Có nên duy trì tên đường Dương Vân Nga

NHỊ HÀ

Lâu nay dư luận trong giới học giả phàn nàn khá nhiều về việc thành phố Hồ Chí Minh có đường Dương Vân Nga (quận Tân Bình), cái tên đường được đặt theo tên một nhân vật tuồng cải lương trong vở Thái hậu Dương Vân Nga của soạn giả Trúc Đường. Thậm chí cách đây vài năm, trong một cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử do một đơn vị thuộc Hội Phụ nữ thành phố tổ chức, cái tên Dương Vân Nga còn được đưa vào đáp án sánh ngang với các anh hùng liệt nữ khác của dân tộc như Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu… khiến cho những người am hiểu càng thêm “khó chịu”.

Mới đây nhất, ngày 13/11/2007 sự việc được nhắc lại trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương với văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh khi một soạn giả đặt câu hỏi: Chúng ta đặt tên đường theo tên nhân vật lịch sử hay tên nhân vật tuồng cải lương?

Theo chính sử thì Thái hậu Dương Thị là vợ của hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn mặc dù nhiều nhà sử học như Lã Duy Lan, Phan Duy Kha, Đinh Công Vĩ trong cuốn Nhìn lại lịch sử còn chứng minh bà là vợ của ba vua chứ không phải hai vua. Theo những nhà sử học này, khi bình loạn mười hai sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã giết chết Hậu Ngô vương Xương Văn và lấy Dương Thị - vợ của Ngô Xương Văn làm vợ vì mục đích chính trị.

Theo Nguyễn Danh Phận dẫn trong cuốn sách Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước, tên thật của bà là Dương Ngọc Vân, con gái của Dương Tam Kha, còn sách Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc lại nêu bà Dương Ngọc Vân là con gái của Dương Nhị Kha (tức anh của Dương Tam Kha)? Riêng cái tên Dương Vân Nga mang đậm màu sắc văn nghệ được lấy từ một cái “thuyết” mà độ tin cậy chưa ai dám khẳng định, rằng bà là con gái của ông Dương Thế Hiển, quê ở Nho Quan, Ninh Bình.

Theo thuyết này, tên Vân Nga là dân gian ghép từ Vân Lung và Nga Mi là tên thôn quê của cha mẹ bà. Thế rồi từ cái giai thoại dân gian ấy, qua “sáng tạo nghệ thuật” của soạn giả Trúc Đường, cái tên Dương Vân Nga nghiễm nhiên được hợp pháp hóa cho bà Thái hậu Dương Thị trong sử sách.


Vỏ DVD vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga.

Tài năng và đức độ của Thái hậu Dương Thị ra sao, không có sử sách nào đề cập. Nhưng việc bà “quan hệ” với Lê Hoàn ngay khi còn tang chồng và sau đó dâng cả giang sơn nhà chồng cho người yêu thì từ Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV), Đại Việt sử ký tiền biên (thế kỷ XVIII) cho đến Đại Nam quốc sử diễn ca (thế kỷ XIX) đều nêu rõ và tuyệt nhiên không có dòng chữ nào trong chính sử chỉ ra rằng Thái hậu Dương Thị dâng áo long bào cho Lê Hoàn là vì vận nước cả.

Các sử thần như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ hay Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái đều dành cho bà những lời lẽ không mấy kính trọng như “tư tình”, “tư thông” (với Lê Hoàn), “ả họ Dương”… với hàm ý chê trách. Thậm chí trong Đại Việt sử ký tiền biên, Ngô Thì Sĩ còn chỉ ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình hình đất nước lộn xộn lúc bấy giờ: “Người dẫn Chiêm Thành vào cướp phá là Ngô hậu chứ không phải Nhật Khánh; người cướp ngôi của Vệ Vương là Dương hậu chứ không phải Thập đạo (tướng quân). Cái gốc đã đổ thì cành lá tàn lụi, những điểm khác còn bàn làm gì?” Nhiều thế hệ học trò thời trước cũng từng thuộc lòng những câu thơ này trong Đại Nam quốc sử diễn ca: “Nói sao Thiếu Đế thơ ngây / Lê Hoàn nhiếp chính từ rày dọc ngang / Tiếm xưng là phó Quốc vương / Ra vào cùng ả họ Dương chung tình”.

Các sử gia tên tuổi lừng lẫy nhất của chính sử nước nhà đều đã thể hiện rõ thái độ của mình đối với nhân vật lịch sử Dương Thị như vậy. Các sử gia, nhà nghiên cứu, nhà báo thời nay cũng đã tốn hao biết bao giấy mực về vị Thái hậu “thú vị” này.

Nhưng có một chuyện mà chưa mấy ai biết do chính Tiến sĩ Trang Phượng, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ Thuật Việt Nam kể lại. Số là trong một lần dẫn anh em của Viện đi thực tế tại Hoa Lư, Ninh Bình vào năm 1981, anh em trong đoàn được sắp xếp nghỉ tại đền thờ Lê Hoàn. Riêng ông Trang Phượng thì được mời về ngủ tại đền thờ Đinh Bộ Lĩnh ở gần đó với lời giải thích vì ông là khách quý. Ông từ giữ đền thờ cho biết tục lệ của làng mỗi khi đến ngày giỗ Đinh Bộ Lĩnh là họ làm lễ rước tượng bà Dương Thị từ đền thờ Lê Hoàn sang đền thờ Đinh Bộ Lĩnh rồi cúng xong lại trả “Bà” về.

Tuy nhiên trước khi rước vào kiệu thì họ phải lật đít tượng lên đánh mười roi! Đây là tục lệ ông bà từ xa xưa để lại và cứ mỗi năm con cháu đều phải nghiêm chỉnh thực hiện (theo chúng tôi tìm hiểu thì tục lệ đánh đít tượng mười roi hiện nay đã được bỏ sau khi có lời khuyên của một vị lãnh đạo nhà nước nhân chuyến công tác tại Ninh Bình và ghé thăm lễ hội ở Hoa Lư). Một chi tiết thú vị nữa mà ông Trang Phượng được ông từ nọ kể lại là khi đoàn chiếu phim vở chèo của ông Trúc Đường (sau được chuyển thể thành cải lương) về chiếu phục vụ bà con Hoa Lư đã bị người dân nơi đây phẫn nộ khiêng máy móc ném cả xuống ruộng!

Việc lấy tên của nhân vật trong các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng để đặt tên đường ở các nước khác không biết ra sao nhưng ở Việt Nam thì quả là chưa có tiền lệ. Còn nếu cho rằng Dương Vân Nga là tên nhân vật lịch sử (dù chỉ là cái tên dã sử) thì “nhân vật lịch sử” này có xứng đáng được hậu thế tôn vinh sánh ngang với những cái tên như Âu Cơ, Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Út Tịch…?

Người dân của vùng đất thiêng Hoa Lư, Ninh Bình có buồn không nếu biết vị Thái hậu mà họ phải lật đít tượng lên đánh mười roi để lấy đó làm bài học răn dạy con cháu trong dòng tộc về đạo lý và tiết hạnh ấy đã được một con đường tại thành phố Hồ Chí Minh vinh danh mang tên – mà lại là cái tên có xuất xứ từ một vở cải lương?

Đặt tên đường là một việc làm đòi hỏi phải hết sức khoa học và cẩn trọng. Nhân vật lịch sử được đặt tên đường phải là những người có công lao to lớn với dân tộc, đã được chính sử và lòng dân minh định chứ không thể tùy tiện được. Mặt khác, tôn vinh một nhân vật lịch sử mà nhân vật ấy nếu không xứng đáng thì sẽ làm lệch lạc nhận thức của công chúng và có hại không nhỏ đến việc giáo dục các thế hệ mai sau về lịch sử dân tộc.