Ca sĩ Bạch Yến: Tôi hạnh phúc được về nguồn

CÁT VŨ (thực hiện)

Giữa tháng 10/2009, ca sĩ Bạch Yến lần đầu tiên trở về nước biểu diễn sau gần nửa thế kỷ xa xứ. Những người hâm mộ đã được trực tiếp nghe lại chất giọng trầm khàn độc đáo của chị trong từng bài hát. Đặc biệt, vào tối ngày 9/11/2009, cũng lần đầu tiên tại quê nhà đã diễn ra một buổi giao lưu và biểu diễn nhạc dân tộc giữa Bạch Yến – con dâu, nhạc sĩ Trần Quang Hải – chồng và GS-TS Trần Văn Khê – cha chồng tại tư gia của của GS Trần Văn Khê ở đường Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh, TP.HCM…

- Đã gần 50 năm đi hát và định cư ở nước ngoài, duyên cớ nào giờ đây chị mới có chuyến trở về hát tại quê nhà?

Ca sĩ Bạch Yến: Tôi hiện sống cùng chồng ở Paris. Một hôm bỗng nhận được một cú điện thoại từ Việt Nam của một người phụ nữ không quen nói thông qua sự giới thiệu của ca sĩ Phương Dung muốn mời tôi về hát tại phòng trà Văn Nghệ của chị ở TP.HCM. Đã lâu không về Việt Nam và cũng không còn hát nhạc mới nên tôi hơi ngại, nhưng rồi tôi cũng thử “liều” một phen, mặc dù về Việt Nam hát cho người Việt Nam nghe, tôi vẫn sợ bị quên lời. Và tôi thật sự xúc động khi được dịp trở về thăm nhà và khán giả đến nghe mình hát không chỉ có người đứng tuổi mà có nhiều gương mặt trẻ.

- Vì sao đang là ngôi sao tại các phòng trà Sài Gòn vào những năm của thập niên 60 thế kỷ XX, chị lại bỏ hết để đi hát ở nước ngoài?

- Thuở thiếu niên, nhờ có giọng ca, tôi đã đoạt huy chương vàng ca nhạc thiếu nhi của Đài phát thanh Pháp Á năm 1953 và đi hát chính thức từ năm 1956. Một năm sau, tình cờ có người đưa cho tôi bài Đêm Đông và tôi đã thử đổi từ điệu tango sang slow rock, không ngờ buổi trình diễn đầu tiên tại phòng trà Kim Sơn thành công ngoài sức tưởng tượng. Năm 1961, vì muốn được học hát chuyên nghiệp hơn, tôi đã sang Pháp học thanh nhạc trong hai năm và tôi đã thu được 3 đĩa hát trong thời gian này.

Tôi trở về nước hát được một năm nữa thì gặp hai người Mỹ. Họ thích giọng hát của tôi và giới thiệu tôi cho chương trình Ed. Sullivan show đang rất nổi ở Mỹ. Tôi ký hợp đồng sang Mỹ diễn 2 tuần, chẳng ngờ qua đó, tôi lại được nhiều chương trình khác mời, diễn gần hết các tiểu bang ở Mỹ. Những lời mời này đã giữ chân tôi lại đến 12 năm, từ năm 1965 đến năm 1977, chỉ khi gặp và lập gia đình với anh Hải, tôi mới rời Mỹ sang định cư ở Pháp từ năm 1978 cho đến nay.


Từ trái sang: GS Trần Văn Khê tại nhà riêng với Nhạc sư Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Trần Quang Hải và ca sĩ Bạch Yến. Ảnh: Thúy Bình

- Một ca sĩ đã từng đi hát ở nhiều nước trên thế giới bằng những thứ tiếng khác nhau như chị, vì sao lại chịu dừng chân, bỏ hết để về làm vợ và hát nhạc cổ truyền Việt Nam cùng với chồng, nhà nghiên cứu nhạc dân tộc Trần Quang Hải?

- Chắc là do duyên số. Hồi nhỏ, tôi nghĩ khi lớn lên sẽ lấy chồng để có người nương nhờ. Nhưng khi đi hát thành danh, tự sống được một cách thoải mái, tôi lại thấy không cần phải lấy chồng làm gì. Vậy mà không hiểu sao khi anh Hải nói mình cưới nhau đi, tôi lại gật đầu liền. Tôi vốn đã từng biết anh từ năm 1963 khi tôi chuẩn bị từ Pháp về Việt Nam sau 2 năm học thanh nhạc. Lần đó, ở Paris, tôi có dịp làm việc chung với nhạc sĩ Trần Văn Khê trong một chương trình truyền hình của Pháp. Ông chỉ vào một thanh niên rất giống ông và giới thiệu là con trai ông mới từ Việt Nam sang. Sống ở Mỹ nhưng mùa hè nào tôi cũng sang Pháp nghỉ ngơi.

Năm 1978, tình cờ gặp lại anh trong một đại nhạc hội do một người bạn Việt tổ chức ở Paris, anh Trần Quang Hải mời tôi đi ăn cơm. Sau bữa cơm, anh nói “mình cưới nhau đi”, tôi tưởng anh đùa nên cũng đùa “ừ, cưới thì cưới”, chẳng dè anh ấy làm thật, hai tuần sau tổ chức đám cưới luôn. Anh nói anh thích con người của Bạch Yến, không màng đến chuyện Bạch Yến nổi tiếng thế nào. Còn tôi thấy anh hiền lành, chân thành, đáng để mình đặt niềm tin. Mà đúng vậy, càng sống, chúng tôi càng hiểu nhau, càng thương nhau.

Tôi nhận ra, hôn nhân của chúng tôi là một cuộc khám phá đầy thú vị, làm vợ rồi mới tới làm bạn, rồi sau cùng mới làm người yêu. Nghe anh thuyết phục có lý nên ngay khi mới về với nhau, tôi dứt khoát bỏ hát tân nhạc, 15 năm ròng rã không nghe nhạc mới, chỉ chuyên tâm học hát nhạc cổ truyền Việt Nam. Càng tiếp cận, tôi càng yêu thích. Tôi như được chồng dắt vào một vườn hoa âm nhạc Việt Nam thấy nhiều hoa đẹp, hoa thơm nên thích quá, tình nguyện theo luôn. Cũng nhờ đi hát cùng anh, được tìm hiểu sâu về văn hóa phong tục dân tộc, tình yêu quê hương trong tôi đã trỗi dậy rất mạnh.

Đi hát lần nào chúng tôi cũng mặc trang phục truyền thống, anh áo dài khăn đóng, còn tôi áo nâu sòng hoặc áo tứ thân, năm tà, đi guốc mộc, hài đen, vấn khăn đen… Chúng tôi đi biểu diễn là đi làm văn hóa, đi truyền bá văn hóa dân tộc chứ không chỉ là làm văn nghệ. Lần nào hát xong, chúng tôi cũng giới thiệu văn hóa Việt Nam qua trang phục, qua nhạc cụ… Cả tôi và anh Hải đều cảm thấy rất hạnh phúc khi được trở về nguồn, về với âm nhạc cổ truyền của dân tộc mình.

- Nghe đâu Bạch Yến nấu ăn cũng rất khéo. Chị học nấu ăn từ lúc nào?

- Thú thật trước kia tôi đâu biết nấu nướng gì. Từ tuổi mới lớn đã đi hát phòng trà, vũ trường và chỉ có biết hát và hát thôi. Nhưng tôi may mắn có được mẹ đi theo chăm sóc. Ban ngày nấu cho tôi ăn, buổi tối, tôi đi hát ở đâu, mẹ theo đó, kể cả lúc tôi ở Pháp và ở Mỹ. Mẹ tôi nấu ăn rất ngon, bảo tôi cứ lo hát, khi nào lấy chồng học nấu ăn sau. Nhưng khi bất ngờ gật đầu về sống chung với anh Hải, tôi chưa kịp chuẩn bị nữ công gia chánh gì.

Tôi nói với anh tôi không biết nấu ăn đâu nghen, anh bảo không sao, anh sẽ nấu cho tôi. Nhưng khi tôi thử làm món đầu tiên thịt kho tiêu, anh ăn rồi khen nức nở. Thế rồi mỗi tháng, anh mua về một cuốn sách dạy nấu ăn, tôi cứ coi đó mà làm. Thế là tôi rơi vào “bẫy” của anh lúc nào không biết. Được chồng khen, tôi ráng nhớ lại xem mẹ đã từng nấu cho món gì ngon, đi đâu ăn gì ngon cũng xin cho được công thức, người ta nghe mình hát thấy thương nên luôn chỉ dẫn tận tình. Nhờ vậy, lâu dần tôi thành bà nội trợ giỏi, lâu lâu cũng biết làm cơm đãi khách, tập cho các bạn Pháp ghiền ăn món Việt Nam.

- Bao năm ở nước ngoài, chị có làm nghề gì khác ngoài nghề hát?

- Tôi may mắn sống hoàn toàn bằng nghề hát. Đến bây giờ, khi không còn trẻ nữa vẫn được người ta mời hát. Quả là không có gì hạnh phúc bằng. Tôi và anh Hải mỗi năm đi hát hằng trăm buổi cho người lớn và trẻ em ở nhiều nước châu Âu cũng như tham dự nhiều cuộc Hội nghị về âm nhạc dân tộc quốc tế.

- Xin cảm ơn chị.