Đáng hoan nghênh một nhà nghiên cứu độc lập, một công trình, một đề tài độc lập. Cần phải có nhiều nhà nghiên cứu độc lập như thế mới thúc đẩy khoa học phát triển.
Bằng lời văn và tranh ảnh minh họa, tác giả đã cho người đọc thấy được cụ thể, sinh động các hình thức biểu hiện nền văn minh vật chất của người Việt, từ công cụ sản xuất, sản vật ăn uống đến kiến trúc, mỹ thuật lời ăn tiếng nói, hành vi... có những suy tư sâu, xem xét tương quan giữa bàn tay với công cụ lao động; luận về cái rìu, về trống đồng và thời đại Đông Sơn... ở những lĩnh vực mà anh có sở trường như mỹ thuật, kiến trúc, khảo cổ, đồ gốm... thì sự khảo cứu, bình luận là khá thấu đáo.
Có những khảo sát, nhận xét thú vị như tính cá thể, giá trị nhân văn trong các đồ vật thủ công thời tiền công nghiệp: “Kiểu thức đồ dùng thì chung... nhưng vót nặn cho riêng mình thì thêm bớt dài ngắn, to nhỏ có chút hình tượng... cái đó làm cho các đồ vật thủ công tiền công nghiệp đều có hồn và có tính kỷ niệm, có vẻ đẹp mộc mạc của tâm hồn nông dân trong sáng...” (Sđd, tr.607).
Phần đáng chú ý nhất của công trình này lại là ở những nhận xét, cảm nhận về văn minh công nghiệp, về công nghiệp hóa và những vấn nạn của nó: “Văn minh vật chất của bốn nghìn năm tiền công nghiệp đã tan biến chỉ trong bốn mươi năm manh nha phát triển công nghiệp... những giá trị tinh thần cũ tan biến như thế nào ta chưa ý thức được” (Sđd, tr.609).
“Rất có thể chúng ta tiến đến một xã hội có kinh tế phát đạt nhưng không có văn minh và văn hóa hoặc rất thấp, cái nghịch cảnh này dễ thường đẩy chúng ta xuống toa vét của chuyến tàu nhân loại” (Sđd, tr.609).
“Bãi rác vật chất công nghiệp có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu nếu nơi đó thiếu ý thức dân tộc” (Sđd, tr.606). “Nền văn minh vật chất của xã hội tiền công nghiệp ở Việt Nam đã thực sự lùi vào dĩ vãng, thực sự chết... Cái chết này cũng đã xảy ra ở những đất nước khác trong quá trình hiện đại hóa, như một tất yếu, nhưng lại chưa ai bàn đến dân tộc sẽ thay đổi thế nào, có hay hơn không sau khi văn minh nông nghiệp lụi tàn...” (Sđd, tr.600).

Bìa cuốn Văn minh vật chất của người Việt - tác giả Phan Cẩm Thượng
Chúng tôi chia sẻ mối băn khoăn day dứt, lo lắng như một ám ảnh của tác giả. Tiếp nhận văn minh công nghiệp là một quy luật, không phải bàn cãi. Vấn đề phải bàn là công nghiệp hóa như thế nào để có kinh tế phát đạt mà vẫn có văn minh, văn hóa.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà vẫn giữ được con người và văn hóa Việt Nam. Vấn đề không phải là chưa ai bàn đến, nhưng bàn trên một quy mô rộng lớn, bàn với một tấm lòng thiết tha da diết như Phan Cẩm Thượng, phải khảo cứu cả một nền văn minh vật chất đã chết, đã lụi tàn để đưa ra được những nhận xét như thế, thật đáng trân trọng.
Một số vấn đề cần trao đổi
1. Nếu xem văn minh vật chất tiền công nghiệp ở Việt Nam đã chết, đã lụi tàn, đã lui vào dĩ vãng thì bi đát quá. Hằng ngày, chúng ta dùng đôi đũa tre, ăn bát cơm tẻ, chan thìa nước mắm, ngọn rau, con cá... và về lâu dài vẫn còn phải dùng như thế.
Căn phòng bê tông cốt thép nhưng nội thất bằng đồ tre nứa song mây thì sang trọng tiện ích không kém, nếu không nói là hơn đồ gỗ, đồ giả da ngoại nhập hay theo kiểu ngoại nhập. Bát cháo hành của Thị Nở, di sản của Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, những bàn tay như của Nguyễn Tài Thu... là đáng kế thừa và phát huy!
2. Tác giả cho rằng, “Văn hóa sinh ra bởi một thời, thời đó không còn, văn hóa đó mất chức năng không có lý do để tiếp tục” (Sđd, tr.603). Thế thì làm gì có văn hóa truyền thống, văn hóa cộng đồng, văn hóa dân tộc? Liệu ông có đánh đồng văn hóa với vật dụng sinh hoạt không đây?
“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân giặc Ngô... há chịu làm tì thiếp cho người” (Bà Triệu). “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Nguyễn Trãi - thế kỷ 15). “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước” (Hồ Chí Minh - thế kỷ 20). “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” (Ca dao chưa xác định được niên đại)… có phải là văn hóa không?
3. Tác giả đưa ra lý luận về quá khứ thì rất hay nhưng khi vận dụng để biện hộ cho Nguyễn Huy Thiệp thì lại rất sai, hoặc là “sở dục không khách quan”. Cái khó là ở chữ Ta mà ông đã dùng. Ta là ai? Ta vì ai? Ta đứng ở đâu để nhìn về quá khứ. Đấy mới là vấn đề cốt lõi.
Đúng là “... trong quá trình giao chiến, hai bên bắt lính lấy lương vô tội vạ làm ảnh hưởng trầm trọng đến dân tình và họ cũng chẳng biết bên nào là chính bên nào là tà” (Sđd, tr.603). Có một lớp người vụ lợi như thế. Họ liếc tình với cả Quang Trung và Gia Long nếu họ được lợi. Họ oán giận cả hai nếu họ bất lợi. Họ cũng chẳng cần chính, tà mà chỉ cần có lợi. Làm sao họ biết đến đại nghĩa dân tộc. Làm sao họ hòa mình vào được khung cảnh hào hùng: “Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Bình Ngô đại cáo).
Lớp người này nếu quá tham lam mù quáng sẽ trở thành Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... và con cháu Gia Long, vua quan nhà Nguyễn đầu hàng giặc, để mất nước nhưng cố giữ lại cái ngai vàng của vương quốc “Đại Nam Trung Kỳ” bù nhìn là như thế. Nếu Quang Trung thất bại ở Rạch Gầm - Xoài Mút, thất bại ở trận Đống Đa thì tình hình sẽ ra sao?
Ngày nay nhìn lại quá khứ thời Quang Trung và Gia Long, thì nhà văn, kẻ sĩ, bậc quân tử... đứng vào đâu, hướng về đâu, vì ai mà nhìn nhận lại. Vì quốc gia dân tộc hay vì cái lớp người vụ lợi, bất phân chính tà miễn ta có lợi. Một con người vụ lợi như Nguyễn Huy Thiệp làm sao có thể khách quan được. Về Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi đã nói đến trên Văn Nghệ số 44 (ngày 30/10/2004) và trên Hồn Việt số 18 (tháng 12/2008), nên không nhắc lại.

Bữa cơm trưa ở nông thôn (Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20).
4. Một vài chi tiết cần minh định lại:
- “Những căn nhà ổ chuột của người lao động tứ chiếng còn tồn tại suốt thế kỷ, và khi Ngô Đình Diệm là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, nhiều căn nhà ổ chuột đã được xóa bỏ, thay bằng kiến trúc đô thị có khuynh hướng kiến trúc Mỹ” và “Hệ thống đường sá được tổ chức thuận tiện, mặt đường được làm tốt đến nỗi có thể dùng để máy bay hạ cánh...” (Sđd, tr.574).
Xin thưa rằng, miền Nam và Sài Gòn trước 1975 là thị trường tự do. Ai có tiền thì vào phố làm nhà, mua nhà. Còn dân nghèo vẫn phải tìm về các hẻm phố, các khu ổ chuột, bờ kênh, bờ rạch. Gần đây nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới thấy cái nặng nề khủng khiếp của các khu nhà ổ chuột. Đường phố máy bay hạ cánh được chỉ có xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, là kế hoạch chiến lược của người Mỹ. Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ nhận viện trợ để thực thi thôi. Đâu phải Tổng thống Diệm có công xóa nhà ổ chuột!
5. Họa sĩ Phan Bảo đã đóng góp ý dài và cụ thể. Nhưng sai sót trong cuốn sách vẫn còn rất nhiều, chỉ xin nêu mấy điểm chính.
- Tác giả rất giàu vốn tri thức sách vở, tư liệu trong các viện bảo tàng, sách tham khảo... nhưng tri thức đời sống nông thôn, nông nghiệp, người nông dân Việt Nam còn rất hời hợt, thể hiện ở hai hai loại sai sót:
a. Hiểu sai, suy luận sai về đời sống, về canh tác của cư dân nông nghiệp Việt Nam.
b. Các ngành nghề, các loại công cụ... mới chỉ mô tả bên ngoài, ở hình thức biểu hiện, ít được xem xét phần trí tuệ của nó. Xin được liệt ra:
Tác giả nói nhiều đến việc làm đất trồng lúa nhưng chưa thật sự hiểu việc làm đất cấy lúa, trồng màu. Cần thấy nông nghiệp từ miền Trung trở ra có hai thời kỳ: Chưa có nông giang nên không chủ động được tưới tiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào mùa mưa, mùa khô.
Chẳng hạn ở Thanh Hóa, từ năm 1939 mới có đập Bái Thượng. Phần hữu ngạn sông Chu được chủ động tưới tiêu. Phía tả ngạn vẫn phải dựa vào thời tiết tự nhiên. Đến sau này (sau năm 1960) mới có các trạm bơm. Vì vậy, có hai vụ: vụ mùa cấy lúa và vụ màu (sau khi gặt mùa) làm đất khô, gieo trồng ngô khoai đậu lạc…
Sau khi gặt phải chờ đất khô ráo mới cày vỡ, nhưng không để khô quá. Không phải tháo nước đi là cày được đâu. Làm ruộng phải tránh để đất chết, do cày khi đất chưa khô, hoặc ruộng nước cày lên không đủ nước ngâm, bị se mặt. Cày theo chiều dài thửa ruộng, không cày theo hướng gió. Và đồng không mông quạnh, gió thổi ngập tràn, luống cày cũng không cao, hướng gió không ảnh hưởng đáng kể.
Vì tác giả có nhắc đến việc cày theo hướng gió hai lần, ở các trang 189, 243, 244 nên không phải là sự nhầm lẫn, mà là một suy luận. Nhưng suy luận rất sách vở, rất sai. Nếu không biết cụ thể việc cày bừa trên đồng ruộng, rất dễ ngộ nhận, tưởng là đặc sắc! Những suy luận sai như thế có rất nhiều.
Chẳng hạn khi tác giả cho rằng: “Khi dùng mật trong xây dựng người ta thường đái vào đó một bãi để thợ khỏi ăn vụng” (Sđd, tr.297). Sao lại thế.Mật trộn vào vữa chỉ dùng trong các trường hợp quan trọng, trang trọng, linh thiêng như đắp đại bờ, đắp rồng đắp phượng, đắp cột lồng đèn, xây bể nước, trát mạch khi lát sân lát nền, ai dám đái vào. Và thợ khi làm những công việc đó, được đãi đằng chu đáo, thiếu thốn thèm lạt gì mà phải ăn vụng.
Một ngày của người Việt ở các lớp người như thầy đồ (sĩ), nông dân (nông), phó mộc (công)... được phác họa ở đầu sách chứng tỏ vốn sống nông thôn nông nghiệp của tác giả còn nông cạn lắm.
Người biết ăn không ăn lòng lợn vào buổi tối. Lòng lợn chỉ ngon sau khi luộc vào buổi sáng. Tiết canh cháo lòng đến nay vẫn là món khoái khẩu nhưng chỉ nên ăn vào buổi sáng. Trưa thì nguội, chiều lạnh ngắt. Tối có khi trở mùi, ôi thiu. Thầy đồ ham của tiếc mớ hàng ế mới ăn lòng lợn vào buổi tối.
- Tác giả hiểu rất qua loa và lại suy luận rất sai về nghề đánh bắt cá nước ngọt. Xưa, mùa đông mới là mùa nhiều cá và cá ngon: mùa hè cá sông, mùa đông cá đồng (tục ngữ). Không phải mùa đông lạnh, không đánh bắt được tôm cá mà chịu ăn chay đâu.
Tác giả cũng chưa hiểu hết các công cụ đánh bắt cá nên viết rất mâu thuẫn. Cùng trang 319, in ảnh minh họa người đánh giậm đang vác giậm, mà lại viết... “Xắn quần đi đánh giậm, vừa xục vừa đạp xua cá vào lưới”. Đi đánh giậm thì làm gì có lưới!
Có lẽ, tác giả chưa phân biệt được vó và te và các loại lưới, nên viết là cái vó bắt tôm làm bằng vuông vải. Đấy là cái te. Khi có vải màn, người ta làm bằng xô màn. Không phải trong thôn nhà nào cũng có mươi cái. Trong một thôn chỉ có một vài nhà kéo te kiểu này và phải có ít nhất hai chục cái trở lên. Mỗi lần kéo te, mỗi te chỉ được dăm ba con tôm gạo thôi, dồn nhiều cái nhiều lần mới được một mớ.
- Tác giả nói nhiều đến nhà, dựng nhà, vì kèo, kẻ, giá chiêng, chồng rường... nhưng cái cốt yếu khi làm nhà, dựng nhà lại không nói đến. Vì thế, minh họa của Henri Oreg rất sai về khung nhà mái tranh (Sđd, tr.120) vẫn để nguyên như thế.
Dựng một gian lều tranh, ba gian nhà gỗ, ngôi đình lớn hay cả cung điện Thái Hòa... đều cùng một nguyên tắc. Đó là sự liên kết các vì cột kèo, các hàng cột theo chiều dọc ngôi nhà và chiều ngang (chiều rộng) ngôi nhà bằng hệ thống hoành, xà, quá giang, thượng lương, ngạch (nhà gỗ) và giũn (nhà tre, luồng) phải thật sự vuông góc.
Mực thước phân minh ngang bằng sổ thẳng là nguyên tắc của nghề mộc, mấu chốt của các liên kết này là thắt mộng (nhà gỗ) và khoét cột chạy giũn (nhà tre, luồng). Nghĩa là trên lưới ngang dọc được liên kết chặt chẽ để có được không gian (lòng nhà) như ý muốn!
Thợ giỏi, khi dựng nhà, các mối liên kết kín khít. Nhìn cái kẽ chuyền đỡ đầu quá giang, ôm lấy cột cái, vươn ra ôm lấp cột hiên, đều kín khít tưởng như không lọt sợi tóc. Nhà tranh mà đầu cột chân cột không chạy giũn thì đứng vững làm sao được (Sđd, tr.120).
- Nghề đan lát cũng thế. Tinh túy của nghề đan là công thức đan (lòng một, lòng hai, lòng ba, lòng thúng, lòng thuyền...) không nắm được nên tranh minh họa trong sách Kỹ thuật của người An Nam rất sai mà vẫn không được ghi chú.
Thuyền thúng không bao giờ đan lòng hai mà phải đan lòng thuyền (bắt hai dè năm) là kết cấu tối ưu vừa kết chặt các nan vừa có độ trợt lướt tối ưu của con thuyền khi trôi nổi trên mặt nước. Tác giả chưa hiểu về đan thuyền, xảm thuyền.
Nghề đan lát của người Việt đạt trình độ nghệ thuật rất cao. Không chỉ đan bằng mây tre, mà còn bằng cây cỏ: Dệt chiếu đan buồm (vỉ buồm), dó, bị... bằng cây cói (Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy - tục ngữ). Ở Nam Bộ còn đan bằng cây bàng, đưng (cây năn, cây lác)... Đây là một nghề nên khảo sát kỹ.
- Đồ đồng gia dụng cũng hiểu rất sơ lược, có chỗ sai: “Mỗi gia đình cần có vài nồi đồng các cỡ, gọi là nồi ba, nồi bảy và nồi mười”. Câu văn đúng ngữ pháp nhưng nội dung không đúng. Nồi bảy và nồi mười thì nhà giàu mới có. Nồi đồng các cỡ được tính theo lượng gạo cho số người ăn.
Đầy đủ thì thế này: niêu (1-2 người ăn); năng (2-3 người ăn); nồi ba (4-5 người ăn); nồi tư (6-8 người ăn: Lếnh láng nồi tư lừ đừ nước mắt - tục ngữ Thanh Hóa); nồi năm (cho trên dưới 10 người ăn); nồi bảy (cho 15-20 người ăn). Nồi bảy có thể nấu được 10 cái bánh chưng loại vừa. Nồi mười, nồi ba mươi chỉ dùng trong dịp thật đông người, hội hè đình đám mổ trâu mổ bò. Ngoài nồi đồng còn có niêu đất (trách, trã); nồi điệp, nồi rang. Nồi đất ở Vồm (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) rất nổi tiếng.
Tác giả chưa hiểu nghề sơn tràng, chưa phân biệt được các loại tre, nứa, bương, luồng... Mùa mưa lũ thì không vào rừng được. Vừa không làm được, vừa nguy hiểm. Phải chờ đến mùa khô. Không ai dùng cây bương để dẫn nước (Sđd, tr.145) vì cây bương thân to, thịt dày, mắt cứng...
Còn rất nhiều những sai sót như thế. Đấy là những sai sót có thể khắc phục được nếu tác giả khảo sát thật kỹ đời sống nông thôn, nông nghiệp. Vừa phải nhìn vừa phải nghe. Cối xay lúa không kêu ồ ồ, mà cộng hưởng giữa các âm rào rào và ù ù. Chày giã gạo không kêu thình thình mà kêu thịch, thịch.
Đại khái như thế. Nếu tác giả biết dựa vào những người am hiểu nông thôn và nghề nông, các lão nông tri điền, các thợ thủ công lành nghề thế hệ bảy tám mươi tuổi thì có thể khắc phục được.

Phụ nữ thời Pháp thuộc. Ảnh: NXB Thế Giới.
Dù còn nhiều sai sót nhưng công trình của Phan Cẩm Thượng là rất đáng ghi nhận. Ít ra là một bộ tư liệu quý, rất phong phú để người sau thừa kế được. Đáng ghi nhận hơn là những suy nghĩ về văn hóa, văn minh truyền thống sẽ như thế nào khi phải chấp nhận văn minh công nghiệp. Đó là vấn đề cực kỳ khó khăn, cực kỳ cấp thiết mà Phan Cẩm Thượng đã nói lên một cách đầy tâm huyết.
Tháng 8/2011
(*) | Tác giả Phan Cẩm Thượng, NXB Tri Thức, Hà Nội, năm 2011. |