Bầu cử Quốc hội Pháp nhiệm kỳ 2012 – 2017: Sôi động và kịch tính

Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp nhiệm kỳ 2012-2017 đã chấm dứt vào lúc 20 giờ ngày 17/6/2012 (giờ địa phương), một ngày đẹp trời, không nóng, không mưa.

Đây là một bầu cử sôi động không kém cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 vừa qua, với nhiều tình huống mang tính chất bi kịch cho một số ứng cử viên sáng giá của các đảng phái từ tả sang hữu.

Kết quả cuộc bầu cử cho thấy cử tri Pháp muốn có một sự thay đổi chính trị và hành chính thật sự cho nước Pháp nên đem lại cho đảng Xã hội Pháp và nói chung cả cánh tả một chiến thắng mới, củng cố thêm quyền lực của tổng thống và chính phủ.

Theo điều 24 của Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp thì Quốc hội Pháp gồm có Hạ viện (Assemblée nationale) và Thượng viện (Sénat), có nhiệm vụ bầu các luật lệ, kiểm soát hành động của chính phủ và phát triển chính trị công cộng. Hạ viện gồm có 577 ghế dân biểu, được bầu trực tiếp từ dân. Thượng viện gồm có 348 ghế thượng nghị sĩ, được bầu gián tiếp. 

pic

Trên tổng số ghế của Quốc hội Pháp, đảng Xã hội (PS) và đồng minh chiến thắng với con số 314 ghế, Mặt trận cánh tả được 10 ghế, đảng Xanh được 17 ghế, đảng Trung lập (MoDem) còn 2 ghế, đảng UMP và đồng minh còn 229 ghế, đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) được 2 ghế, và linh tinh hữu được 3 ghế.

Như thế, lực lượng phe tả có tổng cộng 341 ghế, lực lượng phe hữu có tổng cộng 236 ghế. Tổng số nữ dân biểu gồm có 155 người, chiếm khoảng 27% tổng số ghế.

So với kết quả của năm 2007, thì đảng UMP và liên minh cánh hữu của cựu Tổng thống Sarkozy bị mất một lực lượng đáng kể trong nhiệm kỳ quốc hội mới, mất 113 ghế dân biểu!

Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đã tuyên bố rằng các tân bộ trưởng, nếu thất cử quốc hội, thì cũng bị mất chức bộ trưởng trong chính phủ. Nhưng tất cả các bộ trưởng ra tranh cử đều đắc cử, trong đó có 6 người đắc cử ngay từ vòng 1(1), không một ai bị loại ra khỏi thành phần nội các.

Sáng 18/6/2012, thủ tướng đã đệ đơn giải thể chính phủ lên tổng thống và được ủy nhiệm thành lập một nội các mới. Danh sách chính phủ mới được ông Jean-Marc Ayrault công bố vào thứ năm 21/6/2012.

Các ứng cử viên sáng giá như bà Ségolène Royal (đảng Xã hội), ông Claude Guéant (cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Sarkozy), bà Nadine Morano (cựu bộ trưởng của Sarkozy), bà Michèle Alliot-Marie (cựu bộ trưởng của Sarkozy), bà Marine Le Pen (Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia), ông François Bayrou (Chủ tịch đảng MoDem), ông Jean-Luc Mélenchon (Chủ tịch đảng cánh tả)... đều thất cử.

pic
Bà Valéria Trierweiler ủng hộ đối thủ của bà Royal - ông Falorni - trên Twitter. Nguồn: Slate.fr
 

Trong các cuộc thất cử có trường hợp của bà Ségolène Royal là “ngoạn mục” nhất và được theo dõi sát sao nhất. Bà Ségolène Royal đoạt 32,03% số phiếu trong vòng 1 vào ngày 10/6/2012, nhưng vào vòng 2 thì đối thủ của bà Royal là ông Olivier Falorni (28,91% số phiếu) cũng thuộc đảng Xã hội (dissident PS), bà Royal đứng trước nguy hiểm là cánh hữu sẽ dồn phiếu bầu ông Falorni để làm cho bà thất cử. Đúng vào thời điểm tranh cử giữa vòng 1 và vòng 2 thì quả bom “Trierweilergate” nổ một tiếng kinh hồn làm rúng động chính trường Pháp từ tả sang hữu!

Đó là sự tuyên bố trước dư luận của bà Valérie Trierweiler, “người bạn đường” của đương kim Tổng thống Pháp,  qua Twitter vào ngày 12/6/2012 để ủng hộ đối thủ của bà Royal: “Chúc Olivier Falorni sự can đảm, người đã không có gì để chê trách và đang chiến đấu bên cạnh những người dân vùng La Rochelle từ nhiều năm nay với một sự dấn thân không vụ lợi”.

Phản ứng của nhiều người đối với dòng twitt của bà Trierweiler thì đi từ ngạc nhiên đến tức giận, trong khi cánh hữu không bỏ qua cơ hội này để bôi nhọ cả ba người – bà Royal, bà Trierweiler và tổng thống! Bà Marine Le Pen chế nhạo là “câu chuyện của cái quần lót”.

Bà Trierweiler không phải là vợ chính thức có hôn thú của ông François Hollande, theo luật pháp hôn nhân hiện hành thì hai người là hai cá nhân hoàn toàn độc lập, muốn bỏ nhau lúc nào cũng được, không cần phải đưa nhau ra tòa ly dị, không cần phải có trách nhiệm hay bổn phận phải hỗ trợ nhau, mọi chuyện sống chung đều là việc “tự nguyện tự giác”, chất keo kết nối giữa hai người do đó phải là một tình yêu.

Ông Hollande lại vừa mới được bầu là Tổng thống Pháp, bà Trierweiler được tổng thống cấp cho một văn phòng trong điện Élysée với 7 nhân viên do ngân sách nhà nước trả (tiền đóng thuế của dân), nên đứng vào vị trí người bạn đường của một vị đương kim tổng thống, bà Trierweiler phải có một trách nhiệm tinh thần đối với dân Pháp, đối với nước Pháp và cả thế giới, dù bà không phải do dân bầu ra, không hề có một sứ mệnh cũng như một trách nhiệm chính trị nào cả.

Nhưng hiện tại, việc đặt tự do cá nhân của mình lên trên mọi giá trị khác, và sự phát biểu ý kiến cá nhân đi ngược lại ý kiến của người bạn đường đương kim Tổng thống Pháp François Hollande. Bà Trierweiler  đã nhận những phản ứng mãnh liệt và những yêu cầu, ngay cả từ phía Thủ tướng Jean-Marc Ayrault cũng như từ phía bà Martine Aubry, Chủ tịch đảng Xã hội Pháp, là bà Trierweiler nên “kín đáo” hơn.

pic
Tin tức về cuộc bầu cử quốc hội trên báo Pháp Le Monde

Mọi bộ trưởng trong chính phủ Jean-Marc Ayrault đều phải ký một cam kết “gương mẫu” (charte de déontologie): đoàn kết, rõ ràng, không vụ lợi, không tham quyền cố vị... của một sự trị vì bình thường (présidence normale). Tại sao không có một cam kết gương mẫu cho người bạn đường(2) của tổng thống?

Tham vọng của bà Trierweiler là bà vẫn muốn giữ những quyền lợi cá nhân chính đáng của mình như quyền tự do phát biểu, quyền tự do thực hiện nghề nghiệp. Bà Trierweiler vẫn là cộng sự viên của tạp chí Paris Match, mỗi tháng viết hai bài, không muốn trở thành một “potiche” của tổng thống - một người chỉ có nhiệm vụ “biểu tượng” mà không có quyền hành thực tế.

Thực sự bà nhầm lẫn phạm vi cá nhân và phạm vi quốc gia, với tư cách nào, trên nền tảng pháp lý nào bà Trierweiler muốn có quyền hành thực tế bên cạnh tổng thống? Bà muốn đi ngược lại Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp, mà trong đó không hề có ấn định địa vị hay chức vị của Đệ nhất phu nhân “première dame”? hay bà hành động với sự đồng ý của tổng thống?

Tổng thống François Hollande, trong buổi gặp mặt chính thức với Thủ tướng Ý Mario Monti vào ngày 14/6/2012, đã từ chối trả lời câu hỏi của báo chí về cái “twitt” của bà Trierweiler: “Tôi sẽ không trả lời tại đây và về chủ đề này”.

Kết quả bầu cử vòng hai vào ngày 17/6 xảy ra đúng như dự đoán, đối thủ cùng đảng PS với bà Royal là ông Falorni đã thắng cử với sự dồn phiếu của cánh hữu cho ông. Thật ra, bà Royal đã nhường đơn vị bầu cử của chính mình, nơi bà có thể thắng cử dễ dàng, cho bà Delphine Batho (bộ trưởng trong chính phủ Jean-Marc Ayrault), để tranh cử ở đơn vị La Rochelle.

Khi chọn La Rochelle là nơi tranh cử của bà Royal, bây giờ đảng PS mới thấy có ba sai lầm: thứ nhất là ông Falorni và bộ phận PS ở La Rochelle không nhường bà Royal; thứ hai, dù La Rochelle là nơi mà hàng năm đảng PS tổ chức “Đại học mùa hè” thì dân chúng cử tri cũng không ủng hộ bà Royal; thứ ba, ông Falorni có “quen biết” với bà Trierweiler, tình địch ghen ngược của bà Royal.

Một bản lý lịch của bà Trierweiler cho biết bà sống chung với ông François Hollande từ năm 2005, trong khi bà Royal và ông Hollande tuyên bố chấm dứt cuộc sống chung vào năm 2007, sau khi bà Royal thất cử cuộc bầu cử tổng thống, và bà Trieweiler nộp đơn ly dị vào năm 2007, nhưng vẫn giữ họ của chồng là ông Trierweiler.

Vì thế bà Royal tố cáo cuộc bầu cử tại La Rochelle là một sự “phản bội chính trị” hướng về ba người mang trách nhiệm chính: Olivier Falorni, Valérie Trierweiler và Tổng thống Hollande. Sự im lặng hoàn toàn của tổng thống về thái độ của người đang được đưa vào điện Élysée với cương vị “Đệ nhất phu nhân” đã không giúp bà Royal, mà ngược lại còn hâm nóng thêm mọi “tưởng tượng” khác về sự kiện có một không hai này.

Không cần phải biện hộ lâu dài, dân chúng bàn tán xôn xao vì đây là xì căng đan thứ nhất của Tổng thống François Hollande. Olivier Falorni, người thắng cử, cho dù có thề thốt trung thành với đảng Xã hội Pháp và với tổng thống, thì sự thề thốt này cũng trở nên lố bịch.


Sau cuộc thất cử ê chề của bà Royal, ông Gérard Longuet (cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, UMP) nhận định bà Royal “rất có phẩm cách trong cuộc thử thách”,

“...Đúng ra là bà bị ngược đãi, cho dù tôi công nhận rằng cánh hữu ở La Rochelle đã chắc chắn không giúp bà”(3).

Phản ứng yếu ớt của bà Royal về Trierweilergate, chỉ nói lên sự tổn thương của chính mình (meurtrie) và chỉ kêu gọi “sự tôn trọng” một người mẹ(4), chứng tỏ bà Royal đã rất cân nhắc thế đứng rất yếu của mình trong tình huống hiện tại.

Trong bài diễn văn tuyên bố thất cử vào ngày 17/6, giấc mộng trở thành chủ tịch quốc hội tiêu tan thành mây khói, bà Royal mượn văn hào Victor Hugo để nói lên suy nghĩ của mình như một lời tố cáo: “Toujours la trahison trahit le traître” (Sự phản bội luôn luôn phản bội kẻ phản bội). Câu chuyện Royal cũng làm mờ nhạt đi phần nào chiến thắng lịch sử của đảng Xã hội Pháp.

Paris, 19/6/2012


(1)     Jean-Marc Ayrault, Laurent Fabius (Ngoại giao), Victorin Lurel (Nước Pháp hải ngoại), Delphine Batho (Tư pháp), Bernard Cazeneuve (Châu Âu) et Frédéric Cuvillier (Giao thông) đắc cử ngay từ vòng 1.


        10 bộ trưởng không ra tranh cử là Vincent Peillon, Pascal Canfin, Nicole Bricq, Arnaud Montebourg, Jean-Yves Le Drian, Dominique Bertinotti, Yamina Benguigui, Fleur Pellerin, Najat Vallaud-Belkacem, Christiane Taubira.


(2)        Khái niệm “người bạn đời” theo nghĩa Việt Nam là người vợ, phu nhân, người chung vai sát cánh, có bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi đối với một người chồng, tương đương trong tiếng Pháp là “épouse”, “conjoint”. “Ma femme” hay “mon mari”, vợ tôi hay chồng tôi, là ngôn ngữ bình dân, thông thường. Khái niệm “người bạn đường” dùng để chỉ những trường hợp sống chung một giai đoạn, không kết hôn, tương đương với tiếng Pháp là “compagne”. 


(3)        Nguyên văn phát biểu của ông Gérard Longuet (UMP) trên đài truyền hình LCI: “Ca ne m’a pas fait plaisir. Je trouve que cette histoire est épouvantable, c’est quand même la mère des enfants du président. Elle a été plutôt maltraitée, même si je reconnais que la droite à La Rochelle ne l’a certainement pas aidée”.


(4)        Trích Le Parisien, 14/6/2012, bà Royal phát biểu: “Je demande le respect par rapport à une mère de famille dont les enfants entendent ce qui se dit” (Tôi yêu cầu sự tôn trọng đối với một người mẹ gia đình mà những đứa con đều biết nghe những việc xảy ra).


Mathilde Tuyết Trần (Pháp)