Đọc Được sống và kể lại của Trần Luân Tín

HÀ ĐÌNH CẨN

Vài năm nay bạn đọc gặp sự nở rộ của hồi ký chiến tranh. Chỉ riêng mục lục của Nhà xuất bản Quân đội đã có hàng trăm cuốn ký sự của các tướng tá từng bạc tóc nơi trận mạc. Từ mấy chục năm nay, trong cuộc sống hòa bình, Thành Cổ Quảng Trị vẫn là nơi gợi nhiều ký ức bi tráng về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm trên trận địa với chu vi chỉ non 2160 mét vuông mà phải chịu hơn 8 vạn tấn bom đạn, tính ra mỗi mét vuông trận địa trộn xương máu 5 chiến sĩ. Anh lính thông tin Trần Luân Tín từng bảy năm học trường Mỹ thuật, vì thế dù chỉ bằng những con chữ, Được sống và kể lại vẫn có dáng dấp một bức tranh, bố cục chặt, đường nét với từng chi tiết được chăm sóc kỹ càng, rất kiệm màu…

1

Tôi đọc tự truyện Được sống và kể lại của Trần Luân Tín ngay sau khi cùng nhóm các nhà văn cựu chiến binh viếng thăm Thành Cổ Quảng trị. Từ mấy chục năm nay, trong cuộc sống hòa bình, Thành Cổ Quảng Trị vẫn là nơi gợi nhiều ký ức bi tráng về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm trên trận địa với chu vi chỉ non 2160 mét vuông mà phải chịu hơn 8 vạn tấn bom đạn, tính ra mỗi mét vuông trận địa trộn xương máu 5 chiến sĩ.

Sư đoàn 312 thân yêu của tôi tham gia chiến đấu trong lòng Thành Cổ suốt mùa mưa nóng bỏng năm 1972. Những người lính dầm mình trong lõng bõng bùn nước chiến hào đến nỗi mười móng chân ung thối, chỉ chờ những phút tạm ngưng bom pháo thì lôi chân lên khỏi bùn hong cho đỡ nhức.


Bìa quyển sách Được sống và kể lại.

Thường thì sau một ngày, một đêm lại có một đại đội lính mới, trẻ và đẹp, thịt da còn mơn mởn qua sông Thạch Hãn vào thế chân những anh lính đã chiến đấu suốt 24 giờ qua. 24 giờ cho một cuộc đời chiến sĩ trong Thành Cổ.

Cuộc thay quân để quyết giữ trận địa bằng xương máu kéo dài suốt mùa mưa và dừng lại vào một buổi chiều khi Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông, sau này là thiếu tướng Phó tư lệnh Binh đoàn Quyết Thắng ra lệnh rút, với một lý do trần trụi: Tôi chỉ còn một ngón tay…

Thành Cổ trở thành thánh địa từ đó.

Tôi đã có một đêm rằm không ngủ ở Thành Cổ vì bà con cắm hương khắp mặt đất nội ngoại thành. Một rừng lập lòe những đốm lửa hương ru hồn hàng vạn chiến sĩ còn vô danh trong đất đai.

Trận địa Thành Cổ chỉ còn là gạch vụn giờ đã được xây dựng thành khu tưởng niệm như một công viên tượng đài và cây xanh. Nhưng, chỉ đài tưởng niệm sẽ không nói được nhiều về cuộc chiến đấu kiên cường ở nơi này, nếu thiếu đi những lời kể lại của những người trong cuộc.

Vì thế, đến Thành Cổ, chúng tôi đem về hơn một ngàn trang tài liệu và hồi ký của nhiều cán bộ chiến sĩ từng chiến đấu nơi đây do Ban quản lý khu di tích sưu tầm, xuất bản và bán cho du khách.

Sau khi đọc hơn ngàn trang viết không còn bỏ sót góc nào của chiến địa Thành Cổ, vậy mà Được sống và kể lại của Trần Luân Tín vẫn có cái riêng của tác giả, cái riêng cảm nhận, riêng chính kiến và thân phận người giữa bom đạn lan tỏa hơi nóng trong từng trang tự thuật.

Nét riêng làm nên sự cần thiết và giá trị của cuốn sách.

2

Anh lính thông tin Trần Luân Tín từng bảy năm học trường Mỹ thuật, vì thế dù chỉ bằng những con chữ, Được sống và kể lại vẫn có dáng dấp một bức tranh, bố cục chặt, đường nét với từng chi tiết được chăm sóc kỹ càng, rất kiệm màu.

Nhiều trang viết lấp lánh tài hoa.

Trên bãi tập, trong hành quân ngày đi đêm ngủ, anh lính còn những phút thảnh thơi, còn nhởn nha mà suy ngẫm, mà lọc lựa ý tứ, câu chữ, đã đành, cũng là dễ hiểu, cũng thường gặp trong cả rừng hồi ký về chiến tranh. Nhưng vào trận, lại là ở một trận địa có cường độ bom đạn ác liệt, người sống, người chết nhiều khi cùng bị tung lên rồi vùi lấp sau các trận bom, pháo làm đất đai phồng rộp cả lên, nghi nghút nóng nhưng những trang tự truyện vẫn không bị rối bời với ình oàng tiếng nổ, những gào thét trong lửa đạn, những mệnh lệnh khô cứng, những bản đồ, sa bàn và mưu lược của hai Bộ Tổng Tham mưu mà vẫn bình tĩnh quan sát cuộc chiến…

Được sống và kể lại đã khắc tỉa từng chi tiết nhỏ về đồng đội vật lộn trong bom đạn, dồn nén xúc cảm, thuật lại chân thực, khách quan, nhưng hàm chứa, cuốn hút.

Nhiều sự kiện, nhiều con người trong Được sống và kể lại thường chỉ được tác giả vẽ thảo về cốt cách, về thần thái chứ ít dừng lại lâu quá khứ của họ.

Nhịp sống khẩn trương của chiến trận chi phối từng trang viết, cô đặc cả lời lẽ của những người lính, nhiều khi chỉ là một mệnh lệnh, một lời khuyên như “Chết ngay trên sông con ạ!”, như “Nghỉ đi, để em.”, hay “Xuống đây bố!”, đặt vào hoàn cảnh tơi bời của trận địa đang bị dội bom, từng người lính đã trần trụi, chỉ còn đất và tình đồng đội che chắn đã không chỉ đúng với hoàn cảnh mà còn gây hiệu quả tiếp nhận nhanh giữa trang sách và người đọc:

Đột nhiên toàn bộ không gian im bặt. Tất cả âm thanh chát chúa phụt tắt một cách bất ngờ như có ai đó đưa tay tắt công tắc điện. Lúc này vào khoảng 2 giờ sáng. Đúng như lời Dung liên lạc nói hôm trước, chúng nó nghỉ giải lao, hay thật. Tôi chui ra khỏi hầm. Ngay lập tức tiếng giun dế rụt rè cất lên. Thoạt đầu là vài câu rúc rích như rủ rê ở một góc bụi nào đó, rồi rộ dần lên, không nhiều như dàn đồng ca ở làng quê khác, nhưng cảm động. Nó khắc khoải kéo hơi thở bình thường trở về với đêm để đêm ở nơi này trở lại là đêm bình thường”.


Giành giật với địch từng căn nhà ở Thành Cổ Quảng Trị 1972.

Đây là những dòng thảng thốt hiếm hoi, ít gặp trong các hồi ký chiến tranh.

Phải là anh lính gan góc, anh lính tự chủ được bản thân giữa lửa đạn, không bị rối lên vì sống chết thường cách nhau trong gang tấc mới có cái tâm thế bình thản, sáng suốt vừa quan sát toàn cảnh, vừa nhìn sâu vào từng anh lính, đánh giá các tình huống và quyết định hành động phù hợp.

Tự truyện về chiến trận, nhưng đọc Được sống và kể lại lại thấy người, đầy ắp người, những con người gân guốc mạnh mẽ nhiều cá tính. Cả tập hợp người có thân phận choàng phủ lên, lấn át lên cái ngổn ngang trận chiến giành giữ từng tấc đất hết sức khốc liệt.

Giữa trận địa vật lộn sinh tử ấy, tổ thông tin của Tín mới đấy là bọn học trò xúng xính quân phục, trông mới mẻ như những đọt rau non: “Túc thì mỏng tang, Tích Minh phồng lên như nhái bén, Mai Châu sẵn có bộ khung chuẩn, nên rất ngay ngắn, còn bọn Nghiêm, Huân, Ứng, Thịnh đứa nào trông cũng lạ hoắc mà bây giờ vào trận đã ra dáng những cựu binh, coi nhẹ sống chết chỉ chăm chăm hoàn thành nhiệm vụ…” nay vào trận với những Sồi, những Mến, Tích Minh và Ứng, Thịnh, Hưng, Hạnh, Sỡi, Chữ… dày dạn trong bom đạn, “phản xạ như một thứ linh giác nhanh chóng xuất hiện để cảm nhận tiếng nổ, hướng rơi, khoảng cách gần xa… để phản ứng một cách thích hợp nhất. Nhưng một bên là xương thịt với khoảng di chuyển hạn hẹp, một bên là sắt gang với không gian vùng vẫy thoải mái, trút xuống xối xả, trùng điệp. Thương vong vô cùng lớn…”.

Số phận con người mới luôn là cái thước đo cần thiết về tầm vóc và sức nặng của tác phẩm.

Từ lần vượt sông Thạch Hãn thứ nhất để trinh sát đường kéo dây, đến lần qua sông rút khỏi trận địa Thành Cổ là những trang viết bi tráng, giàu tính sử thi. Với tác giả, đến khi vượt sông vào trận địa, anh mới thật sự rời khỏi vị trí của người quan sát, vị trí luôn cách các đối tượng được miêu tả một tầm nhìn thì nay nhập cuộc, hóa thân, để thuật truyện về chiến tranh thành ra chuyện từ máu thịt của chính mình.


Quảng Trị 1972 - tranh của Phạm Ngọc Liệu.

Nhưng tự truyện chỉ dừng lại ở miêu tả của người quan sát thì Được sống và kể lại cũng sẽ giống như tình trạng trung bình phổ biến trong tủ sách hồi ký chiến tranh của nhiều tướng lĩnh quen gặp, ấy là mới chỉ làm được việc cung cấp tư liệu chiến trường và mưu lược quân sự, đánh giá ta và địch, những con số thắng thua và tên rất nhiều người có mặt trong cuộc. Đó mới chỉ là chất liệu cần thiết cho người viết tiếp tục sáng tạo, hình thành tác phẩm cho tương lai.

Trần Luân Tín vượt qua được tình trạng phổ biến của hồi ký chiến tranh bằng bộc lộ cách nhìn riêng, thái độ riêng về cuộc chiến và những chấm phá số phận của chính tác giả, của những anh lính cùng tiểu đội, của những chiến sĩ anh gặp bất chợt trong các chiến hào.

Chợt nghe tiếng Sồi gọi:

- Anh Tín ơi.

Tiếng của nó ở ngay trên miệng hầm, nghe lạ đến mức cái đầu tôi tự nhiên tê đi, phải lắc một cái thật mạnh. Sồi gần như rơi xuống hầm, miệng lẩm bẩm: Nguyên một quả pháo. Tôi giật mình:

- Cái gì, Mến đâu?

- Nguyên một quả pháo… không còn tí gì…

Hai vai Sồi rơi phịch vào vách hầm. Tôi lặng đi, trong nháy mắt thấy người mình trống rỗng. Vách hầm vẫn rung rền một cách bình thường. Một nguồn thù hận cuộn bò lên ngực. Tan tác hết. Vô lý không thể tưởng tượng được. Chúng nó ở tận nơi xa lắc nào đến đây, giết người quá dã man. Những cái chết sao mà quá dễ dàng…

Mến chết rồi, nguồn nhiệt và gương mặt hiền lành của nó còn hiển hiện rõ ràng trong hầm tối, ngay bên cạnh tôi…”.

Chính kiến và những riêng tư là giá trị riêng để Được sống và kể lại.

3

Vài năm nay bạn đọc gặp sự nở rộ của hồi ký chiến tranh. Chỉ riêng mục lục của Nhà xuất bản Quân đội đã có hàng trăm cuốn ký sự của các tướng tá từng bạc tóc nơi trận mạc.

Đây là những cuốn sách quý giúp bạn đọc nhìn lại cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc một cách thấu đáo, không chỉ hiểu địch, hiểu ta mà còn hiểu đằng sau nhiều sự kiện lớn là tư tưởng chỉ đạo của Đảng, là mưu lược của người chỉ huy ở Tổng hành dinh đến hành động của đơn vị chiến thuật của các đơn vị.

Nhưng hầu hết các cuốn hồi ký của các nhà quân sự đều ít cá tính, ít cái nhìn riêng và ít những số phận con người trong trận chiến. Vì thế, dù được đặt trang trọng trên giá sách, nhưng chưa đọng lâu trong lòng bạn đọc.

Được sống và kể lại của Trần Luân Tín dường như đã vượt ra khỏi khuôn mẫu khô cứng của hồi ký chiến tranh. Cái riêng của chính kiến tác giả, cái riêng của những số phận người lính và cả cái riêng tài hoa của người tự truyện đã làm cho cuốn sách được bạn đọc yêu quý và là một phần không thể thiếu của Thành Cổ thời lửa đạn.