Những điều tôi phát biểu dưới đây có thể là trái tai; có thể có ý cho rằng xu thế trong xã hội hiện nay không thuận, nhưng thà cứ nói còn hơn là im lặng.
Bốn điểm trong Giáo dục Đào tạo đáng đem ra bàn hiện nay là:
1. Mục tiêu của các cấp học, là gì?
Nên phân biệt hai cách “đặt mục tiêu”:
- Cách thứ nhất là đặt mục tiêu “nội tại” của các cấp đào tạo.
- Cách thứ hai là đặt mục tiêu dùng cấp học dưới để nhắm vào học cấp học trên, dù là tiểu, trung hay đại học.

Nói rõ hơn, cách thứ nhất định nghĩa mục tiêu của tiểu học là gì (thí dụ như dạy cho học sinh những điều cơ bản nhất của nhận thức: biết đọc, biết viết, biết làm 4 phép tính cộng - trừ - nhân - chia, biết những khái niệm đầu tiên về luân lý, vệ sinh…) của trung học là gì, của cao đẳng là gì, của đại học là gì.
Cách thứ hai là (với ẩn ý) đặt mục đích của tiểu học là “có trình độ” để vào học trung học cơ sở, mục tiêu của trung học cơ sở là để “có trình độ” học tiếp lên cấp học trên, từ trung học lên đại học, từ cử nhân lên thạc sĩ, từ thạc sĩ lên tiến sĩ…
Một nền giáo dục “lành mạnh” nhắm mục tiêu thứ nhất. Một nền giáo dục “mị dân” (nhả giàu), nhắm thỏa mãn nhu cầu “có bằng cấp cao” để có vai vế trong xã hội, dễ rơi vào mục tiêu thứ hai, khó ngăn chặn được bệnh thành tích, có nguy cơ đào tạo ra những con người có danh hiệu hão mà không có thực lực mà xã hội cần có, dễ gây ra tình trạng “nhiều thầy ít thợ”, dễ gây ra môi trường thuận lợi cho việc “thương mại hóa” giáo dục.
Điều này, một số nhà giáo, nhà khoa học trong nước và ngoài nước đã phát biểu, vì lợi ích chung của đất nước, nhưng xem chừng như bộ máy quản lý và dư luận chưa chú ý.
2. Cách nào để khuyến khích kết hợp giảng dạy và nghiên cứu trong giáo dục đại học và nghiên cứu và phát triển nói chung?
Thời gian gần đây, đã thấy nhắc nhở trên giấy tờ là phải kết hợp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tôi không phải là tông đồ của cái khuynh hướng “phải đăng nhiều công trình bằng bất cứ giá nào” như một số nhà khoa học trẻ Việt kiều mới vào nghề, hăng hái chủ trương.
Tôi có cái nhìn “ôn hòa”, “cổ điển” hơn, nghĩa là chủ trương việc kết hợp giảng dạy với nghiên cứu, với điều kiện là nghiên cứu phải nghiêm túc, nhưng không chạy theo số lượng mà cố nâng chất lượng. Nhưng hô hào suông, mà không có biện pháp tổ chức hành chính đi kèm thì không thể có kết quả.
Thay vì tồn tại một bộ Giáo dục và một bộ Khoa học riêng biệt với những viện nghiên cứu biệt lập với các trường đại học, tôi nghĩ một giải pháp tổ chức hành chính, là:
- “Tách” khối “tiểu học và trung học” ra khỏi mảng giáo dục đại học, để thành một “Bộ Giáo dục” riêng. Bộ này cũng quá đủ nhiệm vụ nặng nề (để phải chấn hưng sao cho có hiệu quả).
- Thành lập một bộ “Đại học và Khoa học” để phụ trách tất cả các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Nếu được như vậy, thì (ngoại trừ nhân viên hành chính) tất cả cán bộ (trong biên chế Nhà nước) thuộc Bộ này đều là cán bộ “giảng dạy và nghiên cứu”; họ sẽ không thể thoái thác giảng dạy mà không nghiên cứu; họ cũng không thể viện cớ mình là nghiên cứu viên để bày ra những đề tài nghiên cứu vô bổ để né tránh việc cập nhật hiểu biết để giảng dạy.
Ở một số nước, nghiên cứu kết hợp với doanh nghiệp cũng đưa vào trong đại học.
3. Cách nào để góp phần gỡ nạn “thừa thầy thiếu thợ”?
Hiện nay, có hiện tượng đa số học sinh muốn theo đại học để có bằng cấp cao, trong khi hệ thống học nghề không thu hút được đủ số học sinh cần thiết cho xã hội, tôi muốn gợi lại một lần nữa câu hỏi mà tôi đã nêu nhiều lần trong quá khứ.

Có thể nào buộc chặng đầu của “đại học” phải là “cao đẳng” đã – (theo nghĩa là phải tốt nghiệp cao đẳng mới được học tiếp đại học) – tất nhiên “cao đẳng” đây được chia loại “cao đẳng kỹ thuật” (nghề nghiệp) và “cao đẳng cơ bản”, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tốt nghiệp “cao đẳng kỹ thuật” dễ dàng học tiếp lên các cấp cao hơn?
4. Vai trò của Nhà nước đối với hệ công lập nên thế nào?
Điều đáng lo ngại nhất là khuynh hướng chấp nhận sự “từ nhiệm” của Nhà nước trong vấn đề Giáo dục Đào tạo, cụ thể là coi nhẹ hoặc bỏ rơi hệ “công lập”.
Ở nước ta hiện nay, nói tóm lại:
- Phía cơ quan quản lý, có lẽ do tính toán thiệt hơn về ngân quỹ, khuynh hướng “từ nhiệm” này thể hiện dưới sự đẩy gánh nặng tài chính sang vai công dân (học phí và kinh phí khác) hoặc trao cho tư nhân, cho người ngoại quốc…
- Một số nhà trí thức tâm huyết đầy thiện chí – nhưng vì ngán cái quá khứ “bao cấp vô trách nhiệm” và cái “quy chế xin - cho”…, cũng quay lưng lại với hệ công lập, mà chỉ nhằm đòi hỏi sự tự chủ để thực hiện được một số điều lẻ tẻ, tuy có thể là cần thiết cho việc chấn hưng nền Giáo dục Đào tạo, trong hệ dân lập, tư lập.
- Và một số “thương nhân” (theo nghĩa rộng), chế biến ra một thứ triết lý “thị trường hóa giáo dục” kiểu mới Việt Nam, không giống nước nào, (quá trớn so với cả những nước tư bản với nền kinh tế thị trường tự do), với những mỹ từ nhập nhằng tối nghĩa, với những chủ trương có ẩn ý đặt “lợi nhuận trên hết”…
Tôi không hề có ý chủ trương Nhà nước ôm đồm, bao cấp tất cả, nhưng tôi nghĩ rằng Nhà nước phải có trách nhiệm “cáng đáng toàn diện” một mảng tối thiểu của Giáo dục Đào tạo (qua một hệ thống công lập dù là tối thiểu), vì đó là nhu cầu chiến lược.
Vì khuôn khổ giới hạn của bài viết này, tôi không đưa lý lẽ chi tiết. (Xin mời ai muốn tìm hiểu thêm, có thể vào trang mạng của tôi: http://www.buitronglieu.net).