Đọc PHÒNG TUYẾN SÔNG BỒ của Đỗ Kim Cuông

Sông Bồ là con sông chảy qua Thừa Thiên – Huế, phía thượng lưu là vùng căn cứ, và vượt qua sông Bồ là vùng đất tạm chiến. Cuộc chiến đã diễn ra vô cùng khốc liệt ở vùng Trị - Thiên, mà vùng sông Bồ là vùng đất quan yếu. Đỗ Kim Cuông từ Thái Bình vào chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên, chiến đấu ở phòng tuyến sông Bồ này hàng chục năm. Tất cả cái ác liệt, cái đặc thù, tình người, đau khổ, hy sinh và hy vọng của vùng phòng tuyến ấy, đã vào trong người anh sâu lắng, và bây giờ là lúc anh viết nó thành tiểu thuyết.

Ngồn ngộn những sự kiện, những con người, những số phận, tính cách được khắc họa và những số phận, tính cách ấy không thể thoát ra ngoài cuộc chiến. Chiến tranh, chiến trường, con người và số phận của nó là vấn đề của tiểu thuyết này. Tác giả có một vốn sống, vốn cảm xúc đồ sộ, và anh đã trải nó ra trong từng câu văn, từng tình huống, tâm trạng, đối thoại, khắc họa…

Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm rồi, nhưng văn học là cái khả năng kỳ diệu của con người, là cái “bộ nhớ”, nhưng không như sử học, nó là bộ nhớ - cảm xúc; đưa những người không dự trận đánh tham gia vào nó qua sự tái hiện tỉ mỉ, cụ thể, đầy đủ… của ngôn từ văn học. Và người ta sống lại những ngày tháng, những giây phút quí giá, yêu thương mãnh liệt cùng tác giả.

Gần đây, tôi đọc Sóng Hàm Luông của Thanh Giang về Đồng Khởi - Bến Tre, Tiếng khóc của nàng Út của Nguyễn Chí Trung về Khu 5 những ngày sau Genève; Thượng Đức của Nguyễn Bảo về trận đánh Thượng Đức – nhưng dĩ nhiên không chỉ là trận đánh, mà là con người trong trận đánh; Được sống và kể lại của Trần Luân Tín, những trang hay nhất về thành cổ Quảng Trị… và bây giờ là Phòng tuyến sông Bồ

Cảm ơn các anh với tâm huyết, tài năng, từng trải… của mình, đã đưa đến cho văn học Việt Nam hiện đại những trang viết vô giá, những trang viết bằng máu mình và máu đồng đội, những trang soi rọi lương tâm mọi người bây giờ và mai sau. Bởi vì ngay bây giờ đã có người lãng quên, quay lưng với cuộc chiến thần thánh, nghìn năm có một ấy; đợi gì mai sau… Một trong những nhiệm vụ thiêng liêng của văn học là làm thức dậy lương tâm, nghĩa vụ cao cả của con người, bồi đắp cái Đẹp, cái Cao Thượng cho con người, nhắc nhở mọi người sống thế nào cho cho xứng với Máu chiến sĩ, đồng bào mình đã đổ.

Đánh giá anh không phải mắt xếch nhà phê bình

hay mắt xanh người đẹp,

Đánh giá anh là giọt máu im lìm ngủ giữa Trường Sơn
Im lìm thế mà lắng nghe mọi điều anh viết
Xem sau khi máu đã đổ rồi, thơ có cao hơn.

(Chế Lan Viên)

Phòng tuyến sông Bồ mở ra bằng một trận đánh phục kích. Tác giả chậm rãi mô tả trận đánh, cũng đồng thời làm động tác giới thiệu các nhân vật và tình huống. Một trận đánh cụ thể được tái hiện với nhãn quan người trong cuộc và cho ta một hiểu biết sinh động về cuộc chiến vừa qua. Lồng vào đó, anh bắt đầu nêu tình huống: đơn vị chủ lực của trận đánh đang bị giải thể để trở về địa phương bám dân giữ đất, làm du kích, giữ lấy chỗ đứng chân cho cách mạng.

Lúc này là sau Mậu Thân, lực lượng ta teo tóp, mỗi xã chỉ còn vài ba người, không còn quân. Đó là một tình huống đầy kịch tính và trong tình huống đó, bộc lộ tính cách và tâm trạng từng nhân vật. Đó là những tính cách như Phong, Cường… những người chỉ huy; mà cuộc đời họ gắn bó với đồng đội, với chiến trường như là sự gắn bó tự nhiên, máu thịt. Nhưng bên trong, khuất sau những hành động là những mối tình, những trắc trở, những âm thầm khổ đau hay hạnh phúc.

Mối tình của Phong và Tâm - một nữ du kích: “Tình yêu của em đã cứu tôi thoát khỏi những giây phút mà trạng thái tâm lý bế tắc, u uẩn… Tôi tưởng ánh mắt của em là hai ngọn đèn soi thấu tâm hồn tôi, đọc được ở trong tôi từng ý nghĩ đớn hèn và cả sự khắc khoải, mỏi mệt” (tr.101).

Nhưng cuối cùng, ở một bãi đá ven sông Bồ, chủ tịch xã của Tâm nói với Phong: “Tâm hy sinh rồi, anh đã biết chưa?”. Và Lý, một nữ điệp báo, được đưa lên chiến khu cải tạo, cô đã dùng tấm thân mình mua chuộc Thoan, chỉ huy trại và người này người khác, khôn ngoan sống qua ngày để chờ cơ hội; ả cũng đã cố ý “móc nối” với Phong. Và đó là dịp để Thoan bố trí làm khó cho Phong, hạ nhục, kiểm điểm Phong, và Lý bỏ trại, mang theo khẩu K54 của anh, tìm đường về vùng địch. Phong đuổi theo, và một tình huống bi thảm tất yếu xảy ra: “Viên đạn AK nổ đanh, gọn, phá tan bầu không khí yên tĩnh của buổi sáng mai. Cả ba người đều nhìn thấy ả ngã sấp xuống vạt cỏ tranh cháy nham nhở…” (tr.217).

Và mối tình của Cường và Hạnh, một nữ xã đội trưởng vùng giáp ranh, một mối tình quê thiệt thà, sâu nặng và cũng đầy kịch tính… Phòng tuyến sông Bồ không chỉ ùng oàng chiến trận, Phòng tuyến sông Bồ còn là tất cả những tình cảm Việt Nam ngày hôm qua…

Không gian sự việc của tiểu thuyết mở ra quá rộng, và Đỗ Kim Cuông thừa vốn sống để “tham lam” mở ra rộng, ôm chứa cho hết những tháng ngày anh trải qua; nhưng đã “rộng” thì khó “sâu”. Và các thủ pháp của tiểu thuyết, các cách kể chuyện, các thi pháp tiểu thuyết; nhất là sự soi rọi ngọn đèn vào sâu hơn nữa nội tâm con người… vẫn còn là một thách thức với nhiều tác giả viết về chiến tranh, ham “đại cảnh” mà xao lãng cái “vi mô”…


Ảnh minh họa.

Dù sao, đó cũng là một yêu cầu lâu dài, và không nhất thiết ai cũng viết theo lối đó. Đỗ Kim Cuông cũng như nhiều tác giả viết về chiến tranh vừa kể đã thành công trong sự chọn lựa miêu tả của mình. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là một cống hiến đáng quí cho văn học, cho cuộc sống, hôm nay và cả mai sau. Nếu có ai đó làm phim về các cuốn tiểu thuyết này, thì bản thân cuốn tiểu thuyết với nhiều chi tiết đặc hiệu của nó, đã là những phần quí giá của một kịch bản phim truyện.

Cuộc sống đang có nhiều biến động, thay đổi nhiều chiều. Nhưng dù có thay đổi thế nào, cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc ta vừa qua vẫn là một đề tài bất tận. Làm sao cho mỗi người hôm nay, mỗi người sắp tới, nhận được cái ánh lửa thiêng soi rọi từ cuộc chiến ấy; để mà sống và làm việc:

Ôi! kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường.

(Chế Lan Viên)

Phòng tuyến sông Bồ của Đỗ Kim Cuông góp phần khơi lên ngọn lửa thiêng quí giá ấy.

MAI QUỐC LIÊN