Cá lẹp kẹp lộc mưng

Cá lẹp là loài cá có màu trắng bạc, thân lép giống hình với cá mưng ở các con sông nước ngọt, con lớn nhất chỉ bằng hai ngón tay trỏ. Cá sống ở biển, đi theo từng đàn ở các cửa sông nơi có nhiều thủy tức.

Cây lộc mưng hay còn gọi là cây “lộc vừng” mọc nhiều ở bờ ao, lá xanh quanh năm. Vào mùa đâm chồi nảy lộc, hoa lộc mưng nở rộ buông những dãi dài rũ xuống bờ ao, khi hoa nở có mùi thơm rất ngào ngạt.

Ở Hà Tĩnh có rất nhiều cây mưng. Tại Hà Nội có hai cây lộc mưng ở hồ Hoàn Kiếm đã nhiều năm tuổi, bóng đổ xuống ven hồ, hoa rụng tràn mặt nước, đã làm thao thức các du khách trong và ngoài nước khi đến thăm thủ đô.

Thời gian gần đây người ta cho rằng cây lộc mưng quy tụ các yếu tố: Phúc, Lộc, Thọ nên trở thành cây quý hiếm, được nhiều người tìm về trồng làm cây cảnh.

Cây lộc mưng thường đăm chồi nẩy lộc vào mùa thu và mùa xuân, những búp non to bằng ngón tay có màu phơn phớt tím.

Vào những mùa này cá lẹp cũng sống thành từng đàn tràn vào các cửa sông để bắt mồi. Đặc biệt ở các cửa sông như cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng… của vùng biển Hà Tĩnh, cư dân thường đánh bắt được rất nhiều. Cá lẹp muối làm nước mắm rất ngon, chế biến làm thức ăn, nhưng có một món ăn dân dã ngon nhất là cá lẹp kẹp với lộc mưng.

Khi đánh được cá lẹp về ta chọn những cá nhỏ, không có bụng to, khoảng bằng ngón tay, rửa qua nước sạch.

Cá đang tươi được chọn bỏ vào vỉ nướng bằng than củi, khi nướng nhớ trở đều, vảy cá lẹp vàng ươm lên, cá càng vàng càng chảy mỡ xuống chảo nướng, bếp than càng hồng, mùi cá càng thơm lừng càng hấp dẫn. Cá chín, bày ra đĩa, một đĩa lộc, một đĩa cá và một bát nước chấm.

Để món ăn này thêm ngon người ta cần phải chú ý nước chấm, nước chấm cần sền sệt, để khi chấm dính đều vào lộc và cá. Tốt nhất là khi pha dùng hai thìa ruốc tôm ( ở vùng Hà Tĩnh gọi là ruốc hôi) trộn với một thìa đường, với ớt, nửa quả chanh, tất cả trộn đều vào nhau, dùng đũa đánh nhừ khi nào sủi bọt và bốc mùi thơm ngậy là được.

Nếu không có ruốc tôm thì dùng nước mắm ngon nguyên chất với tỏi giả nhỏ. Khi ăn cầm cá kẹp với ngọn lộc mưng, chấm ăn không phải dùng đến đũa.

Cái béo của cá kết hợp với cái bùi của lộc mưng, mùi thơm của cá nướng, sự ngon lành từ khứu giác chuyển vào vị giác gây khoái cảm, kích thích cho người ăn. Người ăn có thể ăn no mà không biết chán, không bị nê, không sợ nhiều đạm, không sợ béo, món ăn này tăng cường sinh lực và làm mát thân nhiệt.

Cá lẹp kẹp với lộc mưng là món ăn đặc trưng của vùng Nghệ Tĩnh, nguyên liệu sẵn có dễ làm, hợp túi tiền và có mùi thơm hấp dẫn, nên năm ngoái bạn tôi từ nước ngoài về thăm đền Chiêu Trưng – Lê Khôi được ngư dân làng Thạch Kim đãi một bữa trước bến cá khi thuyền về. Bận ăn ấy anh bạn tôi đã khoái khẩu, chén gần hết 100 con cá lẹp và hai đĩa lộc mưng, không dùng đến một thìa cơm nào.

Đến nay dẫu đã đi xa, nhưng anh bạn vẫn điện về: “Đến mùa cá lẹp và cây mưng trổ lộc nhớ nhắc để về thưởng thức món ăn đó”. Có phải vì ngon như vậy nên từ xa xưa ở vùng Hà Tĩnh chúng ta đã có câu đùa:

“Cá lẹp kẹp với lộc mưng
Chồng ăn một miếng vợ trừng mắt lên”

(Theo “Văn hóa Hà Tĩnh”)

NGUYỄN XUÂN BÁCH