Hầu hết ở mỗi con người đều tồn tại một nhu cầu dai dẳng, gần như bất tận, đúng hơn là một khát vọng vô cùng mãnh liệt từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời. Đó là khát vọng được yêu thương.
Còn theo các nhà ngoại cảm thì không chỉ người sống mới cần được yêu thương mà người chết cũng vậy. Những linh hồn cũng quyến luyến người thân của mình, cũng sợ bị lãng quên, đau khổ khi bị bỏ rơi! Còn gì lâng lâng hạnh phúc hơn khi được ai đó thương quý mình, đặc biệt là những người thân thiết trong gia đình như cha mẹ, anh chị em, con cháu… và nhất là tình yêu của đối tượng mà ta đau đáu hướng về, là người ta yêu dấu, người bạn đời đầu ấp tay gối…
Theo các nhà nghiên cứu thì ngay khi còn nằm trong bụng trẻ đã cần có được tình yêu thương từ cha mẹ qua những cử chỉ vuốt ve, âu yếm, lời nói dịu dàng… Và điều đó giúp thai nhi phát triển tốt. Khi đứa bé mới ra đời, biết tìm vú mẹ thì đó cũng là lúc nhu cầu yêu thương xuất hiện ở chúng rõ rệt hơn. Hầu hết những đứa trẻ được cha mẹ bồng ẵm, cưng nựng, hôn hít chúng cảm thấy bình yên vui vẻ, mau lớn, khỏe mạnh, thông minh hơn…
Có điều thật kỳ diệu là ở trẻ con, chúng thật tự nhiên để toát ra vẻ đáng yêu ở nhiều góc độ, như tóc tơ mềm mại, hơi thở thơm tho, tiếng cười trong trẻo, giọng nói bi bô, ánh mắt trong veo, bước đi chập chững, lời nói ngây thơ… khiến người ngoài nhìn cũng thấy thích thú, muốn biểu lộ tình cảm trìu mến, có những cử chỉ thân mật với chúng. Cho nên dù trẻ không đòi hỏi, không cần đến “kỹ năng” chinh phục nhưng chúng vẫn được yêu.
Còn khi lớn hơn, đến tuổi trưởng thành nhiều người đã mất đi khả năng đó, một số người trở thành… đáng ghét, dù từ trong sâu thẳm của trái tim họ lại muốn được yêu! Phổ biến nhất của tình trạng này là sau khi kết hôn một thời gian.
Với cánh nam giới ở xứ ta, theo sự “tố cáo” của vô số bà vợ là người đàn ông họ từng yêu thương mê đắm vì vẻ hào hoa, ân cần, tình tứ, đáng yêu… bỗng “trở mặt” thành ông chồng nếu không độc đoán, gia trưởng thì cũng cục cằn, lười biếng, nồng nhiệt với người ngoài, thờ ơ với người trong nhà…
Còn đàn ông cũng phải “ngậm đắng nuốt cay” khi cô thiếu nữ duyên dáng, dịu dàng, hiền hậu mà họ si mê, phải trồng cây si suốt thời gian dài, phải khó nhọc lẫn tốn kém khá nhiều vì khoản “tình yêu phí” mới rước được nàng về dinh… Thế mà chẳng bao lâu nàng trở thành mụ đàn bà lắm điều, hung hăng, có khi… hiện nguyên hình là một ả “sư tử Hà Đông” hay ghen tuông, quản lý chồng cứ như quản… tù nhân!
Có anh chồng trẻ mới hơn 30 tuổi, cưới vợ vừa tròn năm đã tìm cách đi ra ngoài “ăn bánh trả tiền”. Bạn bè hỏi có phải do vợ anh“yếu”, không đáp ứng được nhu cầu chăn gối của chồng hay sao. Anh bảo không phải vậy, trái lại, nhu cầu “đòi yêu” của nàng rất mãnh liệt, thế nhưng vì nàng hung dữ quá, dù với người giúp việc trong nhà hay với nhân viên ở cơ quan… Thế là anh bị ám ảnh, bị “ấn tượng” khi gần vợ cứ thấy sờ sợ và mọi cảm hứng đành tiêu tan…
Còn vợ chồng anh B. rất đẹp đôi, vợ tự hào vì chồng cao lớn, khỏe mạnh, sống có trách nhiệm với gia đình. Chồng cũng hài lòng vì có hai mặt con rồi mà vợ vẫn thon thả, duyên dáng, lại đảm đang, chăm chút chồng con chu đáo. Chỉ có điều anh B. không vui là mỗi khi anh xáp đến gần vợ để “đòi yêu” thì chị luôn tìm cách đẩy anh ra, hoặc có “hợp tác” cũng tỏ ra miễn cưỡng chứ không “tương tác” say đắm như thời gian ban đầu.
Có lúc anh đâm ra nghi ngờ rằng vợ không còn yêu mình hoặc ngoại tình. Để ý theo dõi vợ một thời gian dài anh thấy không có biểu hiện nào của sự phản bội. Chị là người vợ rất tốt. Anh không biết rằng kẻ “tình địch” chính là hơi thở nặng mùi của mình. Không hiểu sao, vài năm trở lại đây mới xuất hiện cái mùi… ác nhơn đó.
Vợ anh vì tế nhị không nói thẳng mà nói xa nói gần rằng anh nên đánh răng thường xuyên, còn mua cả nước khử mùi Listerine cho chồng, thế nhưng anh hay quên… Cho nên cái mùi ấy khiến chị phải… nín thở khi được chồng yêu và lâu dần biến thành sự chịu đựng hơn là thưởng thức!
Với tuổi xế chiều, không gì hạnh phúc hơn là sống vui vầy giữa con cháu, được chúng quyến luyến, yêu thương. Nhiều người làm lụng, chắt bóp cả đời, có cả một đống của rồi cho hết con cháu, không tiếc gì, chỉ mong được chúng đáp lại bằng tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc là đủ. Con cháu lắm khi biết ơn trời biển đó nhưng cũng không thể yêu thương, trìu mến họ được. Vì những người già thường mắc một hội chứng khá phổ biến, là sự khó tính.
Đó là những người hay cằn nhằn, cau có, khó làm họ vừa ý. Không ít ông bà già quá cổ hủ, họ thể hiện sự quan tâm, giáo dục của mình bằng cách phê phán, chỉ trích hoặc la rầy, thậm chí là đánh mắng con cháu. Lớp trẻ bây giờ không thể tiếp thu cách “biểu lộ” tình cảm như vậy nên chúng thường tránh xa kiểu… kính nhi viễn chi!
Một bà cụ vốn là cán bộ cao cấp về hưu, đang sống trong một biệt thự rộng lớn ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Trong tòa nhà sang trọng ấy, có đủ con cháu… Căn phòng riêng của bà như một căn hộ cao cấp đầy đủ tiện nghi, bà tự nấu ăn một mình, suốt ngày mở ti vi cho… “có tiếng người” như lời bà nói, bởi gần như con cháu hiếm khi bén mảng đến phòng.
Vì bà rất khó tính, không hài lòng điều gì bà có thể ném vào con cháu bất cứ cái gì trong tay. Cũng không người giúp việc nào chịu nổi bà, dù được trả lương rất cao nhưng làm một thời gian là họ… trốn biệt. Không ít người quen thỉnh thoảng đến thăm thấy bà rất cô đơn, tuy sống phong lưu nhưng ngẫm lại cuộc sống còn thua xa một bà già ở nhà quê mái tranh vách đất nhưng có con cháu quấn quýt.
Được yêu thương là nguồn hạnh phúc vô tận, một quyền lợi chính đáng, nhân bản nhất của tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi. Yêu thương dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào luôn là thứ quả ngọt mà người cho lẫn người nhận đều được hưởng như nhau. Nhưng để “hái” được loại “đào tiên” ấy, mỗi người cũng phải trải qua lắm gai góc, đớn đau trong việc sửa mình.