Cụ Tam nguyên Yên Đổ “đấu chữ” với ông Hoàng Cao Khải

Cụ Tam nguyên(1) ngồi dạy học nhà ông Hoàng Cao Khải(2), đến rằm tháng chạp cụ giải quán về quê ăn tết. Ông Khải hẹn với cụ rằng, ngày 20 ông có việc về ông tuần Hà Nam, đến 23 thì về nhà cụ. Cụ biết chừng là thế, định đến ngày hẹn năm nay làm lễ tiễn ông Táo lên giời trọng thể, bèn dựng cây đèn bóng rất cao, quét tước bếp núc sạch sẽ, đặt đầu rau mới cẩn thận, thì quả nhiên đến ngày hẹn ông Khải về.

Nghe tin báo, cụ cho con giai là ông bảng Tiễu ra đầu làng đón tiếp. Vào đến sân thấy cây đèn bóng cao đã dựng có câu viết dán cột đèn:

“Kiết kiết can mao(3), tiết đáo kình thiên phù nhật nguyệt”

孑孑干麾,節到擎天扶日月

(Chót vót cờ mao, tết đến giúp giời chống hai vầng nhật nguyệt)

Ông Cao Khải xem và hỏi sao lại có câu đối một vế thế thôi? Ông bảng nói, còn một vế thầy tôi dán trong bếp chỗ thờ ông Táo. Ông Cao Khải sửng sốt hỏi ngay bếp đâu cho ông xem. Vì nóng xem vế dưới, ông bảng dẫn vào bếp, ông Cao Khải vào xem thấy vế đối rằng:

“Mang mang khối thổ, thời lai tảo địa tác quân vương”

茫茫塊土, 時來掃地作君王

(Mênh mang khối đất, gặp thời quét sạch sẽ làm vua)

Ông Cao Khải khen ngợi văn hay vì tả chân cây đèn bóng và bộ đầu rau mới đặt trong bếp. Hôm ấy chủ khách tiếp đãi rất vui vẻ, nào bàn luận văn chương, nào chuyện năm hết Tết đến, rồi từ biệt ra về. Sau ông Cao Khải nghĩ ra là cách dán câu đối oái oăm như thế cốt để ông ta phải nóng ruột xem câu đối thành ra chui vào bếp nhà cụ.

Vào khoảng đời vua Đồng Khánh (1864-1889) sang đời vua Thành Thái, Tây chiếm hết quyền bính và nguồn lợi nước ta, thân sĩ yêu nước, người thì chết theo quốc nạn, người thì chạy sang Trung Hoa để tìm đường khôi phục, người thì đi lánh vào rừng sâu ẩn thân, người thì lui về thôn quê làm thầy lang, thầy đồ để tạm yên thân, nhưng trong tâm hồn họ vẫn không nguôi căm giận, chờ đợi thời cơ để nổi dậy. Song cũng có một số đành gió chiều nào che chiều ấy, miễn là được an phú tôn vinh thì thôi. Xem câu thơ của ông Hoàng Cao Khải thì rõ lắm:

Vị ưng thế cục trường như thử

Tranh nại nhân sinh thọ kỷ hà

未應世局長如此

争奈人生壽幾何

(Vẫn biết cuộc đời đâu mãi thế

Nhưng đời người sống được bao lâu)

Ông ta nói cuộc đời tất nhiên thay đổi chứ không thế này đâu, nhưng mà cái sống của con người ta cũng chả mấy, thôi thì cũng cứ mát mặt lúc nào hay lúc ấy cho xong. Cho nên ông ta ra làm quan đời bấy giờ phú quý lừng lẫy một thời. Một thời ông đắc thế đã định xưng phó vương. Nhưng con người ta ai cũng thế, dù ngoại vật che lấp chính nghĩa bị tối tăm, nhưng thế nào cũng còn nhất điểm lương tâm có lúc nó cắn rứt mình, tự hỏi mình phải hổ thẹn. Cũng vì thế cho nên ông Hoàng Cao Khải cố mời các ông mà mình vốn biết là người có danh tiết đến với mình và cư xử thậm lễ. Ví dụ như mời cụ Tam nguyên Yên Đổ để làm gia sư chả hạn. Nhưng cái học thức, cái thông minh, cái hiểu đời như ở cụ Yên Đổ làm gì mà chả biết tâm lý họ Hoàng, mà tài văn chương của cụ thì đủ mọi mặt: khí tiết có, tài hoa có, khôi hài thóa mạ cũng có. Khi cụ ngồi dạy học có câu đối:

“Đạo làm thầy phải cho nghiêm, nào kinh nghĩa, nào thơ phú, nào sách văn, thức khuya dậy sớm, mổ bụng con nhét chữ.

Nghĩa làm chủ đừng có lận, này đoan ngọ, này thường tân, này nguyên đán, năm hết Tết đến bổ đầu bố lấy tiền”.

Câu đối này ngụ thâm ý trong sáu chữ: mổ bụng con, bổ đầu bố.

Họ Hoàng ngoài mặt tuy rất trọng đãi cụ là bậc gia sư, song trong thâm tâm vẫn tìm cách đánh đổ mô phạm cụ. Cái ý ngấm ngầm ấy cụ vẫn biết.

Một hôm có đại tiệc rất đông mặt thân sĩ tài tử trứ danh như ông Vũ Phạm Hàm(4), Chu Mạnh Trinh(5), Đào Nguyên Phổ(6), Đỗ Văn Tâm(7) chả hạn. Lúc vào tiệc cũng bày ra mọi câu chuyện, lần lần đến văn chương, mà cụ Yên Đổ ngồi trên chót đã hẳn rồi, vì cụ tuổi cao, khoa giáp cũng cao. Hoàng Cao Khải cất giọng thưa cụ: - Anh em chúng tôi có một đề tài định làm thơ quốc âm nhưng chưa xong, hôm nay đông đủ ở đây, xin cụ cho một bài để làm hình thức. Đầu đề là: “Thiên hà ngôn tai”(8) (Giời có nói gì đâu). Thế mà cụ ứng khẩu đọc ngay ra bài thơ quốc âm, không sai đầu đề mà lại ngụ ý thóa mạ những kẻ theo đời chìm nổi. Bài thơ như sau:

Chót vót trên này có một tao

Mày xem tao có nói đâu nào

Da tao xanh ngắt pha đen trắng

Bởi tại dì Oa vá váy vào!

Câu thứ nhất tả giời cao. Câu thứ hai tả giời không nói. Câu thứ ba tả màu sắc giời. Câu thứ tư dùng điển Nữ Oa đội đá vá giời. Ngụ ý thóa mạ văn chương lâm thời lại còn ngụ ý đối chọi, ý thử thách ngầm. Thực là thiên tài.

Bài thơ cụ đọc ra, ai nấy nghe xong đều im thin thít.

 

_____

(1) Tam nguyên Yên Đổ: Nguyễn Khuyến (1835-1909), có tên là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, người làng Yên Đổ - huyện Bình Lục - tỉnh Hà Nam. Ông học giỏi, hay chữ, thơ Nôm cũng như thơ chữ Hán. Năm 1871, đậu Hoàng giáp Tam nguyên, làm Hàn lâm trực học sĩ, quyền Sơn-Hưng-Tuyên Tổng đốc, sau cáo về, không chịu hợp tác với Pháp.

(2) Hoàng Cao Khải (1850-1933): trước tên là Hoàng Văn Khải, tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, người làng Đông Thái - huyện La Sơn - tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1868, đậu cử nhân; trước làm quan ở các bộ trong triều đình Huế, sau bổ ra Bắc Kỳ làm giáo thụ Hoài Đức. Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng nước ta, Cao Khải làm tay sai cho Pháp, làm Tuyên phủ sứ, đàn áp giết hại nhân dân trong những cuộc quật khởi chống Pháp. Năm 1888, được Pháp thưởng công cho làm Tổng đốc Hải Dương, rồi hai năm sau làm Bắc Kỳ kinh lược sứ, được phong tước Duyên mậu quận công. Năm 1897, Pháp bãi Nha kinh lược để nắm toàn quyền ở Bắc Kỳ thì Khải được bổ vào Huế làm phụ chính đại thần cho vua Thành Thái. Sau khi hưu trí, về ở Thái Hà ấp (Hà Nội), Hoàng Cao Khải biên soạn một số sách, nội dung là phân trần và che giấu tội ác của mình, như việc thực dân Pháp chiếm đoạt đất nước ta (Gương sử Nam), hoặc tán dương mưu mô sách lược của Gia Long mượn tay người Pháp cướp đoạt ngôi vua của Tây Sơn (Tây Nam đắc bằng). Những tác phẩm của Cao Khải còn là những giọng bợ đỡ của y đối với thực dân Pháp và là những tư tưởng lạc hậu trong việc giáo dục (Làm con phải hiếu, Đàn bà nước Nam).

(3) Chữ mao các cụ xưa quen đọc, còn trong Từ Hải, Từ nguyên thì đọc là huy.

(4) Vũ Phạm Hàm (1864-1906): tự Mộng Hải và Mộng Hồ, hiệu Thư Trì, người làng Đôn Thư - huyện Thanh Oai - tỉnh Hà Tây cũ. Năm 1892, ông đậu Thám hoa, hàm Quang lộc tự khanh, làm Đốc học Hà Nội và sung Đồng văn quán; sau làm đến Án sát Hải Dương thì mất.

(5) Chu Mạnh Trinh (1862-1905): tự Cán Thần, hiệu Trúc Văn, người làng Phù Thị - huyện Đông Yên (nay là huyện Khoái Châu - tỉnh Hưng Yên). Ông là người tài hoa phong nhã, cầm kỳ thi họa, thứ gì cũng giỏi, lại thích ngao du sơn thủy, đề vịnh và xướng họa. Năm 1892, đậu Tiến sĩ, làm quan đến Án sát Thái Nguyên, bị bệnh cáo về. Khi làm Án sát Hưng Yên, ông có dự Tao Đàn Hưng Yên do Lê Hoan tổ chức và được giải nhất trong cuộc thi đề vịnh Truyện Kiều.

(6) Đào Nguyên Phổ (1860-1909): tự Hoành Hải, hiệu Tảo Bi, tên cũ là Đào Văn Mai, người làng Thượng Phán - huyện Quỳnh Phụ - tỉnh Thái Bình. Năm 1898, đậu Hoàng giáp, làm Thừa chỉ, sau được cử vào Đồng văn quán làm chủ bút tờ Đồng Văn Nhật Báo (Hà Nội).

(7) Đỗ Văn Tâm (không rõ quê quán, năm sinh, năm mất): đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn - Hiệp biện đại học sĩ, tự Gia Xuyên Đỗ Văn Tâm, người duyệt chính bộ Việt sử tân ước toàn biên của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ năm 1906.

(8) Thuộc thiên Dương hóa bộ Luận ngữ.

NGUYỄN TIẾN ĐOÀN biên soạn (Theo Di cảo Thập Hoài Nguyễn Công Chuẩn)
Bình luận khác
Bài viết có chút giá trị về điển tích, tuy nhiên mang net chính trị chủ quan! Thiết nghĩ viết liên quan về sử thì cần khách quan hơn!
Từ: | Ngày: 04/06/2016 8:19 CH