Bảo vệ con em trước nguy cơ lạm dụng Internet

TS LÊ TỰ HỶ (Atlanta - Hoa Kỳ)

1. Các tiến bộ trong khoa học và công nghệ điện tử đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Nhưng việc sử dụng sai mục tiêu, lạm dụng các phương tiện hiện đại ấy đã gây tác hại rất lớn cho xã hội.

Các thông tin trên báo, đài của nước ta đã cho thấy có nhiều loại nạn nhân. Tự biến mình thành nạn nhân của công nghệ cao: bao gồm những người ghiền phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, trò chơi trực tuyến (games online) đã trở thành những tên tội phạm cướp của, giết người, hiếp dâm,…

Cách đây vài năm, do sự bộc phát của bạo lực trong học đường ở Mỹ nên đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng nguy hại của các loại phim ảnh, trò chơi bạo lực lên việc hình thành nhân cách của giới trẻ.

Người ta đã nhận ra rằng, nếu không có sự khuyên răn, ngăn ngừa có hiệu quả, thì một đứa trẻ từ 7, 8 tuổi đến 18 tuổi có thể đã xem hay tự chơi khoảng 70.000 phim hay trò chơi có tính bạo lực, và qua đó đứa trẻ đã trở nên quen thuộc với các tình huống bạo lực, khiến chúng có thể trở nên chai lì, khó cảm thương, xúc động trước người bị bạo lực hành hạ, chúng dễ trở nên nhẫn tâm, tàn bạo, dùng bạo lực đối với người khác trong các tình huống xung đột hay có khuynh hướng dùng bạo lực để giả quyết các tranh chấp.

Hiện nay có thể nói dễ bị nhiễm để trở thành tội phạm hay dễ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm nhất là qua máy tính và Internet.

Ở Mỹ, học sinh từ lớp 2 đã có thể được nhà trường đưa vào phòng máy tính, mỗi tuần một hay hai giờ để học cách sử dụng máy tính trong việc tìm tài liệu học tập, làm thêm bài tập, đọc thêm tài liệu,... Ở lớp 3, các học sinh có thể bắt đầu nhận “đồ án” (project) về làm ở nhà, như: hãy chọn một con vật mà em cảm thấy ưa thích, dùng Internet tìm tra cứu đời sống con vật ấy, từ đó tổng kết, sắp xếp lại gồm các hình ảnh, ý tưởng tải xuống từ Internet và in ra, đồng thời dùng các vật liệu các loại để làm mô hình thu nhỏ mô tả về chỗ ở, đời sống của con vật ấy và đem trình bày trên lớp cho cả lớp nghe, và triển lãm bên ngoài cửa lớp cho các bạn ở các lớp khác xem.

Vì vậy, học sinh đã biết dùng máy tính và Internet từ khá sớm. Nhưng cũng chính vì vậy mà các tên tội phạm tình dục qua máy tính (computer-sex offender) đã tìm mọi cách khai thác, lợi dụng Internet và điện thoại để dụ dỗ trẻ em thành nạn nhân của chúng.

Với một tên giả, một biệt danh (nickname) thì không ai biết bộ mặt thật của người tán gẫu trên Internet, cho nên “chat” trở thành cơ hội “vàng” cho sự nói láo, nói trạng, đánh bóng bản thân người nói để từ một kẻ rất tầm thường có khi đã và đang phạm tội trở thành một con người có đầy đủ ưu thế, một “thần tượng” của những trẻ ngây thơ, nhẹ dạ, của những cô bé, cậu bé “thích sành điệu”.

Những tên lưu manh nhằm mục đích khai thác trẻ em về tình dục thì lại học thêm nhiều ngón nghề. Chúng bỏ khá nhiều thời gian, tiền bạc ban đầu để tìm hiểu và biết được những thứ mà đám “sành điệu” ưa chuộng như những bản nhạc thời thượng nhất, áo quần thời trang nhất, các loại phương tiện như xe cộ, điện thoại di động,... thời thượng nhất, những chỗ du lịch, nhà hàng ăn chơi xa xỉ nhất,... để “nổ” cho các con mồi nạn nhân nghe.

Đặc biệt, chúng còn biết các chiêu thức về tâm lý để chiêu dụ các con mồi như tỏ ra chịu khó lắng nghe tâm sự của người đối thoại, lựa cách an ủi, chia sẻ những nỗi ưu phiền với một tấm lòng nhân hậu, tỏ vẻ chăm sóc, và luôn tỏ ra đứng về phía người đối thoại trong những tình huống mà người đối thoại thổ lộ những xung đột với gia đình, với người thân. Và vì vậy, chẳng mấy chốc những tên lưu manh này chiếm được cảm tình và sự ghiền tâm sự của trẻ em, nhất là thiếu nữ, kể cả nữ sinh viên, một số quý cô, quý bà.

 Bước tiếp theo là chúng dần dần đưa các khía cạnh tình dục vào các cuộc “chat” để con mồi nạn nhân quen dần. Khi biết con mồi đã “cắn câu”, chúng tìm mọi cách dụ để được gặp mặt, bấy giờ phương tiện mà chúng ưa dùng vì đạt hiệu quả nhanh hơn việc “chat” qua Internet là điện thoại của con mồi.

Đã có khá nhiều trẻ em và trẻ vị thành niên của Mỹ đã trở thành nạn nhân của những tên tội phạm tình dục qua máy tính, cho nên Cơ quan Điều tra Liên bang, Bộ Tư pháp Mỹ (U.S. Department of Justice, Federal Bureau Of Investigation) đã căn cứ vào các bằng chứng phạm tội, biên soạn một tập tài liệu nhỏ có tên Hướng dẫn cha mẹ học sinh về an toàn Internet (A Parent's Guide to Internet Safety) mà phụ huynh học sinh lớp 6 (đầu cấp 2) đều nhận được tài liệu này từ nhà trường, cốt để trang bị cho phụ huynh các hiểu biết cần thiết giúp bảo vệ con em chống lại bọn tội phạm xâm hại trẻ em và trẻ vị thành niên qua máy tính.

 
Ảnh minh họa

Đối với Chính phủ, bản hướng dẫn này cho thấy việc bảo vệ trẻ em phải là một ưu tiên trong các chủ trương của Nhà nước: “Trẻ em của chúng ta là tài sản quí giá nhất của đất nước. Các cháu tượng trưng cho tương lai tươi sáng của xứ sở chúng ta và nắm giữ hy vọng của chúng ta về một đất nước tốt đẹp hơn. Trẻ em của chúng ta cũng là những thành viên dễ bị tổn hại nhất của xã hội. Việc bảo vệ trẻ em chúng ta chống lại nguy cơ thành tội phạm và trở thành nạn nhân của tội phạm phải là một ưu tiên cấp nhà nước”.(1)

Đối với cha mẹ học sinh, hướng dẫn này chỉ ra khá nhiều chi tiết về các biện pháp hành xử về cả cách thức giám sát, hướng dẫn con em để mong tránh khỏi cạm bẫy của bọn bất lương, và cả những biện pháp kỹ thuật sử dụng điện thoại và máy tính nhằm phát hiện và chặn đứng sự xâm nhập của bọn bất lương vào điện thoại và máy tính của gia đình nhằm dụ dỗ trẻ em.

2. Một vài chi tiết đáng lưu ý như (2):

1. Nói cho con bạn biết sự nguy hại của việc bị các tên lưu manh dụ dỗ qua các cuộc “tán gẫu” trên Internet.

2. Cần phải biết con bạn thường hay truy cập vào những địa chỉ nào trên Internet. Thỉnh thoảng bạn truy cập vào địa chỉ thư khoản Internet (account) của con bạn để xem nội dụng, kiểm tra đột xuất các thư điện tử (email) mà con bạn nhận hay gửi đi.

3. Phải để máy tính trong phòng dùng chung cho gia đình, để màn hình có thể thấy được dễ dàng bởi bạn hay các thành viên khác trong gia đình. Không để máy tính trong phòng ngủ của trẻ em. Việc này hạn chế rất tốt sự lợi dụng máy tính và Internet của các tên tội phạm trong việc dụ dỗ con bạn vì con bạn không dám công khai giao tiếp với bọn tội phạm trước mặt bạn hay người khác trong gia đình, và bọn tội phạm cũng rất sợ bị người lớn phát hiện sự dụ dỗ của chúng đối với trẻ em.

4. Dạy con bạn các điều như sau:

a. Không bao giờ thu xếp để gặp mặt với bất kỳ ai mà chúng gặp trên Internet.

b. Không bao giờ đưa hình ảnh của bản thân chúng lên Internet hay dịch vụ trực tuyến cho người mà chúng không biết bản thân người ấy.

c. Không bao giờ đưa ra các thông tin nhận diện (identifying information) như tên thật, địa chỉ nhà, tên trường học, hay số điện thoại.

d. Không bao giờ tải về các hình ảnh từ một nguồn không biết rõ, bởi vì có nhiều khả năng là ở đó có thể có những hình ảnh phô bày tình dục.

e. Không bao giờ trả lời những thư hay các bản rao tin tỏ ý khêu gợi, khiêu dâm, hung hăng hay quấy rối.

f. Rằng bất cứ điều gì mà người ta nói trên Internet có thể đúng hay có thể sai.

Những dấu hiệu sau đây chứng tỏ con bạn có thể đang bị bọn tội phạm dụ dỗ qua máy tính:

1. Con bạn dùng quá nhiều thời gian cho Internet, đặc biệt sau bữa cơm tối, và những ngày nghỉ cuối tuần.

2. Bạn tìm thấy phim ảnh đồi trụy trên máy tính của con bạn.

3. Con bạn nhận những cú điện thoại từ những người đàn ông mà bạn không biết hay thực hiện các cuộc gọi, đôi khi gọi đường dài, tới những số mà bạn không nhận biết là của ai.

4. Con bạn nhận thư, quà hay những gói hàng từ một người mà bạn không biết.

5. Con bạn tắt máy tính hay mau lẹ chuyển đổi qua màn hình khác khi bạn vào phòng.

6. Con bạn trở nên khép kín, ít muốn tiếp xúc với gia đình.

7. Con bạn đang sử dụng một thư khoản trực tuyến (account) của một người khác nào đó.

Khi thấy có một trong những dấu hiệu ấy, bạn cần phải nói chuyện với con bạn một cách ôn tồn, cởi mở về nguy cơ đang bị dụ dỗ bởi một tên tội phạm nào đó qua Internet, và nghiêm túc tìm ra sự thật qua trò chuyện với con bạn, qua kiểm tra thư khoản trực tuyến mà con bạn đang dùng, và rất có thể với sự trợ giúp của các cơ quan chuyên về điều tra tội phạm qua Internet.

3. Internet hiện nay đang được phổ biến khá rộng rãi ở nước ta. Những người lớn sử dụng máy tính của riêng mình hay của công ty thì họ chủ yếu dùng máy tính cho công việc, và tất nhiên tự chịu trách nhiệm với bản thân mình, khôn dại “biết giữ hồn” hay không là chuyện riêng của họ.

Những trạm Internet tư nhân mở ra cho thuê từ thành thị đến thôn quê thì hầu như 99% là con nít, học sinh, sinh viên và một số người lớn tới dùng máy là để chơi trò chơi trực tuyến, hay “chat”, chứ không phải để tìm thông tin hữu ích. Vì vậy có thể nói, các trạm Internet này chưa phát huy tác dụng tích cực cho sự phát triển xã hội nước ta, mà trái lại đang góp phần làm băng hoại xã hội qua việc biến một bộ phận học sinh, giới trẻ thành thủ phạm hay nạn nhân của tội ác qua việc sử dụng sai mục tiêu và lạm dụng công nghệ Internet.

Hiện nay học sinh cấp 1, cấp 2 của ta cũng đã được học sử dụng máy tính và Internet. Đó là điều tốt. Nhưng nếu không hướng dẫn các em học sinh biết sử dụng đúng mục tiêu, không có sự giám sát của phụ huynh mà để các em tự do sử dụng tùy ý thích Internet, điện thoại và điện thoại di động thì có thể các em sẽ dễ trở thành nạn nhân của những kẻ lưu manh.

Có những cha mẹ có đủ tiền thực sự lo lắng việc học tập của con hoặc theo thời thượng không để “cậu ấm”, “cô chiêu”, “cục cưng” của mình thua chúng bạn nên đã mua sắm máy tính, điện thoại di động cho con, và để cho con hoàn toàn tự do sử dụng trong phòng riêng của con. Rồi hoặc vì quá ham công việc làm ăn, hoặc vì thiếu điều kiện hiểu biết, nên không hề giám sát việc sử dụng các phương tiện học tập tiên tiến ấy của con, chỉ biết con “chăm” cả ngày ở trong phòng riêng là “yên chí lớn”. Có ngờ đâu, rất có thể “đang giao trứng cho ác”, nên bỗng một hôm “tá hỏa tam tinh” khi “hay tin chậm” là con vì tại cái máy tính và điện thoại di động được dùng tự do trong phòng riêng mà ra nông nỗi này...

Vậy rất mong gia đình, nhà trường, xã hội, và các cơ quan quản lí nhà nước hãy quan tâm đúng tầm mức tác dụng tích cực lẫn tiêu cực của việc sử dụng máy tính, Internet và điện thoại di động của trẻ em, trẻ vị thành niên, học sinh.


Tài liệu tham khảo:

(1)

Louis J. Freeh, Former Director Federal Bureau of Investigation, A Parent's Guide to Internet Safety.

(2)

U.S Department of Justice, Federal Bureau Of Investigation, A Parent's Guide to Internet Safety.

Bài liên quan: