Được yêu…

Được yêu! Ai mà chẳng muốn được yêu? Có lẽ đó là khát vọng bền bỉ, thầm kín nhưng không kém phần mãnh liệt của tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi… thông thường, nói đầy đủ phải là “yêu và được yêu” thì đó mới là điều đáng mơ ước nhất. Có một nhà văn đã viết: “thuở nhỏ được cha mẹ thương yêu, khi trưởng thành có được tình yêu đôi lứa và khi già có tình yêu thương của con cháu, thì đó là một người hạnh phúc nhất”…

Yêu là chuyện dễ, được yêu mới khó́

Yêu là “quyền” cơ bản nhất của con người. Người ta có thể yêu ai đó, từ yêu thầm kín, yêu công khai, yêu đơn phương hay yêu đa phương, yêu chốc lát hay yêu dài lâu… nếu đó chỉ là chuyện riêng. Nhưng một khi muốn được yêu thì phải có người chịu “hợp tác”. Vì đó là chuyện cộng hưởng, chuyện tương tác… Nhiều khi được yêu lúc đầu nhưng lại thất bại về sau vì có người trở nên dễ ghét, biến thành “hung thần” trong nhà, làm sao mà vợ, chồng hay con, cháu họ yêu cho nổi?

Ca sĩ nổi tiếng của Mỹ là Michael Jackson vừa mới qua đời, báo chí nhắc lại một tuổi thơ khá buồn của ông và mối quan hệ không mấy tốt đẹp với người cha. Đó có thể là một người cha thành công khi biết sớm định hướng cho con là dùng âm nhạc để đổi đời, thoát khỏi nghèo khổ, thế nhưng cách đối xử hà khắc, với những trận đòn kinh hồn của người cha ấy dành cho “Michael mũi to” như cách ông thường gọi khiến tâm hồn nghệ sĩ, nhạy cảm của Michael sớm tổn thương sâu sắc và tạo ra cái hố ngăn cách mãi mãi. Trong di chúc, người ta thấy Michael không nhắc gì đến cha, có thể nói trái tim nhạy cảm chứa nhiều tình cảm lớn cho cả thế giới của Michael lại không có chỗ cho cha mình…

Có ai yêu nổi những… hung thần?

Ông T. là một người cao tuổi, có công trạng, gia tài ông để lại cho con cháu thật đáng kể bằng bất động sản, có giá trị đến cả nghìn lượng vàng ngay trung tâm quận 3, TP.HCM… Thế nhưng từ vợ đến con dâu, cháu nội đều xa lánh ông vì ông vô cùng khó tính, hay mắng mỏ, nhất là khi bỗng dưng bị gãy chân mằm một chỗ, mỗi khi ông sai bảo ai mà họ đến chậm hay làm không vừa ý là ông la lối hoặc ném mọi thứ đồ vật như bình, ly tách, gậy… trong tầm tay vào người họ. Vì thế ai cũng kiếm cớ để ra khỏi nhà và “khoán” ông cho người giúp việc, nhưng cũng ít người làm nào chịu đựng nổi ông quá vài tuần, dù được trả lương cao…

Nhưng cái tính “khó thương” của những người cao tuổi, những bậc sinh thành còn có phần nào dễ chấp nhận, thông cảm hoặc ráng chịu đựng. Chứ có những người chồng người vợ còn khá trẻ, dù được học hành đến nơi đến chốn cũng trở nên quá quắt sau một thời gian chung sống.

Cái chất “gia trưởng” và “mặc cảm quyền lực” còn khá ăn sâu trong tâm khảm những người đàn ông xứ ta khiến họ “cai quản” gia đình mình giống như một…lãnh chúa. Họ tự cho mình quyết định mọi việc, từ việc cho mình đi chơi, ăn nhậu và “quyền được hư hỏng” nhưng nếu vợ về trễ hay đi chơi với bạn bè, thậm chí có niềm đam mê về sự nghiệp hay một thú vui dù lành mạnh cũng bị chồng xem như kẻ tội đồ…

Anh Hùng là một kỹ sư mới ngoài 50 tuổi nhưng đã có cháu nội, cháu ngoại, còn “chiến hữu” nhậu nhẹt của anh thì nhiều vô kể. Vợ anh, chị Nhi cũng độ tuổi ấy nhưng còn khá đẹp, duyên dáng lại hiền lành, khéo léo. Ngày xưa anh phải “mòn đường chết cỏ”, phải “chiến đấu” với những “hiệp sĩ” mạnh hơn mình về nhiều mặt mới cưới được chị.


Ảnh minh họa.

Bây giờ con lớn, thảnh thơi, thỉnh thoảng chị cùng bạn học cũ đi uống cà phê hay rủ nhau đi chơi đâu đó nhưng chẳng mấy khi chị được yên với chồng. Biết rõ vợ đi với bạn gái nhưng anh vẫn chụp cho chị “cái mũ”… đi với trai để chị sợ hoặc dùng những lời lẽ thô thiển khủng bố tinh thần vợ… Chị bảo: “Thỉnh thoảng ổng cũng dịu dàng với vợ, nhưng đáng ghét như thế ai mà còn yêu cho nổi!”.

Đàn bà quá quắt, để làm gì?

Nhưng đâu chỉ đàn ông mới nóng nảy, khó chịu như… mặt trời. Mà phụ nữ vốn được ví như mặt trăng vì hiền dịu, xinh đẹp cũng trở nên gay gắt, cũng gia trưởng và “hành” người đàn ông một thời từng yêu họ say đắm. Nhiều người vợ cũng áp dụng kiểu “mạnh vì gạo bạo vì tiền” ngay trong gia đình. Nguyệt là một phụ nữ khá đảm đang, kiếm ra tiền thế nhưng mới đây lần lượt con trai chị bỏ nhà đi bụi rồi chồng chị bỏ nhà… đi chơi. Được hỏi, ai cũng bảo ở nhà với chị, họ được lo cho chu đáo thế nhưng làm cái gì chị cũng chê và không vừa ý là… quát, kể cả trước mặt họ hàng bạn bè của chồng con. Ông chồng kể “Bả chẳng biết tế nhị là gì”.

Trong một đám cưới, có nhiều nhân viên cũ của một cơ quan cũng được mời, mọi người nghe ông tiến sĩ Trương, nguyên là giám đốc của họ nay đã về hưu cũng có mặt, mọi người đến chào ông đồng thời cũng chia buồn vì vợ ông mất hơn nửa năm, khi bà mới ngoài 50. Họ ngạc nhiên vì thấy ông hồng hào, tươi tỉnh hẳn ra dù đang sống một mình, cậu con trai duy nhất đang sống ở nước ngoài. Mọi người xì xầm “Trông ông khỏe hẳn ra nhỉ?” vì họ ngầm hiểu rằng người đàn ông hiền lành chân chất ấy đã thoát được bà vợ đua đòi, phù phiếm, chua ngoa chẳng phù hợp với bản chất một người làm khoa học giản dị và trung thực như ông.

Tháng trước, chị Hà, một phụ nữ trung niên trí thức, xinh đẹp, sang trọng và khá thành đạt đến viếng lễ tang một cụ bà ngoài 80 vừa qua đời. Bà không có gì đặc biệt, xuất chúng so với nhiều phụ nữ khác và cũng không thân thiết lắm với chị… Chị bảo “Không ai cầm được nước mắt khi thấy cảnh cụ ông, đã gần 90 vốn còn mẫn tiệp, ngồi cạnh, vịn tay vào quan tài vợ không muốn rời và khóc nức nở, mái tóc bạc trắng cứ rung lên.

Người thân của họ kể, là một người đàn ông mạnh mẽ, trụ cột của gia đình khi trẻ và chỗ dựa tinh thần của con cháu sau này. Nhưng khi vợ qua đời, dù không bất ngờ vẫn khiến ông hụt hẫng, đau đớn vì ông rất yêu bà!”… Chị bỗng “ngộ” rằng người phụ nữ bình dị ấy có được một điều rất lớn mà nhiều phụ nữ hiện đại như chị không có: “Được yêu”.

Thật ra, với truyền thống của người Việt Nam, mọi người sống trong gia đình rốt cuộc rồi họ vẫn thương yêu nhau, cho dù có người nào đó trở nên khó tính, đáng ghét, luôn làm khó hoặc “hành hạ” những người thân yêu của mình bằng nhiều cách, vô tình hoặc cố ý… Cho dù tình yêu thương ấy nhuốm màu sắc chịu đựng, pha mùi vị đắng cay hoặc luôn căng thẳng vì “sống trong sợ hãi”… Nhưng “được yêu” như thế phỏng có sung sướng gì? Sao không đáng yêu để được yêu một cách ngọt ngào như mật và êm ái như ru, được cho cả đôi bên?

THÚY ÁI