Đắc nhân tâm

Đây không phải cuốn sách Đắc nhân tâm nổi tiếng của tác giả Dale Carnegie được Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt.


Đây là văn bản số 1594/MTTW-BBT ngày 12/8/2011 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gửi Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra chị Trần Ngọc Sương - nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu - về tội danh “lập quỹ trái phép” và xử lý sai sót của chị trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự.

Năm ngoái, chị Trần Ngọc Sương bị Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xử phúc thẩm tuyên phạt 8 năm tù giam và bồi thường 4,3 tỉ đồng với tội danh “lập quỹ trái phép”, khiến công luận bức xúc. Nhiều cơ quan, nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, những người đứng đầu cao nhất của các cơ quan pháp luật đã lên tiếng.

Chưa có ở Việt Nam và chắc cũng hiếm thấy trên thế giới, có hàng trăm người nông dân làm đơn “xin đi tù thay” cho người bị xử. Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của cơ quan công tố, tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ và bản án hình sự sơ thẩm Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ) để điều tra lại từ đầu.

 

Cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng, người mặc áo đen, đứng) và con gái - bà Trần Ngọc Sương (ngồi gần ông Hoằng) giản dị, mộc mạc thời kỳ đầu xây dựng Nông trường Sông Hậu như mọi nông trường viên. Ảnh: CTV

Vì sao có hiện tượng đó? Phải chăng chỉ vì chị đã từng là một Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, là Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương? Phải chăng chị đã kế nghiệp xuất sắc người cha cũng là Anh hùng bắt đầu một sự nghiệp biến vùng đất hoang trở thành nông trường trù phú, mang lại ấm no cho hàng chục ngàn nông dân? Phải chăng chỉ vì lòng thương cảm của tình người trước một phụ nữ ốm đau, bệnh tật, không gia đình, không nhà cửa, bị dồn ép nhưng trước hiểm họa tù đày vẫn không hèn nhát trút trách nhiệm lên đầu người khác?

Đúng vậy. Nhưng chưa đủ. Chị có thể có một quá khứ anh hùng, có ơn nghĩa với nhiều người, có hoàn cảnh éo le, có khí phách mạnh mẽ, nhưng nếu có tội và được xét xử nghiêm minh, công bằng, thấu tình, đạt lý thì chắc chắn bản thân chị cũng tâm phục, khẩu phục. Có công thì thưởng, có tội thì phạt, thưởng đúng, phạt đúng, công bằng là điều cha ông đã dạy từ ngàn xưa, càng cần thực hiện trong nhà nước pháp quyền. Mọi người Việt Nam, từ dân thường tới các quan chức đều hiểu và mong như vậy.

Cần khẳng định, đây không phải là biểu hiện nặng cảm tính mà ngược lại, là kết quả của tư duy cảm tính sâu sắc và cao hơn là lương tri. Thông tin đến với mỗi người có thể nhiều ít, có thể đúng hoặc chưa thật đầy đủ, nhưng đã đánh thức lương tri con người. Lương tri không thay được pháp luật lại càng không thể đứng trên pháp luật. Nhưng nó là cái duy nhất mách bảo giải pháp đúng trong tình huống phức tạp. Cao hơn, lương tri làm cho mọi hành vi xã hội được thừa nhận và có tình người.

Tòa án xử chị Trần Ngọc Sương tất nhiên phải căn cứ vào các điều luật hiện hành. Nhưng chị và cộng sự lại phải hoạt động trong một thời kỳ khác, khi khởi đầu và trong cả quá trình đổi mới, khi cả nước chuyển đổi cơ chế, khi nhiều thể chế, quy chế, luật pháp cũ không còn phù hợp, nhưng cái mới lại chưa ra đời. Trong điều kiện đó họ đã tìm mọi cách để hoạt động, vươn lên.

Máy gặt đập liên hợp dùng thu hoạch lúa ở Nông trường Sông Hậu, hình ảnh sau 30 năm xây dựng và phát triển. Ảnh: CTV

Gọi là sáng tạo, dám làm cũng đúng, mà gọi là vượt rào, vi phạm cũng không sai. Vấn đề là làm như vậy mới đưa đến kết quả có một Nông trường Sông Hậu hai lần Anh hùng Lao động, mang lại no ấm, hạnh phúc, văn hóa cho hàng nghìn gia đình. Kết quả về tinh thần và kinh nghiệm mà mô hình Nông trường Sông Hậu mang lại đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước trong buổi ban đầu không thể tính hết.

Điều này nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nhiều tổ chức khoa học nghiên cứu, các vị lãnh đạo đã nghiên cứu, tổng kết mô hình biết rõ hơn ai hết. Mọi người đều động viên, khuyến khích họ mạnh dạn làm. Nếu ta đã thừa nhận sai và sửa sai việc phê phán Kim Ngọc - người chỉ đạo khoán hộ ở Vĩnh Phúc, những người đem tiền về đồng bằng sông Cửu Long mua gạo cứu đói cho dân thành phố Hồ Chí Minh, những người bỏ tem phiếu để “bù giá vào lương” ở Long An… thì liệu ngày nay xử chị Sương vào tù liệu có đúng?

Sự việc khác nhau nhưng cùng một bản chất dám làm, phải làm vì cái chung, vì sự tiến bộ và cả vì điều kiện bắt buộc. Cái “quỹ trái phép” của nông trường mang lại cho cá nhân chị Sương những gì? Nếu họ đã dùng quỹ đó để chi cho mọi hoạt động mà ngày nay ta gọi là tiếp thị, quảng cáo (tổ chức hội nghị, tuyên truyền mô hình, đón tiếp các đoàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm…), để khen thưởng xứng đáng cho những người góp công, để vực giúp cho những người lâm cảnh ngặt nghèo thì họ sai đến đâu?

Bà Trần Ngọc Sương với bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cờ Đỏ. Ảnh: Quý Lâm

Đương nhiên, quản lý việc chi tiêu một quỹ như vậy trong thời điểm đó, với điều kiện của họ thì khó tránh khỏi sai sót. Hơn nữa, “quỹ trái phép” của Nông trường Sông Hậu được lập năm 1994 - 6 năm trước khi chị Trần Ngọc Sương được cử làm giám đốc thì tội lập quỹ quy cho chị cơ sở ở đâu? Kết án chị Trần Ngọc Sương không còn là vấn đề đối với riêng một người, của một địa phương, một đơn vị. Nó đã trở thành mối quan tâm của đông đảo dư luận trong nước và quốc tế, thể hiện thái độ của Nhà nước và nhân dân đối với quá khứ của đất nước, trong những năm tháng chồng chất khó khăn, đã có những đảng viên của Đảng đứng mũi chịu sào dám làm, dám chịu trách nhiệm, cố sức tìm cách nâng thuyền để nó không chìm.

Những người cầm cán cân công lý ngày nay rất nên thấu hiểu điều đó. Vì vậy có nhất thiết đưa chị Sương ra xét xử một lần nữa khi không có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn? Chính vì thế, kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo nhân dân.

Xử lý nghiêm minh, công bằng, thấu tình, đạt lý sẽ tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Kết quả xử lý không chỉ có răn đe mà còn hướng thiện, không chỉ chống mà còn xây, không chỉ có lý mà còn phải thấm đẫm tình người.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng


BẠN ĐỌC VIẾT

- Đại tá Bùi Văn Bồng (bvbongqd@...): Tôi đã tìm đọc lại bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đề ngày 8/5/2008, trước khi thành phố Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Xin trích một đoạn trong bức thư nêu trên: “Tôi không rõ có những lý do gì bên trong để các đồng chí giải thích cho việc này: Cơ quan Đảng chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Đồng thời, nhắc lại để biết là Nông trường Sông Hậu và Ba Sương đã có những đóng góp không nhỏ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Cần Thơ, Hậu Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, những sai phạm nếu có thì cũng nên giải quyết có tình có lý.

Tôi cũng được nghe phản ảnh việc Thành ủy, UBND chủ trương thu hồi 4.000 ha đất của Nông trường Sông Hậu và 1.000 ha đất của Nông trường Cờ Đỏ để quy hoạch xây dựng khu công nghiệp. Tôi hoàn toàn không tán thành chủ trương này, vì xét về hiệu quả kinh tế: Đây là vùng lúa năng suất rất cao, hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp đã được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh, bên cạnh đó vùng này là vùng trũng, do vậy nếu làm khu công nghiệp sẽ rất tốn kém trong việc san nền đảm bảo không ngập trong mùa nước nổi… Thêm vào đó, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang chưa phải đã hết đất cho khu công nghiệp cặp hai bên bờ sông Hậu...”. Từ vụ án Nông trường Sông Hậu, chúng ta cần coi đây là bài học quý giá về bảo đảm tính khách quan, trung thực, chính xác và công bằng khi điều tra, xét xử các vụ án, tránh những oan sai đáng tiếc.

- Nguyễn Thành Tâm (thnhanhtamng@...): Nếu tôi nhớ không nhầm thì nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ cũng có ý kiến tương tự như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Các bậc lão thành cách mạng một đời vì nước, vì dân phát biểu như thế không đáng để những người cầm cân nảy mực suy nghĩ sao? Không thể cứ lấy đất lúa có năng suất cao làm khu công nghiệp được; đã có quá nhiều sân gôn rồi… Sao không làm như Thủ tướng Võ Văn Kiệt?

- Ngô Văn Hoàng (nvhoang9@...): Tôi còn nhớ, khi thành phố Cần Thơ mới bắt đầu thanh tra Nông trường Sông Hậu, phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với bà Trần Ngọc Sương, Anh hùng Lao động, Giám đốc Nông trường Sông Hậu về những thành quả cũng như tồn tại cần khắc phục và sự mở hướng trong tương lai, với nhan đề Nông trường Sông Hậu - mô hình cần phát triển bền vững và nhân rộng (ngày 8/6/2007), bà Sương đã nói: “Đất nông trường Sông Hậu là mồ hôi, nước mắt và cả xương máu, nay trở thành vùng đất lý tưởng để phát triển công nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nơi đây cần được tiếp tục đầu tư, nâng cấp để phát triển các loại hình công nghiệp chế biến nông sản hàng hóa do chính nông trường đã xây dựng tại chỗ, khép kín từ sản xuất đến thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sạch, chất lượng mang thương hiệu SOHAFARM. Nếu như ai đó có ý định “xẻ thịt” Nông trường Sông Hậu để bán đất, cho thuê hoặc liên doanh làm mất đi mô hình Nông trường Sông Hậu thì chúng tôi yêu cầu: “Xin đừng làm như thế!”. Tôi thấy ý kiến của bà Trần Ngọc Sương rất gần với ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người rất am tường đặc điểm vùng đất này. Có thể việc lấy đất Nông trường Sông Hậu để quy hoạch mới là nguyên nhân sâu xa chăng? Đề nghị các cơ quan xét xử nên làm rõ, không để oan khuất một người Anh hùng.

Ngôi nhà xây cao tầng đầu tiên ở Nông trường Sông Hậu chính là trường học. Ảnh: CTV

- Nguyễn Văn Minh (ngvanminh@...): Việc xét xử vụ án chị Trần Ngọc Sương đã gây bức xúc trong nhân dân. Chúng ta đang rất cần sự đồng thuận và như các cụ nhà ta đã dạy: Nói phải củ cải cũng nghe. Không thể lấy chuẩn ngày nay áp đặt cho ngày trước. Nên tôi rất đồng tình và ủng hộ ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Ngô Hải Đăng (haidangn@...): Tại sao lại truy tố chị Trần Ngọc Sương về tội lập quỹ trái phép trong khi chị không phải là người lập ra? Quá vô lý. Đình chỉ điều tra là hoàn toàn đúng.

- Lương Quang Hoa (quanghoa2009@...): Tôi hoàn toàn đồng tình kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra chị Trần Ngọc Sương - nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu về tội danh “lập quỹ trái phép” và xử lý sai sót của chị trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự”. Rất đắc nhân tâm!

- Quang Huy (quanghuynd@...): Tôi nghẹn ngào khi đọc những câu thơ nói về vụ án của chị Trần Ngọc Sương: “Người ta một nắng, chị thời… Ba Sương/… Nghe đâu Sông Hậu sóng dồn/ Ngoài hiên trát gọi, thân còm chị đi...”. Tôi thấy thắt lòng thương chị và uất ức, mặc dù tôi chẳng thân quen gì chị. Nước ta là nước dân chủ, công bằng, nhà nước pháp quyền cơ mà. Có vụ án nào mà dư luận bất bình đến thế không? Xử án là phải công minh, thấu tình đạt lý, được đồng thuận của nhân dân. Vụ án này đã xử được như vậy chưa? Tôi được biết, kết luận điều tra mới đây vẫn không khác trước đây một năm là mấy. Không biết rồi sau kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan Trung ương có kết luận thế nào. Riêng tôi, tôi đồng tình với kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Như vậy mới công bằng, mới tâm phục, khẩu phục. Tôi mong có nhiều nhà báo, nhiều tờ báo, tạp chí lên tiếng bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, nhân đạo vì con người.

- Sáu Nghệ (saunghetp@...): Đất nước ta đang trải qua giai đoạn rất lạ, luật pháp thường xuyên thay đổi, có những việc làm trái pháp luật gọi là “xé rào” lại thúc đẩy phát triển và được ca ngợi. Nhưng nếu xử tội thì cũng không sai. Tình hình như thế, nếu đem luật pháp bây giờ xem xét những việc làm của 10, 20 năm trước sẽ có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Vấn đề là động cơ và mục đích. Hơn nữa, nếu đem luật pháp bây giờ xem xét nghiêm khắc những việc của quá khứ thì càng phải nghiêm khắc với những việc bây giờ, như những vụ làm mất hàng nghìn, hàng chục nghìn tỉ đồng. Luật pháp ít nhất phải tương đối công bằng thì mới có niềm tin. Còn làm mất hàng nghìn, hàng chục nghìn tỉ đồng mà chỉ “nghiêm khắc kiểm điểm phê bình” thì cái gọi là “vụ án lập quỹ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu nên xử lý theo kiến nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về một người anh hùng

ĐOÀN XUÂN HÒA
Kính tặng chị Ba Sương

Hậu Giang gió nổi bời bời
Người ta một nắng, chị thời… Ba Sương

Theo cha đi mở nông trường
Sáu mươi tóc vẫn còn vương mùi phèn
Giữa bùn lòng mở cánh sen
Thương bao phận khó mà quên phận mình.

Không gia cư, chẳng gia đình
Hai vai chị gánh mô hình cha xây
Sáng ra hút mắt hàng cây
Nắng vàng nhuộm lá treo đầy huân chương.

Đêm đêm ngồi ngẫm đoạn trường
Thương cha, chị khấn khói hương cuộn tròn
Khấn cùng trời đất Ô Môn
Ngàn năm hạt lúa vẫn còn thảo thơm.

Nghe đâu Sông Hậu sóng dồn
Ngoài hiên trát gọi, thân còm chị đi…

12/2010

- Trần Thanh Vân (thanhvanth@...): Tôi thấy ý kiến, “nếu đem luật pháp bây giờ xem xét nghiêm khắc những việc của quá khứ thì càng phải nghiêm khắc với những việc bây giờ” là rất đúng. Việc mất hơn 8.000 tỉ đồng mà “không đến mức kỷ luật” thì 4,8 tỉ đồng phải đi tù sao? Hơn nữa, 4,8 tỉ ấy chị Sương có dùng để phục vụ lợi ích cá nhân? Tôi nghĩ không những đình chỉ điều tra mà còn phải bồi thường danh dự cho chị Trần Ngọc Sương nữa.

- Huy Bình (binhdiendan@...): Là người theo sát từng giai đoạn phát triển của Nông trường Sông Hậu từ ngày đầu thành lập, tôi đã nêu câu hỏi tại cuộc họp báo về việc chuyển kết luận thanh tra (hành chính) của UBND thành phố Cần Thơ sang cơ quan điều tra (hình sự). Câu hỏi của tôi đặt thẳng với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phạm Thanh Vận rằng: “Xin các đồng chí cho biết rõ quan điểm của cấp ủy và chính quyền thành phố về cách tiếp cận vấn đề đối với vụ việc này như thế nào?

Bởi theo nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Hậu Giang (1992 trở về trước), tỉnh và thành phố Cần Thơ hiện nay và nhiều nhà báo, trong đó có tôi, thì Nông trường Sông Hậu không chỉ là bông hoa thơm (trở thành điển hình trong số 464 nông trường quốc doanh trên cả nước, là đơn vị hai lần được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động) mà còn là niềm tự hào của Đảng Cộng sản Việt Nam (các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước còn lưu bút tại sách truyền thống của đơn vị)...”.

Tôi cho rằng, chúng ta có cách tiếp cận vấn đề đúng, tốt thì sẽ có các giải pháp, cách thức xử lý đúng đắn nhất, hợp đạo lý và pháp luật. Nhưng đáng tiếc là đã không có câu trả lời, giải thích nào cho câu hỏi của tôi. Trước cuộc họp báo đó, tôi đã có bài viết phân tích rõ những sai sót, bất cập của quá trình thanh tra, biện pháp xử lý sau thanh tra nhưng cũng không có đối thoại, phản hồi nào. Rồi quá trình truy tố, xét xử kéo dài với nhiều bất ổn, sai phạm dẫn đến phải hủy bỏ cả hai bản án…

- Lê Văn Bính (levanbinh@...): Hoan hô tiếng nói của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam! Có biết bao nhiêu kẻ làm thất thoát hàng ngàn tỉ của nhân dân vẫn vô can mà sao nỡ xử tù vô lý một người Anh hùng như chị Trần Ngọc Sương? Đúng! Trong những năm tháng chồng chất khó khăn, không có những đảng viên của Đảng đứng mũi chịu sào, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cố sức tìm cách nâng thuyền để nó không chìm như chị Sương thì làm sao có công cuộc đổi mới ngày nay? Kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất đắc nhân tâm!

Nguyễn Thúy Hoàn