Đọc sách "Khúc hát những dòng sông"* hay là trái tim người mẹ

Trong lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã cho công bố tiểu thuyết lịch sử Khúc hát những dòng sông - tác phẩm được tặng giải C trong cuộc thi sáng tác và quảng bá những tác phẩm nghệ thuật về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Là tiểu thuyết lịch sử, cho nên, trong tác phẩm này, hệ thống đường dây sự kiện về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật chính - Hồ Chí Minh, những điều quá quen thuộc với bao thế hệ người đọc đã được nhà văn lựa chọn để xây dựng thành cốt truyện. Đây là việc vừa dễ mà vừa khó. Cái khó ấy đã được nhà văn khắc phục bằng cách tổ chức lời văn nghệ thuật. Cái dễ thấy nhất là ông đã dùng nhiều từ địa phương đậm chất Nghệ. Cùng với điều đó, là việc ông dùng các đại từ nhân xưng: Nhân vật hoặc được gọi thẳng tên: Loan, hoặc theo vị thế học hành: Cử Sắc thay cho cách gọi trang trọng mà đầy xa cách trên, dưới, khách sáo: ông, bà, cụ... Trong cốt truyện, nhà văn cũng có hư cấu thêm, rõ hơn cả là ở phần thứ hai: “Đường vô xứ Huế”: trong đó chi tiết gia đình Cử Sắc gặp hổ giữa đêm trên con đường thiên lý nhọc nhằn, điều này chưa ai nói tới bao giờ. Nhưng hơn 200 năm trước đây là điều rất dễ xảy ra. Người viết bài này chỉ là lớp hậu sinh, rất xa, nhưng những năm 70 của thế kỷ trước, khi là người lính làm nhiệm vụ ở cung đường gần đó, giữa bom rơi đạn nổ ngút trời mà vẫn còn có lúc phải chạm mặt “ông Ba mươi” nữa là! Rồi ở phần ba “Giữa chốn kinh thành”, sự tưởng tượng hư cấu của nhà tiểu thuyết đã tạo nên một hiệu ứng thẩm mỹ sâu sắc, nhất là từ trang 263 đến 266: miêu tả lúc bệnh tật, phút lâm chung trong cô đơn của người mẹ với tiếng khóc đòi bú của đứa bé sơ sinh cùng ánh mắt thảng thốt của hai đứa con thơ dại: Khiêm và Cung. Những trang văn đã làm người đọc không cầm được giọt lệ thương xót cám cảnh. Nguyễn Thế Quang đã có một cách tiếp cận sáng tạo: đổi mới cái nhìn. Thay cái nhìn chiêm ngưỡng sử thi bằng cái nhìn thân mật suồng sã ở thì hiện tại đang tiếp diễn của nhà tiểu thuyết, như nhà thi pháp học người Nga Bakhtin (1895-1975) đã đề cập trong công trình nổi tiếng Những vấn đề về tiểu thuyết Dostoievski (NXB Giáo Dục, 1996) để từ đây sáng tạo nên một diễn ngôn mới về lịch sử: không chỉ là diễn ngôn về cuộc đời của Bác mà là về người mẹ vĩ đại của Bác Hồ, về người mẹ, người phụ nữ Việt Nam nói chung. Trong cuộc sống hiện đại, đàn bà, con gái thì đông nhưng những người phụ nữ đích thực kiểu như nhân vật Loan trong Khúc hát những dòng sông thì quá hiếm hoi, nếu không nói là vắng bóng trong hiện thực cũng như trên văn đàn. Tiểu thuyết lịch sử là như thế, không chỉ khắc sâu cái “quá khứ tuyệt đối” (chữ của Bakhtin, sách đã dẫn) mà còn để đối thoại với hôm nay, nhằm trả lời những câu hỏi khẩn thiết đang đặt ra: Hỡi con người - ngươi là ai và sẽ đi về đâu? Chúng tôi cho rằng đây là thành công của nhà văn - nguyên là thầy giáo Nguyễn Thế Quang. Ông đã nhảy qua một cách ngoạn mục “Hai vòng lửa”: “vòng lửa lịch sử” “vòng lửa tiểu thuyết” như nhà thơ Chế Lan Viên đã có lần nói. Dẫn theo Đoàn Như Phương trong Tiểu thuyết lịch sử - hướng tiếp cận mới và vấn đề hư cấu nghệ thuật (Tạp chí Lý Luận Phê Bình, tháng 2-2013), ta hiểu vì sao mà cuốn sách nhanh chóng được tái bản và lãnh đạo Sở Giáo dục Nghệ An đặt mua hàng ngàn cuốn cho các nhà trường trong tỉnh; còn cô Đỗ Thị Từ, phu nhân nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, cũng đã mua 50 cuốn về làm quà cho các nhà trường ở quê hương Thanh Chương (Nghệ An) của mình.

 

______

* Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang, NXB Hội Nhà Văn tái bản lần thứ nhất, 2013.

TS Phan Văn Tường