Đã nửa thế kỷ qua, trong tôi không bao giờ phai nhạt hình ảnh cổng làng ở quê mình. Nó tuy nhỏ và thấp so với nhiều cổng làng thời nay, nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi khi bước qua cổng làng, trái tim tôi lại rạo rực những kỷ niệm của một thời trai trẻ. Cổng làng như một lời chào mời, hồ hởi, thân quen. Thế mà nay, cái cổng làng thân yêu ấy bị biến mất vĩnh viễn để nhường cho một con đường rộng bụi mù mỗi khi có xe tải đi qua.
Cái cổng làng thiêng lắm. Xưa, nhiều làng chung tiền dựng cửa gỗ, hoặc dựng cọc tre chắn ngang và thay nhau canh gác để bảo vệ bình an cho bà con mỗi khi xảy ra biến động. Cổng làng như con mắt của đời sống, với vẻ trầm mặc ghi dấu ấn văn hóa một thời.
Mỗi làng xây cổng mỗi khác. Đến nay lại càng khác biệt rõ ràng, bề thế hơn, lộng lẫy và rạng rỡ hơn, chứ chẳng còn vương vấn hình ảnh xưa như những bờ thành dày dặn rêu phong.

Cổng làng xưa là nơi quan sát, mang dáng vóc của một vọng gác. Các cụ nói nhiều khi giặc đến càn là phải đánh trống, đánh kẻng báo động treo sẵn ở cổng làng. Nhiều trận đánh chặn cướp hoặc giặc giã đã xảy ra quyết liệt ở cổng làng. Đó còn là pháo đài, lô cốt và cửa tử để bảo vệ dân trong làng.
Mới đây Nhà Văn hóa Hà Đông - Hà Tây trưng bày 84 bức ảnh Cổng làng để minh chứng cho nét đẹp cổ kính rêu phong, đặc trưng văn hóa đồng bằng Bắc bộ còn sót lại với bao ký ức sâu lắng trong lòng người. 84 cái cổng xưa ấy, nhắc nhở về lịch sử và truyền thống đang bị phai mờ dần trong đời sống hiện đại. Còn đâu nữa cái hình bóng xa xôi của cái cổng làng Sủi (Gia Lâm - Hà Nội) với những chữ Trung - Nghĩa - Lý do vua Lê phong tặng để đánh dấu một áng sử hào hùng của một thời vàng son.
Đua chen những cổng chào thay cho cổng làng
Hiện nay, các làng đua nhau xây cổng chào thay cho cổng làng. Có những cổng chào to đến mức khó tưởng tượng nổi như ở một làng thuộc huyện Đan Phượng (Hà Tây). Thực tế thì kinh phí để dựng cổng chào, tôi tin rằng thừa thãi để tập trung xây một cái cổng làng thực sự với cấu trúc văn hóa mang âm hưởng văn hóa dân gian.

Có người cho rằng, bây giờ các làng quê đã mọc lên nhiều nhà cao tầng và dường như mất đi hình ảnh bờ tre, giếng nước. Hơn nữa, đời sống kinh tế ngày càng khá giả, cái cổng làng nhỏ bé ngày xưa đã bít kín lối đi của những chiếc xe máy, ô tô. Và họ thấy chẳng cần nữa nên đã vứt nó đi và có làng vứt bỏ luôn cổng chào để thay vào đó là một con đường trống trải bụi mù mỗi khi có làn xe qua lại.
Đến nỗi có làng còn thay cổng làng, cổng chào bằng chiếc “barie” để thu tiền khách qua đường. Nhất là vào các ngày lễ hội thì cây tre chắn ngang là một thái độ rất thị trường thay cho hàng rễ cây rung rinh rủ xuống cổng làng xưa.
Giờ đây thật hiếm có những làng có hai cổng như xưa: cổng trước và cổng sau. Đầu làng, cuối làng không còn trật tự và những quy ước rạch ròi như xưa. Cổng tiền để đón những niềm vui sinh sôi trong lao động và hạnh phúc, còn cổng hậu để tiễn đưa những vướng bận buồn rầu của người đời. Tất nhiên nhiều làng còn giữ được những cổng làng đẹp như Ninh Hiệp, Đông Ngạc, Làng Sủi (Hà Nội), Đường Lâm (Hà Tây), Thổ Hà (Bắc Ninh), nhưng đó là những hình ảnh hiếm hoi còn đọng lại trong tâm trí du khách.
Bây giờ, mỗi lần đi qua những cổng làng mới xây mà thấy nhớ, thấy buồn cho làng tôi. Họ xin được tài trợ nhưng để tập trung xây trụ sở ủy ban thật sang trọng, thật bề thế để khoe với thiên hạ và đã quên bẵng đi rằng bao đời nay cái cổng làng là cửa ngõ tinh thần của văn minh nông nghiệp, là nhịp đập của thời gian và là cái hồn cốt của lũy tre, mái ngói, hàng cau. Bỗng dưng tôi thấy những con đường vào làng cứ trống huếch trống hoác, đơn điệu và vô cảm. Chẳng còn phân biệt đâu là đầu làng cuối làng nữa.

Tôi thấy thương cho những lũy tre, thấy buồn cho những câu hát và thấy tủi cho những lá cờ ngày hội, ngày lễ, vì thiếu vắng những cổng làng để làm điểm tựa cho dấu tích đời sống.
Cần xây những cổng làng mới mang nét đẹp xưa
Đừng đổ cho cơ chế thị trường và tốc độ đô thị hóa nông thôn mà bỏ đi những cổng làng quen thuộc. Giáo sư Từ Chi qua tác phẩm Không gian văn hóa làng cho rằng, cổng làng có vị trí quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh của con người. Ông nói thế bởi lẽ, dù có đô thị hóa đến đâu, làng vẫn là làng, không thể là phố, nghĩa là các ngôi nhà cao tầng hay biệt thự vẫn ở trong phạm vi của làng thì chúng càng có dấu ấn thẩm mỹ cao hơn, nếu thông qua một cổng làng đậm sắc thái cổ phong với những đường cong của mái cổng và những hoa văn đúng tầm của làng văn hóa.
Rất nhiều làng hiện nay được công nhận danh hiệu Làng Văn hóa, nhưng các địa chỉ này lại bỏ qua nét văn hóa cổng làng mà chỉ xây một cổng chào đơn giản với cái bảng viết vài chữ để cho có mà thôi.

Xưa, nhiều nơi cũng đã xây cổng làng khá to nhưng vẫn giữ được những hình ảnh cổ kính qua đường nét kiến trúc đặc sắc không kém phần thẩm mỹ và bề thế tạo nên một ấn tượng lâu dài. Lẽ dĩ nhiên giờ đây để xây những cổng làng cho phù hợp với hệ thống và những phương tiện giao thông mới, mỗi làng cần có những bản thiết kế phù hợp với địa phương mình. Đồng thời, mỗi nơi cũng nên biến cổng làng của mình thành một địa chỉ văn hóa kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được không gian văn hóa làng với những mái vòm và chất liệu toát lên ngôn ngữ dân gian mang dấu ấn của địa phương.
Có thể thấy, một số nơi xây cổng làng cũng phần nào đạt được những yếu tố này, nhưng một số làng lại xây tựa như cổng chùa làm nhiều người ngỡ ngàng.
Những chuyện cổ tích sẽ trở về
Như ta đã biết, nhiều tỉnh ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ đã sao nhãng việc gìn giữ, tu bổ hoặc xây lại cổng làng, đó là một sự mất mát to lớn. Đơn cử như Hà Tây có gần 1500 làng, chứ không phải chỉ có 84 cái cổng làng cổ trong triển lãm ảnh đã được trưng bày. Vậy để xây những cổng làng khác nhau, ngoài những làng còn giữ được cổng làng đẹp như Đường Lâm (Sơn Tây) thì cần phải có những ý tưởng kiến trúc mang nét đặc thù của từng địa phương.

Xem ra, việc xây dựng cổng làng để gìn giữ nét văn hóa truyền thống đòi hỏi sự đóng góp của nhiều người, trong đó các nhà chức trách địa phương đóng vai trò rất quan trọng.
Bên cạnh cây đa, giếng nước, sân đình thì cổng làng bao giờ cũng có dấu ấn nổi bật như một lời chào hồ hởi của dân làng với du khách đến thăm. Và bao giờ cũng vậy, khi đến làng mọi người cũng dừng chân tại cổng làng và trầm trồ với những nét đẹp bí ẩn và đầy hấp dẫn của mỗi miền quê. Họ yêu nơi đây bắt đầu từ những câu chuyện cổ được ẩn giấu bao đời nay.