Bát nháo như báo "lá cải" nước ta

Tình cờ vào một diễn đàn, có người hỏi: “Tôi không muốn ăn lá cải thì đọc báo nào?”. Bao nhiêu người xúm vào “tư vấn”. Tưởng dễ mà khó. Vì cứ đọc báo mạng cả ngày thì dường như nhìn đâu cũng thấy “lá cải”.

Ngay cả những báo nổi tiếng vì những bài chính luận sắc sảo, tin tức chính luận vào hàng nhanh nhạy, nóng hổi và “độc” thì vẫn đưa lại các tin bài lá cải và còn hơn thế, thời gian gần đây thì liên tục sản xuất kiểu bài “lá cải”…

Nhưng chẳng phải ai cũng tẩy chay “lá cải”, bởi dường như số lượng người đọc thích “nhìn qua lỗ khóa” luôn áp đảo những người đọc khác. Ở các nước loại báo này là vô số, nhưng nó được phân loại rõ ràng với báo đứng đắn, còn ở ta thông tin “lá cải” xuất hiện lẫn lộn với những thông tin không lá cải, và cả ở những tờ báo được coi là đứng đắn.

Một nữ diễn viên nổi tiếng buồn bực khi thấy chuyện riêng tư của mình bị một blogger không quen biết đem ra mổ xẻ và công kích thì ít, mà đau xót khi chuyện này bị một trang báo điện tử có tên tuổi trong nước đăng lại và chẳng thể hiện ý kiến riêng gì. Khác nữa, “lá cải” ở nước ngoài cũng có những nguyên tắc được sử dụng như luật bất thành văn thì “lá cải” ở nước mình dường như chẳng một đề tài nào mà không “nhào dzô”.

Chẳng hạn, báo chí “lá cải” ở Anh không bao giờ viết về bệnh riêng hoặc về con cái người nổi tiếng. Nhưng các nhà báo ở ta thì cả bệnh riêng, cả con cái người nổi tiếng đều không tha, nếu cả hai cùng tập trung vào một đối tượng thì càng khai thác đến từng chi tiết, như trường hợp con trai của diễn viên Q.T bị bệnh phải đi chữa trị ở nước ngoài (!).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gần đây, dư luận càng công phẫn khi hàng loạt trang mạng đưa bài và hình ảnh bình luận về con gái của diễn viên nọ lộ quần “chip”. Từ chuyện “chẳng có gì” về một đứa bé với chiếc váy ngắn ngồi trên ghế, đã được đẩy lên thành chuyện “ầm ĩ”.

Đã đành người chụp ảnh và nơi phát đi thông tin đầu tiên có lỗi là không thận trọng, nhưng đáng trách hơn là những trang mạng lấy lại bài viết cùng hình ảnh từ trang gốc và giật tít đẩy câu chuyện đến mức “khủng” như thế.

Như vậy để thấy rằng, “lá cải” ở xứ mình còn “bát nháo” hơn ở xứ người nhiều khi có đội ngũ biên tập viên ở các trang điện tử nhặt nhạnh bài vở ở các trang khác rồi “biên tập” tên bài, tít và ảnh sao cho “sốc” nhất. Cứ nhăm nhăm câu nào “loảng xoảng” nhất để đẩy thành tít, thành tên bài, chẳng cần biết nó có gắn với toàn bộ nội dung bài viết hay chỉ là một tiểu tiết…

Đã có đề xuất xử phạt nghiêm những tờ báo, nhà báo “lá cải” vi phạm các quy định về nghề nghiệp. Nhưng với những tin bài “lá cải” hay những báo xài “lá cải” thì không phải trường hợp nào cũng có thể quy kết mắc lỗi nghề nghiệp, nếu như không nói phần nhiều là lỗi về… tư cách làm nghề.

Vả lại có những người viết giải trí “chuyên trị” sản xuất “món cải”. Dĩ nhiên, mỗi người có lý do để hành nghề theo cách mà họ nghĩ là không sai và mỗi độc giả có quyền chọn cho mình những tờ báo hay những dạng thông tin phù hợp, nhưng các tổ chức nghề nghiệp của nhà báo ở đâu để không cùng các nhà báo đưa ra những nguyên tắc hành nghề nhất định, tránh cho “lá cải” đến mức gây phẫn nộ trong dư luận hay có thể giúp độc giả tìm được cho mình những trang “báo sạch” phù hợp với nhu cầu của họ?

Có người so sánh một cách chua chát, rằng một cốc trà đá vỉa hè Hà Nội giờ 3.000 đồng, còn cao hơn giá một số tờ báo giấy. Bánh mì pa tê nhân thập cẩm cũng 15.000 đồng, hơn cả tạp chí in bóng bẩy. Vậy mà báo giấy vẫn cứ ngày một ế ẩm. Và nếu tôi mách cho anh những tờ báo giấy đàng hoàng, nghiêm túc để không phải ăn “lá cải” hay “lá cải độn”, liệu anh có mua?

Chi Mai