Từ xưa ông bà ta đã biết dùng cây nha đam (còn có tên lô hội) để làm thuốc. Nào gọt vỏ, lấy phần nhựa trong của lá nha đam để nấu chè ăn cho mát, cho nhuận tràng. Nào dùng để đắp chữa bỏng, đắp chữa đau mắt đỏ… Không phải chỉ ở ta, mà từ thời Cổ đại, cây nha đam đã được nhân loại coi là thần dược. Người Ai Cập Cổ đại gọi cây nha đam là cây trường tồn vì nó mang lại sức khỏe và sắc đẹp. Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra đã sử dụng nha đam để duy trì sắc đẹp và sự thanh xuân. Người Nga coi nó là cây thuốc trường sinh. Người Brasil dùng nha đam để chữa các chứng ung nhọt (kể cả ung thư). Người Trung Quốc coi nó là thánh dược làm đẹp cho các hoàng hậu, các phi tần.
Ngày nay, khoa học hiện đại cũng đã chứng minh nhiều thành phần hóa học có tác dụng tốt, có trong nha đam, khiến nó trở thành một loài thảo dược quý nhưng không hiếm, mà chúng ta có thể tận dụng để chữa bệnh và làm đẹp.
Các nhà khoa học đã chứng minh trong nha đam có các thành phần như sau:
1. Có rất nhiều vitamin như D, A, C, E, B1, B2, B6 và thậm chí có cả vitamin B12 - loại vitamin hiếm có trong các loài thực vật. Những vitamin này cần thiết để nuôi dưỡng các tế bào, tạo máu, điều hòa cơ thể và chữa lành các vết thương.
2. Nha đam chứa hơn 20 loại muối đạm và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, natri, kali, mangan, manhê, đồng, kẽm, crôm và selen chống oxy hóa. Các enzym oxidase, amilase, catalase, lipase - các enzym này cần thiết để phân giải đường, đạm, chất béo trong dạ dày và ruột.
3. Có các loại axit béo, axit salicylit rất quý, có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn. Vì thế, người ta đã dùng gel nha đam để chữa lành các vết thương, các vết bỏng.
4. Trong nha đam còn có chất saponin, chất này có khả năng làm sạch và có tính sát trùng.
5. Trong gel nha đam có chứa khoảng 20/22 axit amino mà cơ thể con người cần thiết. Trong đó có 7 loại cơ thể không thể tự tạo ra mà phải nhờ vào sự hấp thụ từ các thức ăn.
Với các thành phần phong phú và đa dạng như thế - Khó có một loài thảo dược nào vượt qua, ta hiểu vì sao giờ đây nha đam được coi là “thảo dược tương lai”, được tận dụng trong điều chế các loại dược phẩm và trong công nghệ làm đẹp.

Cây nha đam. Nguồn: Internet.
Trong đời sống hằng ngày, ta có thể sử dụng nha đam để hỗ trợ điều trị các bệnh sau: chống táo bón, chữa viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm đại tràng mãn tính, chống mỡ máu cao. Với các bệnh này ta chỉ cần dùng gel nha đam tươi (gọt bỏ vỏ xanh và rửa sạch chất nhựa vàng), độ 20gr, thêm nước đun sôi để nguội, nghiền nát, có thể cho thêm đường hoặc mật ong uống vào buổi sáng.
Với các vết thương phần mềm, các vết bỏng nhẹ, các bệnh viêm da, vảy nến, trứng cá, dị ứng, mụn, mẩn ngứa, thì dùng nha đam tươi gọt bỏ vỏ xanh, rửa sạch nhựa vàng, thái ra từng miếng mỏng, đắp lên phần da bị bệnh sau khi đã vệ sinh kỹ.
Trong việc làm đẹp, nha đam giúp làm tóc óng mượt bằng cách dùng gel nha đam tươi hòa với 3 phần nước ấm rồi tẩm lên tóc, xát vào da đầu, lấy khăn lông trùm lại, sau 15 phút, gội sạch đầu bằng nước ấm. Nếu tóc khô cứng, nhiều gàu, ta trộn thêm sữa tươi vào gel nha đam, bôi lên tóc và để với thời gian lâu hơn, khoảng 30 phút hãy gội đầu.
Làm mịn da: Dùng gel nha đam với 2 phần nước ấm rồi thoa đều lên mặt, để tự khô, nửa tiếng sau rửa sạch mặt bằng nước ấm (người có da nhạy cảm, nên thử trước ở một phần da nhỏ trong cánh tay, xem có dị ứng không rồi hãy dùng). Một làn da mịn màng rạng rỡ với chất liệu thiên nhiên rẻ tiền, sẵn có, mà không cần những mỹ phẩm đắt tiền khác.