Bài ca người gảy đàn ở thành Thăng Long

NGUYỄN DU
(Làm trên đường di sứ)

Hướng đến 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Người gảy đàn ấy không rõ họ tên là gì, chỉ nghe thuở nhỏ nàng đã theo học đàn Nguyễn trong bộ nữ nhạc cung vua Lê. Tây Sơn dấy binh, đội nhạc cũ chết chóc, tản mác. Nàng lưu lạc nơi đầu chợ, ôm đàn hát rong. Những bài nàng đàn đều là những khúc gảy hầu nhà vua, người ngoài không ai được nghe, cho nên nàng được khen là “tuyệt kỹ” của một thời.

Tôi, hồi trẻ đến kinh đô thăm anh tôi, đêm trọ ở quán bên hồ Giám. Cạnh đấy các quan Tây Sơn tụ hội bọn con hát, con hát nổi tiếng không dưới vài chục người. Nàng riêng thạo đàn Nguyễn, hát cũng hay, lại khéo pha trò. Người xem đều mê mẩn, nhiều lần thưởng cho nàng những chén rượu lớn, nàng tức thì uống cạn, tiền lụa thưởng nhiều vô số kể, chất đầy mặt đất.

Tôi lúc ấy nấp trong bóng tối, trông không rõ lắm. Sau gặp nàng ở nhà anh tôi. Nàng không đẹp lắm, người thấp, má phính, trán dô, mặt gãy, người đẫy đà, khéo trang điểm, mày nhạt phấn đậm, áo màu hồng, quần lụa đen biếc, phong nhã tươi tắn. Nàng hay uống rượu, thích hài hước, mắt long lanh, chẳng hề để ý đến một ai.

Ở nhà anh tôi mỗi lần uống rượu đều say, nôn mửa cả ra, nằm dài trên đất, bạn bè cũng không để tâm chê trách. Sau đó vài năm tôi dời vào Nam, và từ đó không trở lại Thăng Long nữa.

Mùa xuân năm nay, tôi phụng mệnh sang sứ phương Bắc, trên đường qua Thăng Long, các quan có đặt tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ nên cho gọi hết nữ nhạc trong thành, con hát trẻ đến mấy chục người, tôi đều không biết mặt biết tên.

Họ thay nhau ca múa. Rồi nghe vút lên một khúc đàn Cầm trong trẻo, nghe khác hẳn các khúc nhạc đương thời. Tôi lấy làm lạ nhìn người đàn, thì thấy người gầy võ, thần sắc khô khan, mặt đen, xấu như quỷ, quần áo toàn bằng vải thô, bạc phếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi lặng lẽ ở cuối chiếu, không nói không cười hình dáng khó coi quá.

Tôi không biết là ai, duy nghe tiếng đàn thì dường như đã từng quen biết nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi đến người chơi đàn thì ra chính người gảy đàn ngày xưa ấy. Than ôi! Người ấy sao đến nỗi này! Tôi bồi hồi ngẩng lên cúi xuống, khôn xiết cảm thương cho sự đổi thay xưa và nay.

Đời người trăm năm, vinh nhục buồn vui khó có thể nào lường được. Sau khi từ biệt, suốt trên đường đi tôi cảm xúc vô hạn, nên làm bài ca để gởi mối cảm hứng.

Người đẹp thành Thăng Long,

Họ tên không được rõ.

Riêng thạo ngón đàn Nguyễn cầm (*),

Người trong thành lấy chữ “Cầm” gọi tên nàng.

Nàng học được khúc “Cung phụng” trong cung vua

triều trước,

Đó là khúc nhạc hay nhất tưởng chừng như từ trên

trời đưa xuống trần gian.

Tôi nhớ lúc trẻ đã từng gặp một lần,

Bên hồ Giám trong một cuộc dạ yến.

Lúc ấy nàng còn trẻ, tuổi chừng hai mốt,

Áo hồng cũng bị mờ nhạt đi trước vẻ mặt hoa đào.

Má hồng men rượu, dáng ngây thơ, rất đáng yêu,

Năm cung réo rắt theo ngón tay đàn mà đổi điệu.

Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông,

Tiếng trong như đôi chim hạc kêu lúc đêm khuya.

Tiếng mạnh như sét đánh tan bia Tiến Phúc,

Tiếng buồn như Trang Tích ngâm tiếng Việt lúc

ốm đau.

Người nghe mê mệt không biết mỏi,

Đó là khúc nhạc trong đại điện Trung Hòa.

Các quan Tây Sơn trong tiệc thảy đều nghiêng ngả,

Suốt đêm vui chơi không biết chán.

Phía tả phía hữu đua nhau ném thưởng,

Tiền bạc coi rẻ như đất bùn.

Ý khí hào hoa của họ lấn lướt cả bậc vương hầu,

Bọn thiếu niên đất Ngũ Lăng chi sá kể!

Tưởng đem ba mươi sáu cung xuân,

Tạo thành một vật báu vô giá của kinh đô Trường An.

Tiệc ấy nhớ lại đến nay đã hai mươi năm,

Sau khi Tây Sơn bại vong, tôi dời vào Nam.

Long Thành trong gang tấc, không được thấy lại,

Huống gì tiệc múa hát ở trong thành.

Quan Tuyên phủ vì tôi lại bày cuộc mua vui,

Trong tiệc các cô đào hát thảy đều trẻ.

Riêng ở cuối chiếu có một người tóc đã hoa râm,

Nét mặt võ vàng thần sắc khô khan, thân hình hơi nhỏ.

Đôi mày tàn tạ phờ phạc không trang điểm,

Ai biết rằng đó chính là người tài danh bậc nhất của

kinh thành ngày xưa.

Khúc xưa giọng mới lệ thầm rơi,

Tôi lắng nghe, lòng đau xót.

Chợt nhớ lại việc hai mươi năm trước,

Từng gặp nàng trong tiệc bên hồ Giám.

Thành quách đổi dời, việc người đã khác,

Biết bao nơi ruộng dâu đã biến thành biển xanh.

Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan hết cả rồi,

Chỉ còn sót lại một người ca múa!

Trăm năm như chớp mắt có là bao,

Đau lòng việc cũ lệ thấm áo.

Tôi từ Nam Hà trở về đầu bạc trắng hết,

Chẳng trách nhan sắc người đẹp tàn phai.

Đôi mắt mở trừng trừng luống tưởng chuyện ngày xưa,

Thương nhau giáp mặt mà chẳng nhận ra nhau!

(Mai Quốc Liên dịch nghĩachú thích)

BẢN DỊCH THƠ CỦA TỐ HỮU

Có người đẹp ở Long Thành,
Họ tên không rõ nổi danh Nguyệt cầm.
Cô Cầm tên gọi tri âm,
Khúc đàn Cung phụng thâm trầm triều xưa.
Ngón tay nàng vuốt tiếng tơ,
Nhạc hay những tưởng trời đưa xuống trần.
Nhớ thời trai, đã một lần,
Tiệc vui hồ Giám, giai nhân bên mình.
Tuổi chừng hai mốt xuân xanh,
Áo hồng mờ trước mặt xinh hoa dào.
Hơi men đỏ má, yêu sao!
Năm cung réo rắt, thấp cao đổi dòng.
Tiếng khoan gió thoảng rừng thông,
Trong như tiếng hạc từng không đêm mờ.
Mạnh như sét đánh bia xưa,
Đau như Trang Tích ngâm thơ Việt buồn.
Người nghe say đắm tâm hồn,
Đẹp sao tiếng nhạc lầu son Trung Hòa.
Tây Sơn quan khách tiệc hoa,
Ngả nghiêng vui thú sa đà suốt đêm.
Đua nhau tả hữu đôi bên,
Xem như bùn đất, vung tiền thưởng ca.
Vương hầu cũng kém hào hoa,
Ngũ Lăng niên thiếu vào ra bao lần.
Tưởng ba mươi sáu cung xuân,
Trường An vật báu cũng ngần ấy thôi!
Tiệc xưa, nhớ lại một thời,
Hai mươi năm đã hết đời Tây Sơn.
Ta vào Nam, thuở vàng son,
Long thành gang tấc, đâu còn trông ra?
Quan Tuyên phủ đã vì ta,
Mua vui bày tiệc múa ca rộn ràng.
Đào tiên trẻ đẹp bao nàng,
Riêng người cuối chiếu võ vàng một cô.
Hình hài, thần sắc héo khô,
Đôi mày tàn tạ, vải thô nát nhàu.
Hoa râm tóc đã ngả màu,
Long thành ai nhớ ai đâu thuở nào.
Tài danh bậc nhất cô đào,
Canh khuya bỗng vút lên cao tiếng đàn.
Khúc xưa, nghe những lệ tràn,
Lòng đau chợt nhớ gặp nàng như mơ.
Hai mươi năm trước, ai ngờ,
Tiệc vui hồ Giám, bây giờ thấy nhau?
Biết bao chìm nổi biển dâu,
Đổi dời thành quách, khác mau việc đời.
Tây Sơn cơ nghiệp tan rồi,
Chỉ còn sót lại một người múa ca.
Trăm năm chớp mắt ngày qua,
Đau lòng việc cũ, xót xa lệ sầu.
Nam ra, ta đã bạc dầu,
Trách gì người đẹp sắc màu tàn phai.
Nhớ xưa, mở mắt nhìn ai,
Thương thay giáp mặt, cả hai ngỡ ngàng.


(*)

Nguyễn cầm: tức cây đàn Nguyệt. Đàn này do Nguyễn Hàm đời Tấn chế, nên gọi là Nguyễn cầm.