Vùng Ayun Pa, nơi gắn liền với truyền tích vua Lửa có biệt tài gọi mưa, trừ hạn được xem là thủ phủ của chiêng kơđơ. Đây là những bộ chiêng quý hiếm hàng trăm năm tuổi vốn một thời chỉ hiện diện ở các buôn làng giàu có hoặc những tù trưởng thế lực. Trên vùng đất của các vua Lửa ngày nào, chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị về âm thanh huyền ảo và cả những giai thoại ly kỳ quanh những bộ chiêng quý hiếm ấy!
Thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) là nơi cư trú lâu đời của tộc người Jrai. Theo ngôn ngữ của đồng bào, Jrai có nghĩa "thác nước". Trước khi nói sâu về những dàn chiêng kơđơ trăm năm, nghệ nhân chỉnh chiêng số 1 ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung là Nay Phai, cho chúng tôi biết, các Pơtao Apui (vua Lửa) là thần linh được không chỉ người Jrai mà các dân tộc cư trú lâu đời trên đất Tây Nguyên như Bahnar, Êđê, K'ho... tôn sùng vì đó là vị thần có sức mạnh huyền bí, giúp họ có được cuộc sống khỏe mạnh, ấm no cũng như có khả năng ban cho mưa thuận gió hòa, tắm mát nương rẫy khi khô hạn...
Theo các già làng, sở dĩ bộ chiêng kơđơ là chiêng quý bởi người Jrai không biết đến kỹ thuật đúc đồng nên không thể tự tạo cồng chiêng. Để có tiếng chiêng gọi Yàng, giúp vui cho các lễ hội hay tiễn đưa người chết về với núi rừng, như các dàn chiêng Aráp, chiêng MơTrum Kơbao..., người Jrai mua chiêng kơđơ trong quá trình giao lưu, mua bán với các tộc người khác.
Nghệ nhân Nay Phay cho biết ngày trước, muốn có bộ chiêng kơđơ, gia chủ phải trả đàn trâu mộng hàng chục con cho các nhà buôn người Lào vì chiêng của họ đúc bằng đồng thau pha vàng nên âm thanh trong trẻo, vang xa. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao chiêng kơ-đơ là bộ chiêng giá trị nhất trong hệ thống chiêng của người Jrai.

Chiêng kơđơ chỉ được người Jrai sử dụng trong lễ hội.
Với người Jrai, chiêng cũng có sự sống, có gia đình, có anh em nên song hành với tên gọi thì mỗi chiếc chiêng còn có vai trò như mỗi thành viên trong gia đình như chiêng bố, chiêng mẹ, chiêng chị, chiêng em… Và khi hợp xướng, bao giờ chiếc chiêng lớn nhất cũng phát ra âm thanh đầu tiên, tiếp đến là những chiếc chiêng nhỏ hơn. Già làng Rơchăm H'eo ở xã Ia Rbol, tâm tình với chúng tôi rằng, trong rất nhiều bộ chiêng của làng, chỉ riêng chiêng kơđơ được sử dụng khi buôn làng có hội vui hay cúng thần linh, cúng Yàng...
Theo thống kê gần đây của tỉnh Gia Lai, người Jrai cư trú trên địa bàn tỉnh hiện lưu giữ 889 bộ cồng chiêng quý hiếm được đổi hay mua bán trong quá trình giao lưu với người Việt, Trung Quốc, người Lào, Campuchia... Đây là những bộ chiêng còn sót lại sau những biến chuyển của thời gian, lịch sử và sự hủy hoại cũng như ánh mắt dòm ngó, tìm cách mua về trưng bày trong tư gia của các đại gia khoái chơi đồ dân tộc hoặc dân buôn cổ vật. |
Các già làng cho biết, không chỉ giúp vui cho buôn làng, tiếng chiêng kơđơ còn được người Jrai xưa dùng để báo hiệu cho cộng đồng khi có kẻ thù tấn công, đồng thời là lời hiệu triệu, thúc giục, khích lệ nhuệ khí của các chiến binh đứng lên chống Pháp, đuổi Mỹ. Tiếng chiêng kơđơ còn có tác dụng giúp đồng bào đuổi mãnh thú như voi, cọp, báo... khi chúng về gây hại buôn làng.
Còn bí mật khác liên quan đến chiêng kơđơ mà chúng tôi được nghệ nhân Nay Phay cho biết là ngày thường, bộ chiêng quý ấy được đặt để ở nơi trang trọng nhất trong gia đình. Khi sử dụng, gia chủ hoặc buôn làng phải giết trâu hoặc bò tế lễ. Sử dụng xong lại phải làm lễ tế tạ thần linh vì đồng bào tin ẩn trong mỗi chiếc chiêng có vị thần trú ngự.
Điều thú vị khác mà chúng tôi được biết là không chỉ trên vùng đất của các vua Lửa, tại huyện Krông Pa cũng có gia đình sở hữu bộ chiêng kơđơ giá trị. Đó là gia đình ông Kpă-Li, ở buôn Ama Nher A, thuộc xã Đất Bằng. Đây cũng là địa phương từng một thời nức tiếng giàu có, nhà nhà đều có nhiều chiêng ché giá trị.
Theo CAND