Đã lâu lắm, tôi mới đọc được một tập truyện hay như thế. Anh tôi, một người tuy làm “chính trị” nhưng rất mê văn chương, đọc xong, cũng thốt lên: “hay”. Tôi mê mải đọc trong mấy ngày mới xong, gác lại cả những công việc cần gấp, để đọc cho xong.
Một nỗi buồn sâu lắng, nhưng trong lành; một tình thương yêu đằm thắm, xót xa thấm đượm trong từng trang sách...… Và cao hơn, một sự thức nhận đầy đủ, chân thành, lương tâm… của một người lính trở về từ chiến trận. Một cái nhìn, một cách nhìn và điểm nhìn đã được lọc qua tháng năm, những suy tư trải nghiệm qua máu xương, chiến trận...…Số phận của từng người, số phận của tình yêu, cái ngẫu nhiên và cái sống, cái chết…đã làm cuộc đời thêm xót xa, cay đắng nhưng càng đáng yêu hơn.
Văn, cũng do đó mà không cần đến bất cứ một thủ pháp hình thức nào để làm dáng, làm lạ, gián cách...…Văn và cuộc đời, cuộc đời và văn, trong suốt, giản dị, cái giản dị tổng hợp nhuần nhị của nhiều yếu tố, như ánh sáng trong suốt vốn là sự kết hợp của bảy sắc màu (A.France). Nó đầy chất thơ, buồn, nhưng không bao giờ là tuyệt vọng. Đây là văn “tân cổ điển”, không cần thủ pháp “hậu hiện đại”.

Có những cốt truyện quá là hay mà chắc phải quan sát, lắng nghe cuộc đời nhiều lắm mới có được, như Thời tiết của ký ức.
Tôi đặc biệt thích truyện ngắn Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng (tr.212) vì một lý do cá nhân, một lý do “văn hóa”, nếu có thể nói được như vậy.
Hà Nội lúc không giờ và tất cả những trang viết về Hà Nội của Bảo Ninh ngày ấy làm dậy lên trong ta một hoài niệm đẹp và buồn về Hà Nội ngày chiến tranh chống Mỹ. Đọc Người Thăng Long quê Đàng Trong tôi như bắt gặp mình trong đó, vì chính chúng tôi là những “người Đàng Trong” ấy của Hà Nội, của Câu lạc bộ Thống Nhất, của những cán bộ và học sinh miền Nam.
Mời bạn đọc đón đọc bài viết kỹ hơn về Bảo Ninh trên Hồn Việt số 58 (phát hành tháng 5-2012) |
Trong truyện, có đoạn: "Tuy nhiên, đau thương vô bờ những năm 56, 57, 58, 59 ấy không nhận chìm ý chí con người vào tuyệt vọng, trái lại đã làm thành sức mạnh vô bờ. Từng theo cha dự đón giao thừa năm 59 ở Câu lạc bộ Thống Nhất, và mặc dù còn nhỏ tuổi, tôi vẫn cảm thấy được thế nào là đau thương biến thành sức mạnh. Không, không phải do ngày nay nghĩ lại mà mường tượng ra như thế. Mà thực sự là như vậy, đêm giao thừa ấy, mới tí tuổi đầu tôi đã cảm thấy trời long đất lở trong lòng mình. Có thể nói, tôi linh cảm về con sóng lừng thời đại mới đang thẳng tới bến bờ Tổ quốc. Một thời đại lớn lao và nghiệt ngã chưa từng có. Thời của chiến tranh và của cách mạng lay trời, thời của những đau thương vô hạn, những mất mát vô bờ, thời của chủ nghĩa anh hùng tuyệt đỉnh, của sức chịu đựng vô cùng vì nghĩa lớn, thời của tình yêu và của lòng quả cảm" (tr.454).
* NXB Phụ Nữ, 2011, 475 trang