Bình thường và bất thường

Vấn đề bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Cuba là một hồ sơ quốc tế bất thường, vì nó đã kéo dài tới hơn nửa thế kỷ kể từ khi Tổng thống Eisenhower ban bố lệnh cấm vận Cuba năm 1960 và tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với La Habana vào năm 1961. Đó là hành động trả đũa của Mỹ đối với thành công của cách mạng Cuba năm 1959 - lật đổ sự thống trị của chế độ độc tài Batista thân Mỹ. Tính chất bất thường của hồ sơ này còn là ở chỗ: Mỹ luôn luôn rao giảng về thế giới tự do, nhưng Mỹ lại không muốn các nước khác có quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị mà Mỹ không ưa thích.

Tuy nhiên, điều bất thường ấy lại cũng là lẽ vốn rất bình thường của chính trị quyền lực trong đời sống quốc tế tự cổ chí kim. Nước mạnh có thể làm mọi điều họ muốn, còn nước yếu thì phải gồng lưng mà chịu đựng! Đây là một định đề chính trị quyền lực do nhà sử học Thucydides đã viết trong Đối thoại Melos từ thế kỷ thứ 4 TCN. Nhưng đó cũng chỉ là một phương diện bất thường của quan hệ giữa các quốc gia, còn một phương diện bình thường khác đã được thực tiễn quốc tế kiểm chứng là: nước nhỏ cũng có thể làm được điều họ muốn mà nước lớn không thể ngăn cản được.

Dân chủ hóa vốn cũng là một xu thế tiến hóa của xã hội quốc tế. Hiệp ước Westphalia năm 1648 đã chấm dứt cuộc chiến ba mươi năm và đánh dấu sự thành lập Âu châu hiện đại, một lục địa gồm những nước có chủ quyền. Sự ra đời của Liên Hiệp Quốc năm 1945 và hệ thống luật pháp quốc tế sau hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc là một bước tiến dài trên con đường dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Đó là trụ cột và chuẩn mực pháp lý của hòa bình và tiến bộ xã hội, là chỗ dựa vững chắc cho các dân tộc nhược tiểu vươn lên đấu tranh đòi quyền sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Chính vì vậy mà Mỹ đã từng phải nếm chịu thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong thế kỷ 20. Còn có những minh chứng khác về quan hệ bất thường lớn-bé. Trong hơn một thập niên qua, Mỹ chẳng những không xóa đi được hội chứng Việt Nam mà còn mắc thêm hai hội chứng nữa là hội chứng Afghanistan và hội chứng Iraq khi Mỹ nhân danh chống khủng bố để triển khai chiến lược toàn cầu ở Trung Á và Trung Đông. Lợi ích kinh tế và lợi ích chiến lược là hai động lực chính trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trước cách mạng Cuba 1959, các công ty Mỹ làm chủ 80% dịch vụ, mỏ, nông trại và các cơ sở lọc dầu, 40% ngành sản xuất đường và 50% ngành đường sắt của Cuba. Một năm sau cách mạng, tất cả các doanh nghiệp Mỹ ở Cuba đã bị quốc hữu hóa. Kể từ đó, Mỹ bắt đầu tiến hành một cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt đối với Cuba. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã, trước sự phê phán và lên án của cộng đồng quốc tế, Mỹ buộc phải có những điều chỉnh nhất định trong quan hệ với Cuba. Tháng 3-1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho phép nới lỏng kiểm soát vận chuyển lương thực, dược phẩm cứu trợ nhân đạo và tạo cơ hội để người Mỹ gốc Cuba được chuyển 1.200 USD/năm về quê nhà.

Hy vọng bình thường hóa sau cái bắt tay lịch sử đầu tiên giữa lãnh tụ Fidel Castro và Tổng thống Mỹ Bill Clinton diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc vào tháng 9-2000, đã bị dập tắt vào tháng 10-2003 khi Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố thắt chặt lệnh trừng phạt Cuba, bao gồm tăng cường kiểm soát biên giới đối với khách lữ hành và hàng hóa giữa hai nước. Thậm chí, bà Condoleezza Rice, cố vấn An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, đã từng coi Cuba là “trường hợp không thể tha thứ được”, vì quốc đảo nhỏ này thuộc Thế giới thứ ba nằm ngay sát nách Mỹ đã kiên cường không chịu sự áp chế của trật tự thế giới tự do kiểu Mỹ. Các biện pháp bao vây cấm vận phi lý, bất bình thường của Mỹ đối với Cuba kéo dài hơn 50 năm qua đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Cuba hơn 1.100 tỉ USD, nhưng rốt cuộc, như Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ đã “không thể thay đổi được hòn đảo này”.

Hình ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10-12-2014 bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro tại lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nelson Mandela ở Nam Phi đã nhen nhúm niềm hy vọng mới. Lần này thì nó đã biến thành hiện thực. Một tuần sau, ngày 17-12-2014, đã có cuộc điện đàm trực tiếp giữa Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Barack Obama. Hai bên nhất trí khởi động tiến trình bình thường hóa, chấm dứt 53 năm gián đoạn. Chủ tịch Raul Castro phát biểu trước toàn dân: “Chúng tôi nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ sau hơn nửa thế kỷ”. Còn từ thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định “một chương mới” đã được mở ra trong quan hệ giữa Mỹ với Cuba, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt “cách tiếp cận lỗi thời” vốn không thể giúp thúc đẩy quan hệ song phương.

Nếu thực sự Tổng thống Barack Obama cho là cách tiếp cận bao vây, cấm vận vốn có từ thời Chiến tranh lạnh là lỗi thời, thì Mỹ cũng cần loại nó ra khỏi quan hệ với Nga và một số nước khác hiện nay. Ở đây, không thể không chú ý tới các nước cờ của Mỹ trên bàn cờ chiến lược toàn cầu thời tương tác chiến lược Mỹ-Trung-Nga đang hiển hiện. Theo báo Guardian, Nga và Cuba đã đạt được thỏa thuận ngầm về việc tái thiết lập căn cứ quân sự Lourdes, nhân chuyến công du của Tổng thống Vladimir Putin tới Cuba hồi tháng 7-2014. Đây từng là căn cứ quân sự và tình báo ở nước ngoài lớn nhất của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh. Cho dù Moscow đã phủ nhận tính xác thực của thông tin trên, nhưng đó vẫn là một yếu tố chiến lược buộc Mỹ phải cân nhắc.

Cũng trong tháng 7-2014, Cuba còn đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc sẽ vươn dài tới châu Mỹ latinh. Các hải cảng của Cuba có tầm quan trọng đặc biệt. Không chỉ thế, Trung Quốc và Nga cũng đã tính tới sự hợp tác xây dựng kênh đào Nicaragua để cạnh tranh với kênh đào Panama do Mỹ thao túng. Hai nước này đang tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Mỹ latinh - vốn là sân sau của Mỹ. Chính vì vậy mà Mỹ phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách nhằm bình thường hóa quan hệ với Cuba. Nếu gắn sự kiện này với sự điều chính quan hệ của Mỹ với Myanmar và việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, có thể thấy rõ hơn cuộc chơi mới giữa Mỹ, Trung và Nga hiện nay.

Về phía mình, Cuba cũng đang tích cực đẩy mạnh cải cách kinh tế theo hướng thị trường. Mỹ chủ trương bình thường hóa quan hệ với Cuba không chỉ để tránh búa rìu dư luận, mà còn là nhằm chuyển hóa xã hội Cuba bằng kinh tế thị trường và dân chủ phương Tây. Đây vốn là một chiêu thức trong sử dụng sức mạnh khôn ngoan (smart power) của ê kíp Tổng thống Obama. Đồng đôla Mỹ đang bị thách thức, nhưng vẫn có sức quyến rũ. Tiền là súng và chính trị quyết định khi nào thì sẽ bóp cò. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, không phải Mỹ cứ muốn là được. Khi Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1979, chắc khi đó không có nhà chiến lược nào ở Washington có thể hình dung vào năm 2009, Bắc Kinh lại có thể công khai trình lên Liên Hiệp Quốc yêu sách về “đường lưỡi bò” phủ kín gần hết biển Đông và một tướng hải quân còn gợi ý “chia đôi Thái Bình Dương” với Mỹ.

Trung Quốc là nước lớn đang trỗi dậy mạnh mẽ nên có thể làm như vậy trong quan hệ với Mỹ. Cuba là nước nhỏ, nhưng nhỏ cũng có thể có chiêu bất thường-phi đối xứng: “châu chấu đá voi”! Hồ sơ Cuba đang dần khép lại, thay vào đó, dư luận đang chờ đợi điều gì sẽ diễn ra với các hồ sơ Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên. Phần thời gian còn lại vẫn còn đủ cho Tổng thống Obama đưa ra những quyết định sáng suốt ngang tầm với Giải thưởng Nobel Hòa bình.

TS NGUYỄN ĐÌNH LUÂN