Độc đáo sữa đậu rồng

Đậu rồng hay còn gọi là đậu khế, đậu xương rồng, đậu cánh; có tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus.

Các nhà dinh dưỡng đã tìm thấy trong hạt đậu rồng (khô) chứa tới 32% – 36% prôtit; 13% – 17% lipit; 26 – 33% glucit. Đặc biệt, hạt đậu rồng rất cần thiết cho sự phát triển cơ thể trẻ em (như các axit amin: lysin, menthionin, cystin). Lượng canxi rất cao, tỷ số canxi/phôtpho lớn hơn 1 chứng tỏ hơn hẳn đậu nành, đậu phộng. Có thế chế sữa để điều trị bệnh suy dinh dưỡng cho các cháu từ 5 tháng tuổi trở đi, chữa triệu chứng “bụng ỏng đít teo” của trẻ em do thiếu protein.

pic
Dàn đậu rồng

Ngày trước, các bậc vua chúa rất ưa chuộng các món ăn, uống được chế biến từ đậu rồng để bồi dưỡng sức khoẻ và phòng bệnh, tăng sức đề kháng. Và thức uống độc đáo của các bậc đế vương là sữa đậu rồng.

pic
Sữa và hạt đậu rồng

Cách chế biến “sữa rồng” như sau: Lấy 1 lạng hạt đậu rồng khô, rửa sạch ngâm với nước sạch khoảng 4-5 giờ, sau đó vớt ra để ráo và cho vào máy xay sinh tố với hơn 1 lít nước. Tiếp đến, mang dung dịch này lọc và đun sôi thành một loại sữa có màu trắng ngà, uống rất thơm ngon, bổ dưỡng. Có thể uống thêm đường hoặc không đường hoặc ít đường (người già, người kiêng ngọt). Có thể uống với đá hoặc uống nóng. Muốn có sữa nhanh hơn, bạn chỉ cần bỏ hạt đậu rồng khô và số lượng nước nói trên vào máy chế biến sữa đậu nành đa năng, chừng 10-15 phút sau là bạn có sữa đậu rồng nóng (máy tự đun sôi), không cần lọc sữa.

Do sữa đậu rồng có nhiều chất purin và đạm nên những người bị bệnh gút (thống phong) cần kiêng uống.

Tiên Sa