Bạn tôi - ĐẶNG BÍCH HÀ

…Thời đó là năm 1949-1950, Đặng Bích Hà kết hôn với Tướng Võ Nguyên Giáp đã được 4 năm nhưng không hiểu sao vẫn chưa có con. Qua một vài chị lớn trong cơ quan như chị Diệu Hồng, chị Võ Ngọc Nghi, chị Phan Thị An... những chị quen thân từ lâu với gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai, tôi được biết trước đây khi Hà tốt nghiệp Tú tài xong gia đình dự định cho Hà sang Pháp học thì Cách mạng tháng Tám thành công và Hà gặp anh Giáp. Hồi đó anh Giáp hay về nhà GS Đặng Thai Mai chơi thân thiết như người nhà, có khi ăn ở tại nhà bạn mấy ngày liền. Đặng Bích Hà, Đặng Thị Hạnh và các em đều gọi anh là chú. Nhưng trong các “cháu”, Hà lớn nhất và anh Giáp hay trò chuyện chơi đùa với Hà nhất. Anh còn dạy Hà học và hướng dẫn Hà đọc sách. Buổi tối, các em đi ngủ hết, anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này) và Hà vẫn ngồi lại bên bàn đọc sách và trò chuyện. Một đêm, đã khuya lắm, đột nhiên ông Đặng Thai Mai trở dậy thấy đèn phòng ngoài còn sáng, đi ra. Ông ngạc nhiên thấy anh Văn và Hà còn ngồi trò chuyện bên bàn. Ông bảo con gái: “Hà ơi, đi ngủ đi, khuya rồi, để anh Văn còn đi nghỉ”. Và ngạc nhiên biết bao khi thấy anh Văn quay lại, nói với ông bằng tiếng Pháp: “Taisez - vous. Ne nous dérangez pas” (Để yên nào. Xin đừng quấy rầy bọn tôi)(*). Tôi chưa bao giờ hỏi Hà, nhưng tôi nghĩ có lẽ đêm ấy là lần đầu tiên anh Văn tỏ tình với Hà. Năm ấy Hà 18 tuổi, anh Văn 35 tuổi

Những năm ở Việt Bắc, theo tôi biết, Hà không làm một công tác gì cụ thể ở cơ quan anh Văn. Trước năm 1951 chưa sinh cháu đầu lòng, nhiều thì giờ nhàn rỗi Hà thường đọc sách báo và xuống chơi với mấy cô bé văn thư, đánh máy, còn nhỏ tuổi hơn Hà. Anh Văn thường phải đi họp hành, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác nên Hà lại càng có nhiều thời gian rỗi. Nhớ nhiều lần tôi và Hà đi từ Châu Tự Do, Sơn Dương (thuộc Tuyên Quang) về Quảng Nạp, qua Đèo Khế. Hai đứa đều áo sơ mi màu gụ, quần vải chéo đen, dép râu đen. Trong ba lô chỉ vài bộ quần áo, cái màn nhỏ, cái chăn trấn thủ mỏng, nhẹ tênh. Đường xa, đèo cao suối sâu nhưng chúng tôi còn rất trẻ, lòng vui phơi phới. Nhưng Hà đi đâu cũng có một chú lính trẻ đeo ba lô, đeo súng đi theo bảo vệ.

Hà tâm sự: - Cái tính anh Văn vẫn thế mà. Ngày trước anh ấy đối với chị Thái, cũng thế.
Rồi Hà tiếp: - Đối với anh ấy tình yêu là entier, absolu, exigeant (hoàn toàn, tuyệt đối, đầy yêu sách).
Thường chúng tôi qua Đại Từ trời đã về chiều. Đại Từ có một quán bánh giò rất ngon. Bây giờ tôi không còn nhớ tên bà chủ quán. Nhưng cán bộ cơ quan tôi đi qua đấy ai cũng ghé ăn. Nhiều lần Hà và tôi ngủ đêm lại ở quán bánh giò ấy. Lần nào buổi sáng ngủ dậy chén vài cái bánh giò xong Hà cũng mua thêm một cặp bánh đem về. Hà nói:

- Để đưa về cho anh Văn. Anh ấy thích bánh giò này lắm.

Cả sau này cũng vậy, khi đến nhà tôi chơi ăn cơm xong nếu có một vài thứ bánh nào đó như patêsô, su kem... thế nào Hà cũng bảo tôi đưa giấy gói về cho anh Văn vài chiếc. Sự quan tâm tỉ mỉ và rất tình cảm ấy từ khi còn trẻ cho đến khi vị đại tướng đã già tôi thấy thật là trẻ trung và cảm động.

Ngày ấy đi họp, đi công tác ngang qua khu vực cơ quan Bộ Tổng tư lệnh thế nào tôi cũng tranh thủ ghé vào và ở lại chơi với Hà vài bữa. Sinh hoạt gia đình anh Văn và Hà hết sức giản dị. Bữa cơm sạch sẽ, ngon lành nhưng rất bình thường, rau trồng được, trứng thì có gà nuôi sẵn, có bữa có đĩa thịt lợn hay thịt gà cũng là của cơ quan hay gia đình tăng gia. Anh Văn ăn chậm rãi, nói chuyện rất vui trong bữa ăn. Lúc Hà đã có các cháu nhỏ – Hòa Bình rồi Hạnh Phúc – cả nhà cùng ngủ trong một cái màn to chăng quá nửa một tấm giường bằng tre đan rộng cả nửa gian phòng. Tôi là khách có lần cũng được nằm trên một cái giường tre đan cạnh đấy. Buổi tối anh Văn thường làm việc bên phía cơ quan, về rất muộn. Đến 9-10 giờ đêm tắm táp xong anh còn ra phòng làm việc nghe anh thư ký báo cáo công việc và tin tức trong ngày. Một lần Hà không có mặt, anh nói chuyện với tôi tỏ ý băn khoăn vì Hà không có điều kiện học thêm cũng không tiện nhận việc gì của cơ quan. Anh rất sợ Hà buồn.

 

 Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạnh phúc bên các con

Tôi còn nhớ năm 1951, tôi gặp anh ở một cuộc họp ở Cục địch vận. Giờ nghỉ anh đi tìm tôi, mặt rạng rỡ. Anh khoe:
- Cô Thanh Hương, Hà sinh rồi đấy. Cháu gái.
Tôi mừng rỡ:
- Dạ, anh và Hà đặt tên cháu chưa ạ?
- Rồi, tên cháu là Hòa Bình. Lúc nào có thời gian, cô sang thăm cháu nhé.
Anh lại cười tươi. Tôi thật vui vì biết anh vui lắm. Đứa con mong đợi mấy năm ròng đã ra đời. Sau Hòa Bình là Hạnh Phúc. Hạnh Phúc là tên tôi góp ý đặt cho cháu.

* * *

Chúng tôi thân nhau có lẽ vì có những sở thích giống nhau – lúc đó chúng tôi là những cô gái trẻ, thích đọc sách, thích mơ mộng, sôi nổi hoạt bát nhanh nhẹn. Hà đã có gia đình, lại là một “phu nhân đại tướng” nhưng đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy từ tính tình, ưa thích đến những yêu ghét lúc ấy của Hà không có gì khác tôi. Tôi còn giữ được hai tấm ảnh nhỏ tí xíu chụp Hà và tôi đang đi chơi trong khu văn phòng bộ Tổng Tham mưu thời ấy. Cả hai đều tết tóc bím, độ mũ bê rê, áo sơ mi trắng, quần đen, dáng tung tăng nghịch ngợm. Điều tôi thích nhất ở Hà là sự thông minh nhanh nhẹn, tính chân thành giản dị, không thích phô trương hình thức. Hà còn là nhân chứng một mối tình thời trẻ của tôi. Chúng tôi đã nói với nhau rất nhiều về cuộc sống, về tình yêu, lúc ấy chúng tôi đều chỉ mới ngoài hai mươi tuổi. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng thật may mắn và hạnh phúc cho ai có được một người bạn như thế trong những giờ khắc như thế của cuộc đời.

Năm 1954 Hà sinh một cháu trai, cháu Võ Điện Biên. 1956, thêm một cháu trai nữa, cháu Võ Hồng Nam. Sau Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Hà học tiếp đại học rồi sang làm nghiên cứu sinh một thời gian ở Liên Xô. Tôi nghĩ anh Văn đã yêu quý và thương Hà như thế nào mới để Hà đi học xa và lâu như thế, trong lúc tuổi anh đã lớn và bộn bề bao nhiêu công việc, bao trách nhiệm lớn lao trước nhân dân và đất nước. Là một “đại phu nhân” của thời bình, vợ một nhân vật lừng danh khắp năm châu bốn biển, Hà vẫn là người phụ nữ trí thức Việt Nam vô cùng chân thành và giản dị. Tôi sung sướng và cảm thấy tự hào là chưa hề nghe ai nói điều gì không tốt về Hà. Hà không hề ở trong danh sách những “phu nhân” kệch cỡm, hãnh tiến, hay lọc lõi khôn ngoan chuyên dựa vào thế và lực của chồng để mưu cầu lợi lộc cho gia đình, con cái mình. Đôi khi tôi có cảm giác Hà còn giản dị “lười xười” hơn cả chúng tôi, những bạn bè bình thường cùng trang lứa. Những năm sau này khi anh Văn đã cao tuổi, Hà luôn phải ở cạnh anh, chăm sóc anh. Mà hình như anh cũng có nhu cầu luôn nhìn thấy vợ bên cạnh. Một lần Hà nói với tôi: “Muốn đến chơi một buổi với Hương, Hà phải “công tác tư tưởng” cho anh Văn cả một ngày. Anh ấy lớn tuổi rồi, phải thông cảm với anh ấy”. Một lần nhân chị Huỳnh Bội Hoàn (nguyên Chủ bút báo Tiếng Gọi Phụ Nữ năm 1945) và chị Võ Ngọc Nghi (tức Như Quỳnh, nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam) ở miền Nam ra chơi, cả hai chị đều quen thân với gia đình anh Văn, Hà mời chúng tôi đến ăn trưa. Đó là năm 1999, anh Văn còn khoẻ. Hôm ấy trời đổ mưa rất to, tôi và chị Như Quỳnh đến đã lâu rồi mà vẫn chưa thấy chị Bội Hoàn đâu. Hà gọi điện về nhà người bà con chị Hoàn thì biết chị đi đã một lúc lâu. Anh Văn đi ra đi vào, ra cả hiên nhà đứng ngóng, rất băn khoăn. Anh phàn nàn với Hà: “Biết thế mượn xe đón chị ấy đến”…

Đằng sau gian phòng khách rộng lớn là phòng ăn của gia đình - là một khoảng sân rộng dẫn lên thang gác xây theo lối biệt thự thời Pháp. Chiếc bàn ăn lớn bằng gỗ, sạch sẽ và giản dị. Những chiếc ghế tựa bằng gỗ và bữa cơm đãi khách rất ngon lành: một đĩa mướp đắng xào với tôm nõn, món canh rau ngót nấu tôm, một đĩa thịt gà kho gừng và mỗi người một chén nhỏ súp ngô non. Ở tuổi gần 90 anh Văn vẫn ngồi ăn gọn gàng và đĩnh đạc. Giữa bữa ăn thấy Hà lấy ra một lọ vừng đen xay nhỏ đặt cạnh anh để anh ăn thêm. Chắc đây là một khẩu vị của anh.
Ăn xong Hà đưa đĩa cam cho anh tráng miệng rồi đưa anh vào phòng nghỉ trưa. Chúng tôi ra phòng khách tiếp tục trò chuyện. Đến lúc chúng tôi chuẩn bị ra về thì lại thấy anh chậm rãi đi ra và khi Hà hỏi: “Sao, ba không nghỉ trưa à?” thì anh cười cười: “Phải ra chào các chị chứ!”.
Hôm ấy anh đã ký tên vào cuốn sách mới in Đường tới Điện Biên Phủ để tặng ba chị em. Cuốn sách anh tự tay ghi tặng vợ chồng tôi là món quà vô giá đối với chúng tôi và cả với con cháu chúng tôi sau này.

Anh Văn là người hết sức chu đáo và tình cảm với vợ và các con. Chị bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản kể với tôi, một lần cách đây đã nhiều năm Hà phải vào Viện 108 mổ u xơ dạ con. Ngọc Toản là bác sĩ điều trị và cũng là người sẽ phẫu thuật cho Hà. Nhiều lần Toản phải giải thích đi giải thích lại với anh Văn về bệnh của Hà và nói lời cam đoan là ca phẫu thuật sẽ thành công rất tốt cho anh yên lòng. Vậy mà khi đưa Hà vào phòng mổ, bác sĩ Toản bắt gặp anh quay đi chùi nước mắt. Anh rất tôn trọng và yêu quý vợ nên mỗi lần chúng tôi là bạn của Hà đến chơi, nếu có mặt ở nhà thế nào anh cũng ra cùng tiếp với Hà một lát rồi mới trở vào làm việc. Nếu quá bận anh cũng ra bắt tay hỏi han vài câu rồi mới cáo từ. Từ ngày mới quen biết Hà ở Việt Bắc cho đến bao năm về sau, mỗi khi được tiếp kiến anh Văn tôi thấy anh vẫn nguyên vẹn những tác phong giao tiếp ấy. Ân cần, điềm đạm, thân tình và lịch sự. Mặc dầu giữa anh và chúng tôi có một khoảng cách khá xa về vị trí xã hội cũng như về tuổi tác. Tôi có cảm giác bên cạnh tình yêu đằm thắm và sâu sắc của anh đối với Hà, anh vẫn luôn xem Hà là một người bạn tri âm và là cô em gái nhỏ cần bảo bọc và chỉ dẫn. Và chúng tôi là bạn của cô em gái ấy. Trong thâm tâm tôi cũng chưa bao giờ dám nhìn anh như người “chồng của bạn”, mà là một người anh lớn, một nhà lãnh đạo chân chính và uyên bác, một vị tướng huyền thoại. Đối với nhân vật vĩ đại ấy chúng tôi có lòng quý trọng và sùng kính.

Trong cuộc đời công tác, cũng như nhiều người Việt Nam tôi đã bao lần chứng kiến lòng ngưỡng mộ của nhân dân và bạn bè thế giới đối với anh Văn. Một lần, vào năm 1978, là Tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam tôi đi dự một cuộc họp về truyền thông phụ nữ ở Panama - châu Mỹ La tinh. Trong cuộc họp ấy có những đại biểu phụ nữ lên diễn đàn tố cáo Mỹ với những chiếc khăn đen bịt gần kín hết khuôn mặt chỉ chừa đôi mắt. Giờ giải lao, một đại biểu nữ còn khá trẻ người El Salvador đến ngồi cạnh tôi hỏi chuyện về Việt Nam. Sau khi nói lời chúc mừng thắng lợi 1975 của Việt Nam, chị buồn rầu nói: “Chúng tôi không được như Việt Nam bởi vì chúng tôi không có một Hồ Chí Minh và một Võ Nguyên Giáp như các bạn”.

Năm 2001, hai vợ chồng nhà sản xuất phim ảnh người Mỹ Joan Mackhin và Raphael Silver ở New York khi qua Hà Nội trong một lần gặp vợ chồng tôi đã thổ lộ: “Trước đây về Việt Nam nhiều người chúng tôi thường chỉ biết có hai nhân vật: đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Được quen biết Đặng Bích Hà và được nhiều lần tiếp kiến anh Văn từ 1949 cho đến mấy chục năm sau, tôi muốn viết một đôi dòng kỷ niệm về bạn tôi và về vị tướng lừng danh ấy - Để góp vài hình ảnh nhỏ trong khía cạnh đời sống riêng tư của anh Văn và người bạn đời thông tuệ, bình dị và trung thành của anh, là người rất mực hiểu biết anh, luôn sát cánh với anh trong những ngày tháng khó khăn, những vinh quang tột bậc mà cũng nhiều lúc ngậm ngùi cay đắng của cuộc đời. Người vợ lúc còn rất trẻ từng tung tẩy nhí nhảnh bên anh và cho đến lúc anh ở tuổi bách niên, trải qua bao năm tháng luôn luôn dịu dàng chăm sóc anh trong từng bữa ăn giấc ngủ, trong từng buổi làm việc, những lần dự hội thảo, những lần anh đi thăm thú khảo sát các địa phương, những buổi tiếp khách trong và ngoài nước liên tiếp, bận rộn. Âu đó cũng là một đóng góp, một sự hy sinh về phía Đặng Bích Hà, tôi nghĩ. Một sự hy sinh cao quý. Hà là một phụ nữ trí thức, từng là nữ sinh trường Albert Sarraut thời Pháp thuộc, tốt nghiệp xong chuẩn bị đi du học. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, là một người mẹ bốn con nhỏ chị học tiếp đại học và đã từng đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Chị là một giáo sư sử học, từng công tác ở Viện Dân tộc học Việt Nam. Phần riêng mình là một phụ nữ rất ham học, ham đọc, rất thông minh và giàu nghị lực, có thể chị sẽ còn tiến xa rất nhiều trong lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn nếu chị không phải gánh vác nhiều trách nhiệm bên cạnh một vị tướng lẫy lừng đầy trọng trách, một nhân vật huyền thoại như anh Văn. Và một “công lao” rất lớn nữa tôi luôn ghi nhận và rất mừng cho Hà: bằng cuộc sống trong sạch và nhân cách của mình, với tư cách là vợ của anh Văn, chị đã góp phần giữ cho tên tuổi của anh luôn sáng trong không chút nào vẩn đục. Lịch sử sau này sẽ nhắc đến người vợ thủy chung ấy bên cạnh tên tuổi người chồng vĩ đại của chị: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

_______
(*) Võ Nguyên Giáp và Đặng Thai Mai là bạn rất thân, họ cùng dạy tại trường trung học Thăng Long (Hà Nội). Họ nói với nhau bằng tiếng Pháp, thân mật, suồng sã theo kiểu “toa, moa” (cậu, tớ) nên không có gì ngạc nhiên. (H.V)

Thanh Hương (Nhà văn)