Có nhiều bài báo, nhiều ý kiến xung quanh bộ phim, tựu trung khen là chính. Bởi vì đây là một bộ phim “nghệ thuật danh giá” đã chu du nhiều Liên hoan phim quốc tế và tác giả đã nhận mấy giải thưởng cho tác phẩm đầu tay này. Có lẽ vì vậy mà hầu hết những ý kiến khen thường mang máng nhau về ý tưởng và cả câu chữ, ngôn từ.
Và tôi cũng ngờ rằng ý tưởng ấy, câu chữ ấy cũng đã từng được giải thích bởi tác giả, đạo diễn Phan Đăng Di, khi anh nói về đứa con của mình. Sự diễn giải khá là hoa mỹ: Là câu chuyện tình yêu, về những khát khao thầm kín, những ham muốn dục vọng, những ẩn ức và cả những nỗi đau trong mỗi con người… Và điện ảnh không phải là kể những câu chuyện xung quanh những nhân vật được định trước một cách rõ rệt mà chính là bước vào thế giới của những con người rất đỗi bình thường để khám phá những bình dị nhất trong cuộc sống đời thường của họ.
Cũng theo Di, phim anh sẽ không có một thông điệp gì, mà chỉ muốn cho thấy một hiện thực cuộc sống để làm sao xem phim, người ta thấy mình ở trong đó. Nhiều lắm những bài phỏng vấn, những giải thích cặn kẽ của tác giả về bộ phim: Phim là câu chuyện về các quãng đời khác nhau của người đàn ông. Khởi nguồn là hình ảnh một cậu bé ngây thơ, trong trẻo, vui vẻ và vô lo (Bi), tiếp đến là tuổi thanh xuân đầy kiêu hãnh, đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi (cậu học sinh), rồi đến tuổi trưởng thành, bắt đầu mệt mỏi với những bổn phận, lạc đường trong các mối quan hệ phức tạp và rất khó tìm hạnh phúc (bố Bi). Điểm cuối của hành trình, khi người đàn ông đã trải qua tất cả mọi biến cố cuộc đời, thấu hiểu nó, họ sẽ trở nên im lặng và sẵn sàng để đón nhận cái chết (ông nội Bi).
Nhưng một bộ phim khi ra mắt khán giả, tự nó phải làm cho người xem nhận ra tất cả những gì mà tác giả muốn truyền đạt. Bởi vì những lời giải thích, càng hoa mỹ càng làm cho người xem ngơ ngác vì sự thiếu nhất quán của nó. Quả là Bi, đừng sợ đang bước vào thế giới của những con người bình thường, nhưng họ lại hoàn toàn không bình thường. Những cái mà tác giả gọi là khám phá những bình dị nhất trong cuộc sống bình thường ấy lại làm cho người xem thấy hoảng sợ vì sự bất thường đến quái dị của họ.
Phan Đăng Di tạo dựng một mái gia đình gồm 3 thế hệ và gọi đó là câu chuyện về các quãng đời khác nhau của người đàn ông: từ cậu bé, cậu thiếu niên, người đàn ông trưởng thành đến ông già sắp chết?! Nghe giải thích thì dường như là hợp lý, nhưng ngẫm lại mới thấy cách giải thích ấy lại giống như dựng một cái mô hình cứng nhắc trong cách nhìn của tác giả. Bởi vì mỗi con người tự sống bằng đời sống của chính mình với biết bao giằng co, quẫy đạp nhiều chiều trong mối quan hệ phức hợp của xã hội. Con người hoàn toàn không đơn giản như cái nhìn đơn giản của tác giả, tuần tự tuột dốc theo chiều đi xuống như vậy.

Những cảnh nóng rất thô trong phim Bi, đừng sợ. Ảnh: Đ.D.
Trong phim trẻ nhỏ là hình ảnh đẹp nhất, trong veo, háo hức tìm hiểu mọi thứ của cuộc sống, còn khi trưởng thành thì con người chỉ là cái xác ướp di động, sống vật vờ bên những quán bia, vui thú với tiệm gội đầu thanh nữ, chỉ trở về nhà khi đã ướp đầy bia. Nhân vật không nhiều lời, nhưng đầy ắp sự bế tắc, chán chường, mất phương hướng trong mọi thứ quan hệ. Với cha là sự lạnh nhạt đến xa lạ, với em gái là sự chán ngán, muốn tống khứ ra khỏi nhà càng sớm càng tốt, với vợ là sự nguội lạnh, với con là sự thờ ơ, với công việc thì chỉ là một khoảng không, vì không ai biết anh ta làm nghề gì để sống.
Nhân vật người đàn ông trưởng thành, thành viên chín chắn nhất của xã hội thực sự chỉ là một thứ xác ướp bơi lội trong khoảng không mịt mùng của màu xám nhờ nhờ, uể oải. Đây chính là đầu mối làm tan chảy mọi mối quan hệ gia đình. Người vợ lặng im, ẩn ức trong sự hờ hững của chồng, bỗng nhiên đón tiếp, chăm sóc cha chồng một cách không bình thường. Mảng tâm lý này là trái khoáy, trừ khi trong cô ta nảy sinh một thứ tình cảm quái dị cùng ông già gần đất xa trời này. Hành động chườm đá rồi ôm ấp, ve vuốt phần dưới của cha chồng đến nỗi người đàn ông sắp chết cũng phải nẩy ngược người lên vì bị kích thích ấy sẽ được giải thích như thế nào nếu không muốn nói là hành vi loạn luân?!
Lẽ nào điều đó lại được gọi với những từ ngữ hoa mỹ là những ẩn ức và những nỗi đau của con người? Hay đó là những khám phá mới mẻ nhất? Bởi vì trong một gia đình bình thường, công việc chăm sóc người cha sẽ là công việc của bà vú, một công việc vệ sinh đơn giản, chứ không thể đẩy lên thành một thứ tình dục bản năng kỳ lạ trong một con người đang cận kề cái chết như thế. Tôi cho rằng đó là cái nhìn bệnh hoạn, khó hiểu nhất của tác giả.
Rất nhiều lời bình về ngôn ngữ điện ảnh của những tảng nước đá trong mối quan hệ con người trong mái gia đình ấy. Đó là một sáng tạo của Phan Đăng Di, lần đầu tiên điện ảnh Việt Nam dùng những tảng nước đá để gửi gắm thông điệp của mình. Nhưng đó cũng chỉ là một cách nói. Nước đá được quay đẹp và trau chuốt như những khối băng đăng, vì vậy nó có ý nghĩa tích cực là làm đẹp khuôn hình hơn là cái ý nghĩa mà tác giả muốn hướng đến.
Nước đá có công dụng cho từng thành viên trong gia đình, nhưng cái công dụng làm giảm cơn khát tình của cô Thúy trong phim mới kinh, đây là một nhân vật cũng khó hiểu và quái đản không kém bà chị dâu. Cô đã đi chơi với người đàn ông được mai mối, đã làm tình với anh ta ở bãi đá (không hiểu sao hai nhân vật này phải chọn nơi công cộng và giữa thanh thiên bạch nhật để lột trần ra làm chuyện phòng the như vậy), vậy mà cô vẫn theo rình rập cậu học trò khi cậu cởi trần đá bóng. Hình ảnh cô giáo mê học trò đến nỗi vừa mới bước vào lớp học nhìn thấy nó là cắp sách vở bỏ chạy như bị ma đuổi, một cô giáo phải bò trong đám lau sậy để lén nhìn ngắm thân thể đám học trò khi nó đá bóng đã làm cho khán giả bị sốc thật sự.
Hầu hết những cảnh nóng quá thô được nhắc trong bài đã được cắt khi ra rạp chiếu ở trong nước, nhưng bản đi dự Liên hoan phim quốc tế thì giữ nguyên. Tác giả đã phát biểu rằng vô cùng buồn vì khán giả Việt Nam đã không thể nắm hết cái thần của bộ phim khi xem bản cắt này(!) |
Có lẽ nào đưa một nhân vật dị dạng như thế này mà gọi là bước vào thế giới của những con người rất đỗi bình thường để khám phá những điều bình dị nhất trong cuộc sống họ? Mà còn hơn thế nữa, đạo diễn đã cố tình đẩy cơn khát tình của cô giáo đến cao trào khi cố tình cho cậu học trò chĩa “súng” vào mặt khán giả (và cả cô giáo) để tè? Rồi trước mặt trẻ con, các chàng trai trần truồng như nhộng ngang nhiên đi từ bến sông lên giống như cuộc diễu binh hình thể. Ai cũng thấy sự dàn dựng rõ rệt, bởi trẻ con ở đây chẳng lấy gì làm ngạc nhiên và cũng chẳng thấy sợ. Dễ hiểu thôi, Bi đã được đạo diễn bảo đừng sợ, nên em không sợ, nhưng khán giả thì lại quá sợ. Đạo diễn mong mỏi mọi người khi xem phim anh sẽ thấy chính mình trong đó ư? Không, đây là một gia đình và những con người cá biệt trong xã hội. Họ sống, họ hành động theo sự sáng tác của tác giả, vì thế họ không thể bình thường như anh mong muốn.
Không ai đòi hỏi nhân vật trên phim phải hoàn toàn giống ngoài đời, nhưng chí ít, người xem chỉ có thể cảm xúc khi có sự đồng cảm và nhận diện được họ như một phần đời gắn bó cùng cuộc sống xung quanh.
Tiếc rằng tính cách và nhân vật của Phan Đăng Di từ Chơi vơi đến Bi, đừng sợ nó quá xa lạ với người Việt Nam. Tác giả muốn đẩy nó đi theo chiều hướng của bản năng, đi gần với chất Con hơn chất Người, nên một người bình thường như anh mong muốn sẽ khó mà tiếp nhận nổi. Nhiều người khen mảng này, mảng kia trong phim là kỹ thuật, là nghệ thuật, nhưng một bộ phim là một tổng thể không phải là những lát cắt. Nó không phải là một ổ bánh, để ngắm phần này đẹp, phần kia công phu, mà nó phải truyền cảm xúc đến người xem, làm lay động được trái tim người xem bằng bức thông điệp lặn sâu vào câu chuyện, hình ảnh, nhân vật, và những chi tiết xúc động.
Tôi thực sự tâm đắc với một ý kiến trên mạng viết về Bi, đừng sợ rằng nếu coi mỗi cảnh phim là một viên gạch thì Bi, đừng sợ giống như một đống gạch. Vì vậy muốn tìm ở đây một ngôi nhà hoàn chỉnh thì chắc rằng người xem sẽ hoàn toàn thất vọng.
Bài liên quan: