Thơ Bằng Việt những năm 60-70 của thế kỷ trước, hồi anh ngoài 20 mươi, quả có đưa vào thơ Việt một giọng mới: tươi trẻ mà thông tuệ, yêu đời mà nghĩ ngợi… Thế hệ anh là hoa trái của một tầng văn hóa mới: Văn hóa Nga vào hồn Việt. Sau này, Bằng Việt còn đi xa hơn: anh đến với cả văn hóa Pháp, anh làm thơ tình bằng tiếng Pháp…
Được như thế đã là quá quý rồi, và nếu nhìn lại cả một đời thơ anh, ta sẽ thấy tầm vóc thơ anh, phong cốt thơ anh, và một chỗ đứng rất riêng trong thơ. Gần đây, trong những biến động liên hồi của thời cuộc, của thế sự… thơ Bằng Việt càng “đời” hơn, nghĩ suy hơn… Không còn chất tươi trẻ, những suy tư non tơ, những tình cảm dạt dào. “Hồn anh đã chín” không phải qua “mấy mùa thương đau”, mà cuộc đời nó vậy. Sự từng trải đi kèm tuổi tác nó làm thơ đổi khác. Quan niệm về thơ của anh, cũng rất xác đáng.
Tôi đọc lại thơ Bằng Việt, cả thơ anh dịch rất hay; như sống lại một thời với bao ước vọng. Ước vọng ấy không có lỗi. Nó vẫn quyến rũ, thân thương trong những câu thơ tài hoa, tinh tế, mong manh hồn một chàng trai Hà Nội… Bây giờ, người làm thơ và người đọc thơ, qua bao tháng năm, biến đổi, nhận ra Pautốpxki đã chết rồi, những mơ mộng khác xưa rồi và thơ cũng phải khác…
Nhưng dù có giễu cợt những mộng mơ thơ mộng ấy; ngày xưa ấy vẫn còn và làm sao dứt nó ra khỏi những kỷ niệm “rất trong – như niềm vui tháng Sáu”?
MAI QUỐC LIÊN

Mẹ Con bị thương, nằm lại một mùa mưa Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ Nhà yên ắng. Tiếng chân đi rất nhẹ. Gió từng hồi trên mái lá ùa qua. Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà Trái chín rụng suốt mùa mưa lộp độp Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao... Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế Khoai nướng, ngô bung ngọt lòng đến thế Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà. Ba con đầu đang chiến đấu nơi xa Tình máu mủ, mẹ dồn con hết cả, Con nói mớ những núi rừng xa lạ Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê. Ông mất lâu rồi. Mẹ kể con nghe Những chuyện làm ăn, những phen luân lạc Mắt nhòa đục và mái đầu tóc bạc, Cả cuộc đời chèo chống bấy nhiêu năm. Những lúc hiếm hoi mưa tạnh, trời trăng Mẹ hể hả ngắm con hồng sắc mặt Con ra ngõ, núi trập trùng xanh ngắt, Lại tần ngần nói với mẹ ngày đi. Mẹ cười xoà, nước mắt ứa trên mi - Đi đánh giặc khi nào tau có giữ! Súng đạn đó, ba lô còn treo đó, Bộ mi chừ đeo đã vững hay chăng? ... Ôi! Mẹ già trên bản vắng xa xăm Con đã đi rồi, mấy khi trở lại? Dằng dặc Trường Sơn những mùa gió trái Những mùa mưa bạc trắng cả cây rừng!... Con qua đâu thấy mái lá, cây vườn Cũng đất nước, phơ phơ đầu tóc mẹ Từng giọt máu trong người con đập khẽ Máu bây giờ đâu có của riêng con?... (1972) |
Rượu của Nguyễn Cao Kỳ Vị thiếu tướng công an cầm chai rượu ra bàn - “Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng” Mọi người đang vui, gật gù bảo uống Nhưng một người bảo “Không!” Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu! Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì, Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ Đây là chén rượu thăm quê hương của tướng Nguyễn Cao Kỳ! Nhưng vẫn có một người không chịu uống! Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư? Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ! Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử, Sống đến hôm nay đâu phải để bận thù! Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm? Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa, Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ, Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa… Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống Anh bạn chỉ ngồi, cũng chẳng nói thêm gì, Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ! (2007) |

Bê-tô-ven và âm vang hai thế kỷ 1 Nghĩ chi em, bốn tiếng sấm bão bùng Bốn tiếng đập dập vùi số phận Bốn cái tát trong cuộc đời gián gậm Bốn thanh âm dựng đứng tâm hồn lên! (1) Trái tim không bình yên, không một phút bình yên Trái tim lớn mang niềm đau khổ lớn Trái tim trải những vòng sóng gợn Lan truyền đi mãi mãi đến tương lai... Em đừng mong khúc nhạc để vui tai Đây là nhạc của châu Âu gầm thét Tiếng kèn trận, người đi như nước xiết Tiếng thác xô, tung toé bọt căm thù! Ai đã kêu lên dưới ánh nến tù mù: “Từ chiến đấu sẽ sinh ra chân lý” Tiếng trống thúc bàng hoàng hai thế kỷ Phải đâu giờ đến lúc đã nên quên? 2 Em ở giữa châu Âu, bao bọc những bình yên Hạnh phúc thả trầm tư trong tiếng nhạc Hay như thói quen, như nụ cười biếng nhác Bê-tô-ven thành một khúc đàn ru! Em ở giữa hồ thu sâu lắng sóng thu Nhạc lay động vầng trăng trong thổn thức (2) Em chưa biết vầng trăng đi cứu nước Chưa biết trăng thành du kích phương nào Nghĩ chi em, những tiếng giận sôi trào Của thế kỷ hai mươi đang chiến đấu Trăng du kích soi dặm đường chảy máu Trăng chẳng vô tình như góc phố nơi em! Ec-mông ư? Hãy dạo khúc đàn lên (3) Em sẽ hiểu tiếng rên trong áp bức Tiếng hát nhân dân ứ dồn uất ức Tiếng gươm đao đòi chặt đứt xiềng gông! Sau giấc mơ xưa, giờ lại có Ec-mông Đứng trước cọc hành hình, hăm bốn tuổi - “Hãy nhớ lấy lời tôi!” - Anh nói (4) Phút giây đi vĩnh viễn chẳng quay đầu Anh thành người giao ước với mai sau... 3 Nghĩ chi em? Nghĩ chi em? Từng phút Giữa thế kỷ như lò lửa đốt Không cho ai hờ hững bình yên Trận tuyến chia đôi, em đừng ở giữa Dù chỉ ngồi nghe nhạc Bê-tô-ven! Bốn tiếng đập xót lòng em có phải Nhưng ở khắp mọi miền trên thế giới Hãy còn nguyên bao tiếng đập giày vò Bao vết roi lằn máu tự do Bao họng súng, giày đinh xâm lược Mỹ? “Từ chiến đấu sẽ sinh ra chân lý” Cho vòng yêu thương mở giữa con người Bê-tô-ven đã từng khao khát thế Bê-tô-ven như người đồng chí Bê-tô-ven như người chiến sĩ Gióng hồi chuông Giao hưởng của Niềm vui! (5) Ôi thế kỷ ra hoa trong lửa bỏng Đừng để nguội, em ơi, bầu máu nóng Đừng ngồi yên mong cuộc sống bình yên Khi bốn tiếng vang tàn khốc còn nguyên! (Các-pát, 1964) |
(1) | Bê-tô-ven (Beethoven, 1770-1827), nhạc sĩ thiên tài Đức, chín bản giao hưởng của ông sáng tác khoảng 25 năm đầu thế kỷ XIX là những đỉnh cao của nhạc giao hưởng thế giới. Bốn tiếng đập ở đây nằm trong bản Giao hưởng thứ 5, mà Bê-tô-ven đã gọi là “tiếng số phận đến đập cửa”. |
(2) | Ở đây muốn nhắc đến bản Xô-nát thứ 14 của Bê-tô-ven, được mệnh danh là Xô-nát ánh trăng, một bản nhạc trữ tình nổi tiếng. |
(3) | Bản Uvéctuya Ec-mông (Egmont) của Bê-tô-ven, viết cho bi kịch của Ec-mông của Gớt, diễn tả tinh thần quật khởi của nhân dân Hà Lan nổi dậy chống xâm lược Tây Ban Nha. Ec-mông, nhân vật anh hùng của vở bi kịch, bị địch hành hình vẫn tin vào sức mạnh tất thắng của dân tộc. |
(4) | Lời anh Nguyễn Văn Trỗi trước lúc hy sinh (15/10/1964). |
(5) | Giao hưởng số 9 còn gọi là Giao hưởng của niềm vui, tổng kết toàn bộ sự nghiệp của Bê-tô-ven. Chương cuối cùng là bản hợp xướng Đi tới niềm vui phổ lời của Sinle (Schiller) trong đó có câu: “Hãy ôm hôn nhau, hỡi triệu triệu con người”. |