NGUYỄN CẢNH
Là một giáo viên cấp III, đã qua trên bốn mươi năm giảng dạy ở các cấp I, II, III và qua trao đổi với đồng nghiệp, tôi thấy học sinh các cấp, kể cả đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, thậm chí cả ở bậc cao học, cũng còn viết sai chính tả, ngữ pháp. Tình trạng học sinh các cấp viết sai chính tả, ngữ pháp hiện nay đã và đang lên tới mức báo động. Rất hiếm có những học sinh viết đúng chính tả, ngữ pháp.
Vì sao có tình trạng này? Trước hết là bệnh thành tích của ngành giáo dục. Có không ít thầy, cô giáo khi chấm bài cho học sinh, đã không sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, còn lại phê 8, 9, 10 để lấy điểm thành tích cho nhà trường và cho bản thân mình (vì đã đăng ký danh hiệu giáo viên giỏi!!!). Không ít thầy cô giáo không dồn tâm sức, trí tuệ, thời gian, để sửa lỗi chính tả, ngữ pháp cho học sinh, chỉ phê ở ngoài lề là “câu văn lủng củng”… Nên khi học sinh xem bài, không biết mình mắc những lỗi gì. Nhiều thầy, cô dạy các môn toán, lý, hóa, sinh vật, ngoại ngữ, sử, địa… hầu như không quan tâm sửa lỗi chính tả, ngữ pháp cho học sinh. Họ quan niệm rằng, đây là trách nhiệm của giáo viên dạy bộ môn ngữ văn. Thậm chí có thầy, cô giáo khi chấm văn cho học sinh, vô trách nhiệm đến mức không đọc bài của học sinh, chỉ nhìn bài dài, ngắn, chữ đẹp, xấu để phê điểm. Trong mục lời phê, không ít thầy, cô giáo chấm văn đã phê bình rất chung chung như: bài sơ sài, câu văn lủng củng…; một nguyên nhân nữa là không ít học sinh các cấp lười học, không chịu động não, thiếu ý thức rèn luyện ngôn ngữ, nên các kiến thức, khả năng tự vận dụng tiếng Việt còn nhiều yếu kém, mắc nhiều lỗi về chữ và nghĩa. Không ít học sinh đã mở sách văn mẫu chép nguyên văn, nên không phát huy được tính tích cực, trí thông minh, đến khi tự lực viết một bài tập làm văn, đã phạm nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo động về việc học sinh các cấp viết sai chính tả, ngữ pháp.
Để khắc phục tình trạng trên, toàn ngành giáo dục, kể cả Hội phụ huynh học sinh… nên cộng tác chặt chẽ với nhà trường, gia đình và xã hội để chống bệnh thành tích, chống gian lận trong giảng dạy, học tập, thi cử. Có thầy giỏi, có trò kiên trì tự học, rèn luyện, mới có nhiều nhân tài học đường. Mong các cấp các ngành có trách nhiệm quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Thường xuyên kiểm tra việc chấm bài, chữa bài văn của giáo viên. Thường xuyên dự giờ trả bài tập làm văn của giáo viên và liên tục thực hiện nhiều biện pháp khác có hiệu quả, với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu!” để khắc phục bằng được tình trạng báo động nói trên.