MAI LỄ
Ngay từ đầu, khi chương trình Bài hát Việt ra mắt, chúng tôi – những khán thính giả của VTV3 háo hức chờ mong nhưng sau đó, càng nghe càng chán. Bài hát Việt gì mà kỳ vậy? Một mỹ từ dành cho chương trình hiểu cho đúng nghĩa nay còn đâu!
Một người bạn của tôi là Việt kiều, trong dịp về nước, được nghe và xem xong một chương trình này đã than rằng, nghe Bài hát Việt sao mà nhớ và buồn cho những ca khúc hay của Việt Nam quá! Chương trình giới thiệu ca khúc mới của Việt Nam bây giờ sao mà ngán thế!

Nhóm Năm dòng kẻ trong chương trình Bài hát Việt. Ảnh minh họa.
T. Đ. là ca sĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài cũng phải thốt lên với tôi rằng, Bài hát Việt đại diện cho thể loại, trường phái âm nhạc nào mà xa lạ, tách biệt với công chúng đến thế. Các ca khúc không thể lọt vào tai người nghe, nhất là người lớn tuổi. Hình như những người thực hiện chương trình đã quá lạm dụng ngôn từ, đưa lên một tiêu ngữ đao to búa lớn để cố tình tăng sự hấp dẫn, lôi kéo người yêu âm nhạc.
Thật ra, tôi cùng những người bạn yêu âm nhạc đều ủng hộ mục tiêu của chương trình Bài hát Việt. Việc tạo ra sân chơi dài hơi, công phu nhằm tìm ra sáng tác mới trong âm nhạc, cổ vũ những tìm tòi, sáng tạo phù hợp với cuộc sống ngày nay là rất cần thiết. Nhưng cũng không nên vội vàng và ngộ nhận để gán cho những ca khúc được chọn đưa vào chương trình mang một nhãn hiệu quá tầm.
Gần đây, những người biên tập chương trình đã có sự cải tiến, đưa vào phần đầu mỗi kỳ phát hình một vài bài hát của các nhạc sĩ trước đây từng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Việc này đáng ghi nhận nhưng cũng có thể tạo ra nơi người xem một nhận thức rằng, những Bài hát Việt mới được chọn trong tháng ngang tầm với những ca khúc tiêu biểu của phần đầu?
Nên chăng những người đề xướng Bài hát Việt tìm một danh xưng khác phù hợp với tiêu chí và thực chất của chương trình này.