham gia tích cực vào hoạt động yêu nước. Năm 1949, ông làm Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ. Năm 1950, giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Cần Thơ cho đến ngày tập kết ra Bắc năm 1954.

(5) Nhiều tác giả. Mùa thu rồi ngày hăm ba, tập 3. Sđd, tr.341.

(6) Phan Phú Yên. Nhà trí thức tiêu biểu của Nam Bộ - Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 152, tháng 10-1994, tr.36.

(7) Phan Phú Yên thực hiện. Tlđd, tr.36.

(8) Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 4. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr.384.

(9) Lời của cố giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010).

Đặng Hoàng Sang