Ca khúc cho học sinh: thừa và thiếu

Tại hội thảo khoa học Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay, thực trạng và giải pháp vừa diễn ra tại Hà Nội, các nhạc sỹ, giảng viên cho rằng, hiện nay, ít xuất hiện những ca khúc hay dành cho học sinh. Nhưng bên cạnh đó, do thiếu sự quảng bá, dàn dựng, nhiều tác phẩm vẫn chỉ nằm trên giấy.

Thiếu ca khúc cho tuổi hồng

Trong nhà trường phổ thông, học sinh các cấp từ Tiểu học, THCS đến THPT, là những đối tượng cần âm nhạc và âm nhạc phải phục vụ cho các đối tượng này. Thực tế, hơn nửa thế kỷ qua, kể từ sau cách mạng tháng 8.1945, hàng ngàn, hàng vạn bài hát đã ra đời, nhiều tác phẩm đã đi vào đời sống đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của các em. Tuy nhiên, nghệ thuật không đứng yên mà luôn có nhu cầu tìm tòi, sáng tạo. Dù có nhiều tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng, được các thế hệ học sinh ưa thích, nhưng cũng cần có tác phẩm mới đáp ứng thị hiếu thưởng thức ngày càng cao của công chúng.

Tuy nhiên, những năm gần đây ít xuất hiện những bài hát hay, có sức lan tỏa rộng rãi. Đặc biệt, ca khúc cho học sinh phổ thông trung học, hay còn gọi là “tuổi hồng”, đang thiếu trầm trọng. Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích cho biết: “Trong cuộc thi Tiếng hát tuổi hồng của ngành giáo dục, vòng chung khảo toàn quốc thường có trên dưới 200 tiết mục, vòng sơ khảo cấp tỉnh có số lượng tiết mục gấp khoảng 30 lần, nên phải lặp lại nhau, lặp lại bài thi nhiều năm trước. Hơn nữa, danh mục bài hát hay cần phải bổ sung, có như thế, hội thi của các em sẽ mới mẻ về hình dạng và ngôn ngữ nghệ thuật, theo sát sự tăng trưởng học vấn và thẩm mỹ của tuổi trẻ học đường”.

 

Nhiều cuộc thi vận động sáng tác cho lứa tuổi học sinh đã được tổ chức và ít nhiều đều có những bài hát đọng lại. Nhưng gần đây, việc làm này cứ thưa dần và gần như vắng bóng. Trước đây, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã thành lập ban sáng tác cho thiếu nhi và tổ chức một số hội thảo chuyên đề về thiếu nhi, nhưng từ năm 1989, tổ chức này không còn nữa, sáng tác cho thiếu nhi được phân về các ban thanh nhạc, chi hội nhạc sỹ tại các tỉnh, thành phố...

 Đến nay, số nhạc sỹ viết nhạc cho thiếu nhi thật hiếm, các tác giả thành danh thì tuổi đã cao, số lượng nhạc sỹ trẻ hiện rất đông nhưng không mặn mà sáng tác cho lứa tuổi này. Cũng có một số ca khúc ra đời nhưng lại nhạt nhòa về nội dung nên bị lãng quên ngay khi mới xuất hiện. Theo nhạc sỹ Hoàng Long, thời gian tới, các nhạc sỹ nên khai thác sinh hoạt thường nhật và những sự việc, sự vật gần gũi với đời sống tuổi thơ. Nội dung bài hát phải gắn với tình cảm và suy nghĩ của trẻ em. Về âm nhạc, tăng cường khai thác âm nhạc dân gian, âm hưởng dân ca các vùng miền để xây dựng tác phẩm. Ngoài ra, âm nhạc thịnh hành của giới trẻ bây giờ mang tính tiết tấu, phá cách, có nội lực. Các em thích Giấc mơ trưa của Giáng Son, Ôi quê tôi của Lê Minh Sơn... cả lối hát và diễn sôi động, mãnh liệt của pop, rock. Do đó, trong các món ăn tinh thần về âm nhạc cung cấp cho học sinh cần có sự đa dạng.

Nhiều tác phẩm nằm trên giấy

Điều nghịch lý là trong khi ca khúc cho học sinh được cho là thiếu, thì vẫn có rất nhiều tác phẩm không được các em biết tới. Nhạc sỹ Trần Lệ Chiến nhận xét: nhiều bài hát có nội dung tốt, mang tính định hướng, nhưng ít được giới thiệu, quảng bá, nên vẫn nằm trên giấy. Trong khi một số sáng tác tuy không có chất lượng nghệ thuật nhưng vì nhiều lý do lại đang được giới thiệu tràn lan trên các sân khấu biểu diễn, qua các ấn phẩm băng, đĩa nhạc, phương tiện thông tin đại chúng... và ảnh hưởng không nhỏ tới thị hiếu của thanh thiếu nhi. Như vậy, sáng tác ca khúc cho nhà trường phổ thông thừa nhưng vẫn thiếu. Cái thiếu ở đây là sự định hướng trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục và vì thế, sự tiếp cận với tác phẩm mới rất hạn chế.

Đồng tình với ý kiến trên, giảng viên khoa Sư phạm âm nhạc - Mỹ thuật, ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Thị Hải phân tích: “Ngoài yếu tố âm nhạc hay, lời ca đẹp, thì một yếu tố quan trọng để một ca khúc được đến với trái tim tuổi thơ là quảng bá ca khúc, phối khí, dàn dựng. Muốn ca khúc đến được với đông đảo học sinh, được các em lựa chọn trong các chương trình văn nghệ thì ca khúc đó phải được đầu tư về âm nhạc, có nhạc nền sẵn và hay. Trong khi cái khó nhất của các thầy cô dạy âm nhạc trong các trường tiểu học và THCS là làm nhạc đệm cho các bài hát. Chính vì thiếu nhạc nền hay mà nhiều ca khúc có chất lượng tốt vẫn chưa được khai thác, phổ biến”.

Về điều này, nhạc sỹ Lân Cường gợi ý: các trường mong muốn dàn dựng các tiết mục cho học sinh có thể yêu cầu Hội Nhạc sỹ giúp đỡ. Hội có các nhạc sỹ chuyên dàn dựng cho các trường như nhạc sỹ Vũ Trọng Tường. Điều này mở ra hướng kết hợp giữa nhạc sỹ và nhà trường. Mặt khác, để các cuộc phát động sáng tác có kết quả tốt, những ca khúc có giá trị tham dự cuộc sáng tác cần in thành sách và thu âm để đưa vào các trường, thì tác phẩm mới có thể đến với các em...

Âm nhạc cho thanh thiếu nhi là một bộ phận của nền âm nhạc Việt Nam. Tuy chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng có tầm quan trọng đặc biệt, bởi nó liên quan tới đời sống tinh thần của hàng chục triệu công chúng nhỏ tuổi. Bởi vậy, cần có sự quan tâm của các nhạc sỹ, nhà trường cũng như vai trò của truyền thông giới thiệu, phổ biến và xã hội hóa âm nhạc theo nhiều cách.

Theo Đại Biểu Nhân Dân

LÊ THỦY