Tôi không đồng tình với kết luận khá vội vàng của tác giả, nhưng do quá bận, vả lại, đây là vấn đề khá nhạy cảm, nên định bỏ qua, song nay đọc lại và đối chiếu các tư liệu lịch sử chính thống và sách tham khảo nói về vấn đề này với chính nội dung bài viết, tôi thấy nhiều điểm mâu thuẫn ngay trong nội dung bài viết, nên không thể không có ý kiến.
Bài viết cố ý chứng minh: Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều (còn có tên là Lưu Ba), là con Lưu Ngữ, hiện đang được thờ tại đền Lưu Xá thuộc thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, là có công phò tá Lý Công Uẩn lên ngôi, sau đó Lưu Khánh Đàm còn là người xướng xuất việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.
Theo bài viết thì Lưu Ngữ - cha đẻ của hai anh em Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều quê Châu Ải làm quan Thì tụng từ đời vua Lê Hoàn, được vua cử ra trấn giữ miền cửa Luộc và ban cho ông ruộng lộc ở vùng Lưu Xá. Lưu Khánh Đàm và Lưu Khánh Điều tuy khác mẹ, nhưng cùng sinh một ngày (ngày 12 tháng 8 năm Kỷ Sửu - 989).
Khi Lê Hoàn mất, Lê Long Đĩnh lên nối ngôi, Lưu Ngữ được giữ chức Thái Bảo. Lưu Ngữ trước đã nghe sấm truyền về việc nhà Lê sẽ mất, nhà Lý sẽ lên thay: “Một hôm Lưu Ngữ đến nói với Lý Công Uẩn: “Thần xem tướng ngài về sau ắt sẽ là bậc đại quý, thần có hai đứa con, xin đại nhân nhận cho, khiến các con thần chọn được chủ mà thờ” (ngay cách xưng hô giữa Lưu Ngữ với Lý Công Uẩn đã không đúng, xưng là “thần” chỉ được phép xưng với vua mà thôi. Lúc ấy, Lưu Ngữ và Lý Công Uẩn cùng đồng liêu, sao có thể xưng như vậy được? - Đ.X.A).
Như vậy, theo bài viết, hai anh em họ Lưu đã được cha là Lưu Ngữ ký thác Lý Công Uẩn từ lúc Long Đĩnh chưa mất, và “Xong việc, Lưu Ngữ từ biệt Lý Công Uẩn về trí sĩ, Lưu Đàm, Lưu Điều ở lại với Lý Công Uẩn. Ngày Lê Ngọa Triều băng hà, quan Chi hậu Đào Cam Mộc bàn với Lưu Đàm, Lưu Điều lập Lý Công Uẩn lên làm vua, các đại thần đều đồng lòng nhưng Lý Công Uẩn cố chối từ. Lưu Đàm tiến đến thưa rằng: “Ngọa triều thất đức, giết anh ngược đãi mọi người, nay đã chết, Minh công uy đức hơn người, nơi nơi đều rõ, chúng tôi nguyện theo lời thỉnh cầu của mọi người cùng nhau hiệp lực làm cho điềm lành chấn động, ứng với trời và người, xin Minh công chớ do dự” (những câu này trích dẫn từ tài liệu nào không được nêu trong bài viết).
Vẫn theo bài viết thì: “Lưu Đàm nói chưa dứt lời thì Lưu Điều vung kiếm chém đứt đôi chiếc án (trác án), nghiêm giọng nói rằng: “Triều đình không thể một ngày vô chủ, nay Ngọa Triều vô đạo,… Lý Công Uẩn uy đức hơn người… kẻ nào dám càn dỡ… sẽ giống như chiếc án này!”. Cả triều đình nghe lời nói ấy, không ai không sợ hãi, bèn phò Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, bái lạy, tung hô vạn tuế”.

Ảnh minh họa.
Sự thực thì, theo Đại Việt Sử ký toàn thư (ĐVSKTT) khi chép về sự kiện triều thần phò Lý Công Uẩn lên ngôi không hề nhắc tới dù chỉ một lần tên hai ông Lưu Đàm, Lưu Điều. Tôi đọc rất kỹ cả Kỷ nhà Lý, chỉ có một câu nói đến Lưu Khánh Đàm, đó là vào năm Bính Thìn, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ hai (1136) đời Lý Thần Tông có ghi: “Tháng 3, Thái uý Lưu Khánh Đàm chết” (Sđd- NXB VHTT năm 2004, Tập I, tr. 376).
Về sự kiện này, ĐVSKTT chép nguyên văn như sau: “Đến khi Ngọa Triều băng, vua nối còn bé... Khi ấy quan Chi hậu là Đào Cam Mộc do biết việc Công Uẩn có ý muốn nhận việc truyền ngôi, mới nhân lúc vắng người mới hỏi để gợi xem: “Mới rồi chúa thượng ngu tối bạo ngược, làm nhiều điều bất nghĩa, trời chán nên không cho hết thọ, con nối thơ ấu, chưa cáng đáng nổi tình thế khó khăn. Mọi việc phiền nhiễu, bách thần không ưa, dân chúng mong ngóng muốn tìm chân chúa. Sao ông không nhân lúc này vận dụng mưu cao, quyết đoán sáng suốt... mà cứ khư khư giữ tiểu tiết làm gì”. (Về sự kiện này, tác giả Phạm Minh Đức và Bùi Duy Lan trong cuốn Đất và người Thái Bình - NXB VHTT, tái bản năm 2010 cũng trích dẫn câu nói trên, song lại ghi rằng: “Hữu Điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đê và Thái Bảo Lưu Ngữ cùng lần lượt gặp Lý Công Uẩn thuyết phục”… và nói với Công Uẩn câu trên (Sđd - tr.198-199) - Như vậy là không đúng.
Chắc tác giả bài viết trên hoặc cũng chính là một trong hai tác giả của cuốn sách này, hoặc căn cứ vào cuốn sách này mà viết, như vậy đã tự mâu thuẫn với mình, vì như trên tôi đã trích dẫn, trong bài viết tác giả đã viết là sau khi Lưu Ngữ ký thác hai con cho Lý Công Uẩn (lúc ấy Long Đĩnh còn tại vị) đã về (Lưu Xá) trí sĩ rồi kia mà? Sao lúc này (Long Đĩnh đã chết) lại còn ở đây để khuyên Công Uẩn lên ngôi? Vả lại, nếu cứ theo ĐVSKTT chép Lưu Khánh Đàm mất năm 1136, thọ 69 tuổi, suy ra ông sinh năm 1067, thì năm 1009 khi Lý Công Uẩn lên ngôi làm gì ông đã sinh mà có chuyện phò Lý Công Uẩn lên ngôi?).
Vẫn theo ĐVSKTT, Công Uẩn chưa tin, còn e Cam Mộc có mưu kế gì khác, giả cách mắng, nhưng sau thấy Cam Mộc thật lòng mới nói: “Tôi đã hiểu rõ ý ông, cùng với Vạn Hạnh không khác gì. Nếu thực như lời ấy, thì nên tính thế nào”. “Cam Mộc biết việc cần kíp, sợ để chậm sẽ sinh biến, mới nói chuyện với khanh sĩ và các quan, ai cũng vui lòng theo cả, ngay ngày hôm ấy đều họp ở cả trong triều, bàn nhau rằng: “...bọn ta không nhân lúc này cùng nhau tôn phù thân vệ (tức Lý Công Uẩn) làm thiên tử, phút chốc có xảy ra tai biến, chúng ta có thể giữ được đầu không?”. Bấy giờ cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm thiên tử lên ngôi. Trăm quan đều quỳ rạp dưới sân, trong ngoài đều hô “vạn tuế vang dậy cả trong triều””.
Việc chuyển giao vương triều này chính sử chép rất rõ ràng (kể cả bộ Việt sử lược được sử gia khuyết danh triều Trần chép - Trần Quốc Vượng dịch và chú giải), chả lẽ Lưu Đàm, Lưu Điều là hai nhân vật trọng yếu “khai quốc công thần” số một như bài viết đã viện dẫn lại không được chính sử nhắc đến tên sao?
Cũng theo chú thích trang 201 - trong cuốn Đất và người Thái Bình chú rằng: “Lưu Khánh Đàm hưởng thọ 68 tuổi, tính tuổi mụ là 69 tuổi... Bia chép Lưu Khánh Đàm... tháng 11 năm Tân Tỵ tạ thế, thọ 69 tuổi (do không có Hoàng hiệu) không rõ là Tân Tỵ năm 1101 đời Lý Nhân Tông hay Tân Tỵ 1161 đời Lý Anh Tông”. Như vậy là đã rõ, cho dù Lưu Khánh Đàm mất năm Tân Tỵ 1101 hay năm Tân Tỵ 1161, thì năm 1009, khi Lý Công Uẩn lên ngôi, ông cũng chưa sinh. Vậy làm gì có chuyện phò Lý Công Uẩn lên ngôi và khuyên Lý Công Uẩn dời đô?
Lại nữa, cứ theo như bài viết, nếu anh em Lưu Khánh Đàm sinh năm Kỷ Sửu (989) thì cũng không thể mất vào năm 1101 hoặc 1161 được, vì như thế thì ông phải thọ 112 tuổi (nếu là mất năm 1101), hoặc 172 tuổi (nếu là mất năm 1161). Điều này chỉ có thể lý giải là ông sinh năm 989, và mất năm Tân Tỵ - 1101 là hợp lý.
Một sự mâu thuẫn nữa là: trong bài viết (và kể cả trong sách Đất và người Thái Bình đều viết rằng: “Ngày Khánh Đàm qua đời, vua Thánh Tông về dự lễ an táng...” là căn cứ vào tài liệu nào? Nếu cứ như ngày mất của ông là năm 1101 (đời Nhân Tông) hoặc 1161 (đời Anh Tông) - (theo văn bia "Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí" đã dẫn), hoặc năm 1136 (đời Thần Tông) - (theo ĐVSKTT) thì dù ông mất vào năm nào, 1 trong 3 năm trên đều không phải là mất ở đời Thánh Tông (1054-1072).
Một điều nữa là trong bài viết, và cả trong cuốn Đất và người Thái Bình đều viết rằng: chính Lưu Khánh Đàm là người xướng xuất với Lý Thái Tổ về việc dời đô ra Thăng Long. Lưu Đàm dâng lời nói rằng: “Long Thành là nơi giàu mạnh, chính là cái gốc bền vững, đóng đô ở đó sẽ cường thịnh lâu dài, thiên hạ vô địch, mong bệ hạ dời đô ra đó”. Việc này là không thể có vì ba lý do:
Một là: cứ theo như tôi đã phân tích ở trên, thì khi đó Lưu Khánh Đàm chưa sinh, nên không thể có việc này.
Hai là: khi Lý Công Uẩn dời đô ra đất Thăng Long thì lúc đó địa danh Thăng Long chưa có, mà lúc đó có tên là thành Đại La. Khi Lý Công Uẩn dời đô ra Đại La, theo truyền thuyết có rồng vàng bay lên trước thuyền ngự, ông mới đổi Đại La thành Thăng Long. (Tất nhiên, trước đây thời Lý Nam Đế, cũng đã đóng đô ở thành Long Biên, nhưng cách xa vị trí Hoàng thành Thăng Long khi Lý Công Uẩn dời đến). Nhưng trong bài lại viết: Lưu Khánh Đàm lúc ấy đã nói đến từ “Long Thành”...
Ba là: cũng như việc phò Lý Công Uẩn lên ngôi, các bộ sách chính sử không hề nói đến.
Kể cả việc Lưu Khánh Đàm “được vua Lý Thái Tổ giao”... đi đánh Chiêm Thành, “bắt được vua Chiêm là Bố Hợp đem về” cũng không thấy ghi trong chính sử. Trong đời Lý Thái Tổ, duy nhất có một lần đi đánh Chiêm Thành là vào năm Canh Thân, niên hiệu Thuận Thiên thứ 11 (1020), ĐVSKTT chép: “Mùa đông, tháng 12, (vua) sai Khai Thiên Vương và Đào Thạc Phụ đem quân đánh người Chiêm Thành ở trại Bố Chính, thẳng đến núi Long Tỵ (nay thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chém được tướng Chiêm Thành là Bố Linh tại trận, người Chiêm Thành chết đến quá nửa”.

Tượng vua Lý Thái Tổ.
Để rõ hơn về vấn đề này, chúng ta nên tham khảo thêm bài viết của tác giả Lê Giang có tên Cụm di tích lịch sử Lưu Xá nơi thờ các danh nhân thời Lý trong cuốn Nhà Trần và con người thời Trần của Viện Sử học - Hội KHLS Việt Nam, do Sở VH-DL&TT Thái Bình mới xuất bản tháng 2/2010.
Tôi rất nhất trí với nhận định của tác giả như sau: “Trước tình hình tam sao thất bản như vậy, tác giả bài viết này xin dựa vào 2 thác bản văn bia được soạn vào đời Lý Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí và Càn Ni sơn tự bi minh làm căn cứ để xem xét: “Trong 2 bài văn bia này tuy sự việc được ghi lại dài ngắn khác nhau, nhưng về các chức tước của Lưu Khánh Đàm đều ghi lại khá thống nhất, và đều ghi ông làm quan trải 3 triều vua kể từ Lý Thái Tông: tức Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128), hưởng thọ 69 tuổi.
Căn cứ vào thời điểm trên, có thể khẳng định Lưu Khánh Đàm sinh vào thời Lý Thái Tông, sau năm 1028, và mất vào thời Lý Nhân Tông, trước năm 1128. Lại xét thấy trong vòng 100 năm đó có 1 năm Tân Tỵ, tức năm 1101, niên hiệu Long Phù 1 đời Lý Nhân Tông, năm mà trong văn bia Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí ghi Lưu Khánh Đàm qua đời.
Vậy có thể biết được năm sinh của Lưu Khánh Đàm là năm Nhâm Thân niên hiệu Thiên Thành thứ 5 đời Lý Thái Tông - 1032, đúng với những gì đã khắc trong 2 bài văn bia soạn đương thời đã nêu trên.
“Năm sinh, năm mất của Lưu Khánh Đàm đã xác định (1032-1101), thì những chi tiết ghi về Lưu Khánh Đàm không nằm trong khung thời gian này có thể không chính xác như: “Lưu Ngữ đem 2 con gửi cho Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn dùng Lưu Đàm và Lưu Điều làm thủ túc;Lý Công Uẩn được Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều hộ vệ lên ngôi mà phong cho ông Đàm làm Quang lộc đại phu hầu cận bên cạnh. Ông Điều làm Trung uý trông coi cấm binh tuần phòng trong thành; Lưu Khánh Đàm tham mưu cho Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010”.
Như vậy đã quá rõ ràng, việc Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều hộ vệ Lý Công Uẩn lên ngôi và Lưu Khánh Đàm tham mưu cho Lý Công Uẩn dời đô là không hợp lý.
Vậy mà, chỉ căn cứ vào thần tích, mà năm tháng lại rất sai biệt, và tấm bia được khắc vào những đời sau rất xa thời điểm lịch sử được đề cập (bia Nhị Lưu Thái phó sự trạng ký lưu tại đền Lưu Xá, khắc năm 1858, sau hàng 7-8 thế kỷ, (tr. 201 - Đất và người Thái Bình - Sđd), với những sự kiện rất mâu thuẫn, chung chung, những trích dẫn không thấy chú rõ nguồn gốc tư liệu, có chỗ cố gán ghép, áp đặt (như chỗ dẫn lời của Lưu Khánh Đàm khuyên Lý Công Uẩn lên ngôi, thực ra là lời của Đào Cam Mộc), với những suy luận khá chủ quan, mà tác giả đã mặc nhiên khẳng định (tuy trong bài viết không có từ “khẳng định”, nhưng coi như mặc nhiên khẳng định) Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều là người xướng xuất việc dời đô, hơn thế nữa trước đó còn phò Lý Thái Tổ lên ngôi, tôi cho là quá vội vàng, thiếu thận trọng.
Riêng tôi, bằng những tư liệu chính sử và lập luận có tính lô-gíc trên đây, tôi cho rằng, bài viết của tác giả Nguyễn Tiến Đoàn và Phạm Minh Đức (còn được in trong cuốn sách của Hội VH-NT Thái Bình viết về đền Trần và triều Trần trong đợt hội VH-NT Thái Bình tổ chức Trại sáng tác về triều Trần đầu năm 2010 và một số báo, tạp chí khác), chỉ là một giả thuyết, một tư liệu để tham khảo mà thôi.
Thái Bình, 01/5/2010
Bài liên quan: