Về công, năm 1833 Minh Mệnh thành công trong việc chống Xiêm La xâm phạm vùng biên giới tây nam. Sau khi đánh giặc lui, Minh Mệnh cho quân tiến luôn qua Chân Lạp, năm 1835 sáp nhập một phần đất, đặt Trấn Tây thành, nhưng đến năm 1841 ta phải bỏ. Việc mở nước không thành, nhưng Việt Nam tạo được ảnh hưởng lớn ở Chân Lạp, tuy về sau phải chia với Xiêm.
Minh Mệnh cũng ghi được công cho đào xong kênh Vĩnh Tế (1824) và cho khẩn hoang vài nơi đất bãi, đắp thêm đê biển ngoài Bắc (1828-1832).

Về tội, việc chống Xiêm lấn chiếm tây bắc Trung bộ không thành công. Chuyện là một phần của vùng đất mênh mông mà Gia Long đem cho Vạn Tượng, do Vạn Tượng bị Xiêm uy hiếp, năm 1823 xin lại nội thuộc Việt Nam, nhưng đến năm 1831 Xiêm bắt đầu đánh chiếm. Chiến sự kéo dài suốt mười mấy năm, rút cuộc quân ta phải rút lui. Dân Việt rời Trấn Ninh vào khoảng năm 1850.(LSN) Lãnh thổ quốc gia bị đem cho, đời sau may mắn có lại được, mà để mất. Đây là trách nhiệm của Minh Mệnh và Thiệu Trị.
Minh Mệnh tiếp tục sự nghiệp tiêu diệt văn hóa dân tộc bắt đầu bởi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Năm 1828, xuống chiếu bắt dân Đàng Ngoài phải thay đổi cách ăn mặc cho giống dân Đàng Trong. Năm 1837, lại xuống chiếu nữa: “Trẫm đã ra lệnh đổi y phục như từ Quảng Bình trở vào để phong tục thuần nhất. Lại ban hạn rộng rãi để ai nấy có thì giờ khâu may. Nhưng đến nay, kể đã ngoài mười năm, mà ở Đàng Ngoài (...) chưa chịu đổi thay. Từ Quảng Bình trở vào nam, hết thảy đã ăn mặc theo lối nhà Hán, nhà Minh, mũ mãng, áo quần (...) chỉnh tề, tươm tất. Dân Bắc cứ ăn mặc theo lối cũ (...) đàn bà, con gái mặc áo vạt khép vào nhau, dưới thì mặc váy (…) Nay truyền cho các viên tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát các tỉnh (…) ban hạn trong năm nay tất cả phải thay đổi (…) Nếu năm tới còn có kẻ nào ngoan cố áo quần, phải trị tội thật nặng”.(ĐĐN) Cái kẻ đáng “trị tội thật nặng” chính là kẻ làm vua nước Việt Nam mà lại đi cưỡng bách dân tộc Việt Nam đồng hóa với dân tộc khác!!!
“Phép vua thua lệ làng”, bất kể hai cái “chiếu” của Minh Mệnh, thứ trang phục “vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu, bên ta thì có, bên Tàu thì không” nó vẫn cứ tiếp tục còn nơi đất Bắc để hàng thế kỷ sau các liền chị ở Bắc Ninh mặc đi hát quan họ cho Hoàng Cầm trầm trồ tấm tắc “cái váy lụa mềm óng buông chùng cửa võng xuống đến mu bàn chân, nhìn đằng trước tưởng là các cô đang đi lướt trên sóng lượn rập rờn”.(HC) Ngay ở Đàng Trong, cũng hàng thế kỷ sau, tuy trang phục dân gian khác với ngoài Bắc nhưng rõ ràng không phải là lối Tàu. Tức dân chúng Đàng Trong đã lặng lẽ chống lại lệnh đồng hóa của triều đình Huế mà sáng kiến ra trang phục Việt Nam mới. Văn hóa ăn mặc Đàng Trong có bản sắc riêng là nhờ nhân dân và bất chấp ý muốn của vua. Ngoài nguyên nhân nội tại là sức mạnh của văn hóa dân tộc, sở dĩ chủ trương Hoa hóa trang phục Việt Nam của họ Nguyễn Gia Miêu không thành công, ấy cũng có do giặc Pháp qua khiến việc nước rối ren, rồi vua hóa bù nhìn, không còn làm được bất cứ việc gì nữa.
Có lẽ nhân đây cũng nên nhắc luôn cái ý kiến lạ lùng rằng triều Nguyễn có công với văn học chữ nôm. Văn nôm đã bắt đầu vào thời cổ điển từ lâu trước Gia Long, với Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc v.v. Nó là tiếng Việt tới lúc nở hoa. Hoa tiếp tục nở xuyên mọi tình hình đất nước, bất chấp trước không được Trịnh ủng hộ, sau cũng không được Nguyễn ủng hộ. Vua chúa có thể thưởng thức, nhưng vì hoàn toàn không cổ vũ, cho nên không thể nhận công. Duy nhất có công là nhân dân Việt Nam, vì đã giữ trí thức Việt tuy bị triều đình ép Hoa hóa nhưng không thoát ly mà lại thấm nhuần văn hóa dân tộc, để rút cuộc làm được cái việc biểu dương đích đáng tiếng mẹ.
Công và tội của vua Tự Đức (1847-1883)
Tự Đức không có công gì cả. Tội thì…
Về nội trị, khoảng giữa thế kỷ 19 dân đói triền miên, đương thời có lưu hành bài vè: “(…) / Cơm thì chẳng có / Rau cháo cũng không / Đất trắng ngoài đồng / Nhà giàu niêm kín cổng / Còn một bộ xương sống / Vơ vất đi ăn mày / Ngồi xó chợ lùm cây / Quạ kêu vang bốn phía / Xác đầy nghĩa địa / Thây thối bên cầu / Trời ảm đạm u sầu / Cảnh hoang tàn đói rét / Dân nghèo cùng kiệt / Kẻ lưu lạc tha phương / Người chết chợ chết đường… / Là cái thời Tự Đức”. Rủi vì gặp tai trời (châu chấu phá lúa) là có, nhưng dân khổ chắc chắn từ lâu, Cao Bá Quát thường xuyên “đạo phùng ngã phu” (giữa đường gặp người đói) nên mới viết bài thơ “Lập xuân hậu nhất nhật tân tình” mà chúng tôi tạm dịch: “Phá rét xuân hồng lại đến đây / Muôn hoa đua nở đón xuân say / Bao giờ người được như hoa nhỉ? / Non sông mưa gió đổi thay đời”. Cái câu chót! Hẳn văn nhân đang ở một nơi an toàn, chuẩn bị khởi nghĩa. Cảm khái trước tấm lòng thương dân đến sẵn sàng liều mình, chúng tôi lại dịch hơi thoát vẫn bài thơ ấy: “Hôm qua trời đất giao mùa / Sáng nay khắp nẻo hoa đùa gió xuân / Thua hoa chẳng để phận dân / Non sông quyết đổi, bão giông cũng đành!”.
Về đối ngoại, Tự Đức bác bỏ canh tân. Thực ra, có lẽ canh tân cũng trễ rồi. Nước đã đến bụng, còn nhảy làm sao! Như đã bàn, đây là kết cục tự nhiên của một hướng nghĩ việc nước sai lầm bắt đầu từ Gia Long. Nhắm mắt theo Tàu! Bên Tàu: “Bế quan chủ nghĩa đã được thực hành đáo để (...) Triều đình (...) chỉ biết câu thủ nền nếp cũ, không dám có chút biến thông”(ĐDA-5), bên ta bèn cũng thế. Nhà Thanh đưa Trung Quốc vào dưới gót liệt cường. Nhà Nguyễn khiến Việt Nam phải làm con Pháp.
Tự Đức là vua đức độ nhưng bất tài. Trong hoàn cảnh bình thường, thì không công không tội. Do lúc đó cả dân và nước đều rất cần người cai trị hành động hiệu quả, Tự Đức phải xem là có tội.
Vua có tội vẫn xây lăng “muôn năm” cho mình. “Vạn Niên là Vạn Niên nào / Thành xây xương lính, hào đào máu dân”! Sau loạn Chày Vôi, Tự Đức có biết “khiêm”. Khiêm Cung còn sờ sờ đó, làm biểu tượng của cái đức vô ích.
Tội của hai “tượng gỗ” Khải Định, Bảo Đại
Về Khải Định, Phan Chu Trinh có mấy vần nổi tiếng: “Ai về địa phủ hỏi Gia Long / Khải Ðịnh thằng này phải cháu ông? / (...) / Năm ngoái qua Tây ỉa vãi cùng! / Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ / Vua thời còn đó, nước thời không!”. Đó là tượng, đâu phải vua. Một cái tượng biết đi đã qua Pháp “làm nhục quốc thể” như thể dân tộc Việt Nam mất nước đang chưa đủ nhục nhã! Lăng Khải Định! Mỉa mai nào hơn.
Về Bảo Đại: Tượng này trong bao nhiêu năm đã ăn chơi khét tiếng trong lúc nước nhục dân khổ, rồi trở lại làm quốc trưởng cái ngụy quyền “từ thực dân mà ra” cho giặc lợi dụng làm cuộc trường kỳ kháng chiến bảo vệ độc lập đã muôn vàn khó khăn càng thêm khó khăn. Cái việc Mỹ chia hai đất nước sau khi Pháp thua khiến không biết bao nhiêu máu dân nữa sẽ phải đổ, việc ấy Bảo Đại tuy không can dự nhưng cũng có phần trách nhiệm vì nhờ có “Quốc gia Việt Nam” mà mới có “Việt Nam Cộng hòa”. Thế mà nghe nói nay đang có những người ủng hộ việc xây lăng cho “hoàng đế” chót của triều Nguyễn! Đã có lăng Đức Vô Ích, lăng Mỉa Mai, rồi sẽ có lăng Lật Sử nữa chăng?
Kết luận
Khi làm chúa, họ Nguyễn Gia Miêu lập được công mở nước. Công này to, nhưng không khó như công mở nước của các triều đại trước. Các chúa Nguyễn cũng có công phát triển kinh tế Đàng Trong, nhờ hậu thuẫn của Hoa kiều. Khi làm vua, có công chống giặc Xiêm, mở rộng ảnh hưởng ở Chân Lạp, đào kênh, xây thêm đê biển.
Tội gồm năm loại. Loại thứ nhất là tiêu diệt văn hóa dân tộc. Loại thứ hai là “cõng rắn cắn gà nhà”, phạm hai lần. Loại thứ ba liên hệ đến lãnh thổ: cắt đất biếu ngoại bang, phạm hai lần; để ngoại bang chiếm đất, một lần. Loại thứ tư là ủng hộ ngoại xâm, phạm hai lần. Loại thứ năm là chủ trương việc nước sai lầm làm mất nước.
Về sự kiện họ Nguyễn Gia Miêu sùng bái Tàu có một biểu tượng vừa vặn. Nguyễn Từ Chi nhận xét: “Rồng Nguyễn (...) na ná rồng Thanh. Điều này không có gì lạ. Vì (...) nhà Nguyễn (...) hướng hơn bao giờ hết về (...) phương Bắc”.(NTC) Con rồng Việt Nam đã mang dáng hình hoàn toàn độc đáo mà bay lên trời Thăng Long, để tám thế kỷ sau, khi đáp xuống Huế, là gần như một con rồng Tàu! Rồng Tàu thật Tây còn kéo qua đè cưỡi, trách sao rồng Tàu nhái bị nhục nhã hơn nữa.
Chúng tôi xin nhắc lại: giữa công và tội của họ Nguyễn Gia Miêu, cái phần đang cần được “công nhận” cho đầy đủ là phần tội chứ không phải phần công.
Thu Tứ
Viết tháng 4-2017
Sửa tháng 9-2022
_________
CQT: Chu Quang Trứ, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, nxb. Mỹ Thuật (2002); JYC: J.Y. Claeys, Nhập môn nghiên cứu An Nam và Chăm Pa (1934), dẫn theo Bình Nguyên Lộc trong Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971); ĐDA-1: Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam (1957), ĐDA-2: Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957); ĐDA-3: Việt Nam văn hóa sử cương (1938), ĐDA-4: Đất nước Việt Nam qua các đời (1964); ĐDA-5: Trung Hoa sử cương (1942); ĐĐN: Đào Đức Nhuận, “Bàn về một bài ca dao thời Minh Mạng”, trang e-cadao.com; HVT: Hà Văn Thùy, “Từ sự tiêu diệt của Phù Nam nhìn lại đồng bằng sông Cửu Long”, tạp chí Xưa Nay, số 246, tháng 10-2005; HC: Hoàng Cầm tác phẩm - Văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn (2004); HXH: Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp (Thụy Khuê phỏng vấn), nxb. Văn Nghệ (Mỹ, 2002); LQĐ: Lê Quý Đôn, lời tựa Phủ biên tạp lục, nxb. Khoa Học Xã Hội (1977); LSN: “Chuyện cắt đất của vua Gia Long”, trang lichsuvn.net; HM: H. Maspéro, trong Về vài món đồ đời Hán (1927), dẫn theo Bình Nguyên Lộc (sđd.); NKV: Nguyễn Khắc Viện, Kể chuyện đất nước, nxb. Ngoại Văn (1988); NTT: Nguyễn Trọng Thuật, “Nam du đến Ngũ Hành Sơn”, Nam Phong số tháng 5 và 6-1933, in lại trong Du ký Việt Nam, nxb. Trẻ (2007); NTC: Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc (2003); PN: Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin (1998); SN: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, nxb. Đông Phố (SG, 1973); TQV: Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa Dân Tộc (2000); TGC: Trương Giáng Chi, “Lễ phục và quốc phục”, tạp chí Xưa Nay, số 256, tháng 3-2006; TNT: Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. TPHCM (2001); TTK: Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (1919).